tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-09-2018

  • Cập nhật : 16/09/2018

"Chặn cửa" đầu tư Trung Quốc

Người châu Phi không còn dễ dãi như trước nên Trung Quốc vẫn phải rót thêm nhiều tiền mới có thể tạo dựng ảnh hưởng ở đây

Sự quyết liệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trumpvới các thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốcđã bắt đầu được phản ánh vào những con số mới nhất.

Nhiều nước nói "không"

Giá trị đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 1,8 tỉ USD, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 7 năm, theo số liệu của Công ty Tư vấn Rhodium Group. Khi Mỹ mạnh tay hơn với các khoản đầu tư của nền kinh tế số 2 thế giới - bằng việc ngăn chặn hàng loạt thương vụ giá trị lớn trong năm nay, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cơ hội ở các thị trường khác. Tuy nhiên, sự lạc quan đó dường như quá vội vàng. Những tháng gần đây, Đức, Pháp, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Nhật và Canada đồng loạt gia nhập chiến dịch phản kháng toàn cầu chưa từng có tiền lệ chống lại nguồn vốn Trung Quốc, với lý do chủ yếu là lo ngại an ninh.

Các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng gặp nhiều rắc rối. Hồi tháng 8, chính phủ Đức lần đầu tiên phủ quyết thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc. Vì lý do an ninh quốc gia, Berlin đã ngăn chặn đề xuất từ công ty sản xuất thiết bị hạt nhân Yantai Taihai của Trung Quốc nhằm mua lại Leifeld Metal Spinning - một doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hạt nhân và hàng không vũ trụ của Đức. Nền kinh tế số 1 châu Âu đã bắt đầu soạn thảo dự luật kiểm soát đầu tư sau hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám của Trung Quốc, bao gồm thương vụ 5 tỉ USD mua lại Kuka (nhà sản xuất robot đầu ngành của Đức) vào năm 2016.

Lo ngại "cơn khát" của Bắc Kinh với những công nghệ tiên tiến, năm ngoái chính phủ Đức cũng sửa luật để tăng quyền của chính phủ trong việc giới hạn nhà đầu tư nước ngoài sở hữu không quá 25% cổ phần trong các doanh nghiệp thuộc công nghiệp hạ tầng quan trọng. Cũng vì lý do an ninh, hồi tháng 5, Canada đóng băng thương vụ Công ty Xây dựng Viễn thông của Trung Quốc muốn mua lại công ty xây dựng Aecon của nước này.

robot kuka cua duc da ve tay cong ty midea cua trung quoc sau thuong vu thau tom tri gia 5 ti usd nam 2016 anh: reuters

Robot Kuka của Đức đã về tay Công ty Midea của Trung Quốc sau thương vụ thâu tóm trị giá 5 tỉ USD năm 2016 Ảnh: REUTERS

Không còn dễ dãi

Kết quả là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã giảm trên toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 2002, từ mức đỉnh điểm 196,15 tỉ USD trong năm 2016 xuống còn 124,6 tỉ USD, theo dữ liệu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển. Theo nhận định của ông Jeremy Zucker, đồng Giám đốc Công ty Luật Dechert (Mỹ), yếu tố lớn châm ngòi cho chiến dịch trên chính là tuyên bố của Trung Quốc đòi thống lĩnh công nghệ cao trong 7 năm trong chương trình gọi là "Made in China 2025". "Phương Tây xem điều đó như một lời tuyên chiến" - ông Zucker nhấn mạnh.

Trong khi đó, phát biểu về Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc (BRI) tại sự kiện diễn ra ở trụ sở Washington của Tập đoàn Đầu tư Tư nhân hải ngoại (OPIC) hôm 12-9, CEO của tập đoàn này - ông Ray Washburn - chỉ rõ Trung Quốc tới các nước khác không nhằm giúp đỡ mà chỉ đầu tư để nắm quyền kiểm soát tài nguyên ở những nơi đó. Ông này cảnh báo Bắc Kinh cố tình đẩy các nước đối tác vào bẫy nợ, rồi đòi họ thế chấp các mỏ khoáng sản quý, tài nguyên hiếm hay những tài sản tương tự làm "vật bảo đảm".

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), nhiều chính phủ, trong đó có Nepal, Sri Lanka và Thái Lan, đã hủy bỏ hoặc thu hẹp các dự án do Trung Quốc đầu tư do chi phí cao hoặc hứng nhiều chỉ trích vì quá ít lợi ích dành cho các công ty địa phương. Tại Kenya, chính phủ của Tổng thống Uhuru Kenyatta vấp phải các cuộc biểu tình và đình công của các hãng điều hành trạm xăng dầu nước này sau khi áp thuế 16% đối với nhiên liệu trong tháng này để trả chi phí xây dựng. Khoản nợ mà Kenya phải thanh toán cho các ngân hàng Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp 3 so với hiện nay vào năm 2019. "Kenya đang dần chìm sâu vào chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc" - nhà bình luận Jaindi Kisero viết trên báo Daily Nation.

Theo Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi thuộc Trường ĐH Johns Hopkins, Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của châu Phi với khoản tiền cho vay lên tới 136 tỉ USD từ năm 2000. Tuy nhiên, báo The South China Morning Post bình luận người châu Phi không còn dễ dãi như trước, họ đã nắm được cái giá phải trả. Do đó, các chuyên gia chỉ ra rằng những quốc gia như Trung Quốc vẫn phải rót thêm nhiều tiền mới có thể tạo dựng ảnh hưởng ở châu Phi. Thế là những tài nguyên giá rẻ mà Trung Quốc khai thác được ở châu Phi hóa ra lại đắt hơn so với dự tính.(NLĐ)
--------------------

G20 tìm biện pháp giúp WTO đáp ứng thách thức hiện tại

Các nước thành viên G20 cũng thừa nhận sự cần thiết phải thảo luận về phát triển thương mại quốc tế và cách thức để cải thiện WTO trước những thách thức hiện tại và tương lai.

G20 tìm kiếm biện pháp giúp WTO đáp ứng thách thức hiện tại. Ảnh: reuters

Ngày 14/9, các nước thành viên nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã nhất trí thúc đẩy việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong khuôn khổ cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư của nhóm đang diễn ra tại thành phố Mar del Plata của Argentina.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp, Ngoại trưởng Argentina Jorge Faurie cho biết tất cả các nước thống nhất rằng vấn đề quan trọng và cấp bách nhất hiện nay là cần phải tìm kiếm biện pháp giúp WTO có thể đáp ứng tốt hơn trước những thách thức mà thương mại đang phải đối mặt.

Ông Faurie khẳng định các đại biểu cũng đã trình bày quan điểm về những yếu tố cần thiết nhất đối với thương mại quốc tế để có thể thực thi được kế hoạch cải tổ, những vấn đề gì cần phải đổi mới và những gì cần phải tiếp tục được phát huy.

Văn kiện cuối cùng của kỳ họp cũng nhấn mạnh vai trò của G20 như là một nền tảng cho đối thoại chính trị giữa các nước thành viên, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực để bảo đảm rằng nguồn lợi từ thương mại và đầu tư quốc tế được tất cả cùng chia sẻ.

Các nước thành viên G20 cũng thừa nhận sự cần thiết phải thảo luận về phát triển thương mại quốc tế và cách thức để cải thiện WTO trước những thách thức hiện tại và tương lai.

Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ nhất trí về sự cấp bách phải hiện đại hóa WTO, qua đó giúp cho giúp G20 có thể đưa ra được một tuyên bố cấp bộ trưởng, điều mà trong năm nay nhóm này chưa thể làm được.

Quốc vụ khanh Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne cho rằng thách thức hiện này là cần phải xây dựng được các qui tắc, cơ chế giám sát để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc này, đồng thời các cơ quan trọng tài hoạt động một cách nhanh hơn (Bnews)
-------------------------

Ngành kinh doanh tôm hùm Mỹ gặp khó do cuộc chiến thuế quan

Trung Quốc là thị trường lớn về tiêu thụ tôm hùm với kim ngạch nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng từ mức 108,3 triệu USD năm 2016 lên 142,4 triệu USD năm 2017.

Ngành kinh doanh tôm hùm Mỹ đang bắt đầu cảm nhận được tác động của thuế quan mà Trung Quốc áp dụng đối với các mặt hàng thủy-hải sản nhập khẩu từ Mỹ trong bối cảnh các nhà xuất khẩu và thương nhân Mỹ phải đối mặt với giá cả sụt giảm, sức ép tài chính mới …

Trung Quốc là thị trường lớn về tiêu thụ tôm hùm với kim ngạch nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng từ mức 108,3 triệu USD năm 2016 lên 142,4 triệu USD năm 2017.

Tuy vậy, Trung Quốc hồi đầu tháng 7/2018 đã áp mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng thế giới này vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Các nhà xuất khẩu ở Mỹ cho biết hoạt động kinh doanh của họ với thị trường Trung Quốc đã đi xuống kể từ đó. 
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ, nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 7/2018 đã giảm hơn 2 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, giá bán buôn tôm hùm loại 1,25 pound (1 pound = 0,454 kg) của Mỹ đã giảm từ 8,81 USD hồi tháng 8/2017 xuống còn 8,33 USD trong tháng 8/2018. 
Trung Quốc không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tôm hùm từ Mỹ vì nước này có thể tăng cường nhập khẩu tôm hùm từ Canada ( Ca-na-đa). 

Theo nhà phân tích thị trường John Sackton, người sáng lập trang web SeafoodNews.com, điều này có thể tác động bất lợi tới ngành kinh doanh tôm hùm của Mỹ cũng như làm thay đổi chuỗi cung cấp toàn cầu trong lĩnh vực này. (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục