tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-08-2018

  • Cập nhật : 05/08/2018

Cá ngừ Việt 'đắc lợi' từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Thuế nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng cao, tạo điều kiện cho các nước khác tăng cường xuất khẩu dòng sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh này sang Mỹ như Việt Nam. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang khi cả hai bên thực hiện chính sách áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”.

Các biện pháp trả đũa từ cả hai phía sẽ làm giảm mạnh xuất khẩu cá ngừ của Trung Quốc (TQ) sang Mỹ và ngược lại. Đây có thể cơ hội cho Việt Nam để lấp đầy khoảng trống trong việc cung cấp các sản phẩm cá ngừ cho cả hai nước.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), TQ hiện là nguồn cung cá ngừ lớn thứ năm cho Mỹ. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp chiếm 94% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của Mỹ. Còn lại là các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh.

Thế nhưng theo VASEP, hiện chính phủ Mỹ đã liệt kê hơn 6.000 mặt hàng bổ sung nhập từ TQ mà họ có ý định đánh thuế vào đầu tháng 9. Trong đó có cả các sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh, đẩy các sản phẩm cá ngừ vào cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước này.

Cá ngừ Việt 'đắc lợi' từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung  - ảnh 1
Cơ hội cá ngừ Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ "thay thế" cá ngừ Trung Quốc bị đánh thuế cao.

Cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng, cá ngừ albacore, cá ngừ mắt to, cá ngừ vây xanh tươi và đông lạnh đều nằm trong danh sách các sản phẩm có thể bị áp thuế 10%, nhưng danh sách này không bao gồm các sản phẩm thăn, philê cá ngừ và cá ngừ đóng hộp.

Các loại cá ngừ khác cũng được đề cập đến trong kế hoạch này, bao gồm các sản phẩm dạng tươi và đông lạnh. Nguyên nhân là do việc áp dụng thuế cho mặt hàng này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp cá ngừ nước này.

Như vậy, nếu không có phản đối thì từ tháng 9 tới, thuế nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh từ TQ vào Mỹ sẽ tăng cao. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nước khác tăng cường xuất khẩu dòng sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh này sang Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại của Mỹ với quốc gia châu Á này lại tạo ra sự lo ngại cho các quốc gia khác trong khu vực, các nước đang có thâm hụt thương mại thủy sản với Mỹ, ví dụ như Thái Lan. Chính vì vậy, các nước này sẽ e dè hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ, nhất là các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp.

Theo phân tích của VASEP, đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm như thăn, philê cá ngừ đông lạnh sang thị trường Mỹ. Về phía TQ, do thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này còn chiếm tỉ lệ nhỏ nên cơ hội cho doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam từ cuộc chiến thương mại này không nhiều.(PLO)
--------------------

Việt Nam chiếm thị phần tôm lớn nhất ở Hàn Quốc

Hàn Quốc tăng nhập khẩu tôm từ thị trường Việt Nam, trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc, giúp thị phần tôm từ Việt Nam tăng lên. Trong nước, giá tôm có dấu hiệu phục hồi sau thời gian giá lao dốc.

Ngày 3-8, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), qua thống kê của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, 6 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35.600 tấn tôm các loại, trị giá 307,5 triệu USD, tăng 16,9% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc với thị phần 6 tháng đầu năm 2018 đạt 54,2% (cùng kỳ năm 2017 là 52,2%). Trong 6 tháng, Hàn Quốc tăng nhập khẩu tôm từ thị trường Việt Nam và Ecuador, trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc. 

Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), giá tôm hiện đang nhích lên và xuất khẩu tôm tháng 7 có dấu hiệu hồi phục với khoảng 348 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm lên gần 2 tỉ USD (tăng 5,5% so với cùng kỳ). Trong đó tôm chân trắng chiếm 67% với gần 1,4 tỉ USD (tăng 10%) và tôm sú chiếm 23% với 474 triệu USD (giảm 4%).

Thị trường tôm nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 7 có xu hướng tăng giá đối với tôm sú và chững giá với tôm thẻ chân trắng. Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 30-40 con/kg dao động 170.000-190.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 khoảng 105.000 đồng/kg, cỡ 60: 95.000 đồng/kg, cỡ 100: 72.000-75.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng, Bến Tre, tôm thẻ chân trắng cỡ 50 giá 113.000 đồng/kg, cỡ 70: 100.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg từ 80.000-83.000 đồng/kg. 

Việt Nam chiếm thị phần tôm lớn nhất ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm tại ĐBSCL. Ảnh: Duy Nhân

Dù có dấu hiệu hồi phục từ tháng trước, nhất là với tôm cỡ nhỏ 100 con/kg nhưng người nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn không có lãi bởi giá bán hiện tại tương đương với giá thành sản xuất. So với giá bán cùng thời điểm năm ngoái thì giá hiện vẫn thấp hơn khoảng 20.000 đồng/kg.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm sẽ hồi phục trong những tháng tiếp theo vì nhu cầu trên thị trường đang tăng trở lại, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đang bình ổn tvà có xu hướng tăng, nông dân sẽ lại an tâm đầu tư nuôi tôm. Giá tôm được dự báo tăng trong khoảng tháng 9 và 10 năm nay. Năm nay, dự báo sản lượng tôm nước lợ đạt 720.000 tấn (tăng 13,1% so với năm 2017) gồm sản lượng tôm sú 290.000 tấn (tăng 4,7%) và sản lượng tôm chân trắng 430.000 tấn (tăng 0,7%).(NLĐ)
-----------------------

Đợt bán tháo vàng của các quỹ đầu cơ có thể là sai lầm

Vào tuần trước, các hợp đồng tương lai và quyền chọn đối với vàng trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Comex) đã đạt mức 27.156 hợp đồng bán ra. Khối lượng đó tương đương với 2,7 triệu ounce, đây là khuynh hướng hạ giá lớn nhất của các quỹ đầu cơ đối với vàng kể từ năm 2006, vượt xa cả đợt năm 2015 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ bỏ chính sách lãi suất 0%.

Lý do của xu hướng này không khó để giải thích. Đồng USD đã tăng mạnh quá mức đến nỗi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ủng hộ nhiệt tình cho một đồng USD mạnh cũng đã phải lo sợ rằng nó ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền xuất khẩu Mỹ.

Vàng thường tăng giá khi đồng USD giảm và ngược lại, do đó mọi chuyện đều hợp lý khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 4,1% còn lãi suất được Fed tăng lên đến 2% thì giá USD sẽ tăng còn vàng sẽ giảm.

Kể cả một số thị trường ưa thích vàng cũng đã hết sạch tiền. Người tiêu dùng Ấn Độ rất ưa thích vàng nữ trang và thường sẽ mua nhiều vào những đợt vàng giảm giá. Tuy nhiên vì đồng rupee đã giảm 7,4% so với đồng USD nên đối với thị trường Ấn Độ giá vàng cũng không giảm nhiều.

Trong khi giá vàng tính theo USD là 1.224, 22 USD/ounce (1.475 USD/lượng), giảm hơn 1/3 so với đỉnh năm 2011, vàng tại Mumbai được giao dịch với giá 30.600 rupee/10 gr (1.673 USD/lượng), chỉ giảm 6,7% so với đỉnh tại đây hồi tháng 11/2012.

Vì những lý do trên, có thể thấy sắp có một đợt đầu cơ vàng xảy ra. Bầu trời luôn tối nhất trước khi hửng sáng, và sau khuynh hướng giảm giá mãnh liệt nhất thường sẽ quay đầu đi lên. Tuần trước trên sàn Comex, đồng đã kết thúc chuỗi 6 tuần liên tiếp giảm, đợt giảm giá lớn nhất kể từ sau khi ông Trump nhậm chức tới nay,và tăng trở lại.

Khi nhìn vào lịch, ta có thể thấy sau tháng 1, tháng 8 thường là tháng vàng có khuynh hướng tăng giá. Năm ngoái, vàng đã tăng 4,1% trong tháng 8. Trong hai năm 2016 và 2017, vàng tăng 4% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, thời điểm diễn ra lễ hội Diwali của Ấn Độ giáo, thời điểm thường đem vàng ra làm quà tặng.

Bên cạnh đó còn có yếu tố tiền tệ. Chỉ số USD đã giảm vào tuần trước, sau khi báo cáo GDP đã không đạt một số mong đợi của thị trường. Cuộc họp của Fed hôm 1/8 giữ nguyên lãi suất trước khi tăng lên vào tháng 9, dựa vào giá cả thị trường.

Chủ tịch Fed Jerome Powell khi phát biểu trước quốc hội Mỹ đã tuyên bố rằng ông lo lắng về tỷ lệ lạm phát thấp hơn là lạm phát cao và ông sẵn sàng để nền kinh tế phát triển nóng hơn nữa trước khi thực hiện tăng lãi suất.

Cùng với việc cuộc chiến thương mại đã bắt đầu ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty công nghiệp Mỹ, hiệu quả từ việc cắt giảm thuế của ông Trump có thể sẽ nhanh chóng phai nhạt.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục