tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-12-2017

  • Cập nhật : 02/12/2017

Giá than châu Á vẫn cao do Trung Quốc tăng nhập khẩu

Giá than nhiệt chất lượng cao sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện tăng mạnh với giá than nhập khẩu từ Australia tăng lên khoảng 95 USD/tấn - cao hơn 30% so với tháng 5.

Xu hướng tăng giá phản ánh Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu than. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, lượng than nhiệt quốc gia này nhập khẩu tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, Kiah Wei Giam, nhà phân tích đến từ công ty Wood Mackenzie cho biết.

Tuy nhiên, ông dự đoán nhu cầu than của Trung Quốc sẽ hạ nhiệt khi mùa đông kết thúc và giá sẽ giữ ở ngưỡng trung bình từ 85 USD - 90 USD/tấn trong năm 2018.

Trung Quốc cắt giảm sản lượng khai thác than là một trong những nguyên nhân đẩy giá mặt hàng này tăng cao. Các nhà phân tích cho biết tháng 10, Chính phủ nỗ lực giảm quy mô khai thác nhằm hạn chế các vụ tai nạn tại mỏ than. Kết quả là nền kinh tế lớn thế 2 thế giới phải nhập khẩu than từ nước khác.

"Lượng đơn đặt hàng từ phía các công ty Trung Quốc tăng hơn 20% kể từ mùa hè năm nay", một lãnh đạo đến từ trung tâm mua bán hàng hóa Nhật Bản cho biết.

Than chiếm 60% nguồn năng lượng tiêu thụ ở Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này cũng đang tăng cường nhập khẩu khí gas tự nhiên vì lý do bảo vệ môi trường nhưng sự lệ thuộc vào than vẫn còn rất lớn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán nhu cầu than nhiệt chất lượng cao sẽ tăng mạnh đến năm 2030.

Cơ cấu nguồn cung than cũng đã có nhiều thay đổi. Các thương lái hướng nhiều hơn vào nguồn cung bền vững từ Australia. Trong tháng 6, công ty than liên doanh Anh và Australian- Rio Tinto công bố thỏa thuận bán chi nhánh than ở Australia cho tập đoàn Yancoal.

Tháng 7, công ty giao dịch hàng hóa và khai thác Thụy Điển Glencore đạt được thỏa thuận với Yancoal mua lại 49% cổ phần tại khu mỏ mà Yancoal có được từ Rio Tinto. Như vậy, tỷ trọng than nhiệt xuất khẩu của Glencore tại Australia tăng từ 26% lên 29%.

Một đối thủ khác của Australia là Nga - quốc gia lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu than sang thị trường châu Á do châu Âu dần "quay lưng" với nhiệt điện than. Được hỗ trợ bởi việc giá đồng rúp mất giá, thị phần than của Nga tại Nhật Bản có thể tăng đáng kể từ ngưỡng dưới 10% năm 2016.(NDH)
----------------------

Công ty ô tô Trường Hải kiện hải quan vì tranh chấp trị giá hàng hóa

Một số khoản nợ thuế lớn đang tập trung vào các doanh nghiệp ôtô trong đó riêng Công ty Tân Thành Đô nợ hơn 600 tỷ đồng. Với "ông lớn" khác là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, doanh nghiệp này không đồng ý với quyết định từ phía hải quan nên đã đưa vụ việc ra tòa.

Công ty ô tô Trường Hải kiện hải quan vì tranh chấp trị giá hàng hóa

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đây là thông tin vừa được ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết trong buổi họp báo ngày 30/11.

Theo đại diện ngành hải quan, việc xác định trị giá hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu khá phức tạp. Theo hiệp định khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trị giá hải quan được xác định trên cơ sở người nhập khẩu khai báo. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành này thừa nhận, việc điều kiện Việt Nam vẫn đang đồng bộ hệ thống pháp luật, quản lý, nâng cấp kết nối, nhiều doanh nghiệp lợi dụng để khai báo trị giá thấp nhằm trốn thuế.

Tất nhiên, theo ông Hùng, có sự tranh chấp giữa hải quan và doanh nghiệp trong quá trình ấn định trị giá và điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. 

“Nhiều khoản theo quan niệm của doanh nghiệp họ nghĩ không phải nộp nhưng căn cứ quy định thì phải có điều chỉnh,” ông Hùng nói.

Điều này dẫn tới, khi cơ quan hải quan ấn định trị giá thì doanh nghiệp sẽ khiếu nại và một số trường hợp đã phải ra tòa.

Vị lãnh đạo này dẫn chứng về trường hợp của Công ty Tân Thành Đô, có nợ 669 tỷ đồng và hiện đã nộp 50 tỷ đồng hay trường hợp Công ty Hoàng Phương Minh nợ 57 tỷ đồng và đang khiếu nại. 

Riêng với Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, ông Hùng cho hay, công ty này đã đưa sự việc ra tòa và hiện tòa án đang thụ lý hồ sơ từ phía Trường Hải. Ông khẳng định, cơ quan hải quan đã cung cấp hồ sơ và sẵn sàng phục vụ việc xét xử.

Cũng liên quan tới vấn đề này, thắc mắc đặt ra với lãnh đạo ngành hải quan là trị giá khai báo bình quân xe nhập từ thị trường Ấn Độ có mức giá thay đổi khá mạnh, có tháng chỉ khoảng 90 triệu đồng/chiếc, khi lại tới vài trăm triệu đồng mỗi chiếc.

Lý giải, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, điều này phụ thuộc vào chủng loại xe và trang bị mỗi xe. 

“Cùng một xe nhưng người mua 400 triệu đồng, người mua 450 triệu đồng, việc khai tăng hay giảm chưa nói lên việc doanh nghiệp có ý đồ gì, đó chỉ là dấu hiệu,” ông Tưởng đánh giá.

Ông cũng cho biết thêm, trách nhiệm của doanh nghiệp là khai báo chính xác và chịu trách nhiệm. Còn với ngành hải quan, cơ quan này có thể kiểm tra trong 5 năm và nếu phát hiện sai sót có quyền truy thu, xử phạt.

Tổng nợ thuế theo báo cáo ngành hải quan tới 31/10 là 5.406 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016. Trong số này nợ khó thu là 3.770 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm ngoái.(Vietnam+)
---------------------

Fram toan tính gì khi mua lại Carmudi Việt Nam?

Chi nhánh Việt Nam của Carmudi, nhóm trang web rao vặt xe hơi được hỗ trợ bởi Rocket, đã được mua lại với giá 50.000 USD.

Fram toan tính gì khi mua lại Carmudi Việt Nam?

Ảnh minh họa.

Theo Tech in Asia, Fram là bên mua lại Carmudi. Fram cho biết Carmudi.vn có doanh thu gần 190.000 USD trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng lại lỗ hơn 506.000 USD. Năm 2016, hãng này có 169.000 USD, nhưng lại lỗ 518.000 USD. Trang web nàycó khoảng 1,1 triệu lượt xem tự nhiên vào tháng 9 năm 2017.

Fram là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin liên doanh giữa Thụy Điển và Việt Nam và là nhà xây dựng các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Công ty này đã thôn tính 95% cổ phần tại Carmudi Việt Nam. Thỏa thuận này cho phép Fram sử dụng thương hiệu Carmudi vô thời hạn ở Việt Nam, bao gồm quyền sở hữu tên miền "carmudi.vn" và giấy phép thực hiện thương mại điện tử dựa trên thị trường trong nước.

Fram đã xác nhận với Tech in Asia rằng họ dự định sử dụng giấy phép để xây dựng các mảng thương mại điện tử bổ sung tại Việt Nam.

Hậu thuẫn của Rocket Internet

Rocket Internet, vườn ươm các sàn thương mại điện tử của Đức, đã thành lập Carmudi vào năm 2013 như một sàn giao dịch trực tuyến cho các loại xe mới và đã qua sử dụng ở một số thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

Người mua và người bán có thể đăng và tìm kiếm rao vặt trên cổng thông tin, với doanh thu chủ yếu từ phí quảng cáo và việc bán không gian quảng cáo.

Các phiên bản địa phương của Carmudi đã được đưa ra ở các quốc gia bao gồm Bangladesh, Indonesia, Myanmar, Pakistan, và Philippines, và bên ngoài Châu Á Thái Bình Dương ở những nơi như Mexico và Ả Rập Saudi. Trong một số trường hợp, Rocket đã đăng lại các trang web rao vặt hiện có dưới tên Carmudi. Carmudi.vn ra mắt vào năm 2014.

Carmudi đã huy động 10 triệu USD vào tháng 4/2014, và thêm 25 triệu USD vào tháng 2/2015.

Vào thời điểm gọi vốn lần thứ hai, Carmudi nói rằng mình có tốc độ tăng trưởng trên 50% ở tất cả 20 thị trường, 7 trong số đó là ở châu Á.

"Chúng tôi đang đi đúng hướng trên tất cả các thị trường của chúng tôi", đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành toàn cầu, Stefan Haubold, nói vào thời điểm đó. “Nói chung, chúng tôi đang hiện diện tại những thị trường này, nơi mọi người có các công cụ tài chính để mua bán ô tô và xe máy, và có rất nhiều cơ sở hạ tầng sẵn có. Sự ổn định chính trị và kinh tế cũng đóng một vai trò lớn. "

Tái khởi động và chỉnh đốn

Chủ tịch và đồng sáng lập của Fram, Christopher Beselin, trước đây từng là Giám đốc Điều hành của Lazada tại Việt Nam, đã xác nhận với Tech in Asia rằng công ty của ông có kế hoạch thực hiện "khởi động lại và chỉnh đốn" Carmudi.vn. Tất cả nhân viên hiện hoặc là nghỉ việc hoặc đã tham gia hoạt động quốc tế của Carmudi. Chi phí vận hành không phát sinh, mặc dù trang web vẫn hoạt động.

Fram toan tinh gi khi mua lai Carmudi Viet Nam?

Theo Tech in Asia, Fram đang đặt cược vào việc nhu cầu xe hơi và xe gắn máy ở Việt Nam sẽ gia tăng trong những năm tới, khi mua lại Carmudi.vn. Ảnh: Tech In Asia

Ông Beselin nói: "Kế hoạch của chúng tôi chỉ ra rằng chúng tôi có thể hoạt động kinh doanh với khoảng 1/4 chi phí hoạt động trước đó mà không tác động tiêu cực đến doanh thu. "Nhìn chung, chúng tôi thích ngành công nghiệp bán lẻ xe hơi, bởi đây ngành đang phát triển ở Việt Nam - khoảng 35-55%/năm - và năm 2018 sẽ là một “năm vàng cho xe hơi" ở Việt Nam khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm từ 30% xuống còn 0% vào ngày 1/1/2018 ".

Ở Việt Nam, Carmudi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ một loạt các cổng trực tuyến bao gồm Anycar, Mua Ban Oto, muaxe24.com, và Caramo.

Frontier Digital Ventures, một công ty được Catcha Group hậu thuẫn, hiện đang tham gia đầu tư  và vận hành các trang rao vặt trực tuyến trên khắp các thị trường mới nổi - cũng đã xâm nhập vào thị trường bán xe mới và đã qua sử dụng trong khu vực. Vào tháng 6, hãng đã đầu tư 2,3 USD vào trang giao dịch ô tô Autodeal ở Philippines.(NCĐT)
---------------------

Vì sao nông nghiệp “nhìn đâu cũng thấy tiền” nhưng chỉ có dưới 1% doanh nghiệp đầu tư?

Ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ VietCraft cho rằng: "Trong ngành nông nghiệp, nhìn đâu cũng thấy tiền nhưng làm sao để kiếm tiền từ ngành này lại là vấn đề không hề dễ".

 

dien dan "doanh nghiep, doanh nhan doi voi phong trao khoi nghiep trong xay dung nong thon moi"

Diễn đàn "Doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào Khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới"

 

Tại Diễn đàn "Doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào Khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới", nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đồng thuận rằng, tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là rất lớn "nhìn đâu cũng thấy tiền" nhưng làm sao để kiếm tiền khi đầu tư vào lại là vấn đề vô cùng khó khăn do cả cơ chế, thủ tục hay công nghệ lạc hậu.

Bên cạnh những tập đoàn lớn tham gia đầu tư nông nghiệp thì phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam còn rất nhỏ. Tính đến giữa năm 2016, Việt Nam chỉ có trên 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp (chiếm dưới 1% trên tổng số 420.000 doanh nghiệp của cả nước), trong đó có tới 50% doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), các doanh nghiệp này không có cấu trúc rõ ràng, mô hình quản lý sơ khai và đặc biệt không có chiến lược kinh doanh và kế hoạch sản xuất.

Doanh nghiệp nông nghiệp mãi không phát triển?

Điều này đã khiến ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp nông nghiệp mãi không phát triển, vừa ít, vừa thiếu. Vì vậy, cần làm rõ những chính sách hiện tại về: Đất đai, tài chính,… để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 

Về chính sách đất đai, theo ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, chính phủ cần xác định giá đền bù ruộng đất cho nông dân thỏa đáng, nhằm đảm bảo cho người dân yên tâm sau khi giao đất cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân các tỉnh phải là trọng tài trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp vừa phải trả tiền cho dân mua đất lại phải trả tiền thuê đất.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, có gói tín dụng riêng cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 30% phí bảo hiểm nông nghiệp cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thắng cho rằng cần hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại, khoa học kỹ thuật, chi phí đào tạo nghề…

 ong nguyen trong nghia – giam doc ctcp sunstar lacto viet nam (thanh vien cua tap doan sao thai duong) 

 Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc CTCP Sunstar Lacto Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sao Thái Dương) 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc CTCP Sunstar Lacto Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sao Thái Dương) cho hay: "Tiềm năng nông nghiệp ở Việt nam rất lớn nhưng nó mới dừng lại ở các chủ trương, đường lối kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn chứ chưa đi vào thực tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể chưa được nhiều".

Theo ông Nghĩa, "khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là khó khăn nhất trong tất cả các loại hình đầu tư. Vốn trong lĩnh vực nào cũng thiếu nhưng vốn trong lĩnh vực nông thôn lại càng thiếu hơn, là do tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất thấp, ngoài ra, kinh doanh trong lĩnh vực này lại gặp nhiều rủi ro do phải phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thiên tai".

"Vấn đề đặt ra là làm thế nào chúng ta tổ chức tốt, có chính sách tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp để giảm được các rủi ro khách quan như các chính sách liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, chính sách về bảo lãnh,… Có như vậy, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Hiện đã có 1 làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng hiệu quả thì chúng ta vẫn chưa nhìn thấy rõ", ông Nghĩa cho hay.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh trong đầu tư nông nghiệp

"Trong thời gian qua, đặc biệt trong 1 năm qua, đã có sự thay đổi rất lớn về môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra những yêu cầu cụ thể trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đang cản trở rất nhiều sự đổi mới sáng tạo và sự chủ động của doanh nghiệp" ông Nghĩa cho biết .

Đặc biệt, một sự đổi mới rất lớn, đó là chính sách yêu cầu trong 1 năm không được quá 1 đoàn thanh tra doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết nữa như: Thủ tục cấp phép đầu tư hay Nghị định 210, một Nghị định ban hành nhưng kèm theo đó là hai Thông tư hướng dẫn từ hai bộ khác nhau, doanh nghiệp đọc là thấy "choáng". Đó là còn chưa kể đến những điểm chưa khớp với nhau.

Đây là những vấn đề cần phải tháo gỡ trong thời gian tới, một Nghị định ra đời chỉ cần một thông tư hướng dẫn. Các Bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để đưa ra chứ doanh nghiệp không thể cùng 1 lúc ngồi đọc hai thông tư với quá nhiều thủ tục, với quá nhiều thông tin.

Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào sản xuất, làm ra sản phẩm tốt, phát triển thị trường, còn việc hỗ trợ doanh nghiệp về hạ tầng cơ sở, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ trực tiếp về tài chính. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nhà nước nên hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp là chính chứ không phải là những chính sách hỗ trợ trực tiếp.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục