tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-09-2017

  • Cập nhật : 10/09/2017

Cận cảnh bức tranh tài chính công

Bộ Tài chính đã đề ra 9 giải pháp để bảo đảm thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia. Trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chi tiêu chặt chẽ, không ban hành các chính sách chi khi không cân đối được nguồn…

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình hình tài chính công vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu, nợ công vẫn tăng cao, độ linh hoạt của chi ngân sách rất hạn chế.

 Chi cao, thu khó thì nợ tăng nhanh

Những chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tân – Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách - Bộ Tài chính với các nhà báo đã phần nào làm rõ hơn bức tranh tài chính công cùng những tình thế khó khăn.

Từ năm 2011 đến nay là một thời kỳ rất khó khăn của tài chính công, khi mà cả kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước rơi vào vùng trũng mãi mới hồi phục đôi chút, giá dầu giảm sâu khiến thu ngân sách khá chật vật, luôn lo không đạt dự toán. Đây là thời kỳ thu khó và đã thực hiện nhiều giải pháp để thắt chặt chi tiêu, đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi hội họp, chi mua sắm tài sản công… Trong dự toán ngân sách đã cắt giảm 10% chi thường xuyên và thực tế thực hiện khi thấy khả năng thu ngân sách quá khó khăn Chính phủ đã quyết định cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên nữa.

8 thang da xuat cap gan 109.000 nghin tan gao du tru quoc gia de cuu tro, cuu doi cho nhan dan va ho tro hoc sinh vung kho khan

8 tháng đã xuất cấp gần 109.000 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn

Nhưng đây cũng là giai đoạn thực hiện nhiều biện pháp giãn, giảm thuế để hỗ trợ DN, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế… Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm khai thác tài nguyên khoáng sản... tái cơ cấu DNNN và hệ thống NHTM cũng làm tăng chi phí và giảm thu từ khu vực DNNN và thu từ tài nguyên khoáng sản…

Nhưng trong lúc khó khăn lại là lúc bùng nổ các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người cao tuổi, chính sách cho Mẹ Việt Nam anh hùng… Vì thế nên tuy cơ cấu chi đã có chuyển biến, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 26% tổng chi cao hơn giai đoạn trước, nhưng chi thường xuyên tới 67,8% tổng chi NSNN. “Kinh tế càng khó khăn thì càng phải bảo đảm các khoản chi cho con người như chi lương, chi an sinh xã hội mà không thể giảm đi”, ông Nguyễn Minh Tân cho biết.

Độ linh hoạt giảm chi: rất hạn chế

Mặc dù bội chi tăng lên như thế, nợ công tăng cao nhưng đây cũng là giai đoạn quản lý nợ công có tiến bộ khi đã ban hành đồng bộ khung khổ pháp lý về quản lý nợ công. Luật quản lý nợ công, Chiến lược nợ trung hạn và các quy định để bảo đảm an toàn nợ quốc gia được ban hành. Nhờ đó “Các chỉ tiêu quan trọng như nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn được kiểm soát trong phạm vi cho phép, dù nợ đã tăng nhanh và đang dần chạm giới hạn an toàn.

Đến thời điểm này, theo Bộ Tài chính, kinh tế trong nước tiếp tục duy trì đà phát triển khả quan 6,5-6,7%, cân đối vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn lớn và nổi lên là nhu cầu chi rất cao, song nguồn lực hạn chế, thu ngân sách vẫn khó khăn, tích lũy của ngân sách cho đầu tư phát triển giảm… nợ công sát ngưỡng giới hạn cho phép và độ linh hoạt của chi ngân sách vẫn rất hạn chế.

Tình hình kinh tế thế giới tuy có phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro cao do tác động các cuộc chiến tranh sắc tộc và những xung đột địa kinh tế, giá hàng hóa thế giới và giá dầu thô diễn biến phức tạp và khó lường… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu NS.

“Nếu chi đầu tư phát triển giảm làm ảnh hưởng đến tăng trưởng vậy phải làm sao giảm được chi thường xuyên xuống, tăng chi cho đầu tư phát triển, ưu tiên chi trả nợ đúng hạn và tiếp tục ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người, tăng cường an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giảm dần tỷ lệ bội chi… ”, đó là mục tiêu của công tác tài chính công mà ông Tân cho biết.

Mục tiêu cụ thể đặt ra cho giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với 2011-2015, trong đó thu từ nội địa khoảng 84-85%, tổng chi khoảng 8 triệu tỷ đồng, trong đó tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển lên mức 2-26% tổng chi, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi và ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Thế nhưng độ linh hoạt chi hạn chế khi tỷ trọng chi thường xuyên cao và khả năng giảm đi rất ít, vì phần lớn chi thường xuyên là chi cho con người luôn phải được bảo đảm như chi cho tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương và chi cho an sinh xã hội. Bên cạnh đó bộ máy hưởng lương đang quá lớn. Theo Bộ Nội vụ, hiện nay có tới 11 triệu người hưởng lương từ NSNN. Và riêng phần chi cho tăng lương thôi mỗi năm NSNN phải bỏ ra từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng. Chi thường xuyên cũng đã lên tới 74% tổng chi NSNN. Bên cạnh đó bộ máy hành chính đang “phình ra” cả về tổ chức và biên chế cho dù chúng ta vẫn đang ráo riết thực hiện chương trình tinh giản biên chế.

Theo lý giải của nhiều bộ, ngành và địa phương, dân số tăng, quy mô nền kinh tế tăng thì yêu cầu quản lý tăng do đó đội ngũ công chức và viên chức cũng tăng mới bảo đảm chất lượng phục vụ. Theo số liệu thống kê dân số Việt Nam năm 2011 có 88 triệu người, đến năm 2017 đã là 94 triệu người.

Để giải quyết những bất cập trên, ông Tân cho biết: Bộ Tài chính đã đề ra 9 giải pháp để bảo đảm thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia. Trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chi tiêu chặt chẽ, không ban hành các chính sách chi khi không cân đối được nguồn…

Bên cạnh đó phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu – chi NSNN, chỉ chi đúng định mức chế độ, chi trong dự toán được duyệt. Một giải pháp quan trọng nữa là đổi mới cơ chế tài chính và đẩy mạnh xã hội hóa đối với các sự nghiệp công lập, đẩy nhanh lộ trình thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp và nâng cao tính tự chủ của các đơn vị…(TBNH)
----------------------

Từ 12/9, chế độ kế toán ngân sách nhà nước thực hiện như thế nào?

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 77/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/9/2017, áp dụng từ năm ngân sách 2017 và thay thế Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 về việc hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và nghiệp vụ Kho bạc (TABMIS).

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Cụ thể, về nội dung của chứng tứ kế toán, Thông tư 77/2017/TT-BTC quy định, chứng từ kế toán là những giấy tờ, vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán. Chứng từ kế toán phải có đầy đủ các nội dung chủ yếu quy định tại Điều 16 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.

Ngoài những nội dung chủ yếu theo quy định nêu trên, trong kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN), trường hợp cần thiết chứng từ kế toán có thể được bổ sung thêm các nội dung khác theo quy định của Tổng Giám đốc KBNN.

Mẫu chứng từ kế toán bao gồm mẫu chứng từ kế toán bắt buộc và mẫu chứng từ kế toán hướng dẫn.

Đối với mẫu chứng từ kế toán bắt buộc là mẫu chứng từ đặc biệt có giá trị như tiền, gồm: séc, biên lai thu tiền, vé thu phí, lệ phí, trái phiếu, tín phiếu, công trái và các mẫu chứng từ bắt buộc khác. Biểu mẫu chứng từ kế toán bắt buộc do Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính ủy quyền in và phát hành. Đơn vị kế toán phải thực hiện đúng mẫu và nội dung ghi chép trên chứng từ.

Mẫu chứng từ kế toán hướng dẫn là mẫu chứng từ kế toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính (hoặc Tổng Giám đốc KBNN được Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền) quy định về biểu mẫu và nội dung ghi chép. Đơn vị kế toán được phép lập chứng từ kế toán trên máy vi tính nhưng phải đảm bảo đúng mẫu và đúng nội dung ghi chép trên chứng từ theo quy định.

Về chứng từ điện tử, KBNN được sử dụng chứng từ điện tử (gồm có: chứng từ điện tử của KBNN, chứng từ điện tử do ngân hàng và các cơ quan liên quan chuyển đến) để thực hiện thanh toán, hạch toán kế toán theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Chứng từ điện tử được dùng làm chứng từ kế toán khi có đủ các nội dung quy định cho chứng từ kế toán và đã được mã hóa đảm bảo an toàn dữ liệu điện tử trong quá trình xử lý, truyền tin và lưu trữ. Chứng từ điện tử được lưu giữ trong các vật mang tin (băng từ, đĩa từ, các thiết bị lưu trữ điện tử, các loại thẻ thanh toán) được bảo quản, quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản và phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng khi cần thiết.

Chứng từ điện tử đã hết thời hạn lưu trữ theo quy định, nếu không có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép tiêu hủy. Việc tiêu hủy chứng từ điện tử không được làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các chứng từ điện tử, tài liệu kế toán chưa tiêu hủy và phải bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống thông tin kế toán.

Chứng từ điện tử đã tham gia giao dịch trong thời hạn lưu trữ không được phép hủy, các trường hợp điều chỉnh sai lầm trong thanh toán điện tử được hướng dẫn cụ thể tại các phần hành nghiệp vụ…

Về chuyển đổi chứng từ điện tử, chứng từ giấy, Thông tư nêu rõ, khi cần thiết, chứng từ điện tử có thể chuyển sang chứng từ giấy, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: (i) Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ điện tử; (ii) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy; (iii) Có thời gian, chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy.

Khi cần thiết, chứng từ giấy có thể chuyển sang chứng từ điện tử, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: (i) Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ giấy; (ii) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử; (iii) Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử.

Khi một chứng từ bằng giấy được chuyển thành chứng từ điện tử để giao dịch thanh toán thì chứng từ điện tử sẽ có giá trị để thực hiện nghiệp vụ thanh toán, khi đó, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu trữ để theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực giao dịch, thanh toán.

Khi một chứng từ điện tử đã thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính chuyển thành chứng từ bằng giấy thì chứng từ bằng giấy đó chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ kế toán, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.

Việc chuyển đổi chứng từ bằng giấy thành chứng từ điện tử hoặc ngược lại được thực hiện theo quy định về lập, sử dụng, kiểm soát, xử lý, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử và chứng từ bằng giấy, đồng thời theo quy định về việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, KBNN…

Về công tác lập chứng từ kế toán, Thông tư 77/2017/TT-BTC quy định, mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động thu, chi NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN đều phải lập chứng từ kế toán; chứng từ kế toán chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

Chứng từ  kế toán giấy có thể được lập thủ công hoặc lập trên máy tính in ra bản giấy. Đối với chứng từ kế toán được lập và in ra trên máy tính phải đảm bảo nội dung của chứng từ kế toán quy định tại Điều 16 của Luật Kế toán 2015 và quy định cụ thể đối với mỗi loại chứng từ kế toán theo quy định hiện hành.

Yêu cầu đối với việc lập chứng từ kế toán, trên chứng từ kế toán phải ghi đầy đủ, rõ ràng, chính xác các nội dung theo quy định; Chữ viết trên chứng từ phải cùng một nét chữ, ghi rõ ràng, thể hiện đầy đủ, đúng nội dung phản ánh, không được tẩy xoá; khi viết phải dùng cùng một màu mực, loại mực không phai; không viết bằng mực đỏ.

Về ghi số tiền bằng số và bằng chữ trên chứng từ: Số tiền viết bằng chữ phải khớp đúng với số tiền viết bằng số; tổng số tiền phải khớp đúng với tổng các số tiền chi tiết; chữ cái đầu tiên phải viết bằng chữ in hoa, những chữ còn lại không được viết bằng chữ in hoa; phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác, không được viết tắt, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn; chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ.

Chứng từ bị tẩy xoá, sửa chữa đều không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai vào mẫu chứng từ in sẵn thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo chứng từ viết sai. Yếu tố ngày, tháng, năm của chứng từ phải viết bằng số.

Chứng từ lập theo bộ có nhiều liên phải được lập một lần cho tất cả các liên theo cùng một nội dung bằng máy vi tính, máy chữ hoặc viết lồng bằng giấy than.

Trường hợp đặc biệt phải lập nhiều liên nhưng không thể viết một lần tất cả các liên chứng từ thì có thể viết hai lần nhưng phải đảm bảo thống nhất mọi nội dung trên tất cả các liên chứng từ.

Đối với chứng từ chi, trường hợp đơn vị rút nhiều mục,  không lập được trên một trang giấy thì đơn vị có thể viết vào trang sau (mặt sau) hoặc lập nhiều bộ chứng từ (lưu ý 1 chứng từ chỉ được lập tối đa trên 2 trang giấy). Trường hợp chứng từ được viết trên 2 trang giấy thì tại trang sau, đơn vị phải viết cách lề trên khoảng 1/4 trang giấy.

Cán bộ KBNN không được nhận các chứng từ do đơn vị giao dịch lập không đúng quy định, không hợp pháp, hợp lệ; đồng thời phải hướng dẫn đơn vị giao dịch lập lại bộ chứng từ khác theo đúng quy định; cán bộ KBNN không được ghi các yếu tố thuộc trách nhiệm ghi của đơn vị giao dịch trên chứng từ; đơn vị giao dịch không được ghi các yếu tố thuộc trách nhiệm ghi chép của KBNN trên chứng từ. Cán bộ KBNN và đơn vị giao dịch không được ghi các yếu tố không thuộc trách nhiệm ghi của mình trên chứng từ.(TCTC)
------------------------

Tránh gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ

Khi người dân yên tâm hơn về giá trị của đồng tiền VND, thay vì giữ người dân sẽ bán đồng bạc xanh và tài sản khác nhận tiền đồng gửi tiết kiệm với lãi suất tốt hơn. 

ong nguyen duc thanh

Ông Nguyễn Đức Thành

Liên quan đến chủ trương của Chính phủ về huy động nguồn lực tư nhân trong đó có ngoại tệ, vàng, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - VERP để hiểu rõ hơn chủ trương này.

Theo ông lý do nào mà Chính phủ lại tiếp tục đề cập tới vấn đề tìm giải pháp huy động ngoại tệ trong dân?

Tôi cho rằng, chủ trương mà Chính phủ đưa ra là vì mục tiêu chung cho nền kinh tế. Nhưng điều này sẽ tạo gánh nặng cho NHNN khi mà họ đang phải thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc cho Chính phủ, hơn nữa họ cũng không có đủ công cụ để thực hiện. Và như vậy có thể sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết trên thị trường tiền tệ.

Ông có thể giải thích rõ hơn?

Tôi lấy hình ảnh ví von về một đội hình lính chuyên nghiệp để thấy nếu sự phân công, phân nhiệm không đúng người đúng việc có thể làm hỏng công việc lớn. Trong một đội lính với nhiều người giỏi, có nghiệp vụ tốt nhưng chưa chắc đã lập được đội hình đẹp, chuyên nghiệp nếu sự phân công trách nhiệm bị chồng chéo, người này dẫm lên chân người kia. Trong khi đó, tân binh mới chỉ được học đi mốt hai mốt nhưng ông nào nghiêm túc làm theo đúng lề lối, nhiệm vụ được phân công và duy trì nguyên tắc đó, khi ghép lại họ sẽ được một đội hình lính chuyên nghiệp. Điều đó cho thấy nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, phân công công việc hợp lý thì chúng ta sẽ chỉ có một nhóm vũ trang lộn xộn.

Vậy theo ông giải pháp nào có thể huy động nguồn lực này để đầu tư cho nền kinh tế hiệu quả?

Có nhiều cách để huy động và sử dụng nguồn lực ngoại tệ này. Không hẳn cứ phải NH đứng ra huy động vốn ngoại tệ để hút tiền trong dân cư cất vào kho NH mới là huy động. Ví như, NHNN kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nâng cao giá trị đồng VND. Khi người dân yên tâm hơn về giá trị của đồng tiền VND, thay vì giữ người dân sẽ bán đồng bạc xanh và tài sản khác nhận tiền đồng gửi tiết kiệm với lãi suất tốt hơn. Theo tôi, đây chính là một cách huy động nguồn lực ngoại tệ hữu hiệu mà NHNN đã làm tốt trong thời gian qua.

Trong khi đó nếu NHNN nâng lãi suất tiền gửi USD lên, người dân sẽ lại mua USD gửi vào NH nhiều hơn. Tức là lại khuyến khích người dân nắm giữ ngoại tệ và làm tăng tình trạng đô la hoá lên. Như thế làm giảm hiệu quả chính sách tiền tệ cụ thể là giá trị đồng VND bị giảm, trong khi USD lại trở nên hấp dẫn hơn và tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn.

Mặt khác, khi dòng vốn NH đang tiếp tục chảy mạnh, cung ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế thì không có lý do gì chúng ta lại giao thêm nhiệm vụ này để tạo gánh nặng trách nhiệm cho NHNN vốn đang chịu nhiều áp lực thực thi chính sách của Chính phủ. Như tôi nói ở trên, nếu giao quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc mà NHNN không đủ công cụ cần thiết để triển khai chắc chắn sẽ có mục tiêu không thể đạt được.

Quan điểm của tôi, nhiệm vụ chính của NHNN là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Chưa kể NHNN đang có rất nhiều việc phải làm như đảm bảo thanh khoản của hệ thống, kiểm soát cung tiền, điều hành tỷ giá, lãi suất, giải quyết nợ xấu… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Việc huy động ngoại tệ từ trong dân bằng cách tăng lãi suất đồng USD có thể không giúp được nhiều mà còn gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ, cuốn trôi những thành quả mà NHNN đã đạt được trong những năm gần đây.(TBNH)
------------------------

Điều kiện dự án đầu tư được hoàn thuế giá trị gia tăng

Ông Phạm Đức Nhân làm việc tại Ban quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Đơn vị của ông đang điều hành, quản lý dự án đầu tư xây dựng điểm tái định cư thị trấn Nậm Nhùn sử dụng nguồn vốn tái định cư thủy điện Lai Châu.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khi thanh toán vốn đầu tư, ngân hàng chỉ thanh toán giá trị trước thuế, số thuế GTGT còn lại đơn vị ông Nhân phải lập tờ khai và hoàn thuế cho các doanh nghiệp, nhà thầu.

Trong giai đoạn đầu của dự án, đơn vị ông có số thuế GTGT đề nghị hoàn cao hơn 300 triệu đồng, nhưng trong đợt thanh toán giai đoạn cuối số thuế GTGT đề nghị hoàn thấp hơn 300 triệu đồng.

Ông Nhân muốn biết, trường hợp này đơn vị ông có được hoàn thuế GTGT không? Ngoài áp dụng mức hoàn thuế từ 300 triệu đồng trở lên theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính thì đối với đơn vị hành chính sự nghiệp Nhà nước như đơn vị ông có phương án khác không?

Về vấn đề này, Cục Thuế tỉnh Lai Châu có ý kiến như sau:

Căn cứ Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế:

“3. Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư

a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư (trừ trường hợp hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 3 Điều này và trừ dự án đầu tư xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê mà không hình thành tài sản cố định) cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư thì cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư và phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện.

Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh.

Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.

Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mà chưa được khấu trừ hết nhỏ hơn 300 triệu đồng thì kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo…

Dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này là dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp đơn vị nơi ông Nhân đang công tác có số thuế GTGT đề nghị hoàn thấp hơn 300 triệu đồng thì đơn vị không được hoàn thuế GTGT theo quy định.

Phương án cụ thể nhằm giải quyết vấn đề tồn tại của đơn vị nơi ông đang công tác, Cục Thuế tỉnh Lai Châu đang làm công văn xin ý kiến Tổng cục Thuế để sớm có phương án trả lời. (Chinhphu)       

Trở về

Bài cùng chuyên mục