tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-05-2018

  • Cập nhật : 24/05/2018

EC cảnh báo bất ổn tài chính ở Italy có thể lan sang toàn Eurozone

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23/5 hối thúc chính phủ sắp tới của Italy tập trung vào việc cắt giảm khoản nợ công khổng lồ, đồng thời cảnh báo bất ổn tài chính ở nước này có thể lan sang toàn khối khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

toa thi chinh thanh pho rome. anh: epa/ttxvn

Tòa thị chính thành phố Rome. Ảnh: EPA/TTXVN

EC, trong bản đề xuất chính sách kinh tế thường niên cho Italy và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, nhận định với tầm quan trọng mang tính hệ thống của mình, Italy là một nguồn tiềm ẩn khả năng lây lan đáng kể sang phần còn lại của Eurozone. Các cuộc đàm phán tại Rome nhằm thành lập một chính phủ mới đã làm dấy lên các lo ngại tại Brussels và phần còn lại của EU về chính sách tương lai trong nền kinh tế đứng thứ ba Eurozone và ảnh hưởng tiềm tàng của nó đối với Eurozone khu vực nhiều thập niên trở lại đây phải hứng chịu các cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và các nước thành viên khác nhỏ hơn. 

Phó Chủ tịch EC phụ trách đồng euro Valdis Dombrovskis hối thúc Italy tiếp tục giảm nợ và đề xuất nước này cắt giảm 0,6 điểm phần trăm thâm hụt ngân sách cấu trúc trong năm tới. Ủy viên Kinh tế và Tài chính của EU Pierre Moscovici khẳng định tầm quan trọng của việc Italy với tư cách là một thành viên sáng lập EU có một chính sách nợ đáng tin cậy. 

Nền kinh tế Italy, hiện lớn thứ ba Eurozone, đang bị kéo lùi bởi khoản nợ công lên tới 2.300 tỷ euro (2.700 tỷ USD), tương đương 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, mức cao nhất tại châu Âu và vượt xa mức trần 60% GDP do EU đặt ra. (TTXVN)

-----------------------------

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chỉ là màn 'giữ thể diện'

Thông báo mang màu thắng lợi từ phía Nhà Trắng hồi cuối tuần qua là không thích đáng, CNBC dẫn ý kiến của ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s cho biết.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s /// Ảnh: Reuters

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s - ẢNH: REUTERS

Theo ông Zandi, kết quả đó làm giảm kỳ vọng rằng Mỹ đang đạt được những thành tựu lớn trong các cuộc đàm phán nhằm ngăn chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng đó là trường hợp cả hai bên cùng thua. Đây chỉ là cách để giữ thể diện, bởi vì rõ ràng họ sẽ không đi đến đâu về bất cứ điều khoản gì”, ông Zandi nói với CNBC hôm 21.5.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Muchin hôm 20.5 thông báo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đồng ý giảm căng thẳng thuế quan và thảo luận về một hiệp định thương mại rộng lớn hơn. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều sản phẩm của Mỹ để giảm thâm hụt 335 tỉ USD thương mại hằng năm với Mỹ. Tuy nhiên, không có con số cụ thể nào về giá trị hàng hóa được đưa ra. Ông Zandi chỉ ra đây là bằng chứng cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều không có kế hoạch và họ cũng không thực sự biết họ muốn gì từ các cuộc đàm phán đã diễn ra.

“Khi bạn nhìn thẳng vào điểm này, bạn sẽ phải đặt câu hỏi chính xác thì họ sẽ làm gì? Liệu họ có hạ thấp thâm hụt thương mại song phương Mỹ - Trung được không? Điều này sẽ không xảy ra. Họ trì hoãn giải quyết vấn đề bởi vì họ thực sự không biết họ muốn gì”, ông Zandi nói.

“Một lập luận tranh luận ngớ ngẩn”

Tổng thống Donald Trump ban đầu đã đòi Trung Quốc phải giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại, một yêu cầu mà Bắc Kinh đã không chấp nhận. Ông Zandi chỉ trích con số này và lưu ý rằng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc hiện là 150 tỉ USD mỗi năm. Vì vậy, Mỹ sẽ không có khả năng sản xuất và tăng nhanh chóng quy mô hàng hóa đạt đến con số 200 tỉ USD để xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Cái gì sẽ được mua với 200 tỉ USD? Chúng tôi không muốn bán công nghệ cho Trung Quốc. Vậy chúng tôi sẽ bán thêm những sản phẩm nào? Đậu nành hay máy bay?”, ông Zandi đặt vấn đề.

Các chuyên gia thương mại lập luận rằng nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ sẽ không tăng nhiều đến mức cần mua một lượng hàng hóa lớn như vậy.

Theo ông Zandi, các cuộc đàm phán nên tập trung vào những vấn đề cơ cấu như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư. Thâm hụt thương mại không phải là trọng tâm của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

“Mỹ muốn Trung Quốc mua nhiều hơn những gì mà Mỹ hiện đang sản xuất, nhưng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới thực sự là điều nên tập trung. Tôi nghĩ rằng đó là một cuộc tranh luận ngớ ngẩn và sẽ không đi đến đâu”, nhà kinh tế trưởng của Moody’s nói.

Các chuyên gia khác cũng cảnh báo rằng việc đàm phán với Trung Quốc chỉ tập trung vào một con số USD thương mại nào đó không phải là giải pháp bền vững trong dài hạn. Theo ông Frank Lavin, cựu thư ký thương mại quốc tế của Mỹ, nói với CNBC hôm 21.5 rằng cái nhìn hạn hẹp vào tình trạng mất cân bằng thương mại sẽ khiến những vấn đề thích hợp hơn bị bỏ lỡ.

“Nếu Trung Quốc chịu chi tiền ra cho bạn, hãy cẩn thận. Họ đang muốn dùng tiền để tránh khỏi những rắc rối. Tôi muốn nói là chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào những thay đổi cơ cấu, mở cửa thị trường, tạo sân chơi công bằng, bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ đầu tư”, ông Lavin cho hay.

“Thành công và hiệu quả”

Song, trong khi đó cũng có một số quan chức chính quyền cho rằng kết quả đàm phán là điều tích cực cho Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc mô tả cuộc đàm phán là “thực tế và hiệu quả”, sự thay đổi rõ rệt so với một thái độ trước đó đã khiến ông Trump phải “nghi ngờ” về thành công của các cuộc đàm phán.(Thanhnien)
------------------

Việt Nam tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư tại Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cuộc gặp gỡ, giao lưu nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại với Việt Nam diễn ra tối 22/5 đã thu hút khoảng 80 doanh nhân và nhà khoa học thành phố Toulouse, miền Tây Nam nước Pháp. Sự kiện do Cơ quan phát triển kinh tế Bắc – Nam (ADEC-NS) tổ chức, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Quang cảnh cuộc gặp gỡ, giao lưu. Ảnh Linh Hương/TTXVN

Phát biểu tại buổi giao lưu, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Thiệp đã điểm qua tình hình hợp tác kinh tế song phương. Giao thương giữa hai nước trong năm 2017 đã đạt 4,6 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với năm 2016. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp vào khoảng 3 tỷ USD, chủ yếu là hàng dệt, đồ gốm, giày dép, thủy sản, thiết bị điện tử. Giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp vào khoảng 1,6 tỷ USD gồm các sản phẩm hàng không, công nghiệp, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm. Đầu tư của Pháp vào Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD tính từ năm 1988 đến nay.  

Tuy nhiên, đại sứ nhấn mạnh rằng hợp tác kinh tế song phương vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Trao đổi thương mại song phương chỉ chiếm 1% tổng giá trị thương mại quốc tế của Việt Nam. Trong số các nước châu Âu, Pháp đứng thứ 3 về đầu tư tại Việt Nam, sau Hà Lan và Anh, và đứng thứ 5 về thương mại với Việt Nam, sau Đức, Anh, Hà Lan và Italy.

Tại buổi gặp gỡ, các doanh nhân và các nhà khoa học thành phố Toulouse đã được thông tin rõ ràng về chính sách và môi trường đầu tư tại Việt Nam, cũng như những nghành nghề mà Việt Nam đang chú trọng phát triển và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng có chất lượng và bền vững được ưu tiên hàng đầu, chính vì vậy Việt Nam chủ trương thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp sinh học, kỹ thuật số, chính phủ điện tử, y tế, văn hóa, giáo dục, chống biến đổi khí hậu... Đây là những lĩnh vực Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với các công ty Pháp nói chung và Toulouse nói riêng.  

Toulouse là thành phố lớn thứ 4 của Pháp, "thủ đô" của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ châu Âu. Toulouse đã được tuần báo L'Express và tạp chí kinh tế Challenger xếp hạng là thành phố năng động nhất ở Pháp vào các năm 2013 và 2015. Từ nhiều năm nay, Toulouse và Hà Nội đã thiết lập một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và trùng tu tôn tạo đi tích lịch sử, khu phố cổ. Toulouse đã được chọn là thành phố chủ nhà cho Hội nghị hợp tác phi tập trung Pháp – Việt, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2019. Theo thỏa thuận đã ký kết giữa hai thành phố, năm 2019, Hà Nội sẽ tổ chức những Ngày văn hóa Hà Nội tại Toulouse. Đây sẽ là dịp để người dân hai thành phố hiểu nhau hơn, qua đó thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.(Baotintuc)
------------------------

Hơn 300 khách hàng kiện hãng xe Ford

Tòa dân sự Thái Lan đã chấp nhận đơn kiện của 308 khách hàng sử dụng ôtô Ford đòi công ty con của hãng này bồi thường 24 triệu baht (hơn 17 tỉ đồng) vì cung cấp sản phẩm kém chất lượng.

Vụ kiện xuất phát từ hộp số bán tự động được sử dụng trong xe Ford có vấn đề, gây khó khăn cho người sử dụng. Những người khiếu kiện nói rằng Ford Sales and Services (Thailand) đã bán cho họ những sản phẩm không an toàn, qui trình sản xuất và phân phối không đúng qui cách và quảng cáo sai sự thật.

Vụ kiện được đưa ra hồi giữa năm 2017, nhưng hồi đầu tuần này được tòa chấp thuận xét xử sau thời gian thương lương. Ban đầu có 421 khách hàng cùng đứng tên kiện bốn công ty con của Ford, trong đó có Ford Sales and Services (Thailand), đòi bồi thường 24,7 triệu baht.

TIN LIÊN QUAN

  • Nhiều rào cản, ngân hàng Thái Lan ngừng kế hoạch vào Việt Nam
  • Thái Lan bắt đầu tính thuế giao dịch tiền ảo
  • Tỉ phú mua bia Việt Nam tụt hạng giàu nhất Thái Lan

Tuy nhiên, sau thời gian thương lượng giữa các bên có liên quan, 113 khách hàng rút đơn kiện chỉ còn 308 người vẫn tiếp tục. Bên bị kiện cũng giảm xuống còn 1 đơn vị duy nhất.

Dự kiến cuộc điều trần sẽ được mở vào đầu tháng 8.2018. Vụ kiện sẽ kéo dài cả tháng và tòa sẽ có phán quyết đối với vụ này vào cuối tháng 9.2018, sau khi có gần một tháng tiếp theo để nghị án.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục