tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-07-2017

  • Cập nhật : 25/07/2017

Việt Nam sẽ cần 480 tỷ USD trong 4 năm tới cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

Nếu không thể đáp ứng mức ngân sách này cho đầu tư hạ tầng, Việt Nam có nguy cơ gặp điểm “nghẽn” tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực.

Theo bài báo của tác giả David Hutt đăng trên Asia Times, Việt Nam cần ít nhất 480 tỷ USD trong 4 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng và dự án thiết yếu trên toàn quốc. Các dự án này bao gồm dự án sân bay tại TP. Hồ Chí Minh giá trị 16 tỷ USD, dự án Đường cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội ước tính 14 tỷ USD và một loạt đường nối các siêu đô thị lớn tại hai thành phố.

Các chuyên gia cho rằng nếu không đáp ứng đủ ngân sách cho việc đầu tư hạ tầng, Việt Nam có thể sẽ bị gặp điểm nghẽn tăng trưởng trong các lĩnh vực như vận tải, vận chuyển. Điều này có thể hình dung được khi tình trạng giao thông bế tắc thường xuyên xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hiện nay, Việt Nam đang săn tìm các nhà đầu tư (NĐT) tư nhân trong và ngoài nước tham gia. Trong 2 năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang có những bước tăng trưởng. Trong nửa đầu năm 2017, khoảng 7,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chảy vào Việt Nam, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2016, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục với 15,8 tỷ USD. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã chạm mức cao nhất trong 9 năm, với sự tham gia tích cực của khối ngoại.

nguon anh: reuter

Nguồn ảnh: Reuter

Quay trở lại với việc kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào dự án hạ tầng, vừa qua Tập đoàn Vingroup đã ký một bản ghi nhớ trị giá 5 tỷ USD để đầu tư đường sắt tư nhân đầu tiên tại Hà Nội. Không lâu sau đó, Keximbank - ngân hàng quốc doanh của Hàn Quốc, và Siemens AG của Đức cũng tuyên bố cùng quan tâm đến dự án tàu điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hiện tại, đầu tư tư nhân đóng góp khoảng 10% cho các dự án cơ sở hạ tầng hiện có ở Việt Nam. Trong khi theo ước tính, với khoản tiền 480 tỷ USD trong 4 năm tới, Chính phủ chỉ có thể đóng góp 1/3 trong số đó và như vậy phần còn lại sẽ cần đến từ khu vực tư nhân. Theo đó, các đơn vị tư nhân sẽ trở thành một phần lớn của phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, đây là một sự thay đổi về căn bản của quốc gia. (NDH)
--------------------

Xe công mới dùng năm 2010 đã thanh lý

Một số bộ, địa phương thanh lý hàng chục xe công khi chưa đủ điều kiện, thậm chí có những chiếc còn thiếu tới 9 năm. 

Theo báo cáo kiểm toán 2016 do Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản đến ngày 8/3/2017 mới chỉ có 23 trong tổng số 28 bộ, cơ quan trung ương và 19 trên 50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý sau khi rà soát có 2.334 xe dôi dư. 

Tuy nhiên, ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm. Bên cạnh đó còn có tình trạng thanh lý ôtô chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng theo quy định. Tình trạng này xảy ra tại 2 bộ là Tài chính và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Cụ thể, Bộ Tài chính thanh lý 93 chiếc (trong đó đã thanh lý 41 chiếc, đang triển khai thủ tục bán đấu giá 11 chiếc và đang hoàn thiện  hồ sơ để thanh lý 41 chiếc) có thời gian sử dụng từ 2002 đến 2007 (thiếu từ một đến 6 năm). Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thanh lý 13 chiếc có thời gian sử dụng 2002-2006 (thiếu 1-5 năm)

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại 4 địa phương khác. Cụ thể, thành phố Cần Thơ thanh lý một chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2010, thiếu tới 9 năm. Theo báo cáo, xe đã có số km sử dụng từ tháng 10/2010 đến thời điểm thanh lý tháng 11/2016 là 333.183km; tỉnh Đồng Nai thanh lý 7 có chiếc thời gian sử dụng từ 2002 đến 2009, thiếu 1-8 năm; tỉnh Bình Thuận thanh lý 6 chiếc có thời gian sử dụng 2002-2006, thiếu 1-5 năm; tỉnh Điện Biên thanh lý 4 chiếc có thời gian sử dụng 2003-2005, thiếu 2-4 năm.  (Vnexpress)
--------------------

Nhờ Trung Quốc, cổ phiếu thép thế giới "bốc đầu"

Cổ phiếu các công ty thép đang được giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2011 phần lớn là do sản lượng của Trung Quốc bị cắt giảm.

Nhu cầu thép của Trung Quốc - quốc gia sản xuất tới một nửa lượng thép trên toàn thế giới, tăng mạnh trong năm nay. Trong khi đó, chính phủ thực hiện một loạt các chương trình giảm trữ lượng và sản lượng thép trong nước, điển hình như đóng cửa các nhà máy hoạt động kém hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng thừa thép trên thị trường và ô nhiễm không khí.

Trung Quốc cắt giảm khoảng 120 triệu tấn thép chất lượng thấp trong nửa đầu năm nay nhằm giải quyết tình trạng thừa sản lượng, đồng thời đối phó với ô nhiễm môi trường.

Riêng tỉnh Hà Bắc - nơi được mệnh danh là thủ phủ ngành thép, có tới 104 nhà máy chiếm 1/4 sản lượng Trung Quốc. Tỉnh này cam kết cắt giảm sản lượng tới 31,17 triệu tấn đến hết năm 2017 và 49,13 triệu tấn vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy thép tại thành phố Langfang và Zhangjiakou.

Đầu tháng 7, cơ quan giám sát chất lượng của Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập các đội kiểm tra và chọn ngẫu nhiên 100 nhà máy thép để kiểm tra chất lượng. Tổng cục Giám sát và Kiểm tra Chất lượng và Kiểm dịch cho biết đối với các nhà máy bị phát hiện sản xuất thép chất lượng thấp có thể sẽ bị tước giấy phép sản xuất nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong tháng 8 tới.

Nhu cầu tăng, sản lượng giảm đã khiến "ông lớn" ngành thép trên thế giới phải thắt chặt xuất khẩu. Tất cả những yếu tố cộng hưởng này cùng lúc khiến giá thép phục hồi mạnh trở lại và giúp thước đo về nhóm cổ phiếu thép toàn cầu của Bloomberg tăng vọt 45% trong năm vừa qua.

Nhiều chính trị gia trên thế giới trong đó có tổng thống Donald Trump trong những năm gần đây liên tục cáo buộc Trung Quốc đã làm giá thép giảm, gây thiệt hại đến ngành thép trong nước. Tổng thống Donad Trump cho rằng ngành thép của Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng do thép giá rẻ của Trung Quốc. Hàng loạt các nước từ Mỹ đến Ukraine đề ra hơn 100 biện pháp hạn chế thương mại áp đặt lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bảo vệ ngành thép trong nước trước thép giá rẻ của quốc gia này.

Cùng lúc đó, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ đã kích thích nhu cầu thép trong nước. Các cơ quan chức năng liên tục đẩy mạnh chiến dịch càn quét nhà máy thép kém chất lượng. Những yếu tố này đã khiến xuất khẩu thép của nước này giảm tới 28%.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu thép Trung Quốc giảm 2,4% so với tháng trước xuống còn 6,81 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ông Lee McMillan, chuyên gia đến từ Clarksons Platou Securities ở New York, cho rằng vẫn chưa nên vội mừng khi sản lượng thép của Trung Quốc có thể tăng trở lại. "Biên lợi nhuận thép càng tăng thì càng khuyến khích các công ty sản xuất thép chất lượng cao tăng cường sản lượng. Thế nhưng, dù vậy giá thép vẫn cao nhờ nhu cầu thép ở nước này vẫn đang tăng".

Việc Trung Quốc thắt chặt sản lượng thép đã đẩy giá tại thị trường châu Âu và Mỹ tăng vọt khoảng 75% trong vòng 18 tháng qua. Đợt phục hồi giá này được thúc đẩy bởi nhu cầu bền vững, và công ty sản xuất thép hàng đầu ArcelorMittal kỳ vọng mức tiêu thụ của Mỹ sẽ tăng 4% trong năm nay. Các chuyên gia ngành tại châu Âu nâng mức dự báo tăng trưởng nhu cầu thép tại khu vực này lên 1,9%.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia hy vọng Bộ Thương mại Mỹ điều tra lượng thép nhập khẩu theo điều 232 có thể khiến các quốc gia khác áp dụng nhiều hơn nữa các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Trong khi chỉ có 1 khối lượng nhỏ thép của Trung Quốc được nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ thì các công ty của Mỹ vẫn có thể mua thép của Trung Qquốc thông qua một số nước khác điển hình là các nước khu vực Đông Nam Á.(NDH)
----------------------

Hàng loạt ngân hàng tăng lương cho nhân viên

Mùa báo cáo tài chính quý 2 của các ngân hàng đã bắt đầu. Theo báo cáo vừa được một số ngân hàng công bố cho thấy, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay đều lạc quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho bức tranh ngân hàng sau một thời gian u ám bởi bóng đen nợ xấu.

Cùng với lợi nhuận đi lên, các ngân hàng cũng tăng cường chi cho nhân viên để tiếp thêm động lực cho họ trong công việc.

Báo cáo của Vietcombank cho thấy, 6 tháng đầu năm nay ngân hàng đạt 5.254 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức cao nhất so với cùng kỳ những năm trước. Vietcombank cũng đã chi 2.494 tỷ đồng cho quỹ lương và phụ cấp nhân viên, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra bình quân thu nhập của mỗi cán bộ Vietcombank là 26,3 triệu đồng/tháng, cao hơn 4 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó ở MB, thuyết minh báo cáo của ngân hàng nêu rõ thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay là 18,5 triệu đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng lương thì mỗi nhân sự MB lĩnh gần 11,6 triệu đồng/tháng. Nửa năm trôi qua, MB thu về 2.524 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 35,5% so với cùng kỳ.

 MB công bố tình hình thu nhập của nhân viên 6 tháng đầu năm 2017 (nguồn BCTC hợp nhất quý 2)

MB công bố tình hình thu nhập của nhân viên 6 tháng đầu năm 2017 (nguồn BCTC hợp nhất quý 2)

Một ngân hàng khác là Kienlongbank cho biết đã tăng thêm 40% chi phí hoạt động trong nửa đầu năm nay. Dù nhân sự không tăng đáng kể nhưng ngân hàng đã tăng khoảng 19% thu nhập cho nhân viên, lên bình quân 13,5 triệu đồng/người/tháng. Kết thúc 6 tháng, Kienlongbank đạt 137 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp gần 5 lần cùng kỳ. Nhà băng này cũng vừa đưa cổ phiếu KLB lên giao dịch trên sàn UPCoM trong ngày cuối của tháng 6.

Trước đó, hồi đầu năm LienVietPostBank đã thu hút sự chú ý của ngành ngân hàng khi quyết định tăng 20% lương cho người lao động. Trong năm 2016 ngân hàng này đã phê duyệt lộ trình tăng lương tổng cộng 50% cho nhân viên trong vòng 3 năm.

Một vài điển hình đầu mùa báo cáo tài chính quý 2 như vậy cũng cho thấy tình hình lương thưởng dành cho cán bộ ngân hàng năm 2017 đã và có triển vọng khá hơn so với những năm trước. Với tình hình này, hẳn nhiều người sẽ bình tâm hơn, yêu nghề hơn, lạc quan hơn và muốn cống hiến nhiều hơn cho ngân hàng chứ không còn nơm nớp lo sợ bị cắt giảm lương bất thình lình như những năm 2012 - 2014.(Trithuctre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục