tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-08-2018

  • Cập nhật : 15/08/2018

Tại sao Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục về sản lượng thép?

Sản lượng thép của Trung Quốc tiếp tục lên cao chưa từng thấy trong tháng 7, ghi nhận 4 tháng liên tiếp ở mức cao kỷ lục do các nhà máy sản xuất chạy hết công suất bất chấp kế hoạch giảm sản lượng của chính quyền địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, các nhà máy đã sản xuất 81,24 triệu tấn thép thô trong tháng 7, tăng 1,3% so với tháng trước và 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do tháng 7 có nhiều ngày hơn nên sản lượng thép trung bình mỗi ngày giảm 2% so với tháng 6 xuống còn 2,62 triệu tấn, theo tính toán của Reuters dựa trên các số liệu chính thức.

Như vậy, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc sản xuất được 532,85 triệu tấn thép, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng thép Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục trong 4 tháng qua bất chấp quy định hạn chế sản xuất của chính phủ nhằm bảo vệ môi trường. Theo chuyên gia phân tích Wang Yilin tại Sinosteel Futures, nguyên nhân là các nhà máy thép đã cải thiện hiệu suất sản xuất bằng việc sử dụng loại quặng sắt chất lượng cao hơn và tăng cường sử dụng thép phế liệu để tăng sản lượng.

Một yếu tố khác khiến các nhà máy tăng cường sản xuất thép là biên lợi nhuận của ngành thép đang ở sát mức kỷ lục của tháng 12/2017, đạt khoảng 1.100 nhân dân tệ/tấn (159,59 USD/tấn), theo giới phân tích tại Công ty Huatai Futures. Biên lợi nhuận của ngành thép cao chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn và chiến dịch cải cách nguồn cung, bảo vệ môi trường của chính phủ buộc nhiều nhà máy sản xuất kém chất lượng phải đóng cửa.

Tuy nhiên, ông Wang cho biết dư địa để các nhà máy thép đẩy mạnh sản lượng vẫn bị giới hạn vì chính phủ dự kiến thắt chặt các quy định chống ô nhiễm môi trường. Các nhà máy công nghiệp xung quanh Bắc Kinh có thể sẽ phải thực hiện quy định hạn chế sản lượng hà khắc hơn.

Tại tỉnh Hà Bắc, trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc, các nhà máy bị yêu cầu giảm 50% công suất sản xuất trong suốt mùa hè. Dự kiến, chính quyền địa phương mạnh tay hơn nữa trong những tháng mùa đông.

Theo số liệu của Công ty tư vấn Mysteel, tỷ lệ hoạt động hàng tuần của các lò cao tại Trung Quốc đã giảm ba tuần liên tiếp tính đến ngày 3/8, xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 4.(NDH)
-----------------

Hàn Quốc ra lệnh cấm lưu thông tạm thời các mẫu xe BMW do lo ngại cháy nổ

Giới chức Hàn Quốc ngày 14/8 đã tạm thời ra lệnh cấm lưu thông trên đường phố tất cả những mẫu xe BMW chưa vượt qua kiểm tra an toàn sau một loạt các vụ cháy động cơ gần đây.

Từ đầu năm tới nay đã có tới 34 chiếc ô tô BMW gặp sự cố cháy nổ ở Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN phát

Tháng trước, BMW chi nhánh Hàn Quốc đã bắt đầu thu hồi 106.000 xe được trang bị mô-đun bình làm lạnh khí thải tuần hoàn (EGR), một hệ thống được xác định là "thủ phạm" gây ra những vụ cháy gần đây. Việc thu hồi được BMW áp dụng cho 42 mẫu xe chạy động cơ diesel của họ. 

Thông cáo báo chí của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MLIT) cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 chiếc BMW được kiểm tra. Song tính đến hết ngày 13/8 vẫn có khoảng 27.000 xe chưa được kiểm tra, khiến số xe này sẽ bị ảnh hưởng một khi các lệnh cấm chính thức được thực thi vào nửa đêm ngày 14/8. 

Một khi lệnh cấm có hiệu lực, người tham gia giao thông bị cấm sử dụng các loại xe có trong danh sách bị thu hồi, trừ khi họ đang dùng chúng để đến nơi kiểm tra. Một quan chức cấp cao của MLIT cho biết nếu vi phạm, người lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra. 

Mới đây, một báo cáo của MLIT trình lên Quốc hội Hàn Quốc cho biết từ đầu năm tới nay có 39 xe BMW đã gặp sự cố cháy nổ ở nước này. Trong năm ngoái, số vụ cháy nổ liên quan đến xe BMW tính từ đầu năm đến tháng 7/2017 là 45 vụ, song con số này vào cùng kỳ năm nay là 71 vụ, tăng 57%. 

Điểm đáng chú ý là trong đó có hơn một nửa số sự cố Cơ quan Phòng cháy chữa cháy không thể tìm ra nguyên nhân, trong khi tỷ lệ này ở các hãng xe khác chỉ chưa đầy 11%. Do đó, có ý kiến cho rằng cần phải xem xét thêm các nguyên nhân khác, ngoài nguyên nhân được xác định cho tới nay là lỗi hệ thống EGR. 

BMW đang phải đối mặt với một loạt các hành động pháp lý về vấn đề xe cháy nổ tại Hàn Quốc, và đã cho biết sự cố nêu trên không chỉ xảy ra ở riêng quốc gia châu Á này. Một số bãi đậu xe đã từ chối cho cho các xe BMW đỗ lại, trong khi nhiều tài xế cho biết họ cố gắng tránh tới gần các xe BMW trên đường.

Một nhóm các chủ sở hữu xe BMW đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát thành phố Seoul vào đầu tháng này do họ cho rằng nhà sản xuất ô tô của Đức đã phản ứng quá chậm trước sự cố này.(TTXVN)
----------------------

Nông dân Brazil đổ xô trồng đậu tương bán cho Trung Quốc

Sau khi Bắc Kinh áp thuế quan lên đậu tương Mỹ, khách mua từ Trung Quốc ồ ạt tăng mua đậu tương Brazil.

Nhiều nông dân Brazil đang bỏ trồng mía để chuyển sang trồng đậu tương cung cấp cho Trung Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu đậu tương Mỹ.

Năm ngoái, ông Gustavo Lopes, một nông dân Brazil, tăng diện tích trồng mía song song với thu hẹp diện tích cánh đồng đậu tương của gia đình. Năm nay, khi thấy thị trường mía đường toàn cầu dư thừa nguồn cung và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, ông Lopes thôi trồng mía và bắt đầu trồng toàn đậu tương trên diện tích 1.600 hectare nông trại ở bang Sao Paulo.

Sau khi Bắc Kinh áp thuế quan lên đậu tương Mỹ, khách mua từ Trung Quốc ồ ạt tăng mua đậu tương Nam Mỹ. Nhờ đó, ông Lopes bán được đậu tương với giá cao chưa từng thấy.

Dòng chảy thương mại thay đổi đang dẫn tới thay đổi chóng mặt trên những cánh đồng ở Brazil. Trong vòng 2 năm qua, diện tích trồng đậu tương ở nước này đã tăng thêm 2 triệu hectare, trong khi diện tích trồng mía giảm 400.000 hectare - theo thống kê của Chính phủ Brazil.

Nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng lớn của Trung Quốc đã khiến nước này đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi. Năm ngoái, Trung Quốc chi 20,3 tỷ USD để nhập khẩu 53,8 triệu tấn đậu tương từ Brazil, chiếm gần một nửa sản lượng đậu tương của quốc gia Nam Mỹ này, từ mức 22,8 triệu tấn vào năm 2012.

Mức thuế 25% mà Trung Quốc áp lên đậu tương Mỹ được dự báo sẽ là nhân tố đưa xuất khẩu đậu tương của Brazil lên mức kỷ lục mọi thời đại trong năm nay.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, Brazil xuất khẩu 36 triệu tấn đậu tương sang Trung Quốc, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7, khi Trung Quốc bắt đầu áp thuế đậu tương Mỹ, xuất khẩu đậu tương của Brazil tăng 46% so với cùng 2017, đạt 10,2 triệu tấn.

Cơn sốt trồng đậu tương có thể đưa Brazil "soán ngôi" quốc gia sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới của Mỹ ngay trong năm nay. Trong 5 năm qua, Brazil đã vượt Mỹ về xuất khẩu đậu tương.

Trong khi ngành đậu tương Brazil phát triển, ngành mía đường nước này đang đi xuống trong bối cảnh giá đường thấp nhất trong nhiều năm. Việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu mía đường đã gây sức ép lên thị trường mía đường toàn cầu, giữa lúc các quốc gia phát triển cắt giảm tiêu thụ đường.

Ở vùng trồng mía đường thuộc phía Nam Brazil, đã có khoảng 60 nhà máy mía đường phải đóng cửa trong năm 5 năm qua. Hiện còn khoảng 270 nhà máy còn hoạt động, nhưng không thể có đủ nguồn cung mía.

"Nhu cầu đậu tương của Trung Quốc đã thu hút tất cả nông dân", ông Marcos Cesar Brunozzi, một nông dân ở bang Minas Gerais, cho hay. "Tôi hy vọng là chuyện này sẽ không bất ngờ thay đổi, vì chúng tôi đã đặt cược lớn vào đó".

Theo ông Lopes, năm ngoái, cánh đồng mía của ông mang lại lợi nhuận ròng 480 Real, tương đương 124 USD, mỗi hectare, so với mức lợi nhuận 2.600 Real mỗi hectare trồng đậu tương.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục