tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-12-2017

  • Cập nhật : 03/12/2017

Những điều thú vị về thế hệ Y và giá trị đối với nền kinh tế Việt Nam

Những điều thú vị về thế hệ Y và giá trị đối với nền kinh tế Việt Nam

Theo định nghĩa, thế hệ Baby Boomer là những người sinh trong giai đoạn từ 1950 – 1969. Thế hệ X (Generation X hay Gen X) là những người sinh từ 1970 – 1985. Thế hệ Y hay có tên gọi khác là Millennials là những người sinh từ năm 1980 đến 2000 (17 đến 37 tuổi). Nhóm này đang được quan tâm đến rất nhiều vì sẽ là thế hệ chủ chốt trong lực lượng toàn cầu (32% dân số thế giới và 35% dân số Việt Nam).

Đối tượng chính của các nhãn hàng tiêu dùng hướng đến

Khảo sát của Kantar Worldpanel cho biết giá trị đóng góp của thế hệ Millennials cho thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở các quốc gia là tương đối lớn. Cụ thể, lượng khách hàng thuộc nhóm này ở Indonesia chiếm 34%, ở Thái Lan và Philippines là 27%, riêng ở Việt Nam là 36%.

Nielsen thì đưa ra khái niệm về người tiêu dùng kết nối với đối tượng là những người trẻ, có thời gian kết nối Internet nhiều, đến 24,7 giờ/tuần, mức chi tiêu cao. Đấy cũng chính là thế hệ Y, chiếm 35% dân số. Theo đó, Nielsen đã dự kiến lớp người này sẽ tăng hơn 70%, mang về con số chi tiêu gần 100 tỷ USD/năm sau 10 năm nữa.

Chính bởi vậy, ngay từ thời điểm hiện tại, nhiều nhãn hàng tiêu dùng đã tập trung sự chú ý vào nhóm khách hàng lứa tuổi từ 17 – 35 này. Trong đó, quan tâm đến nhu cầu, sở thích, trải nghiệm, lối sống, suy nghĩ,… của họ.

Thích khác biệt với lối sống tự do, phóng khoáng, làm chủ bản thân cũng chính là những thông điệp được nhiều nhãn hàng đưa ra trong thời gian gần đây để hướng tới thế hệ Y.

Sự khác biệt trên thị trường lao động

Navigos Search, sau khảo sát 3.150 người thuộc thế hệ Y tại Việt Nam nhận định họ là những người trẻ, có tham vọng phát triển sự nghiệp, tinh thần làm việc cao và cái nhìn tích cực về phát triển nghề nghiệp.

Theo đó, 2/3 người cho biết mong muốn khởi nghiệp trong 3 năm tới. Độ tuổi vàng để khởi nghiệp là từ 31 – 35 tuổi, với tỷ lệ lựa chọn lên đến 53%. Các lĩnh vực được chọn lựa khá đa dạng gồm bán lẻ, du lịch, thương mại điện tử và giáo dục.

Động lực khiến thế hệ này khởi nghiệp là mong muốn được trở nên giàu có với tỷ lệ 66%. Hai ham muốn khác, kế đó, cũng phần nào thể hiện được bản chất của thế hệ này: muốn được làm chủ (46%) và khẳng định thương hiệu cá nhân (44%).

Dù vậy, những người trẻ thường ít gắn bó với tổ chức. Điều này thực tế đang diễn ra phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam. Theo Gallup, trong 1 năm, có 21% nhân viên Millennials chuyển việc, gấp 3 lần so với những thế hệ khác. Còn như khảo sát của Navigos thì cho thấy 69% ứng viên được hỏi có cân nhắc muốn chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty.

Tỷ lệ này phần nào thể hiện điểm yếu của thế hệ Y trên thị trường lao động. Cụ thể, theo công ty Anphabe phân tích, thế hệ này thường thiếu kiên nhẫn, muốn kết quả nhanh chóng nên hay chọn hướng tiếp cận “được ăn cả ngã về không”. Đi kèm với tâm lý đó, suy nghĩ của các Y generations thường ít tính đường dài, khi gặp khó khăn sẽ thiếu kiên định để trải nghiệp hoặc rút ra bài học cho những thử thách sau. Cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm thực tiễn khiến họ có những ý tưởng bay bổng, thiếu chiều sâu và tính khả thi. Bởi vậy, điều này đặt ra bài toán lớn trên thị trường lao động, nhất là khi thế hệ này được xem là thế hệ bản lề.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, CEO Navigos Search, để quản trị tốt các nhân sự thế hệ Y, các chủ doanh nghiệp cần phải lưu ý về cách giao tiếp, làm thế nào để nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe, thấu hiểu, cạnh đó, đảm bảo nhân viên nắm rõ được doanh nghiệp đang kỳ vọng gì.

“Đừng bao giờ để nhân viên bị dậm chân tại chỗ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần lên lộ trình và mở ra cho nhân viên cơ hội học hỏi, trau dồi kỹ năng trong công việc”, bà Phương Mai nhấn mạnh.(CafeF)
---------------

Volkswagen mất 30 tỉ USD trong vụ bê bối khí thải

Chi phí tổn thất cho vụ bê bối khí thải từ xe chạy bằng diesel của Volkswagen (VW) tiếp tục tăng vọt, theo CNN.

Nhà sản xuất ô tô Đức hôm 29.9 đã phải chi thêm 2,5 tỉ euro (khoảng 2,95 tỉ USD) để mua lại những chiếc xe chạy bằng diesel có liên quan đến gian lận khí thải tại Bắc Mỹ, nâng tổng chi phí thiệt hại của VW lên tới 30 tỉ USD.

Đây là mức thống kê tổn thất tài chính mới nhất từ vụ bê bối khí thải của VW. Mọi việc bắt nguồn từ năm 2013 khi một nhóm giáo sư và sinh viên Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ những chiếc xe chạy bằng diesel do VW sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu công bố chính thức. Sau đó nhóm này cùng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) phát hiện ra rằng VW đã cố tình đánh lừa các phép đo về khí thải trong thiết kế động cơ diesel.

Năm ngoái VW đồng ý một thỏa thuận trị giá 15 tỉ USD với Mỹ, theo đó VW phải mua lại những chiếc ô tô diesel nằm trong danh sách gian lận khí thải đã được bán ra tại Mỹ hoặc trả tiền mặt cho chủ sở hữu nếu họ muốn được sửa chữa xe. VW cho biết kế hoạch mua lại “phức tạp và tốn nhiều thời gian” hơn dự kiến. Hiện công ty vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi những hậu quả từ cuộc khủng hoảng này.

Doanh số bán ô tô diesel của VW sụt giảm đáng kể tại Đức trong năm nay và các thương hiệu đối thủ nước ngoài đang nỗ lực để chiếm thị phần từ nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu. Tại một số thành phố lớn của Đức, các cuộc biểu tình kêu gọi ra lệnh cấm ô tô chạy hoàn toàn bằng diesel ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

VW hiện đổ tiền đầu tư vào dòng xe hybrid và xe điện. Hồi đầu tháng này công ty cho biết họ sẽ chi hơn 50 tỉ euro để điện khí hóa tất cả 300 mẫu xe của hãng trước năm 2030.(Thanhnien)
--------------------

Thoái vốn tại Sabeco: Tiền thu về có thể đạt 9 tỷ USD

Thoái vốn tại Sabeco: Tiền thu về có thể đạt 9 tỷ USD

Giá điện tăng và việc bán cổ phần ở Sabeco là hai vấn đề được báo chí đặt ra cho đại diện Bộ Công thương tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 1/12.

“Tại sao lại tăng giá điện” và “Công bố giá bán cơ bản cổ phiếu Sabeco là 320.000 đồng trong khi được định giá chỉ 184.000 đồng liệu có cao quá, liệu có còn hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài không?” là hai câu hỏi đặt ra cho Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải.

Trả lời, ông Hải cho biết điện nói riêng hay các mặt hàng thiết yếu nói chung nhận được sự quan tâm rất lớn từ các lãnh đạo Chính phủ. Việc điều chỉnh đã được cân nhắc từ vĩ mô (GDP, CPI,...) đến vi mô (tác động đến sản xuất, người dân...).

Theo ông, từ tháng 3/2015 đến nay tức 2 năm 9 tháng giá điện đã không có sự điều chỉnh trong khi những yếu tố đầu vào làm ra điện đã tăng rất nhiều. Do đó, việc tăng là cần thiết. Tuy nhiên, để có được mức tăng này, lãnh đạo Chính phủ và Bộ ngành đã làm việc rất kỹ lưỡng.

Nhằm công khai minh bạch khi điều chỉnh giá điện đã có một tổ tư vấn công tác liên ngành được thành lập, đánh giá không chỉ EVN và còn cả các đơn vị thuộc EVN. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia độc lập của cơ quan kiểm toán Deloitte.

Thông qua đó, mức tăng 6,08% mới được thông qua.

Đối với vấn đề của Sabeco, liệu định giá có cao hơn thực tế không, việc sau này bán cổ phần như thế nào, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề được Chính phủ, bộ và Sabeco đặc biệt quan tâm.

Việc thoái vốn ở Sabeco tuân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng: công khai minh bạch, không được thất thoát vốn nhà nước, không có lợi ích nhóm.

Theo Thứ trưởng, ban đầu số vốn định thoái tương đương 53,59% tổng số vốn của Sabeco do vốn nhà nước ở đây chiếm 88,59%. Việc bán đi 53,59% tương đương 343 triệu cổ phiếu, ước thu 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi chào cổ phiếu ngày 29/11 giá cổ phiếu đã là 320.000 đồng/cổ phiếu sau đấy đã tăng lên 329.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/11 và đến khi chốt phiên giao dịch hôm nay là 330.000 đồng/cổ phiếu.

“Giá trị tính theo ngày hôm nay thì việc thoái vốn có thể lên đến 9 tỷ USD”, Thứ trưởng cho biết.(CafeF)
-----------------------

GDP năm 2018 ảnh hưởng như thế nào khi giá điện tăng 6,08%?

GDP năm 2018 ảnh hưởng như thế nào khi giá điện tăng 6,08%?

Theo tính toán của các chuyên gia, dự kiến đến năm 2018, CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,66%, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nói tại họp báo Bộ Công thương chiều nay.

Kể từ 1/12/2017, giá bán lẻ điện bình quân có mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 6,08% so với mức giá hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).

Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá bán điện lần này căn cứ trên các cơ sở, gồm: Quyết định số 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân; Quyết định số 28 của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ; kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 được kiểm toán độc lập và được kiểm tra bởi Tổ công tác liên bộ; Cơ sở bán lẻ điện do EVN xây dựng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết trong lần này khôgn chỉ xây dựng phương án tăng giá điện mà còn phải xây dựng các phương án phát triển giá điện, trong đó, xem xét ảnh hưởng đến chỉ số CPI, GDP.

Đại diện Bộ Công thương nói rằng sau khi tính toán, đối với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ, mức tăng bình quân sẽ là 5,7%; khách hàng sản xuất là từ 1,4 – 6,4%; khách hàng sinh hoạt thì áp dụng 6 biểu giá bậc thang nên tác động là khác nhau.

Cụ thể, đối với các hộ tiêu thụ khoảng 50kWh/tháng mức tăng là 3.250 đồng; tiêu thụ khoảng 100kWh/tháng là 6.600 đồng; tiêu thụ 200kWh/tháng là 13.800 đồng; tiêu thụ 300kWh/tháng là 23.600 đồng; tiêu thụ 400kWh/tháng là 34.800 đồng.

Theo thống kê năm 2016, Việt Nam có 5,4 triệu khách hàng (22,7%) tiêu thụ từ 50 – 100kWh/tháng. Dưới 50kWh/tháng là 4,1 triệu hộ (17%), và tiêu thụ khoảng 200kWh/tháng là 2 triệu hộ.

Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, sử dụng dưới 50kWh của bậc thang đầu tiên. Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ 51.000 đồng tháng. “Đối tượng nào được hưởng thì theo quy định chung của nhà nước”, ông Tuấn nói. Tổng số tiền hỗ trợ là trên dưới 2.500 tỷ đồng/năm.

Đối với khách hàng là nhóm hành chính sự nghiệp, mức tăng là 4,97%, ông Tuấn cho biết đó là mức đã được xem xét.

Về vấn đề tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát và chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi tính toán đã cho ra các con số cụ thể. Theo đó, giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và 0,08% CPI trong năm 2017.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong 28,5 triệu hộ dùng điện EVN bán điện trực tiếp cho 23,5 triệu hộ. Trong đó, 78% dùng dưới 200 số điện. “Theo tính toán của các chuyên gia thì dự kiến 2018 ảnh hưởng CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,66 % năm 2018”, ông Lâm nói.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục