tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-07-2018

  • Cập nhật : 12/07/2018

Các thị trường hàng hóa bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang sau các động thái “ăn miếng trả miếng” của cả hai bên và thị trường hàng hóa đang dần bị cuốn vào "cuộc chiến" này.

Các mức thuế của Bắc Kinh sẽ có tác động mạnh nhất tới đậu tương, mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang thị trường Trung Quốc, khi kim ngạch xuất khẩu lên đến khoảng 12,7 tỷ USD trong năm 2017.

Iowa và Texas, những bang đã ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, sẽ phải chịu tổn thất nặng nề.

Trong thời gian tới, Trung Quốc cũng sẽ phải xoay sở để tìm cách thay thế đậu tương của Mỹ, buộc các công ty sử dụng đậu tương để sản xuất dầu ăn và làm thức ăn chăn nuôi phải trả thuế cao hơn hoặc tìm nguồn hàng thay thế.

Ngân hàng Rabobank dự báo Trung Quốc có thể phải mua đến 15 triệu tấn đậu tương của Mỹ với mức thuế mới, khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất vốn đã thấp nay còn bị “ăn mòn”.

Ảnh hưởng lớn nhất từ các mức thuế của Trung Quốc có thể sẽ được thể hiện rõ nhất trong doanh thu vụ mùa tiếp theo ở Mỹ khi đậu tương sẽ được cung cấp cho thị trường vào tháng Chín tới.

Nếu được ban hành, các mức thuế nhập khẩu của Trung Quốc cũng sẽ khiến mặt hàng dầu của Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn so với dầu thô từ các nước khác, từ đó có thể buộc các doanh nghiệp Trung Quốc giảm lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ.

Về phía Mỹ, trong bối cảnh thị trường dầu toàn cầu đang có nguồn cung khá ổn định, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho rằng Mỹ sẽ khó có thể tìm được một thị trường xuất khẩu nào lớn như Trung Quốc, các khách hàng Trung Quốc chiếm đến 20% doanh thu dầu thô xuất khẩu của Mỹ.

Trong số các sản phẩm năng lượng khác, Trung Quốc rõ ràng sẽ “bỏ qua” mặt hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ khỏi các mức thuế mà nước này đe dọa trả đũa Mỹ. Và như vậy, Bắc Kinh vẫn giữ lại một vũ khí tiềm năng để phòng trường hợp cuộc chiến thương mại với Mỹ đi xa hơn.

Tuy nhiên, than đá sẽ hứng chịu hậu quả nếu Trung Quốc công bố đợt áp thuế thứ hai đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Thay thế mặt hàng than đá nhập khẩu từ Mỹ không phải là một việc quá khó khăn đối với Trung Quốc, nhưng mất “mối làm ăn” với nhà nhập khẩu than đá hàng đầu thế giới gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp ở Tây Virginia, bang đã nhiệt tình ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.(TTXVN)
--------------------------

Ngân hàng 'khát' lao động

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước, 30% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại.

Các ngân hàng ồ ạt tuyển dụng lao động /// Ngọc Thạch

Các ngân hàng ồ ạt tuyển dụng lao động - NGỌC THẠCH

46% tổ chức tín dụng đã tuyển thêm lao động trước đó và 62% tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động trong quý 3. Dự kiến cuối năm 2018, 70% tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tăng số lao động so với năm 2017, 23% tổ chức tín dụng dự kiến giữ nguyên và 7% sẽ cắt giảm lực lượng lao động.

Vietcombank hiện tuyển gần 400 cán bộ có kinh nghiệm và chưa kinh nghiệm cho các tỉnh thành, vị trí làm việc gồm kế toán, giao dịch viên, quản lý nợ, cán bộ khách hàng, cán bộ ngân quỹ, tin học…

OCB tuyển 140 vị trí nhân sự vào các bộ phận chuyên viên quan hệ khách hàng, bán hàng qua điện thoại, cộng tác viên phát hành thẻ, marketing, phát triển ứng dụng, thẩm định…

Vietbank đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân sự tại 11 tỉnh thành trên cả nước gồm Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Sóc Trăng , Cần Thơ, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc. Các vị trí tại chi nhánh gồm giám đốc chi nhánh, trưởng phòng vận hành; trưởng, phó phòng kinh doanh, chuyên viên, nhân viên kinh doanh, nhân viên hành chính; chuyên viên, nhân viên quản lý tín dụng; giao dịch viên, thủ quỹ, lái xe, nhân viên công nghệ thông tin.(Thanhnien)
----------------------------------------

Dự báo thiếu điện, tìm chưa ra 10 tỉ đô đầu tư mỗi năm

Thủy điện bị kêu ca gây ngập, điện than quá ô nhiễm môi trường, ngành điện phải nhập từ Lào và Trung Quốc nhưng vừa khó tìm mỗi năm 10 tỉ USD để đầu tư, vừa không dễ tìm được địa điểm xây nhà máy...

Dự báo thiếu điện, tìm chưa ra 10 tỉ đô đầu tư mỗi năm - Ảnh 1.

Mỗi năm cần 10 tỉ USD để đầu tư ngành điện nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế - Ảnh: TL

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra tại buổi làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo chủ chốt cơ quan này sáng 11-7.

Ông Vượng cho biết đến nay ngành điện đã cơ bản đáp ứng đủ điện khi tổng công suất hệ thống đạt trên 45.000 MW.

Tuy nhiên, dự báo giai đoạn 2020-2035, GDP tăng trưởng bình quân hơn 7%, thì năm 2025 phải cung ứng 137-147 triệu tấn dầu, năm 2035 cung ứng 218-238 triệu tấn dầu, trong khi hiện mới sản xuất được hơn 20 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm.

Tương ứng là lượng điện thương phẩm tới năm 2025 toàn hệ thống phải đáp ứng 337-348 tỉ kWh, năm 2030-2035 đạt từ 500-600 tỉ kWh, nhưng hiện mới đáp ứng hơn 200 tỉ kWh. 

Có nghĩa là hệ thống điện tới năm 2025 phải đạt công suất hơn 96.000 MW, năm 2030 là 130.000 MW, trong khi hiện nay mới đạt 45.000 MW.

"Trong 15 năm tới, mỗi năm cần bổ sung công suất mới 6.000-7.000 MW, nhu cầu đầu tư cho các nhà máy điện cần khoảng 10 tỉ USD mỗi năm, chưa kể hệ thống truyền tải, phân phối… Điều đó gây áp lực rất lớn cho các tập đoàn năng lượng với năng lực tài chính hạn chế, thu hút vốn nước ngoài vào ngành năng lượng khó khăn", ông Vượng nêu vấn đề.

Chia sẻ với nỗi khó khăn của ngành điện, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng bài toán vốn là "vô cùng nan giải" bởi với mức tăng trưởng 11-12%, mỗi năm cần ít nhất 10 tỉ USD phát triển các dự án điện và tới năm 2035 cần ít nhất 60 tỉ USD.

"Với tỉ lệ nợ công như hiện nay, không có ngân sách nào chịu nổi. Vậy lấy đâu cho phát triển các dự án điện?", ông Bình đặt câu hỏi và đưa ra gợi ý là tới đây cần khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào dự án điện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nêu ra bài toán khó cho việc thu hút đầu tư vào ngành điện. 

Theo ông Vượng, hiện có 4 nhà máy điện BOT đưa vào sản xuất, 14 dự án khác đang trong quá trình đàm phán nhưng hầu hết không thực hiện theo đúng tiến độ dẫn tới kéo theo nguy cơ thời gian tới năm 2021-2025 sẽ khó khăn trong cung ứng điện, phát triển ngành năng lượng sẽ thách thức, phải nhập điện từ Lào, Trung Quốc...

Ông Vượng trần tình là "đi đâu cũng nói không được làm nhà máy điện than, thủy điện gây ngập lụt không nên phát triển nữa trong khi năng lượng tái tạo chi phí cao chưa thể phát triển nhanh. Rõ ràng phát triển năng lượng gặp thách thức lớn".

Dẫn chứng thực tế là để xin được địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện than rất khó, vì nhiều địa phương nói không với nhiệt điện.

Do đó, với các dự án ngành năng lượng quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài, ông Vượng kiến nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn, trong đó đề nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về năng lượng.

Nhìn nhận khó khăn của ngành điện về thu hút đầu tư, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết để đảm bảo không thiếu điện trong tương lai Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh bổ sung, chuẩn bị lập quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng cần xây dựng kế hoạch và huy động nguồn vốn trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các dự án nguồn điện, mua điện từ Lào.

Gắn với đó là cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án ngành điện và trọng điểm khác, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển mạnh nguồn điện tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, xử lý thiên tai...(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục