tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-01-2018

  • Cập nhật : 07/01/2018

Tổng thống Trump đề xuất chi 18 tỷ USD xây tường biên giới với Mexico

Chính quyền Mỹ đề xuất khoản ngân sách 18 tỷ USD trong 10 năm để nối dài tường ngăn cách biên giới với Mexico.

mot doan tuong bien gioi my - mexico o bang texas thang 1/2017. anh: reuters.

Một đoạn tường biên giới Mỹ - Mexico ở bang Texas tháng 1/2017. Ảnh: Reuters.

Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan (CBP) của Mỹ mới đây đề xuất xây thêm 505 km hàng rào ngăn cách biên giới Mỹ và Mexico tính đến tháng 9/2027, nâng tổng chiều dài hàng rào này lên 1.552 km, tương đương khoảng một nửa chiều dài biên giới hai nước, AP hôm nay dẫn lời một quan chức chính phủ giấu tên cho biết.

CBP cũng kiến nghị sửa chữa và thay thế 651 km hàng rào có sẵn.Theo đó tổng số tiền do cơ quan này dự kiến chi cho dự án biên giới với Mexico là 33 tỷ USD, trong đó 18 tỷ cho bức tường, 5,7 tỷ cho công nghệ, một tỷ để xây dựng và bảo trì đường xá và 8,5 tỷ cho 5.000 nhân viên tuần tra biên giới, thanh tra và các nhân viên khác.

Kế hoạch xây bổ sung hàng rào biên giới trong 10 năm này được đưa ra theo yêu cầu của thượng nghị sĩ Mỹ Jeff Flake sau hàng loạt cuộc đàm phán và thảo luận trong quốc hội.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong thời gian tranh cử năm 2016, cam kết sẽ xây tường với Mexico để ngăn người nhập cư trái phép. Trong ngân sách tài chính năm 2018, chính quyền Mỹ đề xuất chi 1,8 tỷ USD để bắt đầu xây tường.

Ông Trump khi nhậm chức nói bức tường ban đầu cần Mỹ tài trợ, sau đó ông sẽ tìm cách buộc Mexico phải trả chi phí. Giới chuyên gia ban đầu ước tính bức tường biên giới Mỹ - Mexico tiêu tốn khoảng 22 tỷ USD và cần ba năm để hoàn thành. Mexico đã bác bỏ yêu cầu trả tiền xây tường của ông Trump.(Vnexpress)
-----------------------

Thuế suất hàng nghìn mặt hàng giảm về 0% trong năm 2018

Ngày 5.1, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu về 10 nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết việc quy định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 5 năm, có hiệu lực từ 1.1.2018 đến năm 2022 - 2023, nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho DN.

Cùng đó, có hàng nghìn mặt hàng sẽ giảm thuế suất về 0% trong năm 2018.

Đáng chú ý, theo Nghị định ban hành biểu thuế VN - Liên minh Kinh tế Á - Âu, tính đến năm 2018, có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và năm 2018 có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0%, trong đó có sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô, sắt thép và sản phẩm sản thép…

Với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), số dòng thuế giảm từ mức 5% và 10% xuống 0% năm 2018 gồm: thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm, vải may mặc, quần áo, máy móc thiết bị điện và điện tử…(Thanhnien)
-----------------------------

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cao gần nhất châu Á

Tín dụng liên tục tăng cao trong 5 năm qua nên các chuyên gia cho rằng cần thận trọng với chính sách này trong 2018.

Tại hội thảo "Cơ hội Đầu tư - Kinh doanh 2018" được tổ chức ngày 5/1, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chỉ ra những thách thức đối với chính sách tín dụng của Việt Nam trong năm 2018. Ông cho rằng, ở góc độ quốc tế, 2018 sẽ là năm mà đa số các quốc gia có chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, và điều đó sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam. Rủi ro thứ hai là, Trung Quốc - quốc gia đang đóng góp khoảng 36% trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có chính sách kinh tế chủ đạo là siết chặt tín dụng. Nợ xấu của quốc gia này cũng rất lớn.

Với Việt Nam, ông bảo lưu quan điểm không thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Ông cho rằng, năm 2018 nên thận trọng tăng trưởng tín dụng với mức khoảng 17%, thay vì mức 19% của 2017.

"Tín dụng đã tăng nhanh và mạnh trong 5 năm vừa qua, đã đến lúc phải thận trọng hơn", ông Lực nói.

Mức tăng 17% của tín dụng Việt Nam được coi là cao gần nhất châu Á. Ảnh: Anh Quân.

Ông cũng cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 17% được coi là cao gần nhất khu vực châu Á. Chỉ số này của Trung Quốc dù được coi là cao nhưng cũng chỉ vào khoảng 15%. Bên cạnh đó, theo ông việc chỉ số trên cần cân nhắc dựa trên năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, tương đồng với mức tăng trưởng của vốn chủ sở hữu bởi nếu áp mức cao sẽ rất rủi ro.

Ông cũng cho rằng nên năm 2018 nên đẩy mạnh hơn tín dụng tiêu dùng hộ. Theo ông, hiện Trung Quốc, ASEAN 5, mức tăng trưởng vào khoảng 34%.

"Tuy nhiên, một trong những điểm cần lưu ý là Việt Nam đang có sự phân định chưa rõ giữa tín dụng tiêu dùng và đầu tư kinh doanh bất động sản.Vì thế, một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam hiện vào khoảng 65%, tôi cho rằng con số không chính xác. Thống kê của chúng tôi chỉ vào vào khoảng 30%", ông nói.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng bàn về những chính sách vĩ mô trong năm 2017 và thách thức của 2018.Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, việc đánh giá về hiệu ứng 2017 và 2018 cần phải bàn một cách nghiêm túc. Bởi theo ông, đối với Việt Nam, mọi sự phấn khởi có thể dẫn đến mất bình tĩnh.

Trước việc nhiều người cho rằng các chỉ số tăng trưởng kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới cao... là kỳ tích, ông Thiên cho rằng có phần say sưa vì thắng lợi.

"Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm nay nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu", chuyên gia nói và nhấn mạnh chất lượng của tăng trưởng GDP, xuất khẩu.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định các tính toán chỉ số vĩ mô của Tổng cục Thống kê là chuẩn xác, không cần hoài nghi. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh không nên bị ru ngủ bởi các chỉ số và Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Theo ông, ở góc độ doanh nghiệp thì nên lường trước các rủi ro như thế nào trong hoàn cảnh sắp tới.

Ông Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính cho biết, phần lớn các nước đạt thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD sau đó tốc độ tăng trưởng đều đi xuống, chỉ có Hàn Quốc và Trung Quốc là ngoại lệ. Việt Nam đã duy trì được 4 năm từ sau năm 2014, nhưng sau đó cũng tốc độ tăng sẽ đi xuống theo quy luật chung. Do đó, ông cho rằng,theo quy luật chung, chu kỳ tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam sẽ kết thúc vào quý III/2018 và đến 2019 sẽ giảm dần, không có đột phá.

"GDP năm 2018 tôi cho rằng chỉ tăng trên 6%, phù hợp với tính toán của các chuyên gia quốc tế.Ngoại trừ có những thay đổi đột phá về công nghệ, về chất lượng nhân lực... thì mới tạo ra tăng trưởng GDP cao hơn", ông Nghĩa nói.

Ông Thiên cũng chỉ ra những thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Theo ông, hiện cơ chếnhà nước còn khó khăn bởi nếu đề xuất bỏ một thủ tục nào đó thì dễ nhưng để thực thi thì mất nhiều thời gian và vẫn là rào cản vềmôi trường đầu tư.

"Tôi ví dụ, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm hàng trăm thủ tục, nhưng đó mới là đề xuất thôi, chưa ký. Việc cắt giảm này tác động trong năm 2018 như thế nào còn chưa có câu trả lời", ông Thiên nói.

Ông cũng chỉ ra những điểm có thể tạo đột phá cho nền kinh tế trong năm 2018 mà Việt Nam cần lưu tâm. Thứ nhất, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP HCM. Điều này có thể tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Cùng với đó, Quốc hội cần bàn lại về Luật Đặc khu để ban hành trong tháng 5 tới, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất. (Vnexpress)
-------------------------------

Thuế thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào ASEAN giảm còn 0% năm 2018

Bộ Tài chính vừa công bố 10 Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới thuế nhập khẩu năm nay bao gồm Việt Nam-ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Úc-New Zealand, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Chile và Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Các biểu thuế này được công bố áp dụng cho giai đoạn 5 năm (từ 2018) nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp.

Theo FTA ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), 588 dòng thuế sẽ được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0% vào năm nay, trong đó các mặt hàng chính là sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo...

Còn theo biểu thuế VN-EAEU FTA, sau khi cắt giảm 5.535 dòng thuế, năm nay sẽ có 3.720 dòng được cắt về 0% gồm: sữa và sản phẩm từ sữa, ôtô và phụ tùng linh kiện ôtô, sắt thép và sản phẩm sản thép… Trong khi đó, biểu thuế Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) quy định cắt giảm 704 dòng về 0% năm 2018, tập trung ở các mặt hàng: thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, máy móc thiết bị điện và điện tử...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giảm thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước hay không, ông Phạm Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết "Từ góc độ ngành tài chính, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách nhưng không nhiều. Phạm vi tác động chưa tới 5% số dòng thuế, vì vậy thu ngân sách giảm rất ít".

Đối với mặt hàng ôtô, ông Phạm Anh Tuấn cho biết 2017 là năm cuối cùng trong lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN và là năm cuối áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 30% (trước khi giảm thuế về 0%). Tuy nhiên, ông nhận định vẫn chưa thể đánh giá việc giảm thuế này sẽ tác động thế nào trong năm 2018: "Nếu các thành tố khác giữ nguyên, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm giảm giá của mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu đánh giá tổng thể các động của các chính sách đối với mặt hàng ôtô, trong khuôn khổ cuộc họp, tôi chưa thể chỉ ra được là giảm như vậy sẽ tác động thế nào trong năm 2018”.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục