tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 30-05-2017

  • Cập nhật : 30/05/2017

Lãnh đạo UBND TP HCM: 'Cơn sốt đất ảo là bài học cho thành phố'

Khẳng định cơn sốt giá đất ảo vừa qua đã được chấn chỉnh, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cũng cho "đây là bài học sâu sắc của thành phố".

Ngày 29/5, làm việc về kinh tế - xã hội TP HCM 5 tháng đầu năm, ông Lê Văn Khoa nói về cơn sốt giá đất ảo vừa qua. Tuy nhiên, tình hình đã được chấn chỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố và các sở ngành, quận huyện.

Phó chủ tịch phụ trách khối giao thông - đô thị nhìn nhận đây là bài học sâu sắc cho thành phố. "Bài học này cho TP HCM một kinh nghiệm - đó là tính công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất phải luôn được bảo đảm", ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Khoa, có 2 việc phải gấp rút thực hiện là công khai quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đến tận các quận huyện, xã phường. Đó vừa là trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc và cả các quận huyện.Ông yêu cầu đến cuối năm, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải làm xong phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi. Từ đó, hạn chế nguy cơ bị lừa, bị thổi giá khi giao dịch nhà đất.

lanh dao tp hcm khang dinh tinh hinh sot gia dat ao tai tp hcm da duoc chan chinh. anh: h.c.

Lãnh đạo TP HCM khẳng định tình hình sốt giá đất ảo tại TP HCM đã được chấn chỉnh. Ảnh: H.C.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản thành phố (Horea) đã kiến nghị UBND TP HCM thông tin lại cho chính xác về việc chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc thành lập tổ chức hành chính thành phố trong thành phố ở khu Đông, khu Nam, khu Tây. Bởi những thông tin này đã góp phần làm cho giá đất bị sốt ảo.

Đơn vị này cũng kiến nghị thành phố yêu cầu các nhà đầu tư có ý định xây các siêu đô thị ở Củ Chi, Cần Giờ nhanh chóng trình dự án, làm cơ sở xét duyệt và sớm công bố kết quả, để người dân hiểu rõ thông tin. Việc này sẽ tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền.

Chính quyền cũng được đề nghị chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Có trường hợp cò đất núp bóng chủ đất, hoặc doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản trái quy định.

Tại cuộc họp sáng nay, liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, trong 5 tháng đầu năm thành phố đã chi xây dựng cơ bản cho các công trình trọng điểm, cấp bách với tổng số vốn là 76.500 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số tiền này chủ yếu dành cho các dự án cầu, đường, hệ thống thoát nước… Thành phố đã tập trung cho dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên bằng việc tăng khối lượng lắp ghép các nhịp cầu; dự án cầu vượt bằng thép tại nút giao Ngã Sáu Gò Vấp với việc thông xe một nhánh đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm và giải phóng mặt bằng gói thầu nhánh cầu Nguyễn Oanh - Phạm Ngũ Lão; dự án cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm...

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết, tổng thu ngân sách từ đầu năm đến nay đạt 147.461 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ và đạt 42,39% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa tăng gần 23%, từ dầu thô tăng 27%, từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 9,24%.(Vnexpress)
--------------------------------------

Bán biển số xe đẹp ngày sinh, ngày cưới... có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng

"Trong mục series 99.999 số thì có 12.186 số đẹp, dự đoán có 61.500 chủ phương tiện sẽ yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt theo cá nhân họ. Nếu tổng kết 1 series chúng ta có thể thu được 1.639 tỷ đồng".

 

dai bieu nguyen van canh (doan binh dinh).

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định).

 

Đó là tính toán của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 29/5.

Theo đó, ông Cảnh đề nghị bổ sung quy định đấu giá biển xe đẹp vào Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi). Đáng chú ý, không chỉ biển số đẹp, theo ông Cảnh tất cả các biển số xe đều phải là tài sản công. Còn việc giải thích đẹp hay không đẹp sẽ để sau này dựa vào nhu cầu của xã hội mà các văn bản dưới luật sẽ quy định.

Ông Cảnh cho biết, vì là tài sản công nên biển số được xem là đẹp phải là biển số được đa số đồng tình khi chúng ta thực hiện khảo sát và từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách và tính khả thi trong thực hiện.

"Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể. Ví dụ như 20 triệu/số. Đối với những số bắn đúc ngẫu nhiên cũng sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền", ông Cảnh kiến nghị.

Cũng theo vị này, vì Khoản 22, Điều 28 của Luật giao thông đường bộ quy định cấm mua bán biển số xe. Trong khi dự thảo luật này không quy định rõ biển số xe là được mua bán. Vì vậy đại biểu đề nghị nếu Quốc hội thông qua nội dung này, cần bãi bỏ việc cấm mua bán biển số xe tại Khoản 22 Điều 28 của Luật giao thông đường bộ.

Qua số liệu tự thống kê, ông Cảnh cho biết: Trong mục series 99.999 số thì có 12.186 số đẹp, dự đoán có 61.500 chủ phương tiện sẽ yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt theo cá nhân họ. Nếu tổng kết 1 series chúng ta có thể thu được 1.639 tỷ đồng.

"Với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc thì nếu chúng ta thực hiện chủ trương này trong năm 2016 thì chúng ta đã có thể thu được gần 5.000 tỷ đồng và nếu chúng ta triển khai tương tự với xe hai bánh thì chúng ta cũng thu được một số tiền tương tự", ông Cảnh nói.

Đại biểu này cũng cho biết, bản tổng hợp số xe và cách tính tiền thu đã được ông gửi đến cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Vì vậy, đại biểu đề nghị khi Quốc hội thông qua, dự thảo luật có nội dung kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật theo Khoản 6, Điều 4 thì các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện để việc đấu giá biển số đáp ứng được nhu cầu của xã hội và tăng ngân sách cho các địa phương. 

Tại các phiên thảo luận trước đây của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng là người từng đề nghị đấu giá cả kho số điện thoại đẹp và ước tính có thể thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng.(Bizlive)
---------------------------------

“10 năm tới nước ta vẫn là nước nhập khẩu nhà máy nhiệt điện”

“Từ nay tới năm 2030 tốc độ tăng sản lượng điện năng ở nước ta rất lớn, chủ yếu là tốc độ xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than, trung bình mỗi năm cần 7-8 tỷ USD, dần tiến tới 10 tỷ và trên 10 tỷ USD”, ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ VI của Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam diễn ra mới đây, ông Trương Duy Nghĩa cho biết, lịch sử phát triển điện năng của thế giới, nhiệt điện than luôn có vai trò chủ yếu. Theo IEA, năm 2014 nhiệt điện than chiếm 41% tổng sản lượng điện thế giới, gấp 2 lần nhiệt điện khí, 3 lần thủy điện, 4 lần điện hạt nhân, 10 lần điện tái tạo. Những nước có tỷ lệ nhiệt điện than cao là Trung Quốc (79%), Úc 68,6%, Ấn Độ 67,9%, Đức 45,1%, Indonesia 44,4%, Hàn Quốc 43,2%...

“Nói vậy để thấy nhiệt điện ở Việt Nam không có gì là ghê gớm, không phải là nhiều”, ông Trương Duy Nghĩa khẳng định, “theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, ở Việt Nam nhiệt điện than chiếm 55% tới năm 2025, 53,2% tới năm 2030. Nay điện hạt nhân chưa đưa vào, việc đẩy nhanh các nguồn năng lượng khác còn có nhiều khó khăn thì khả năng tỷ lệ nhiệt điện than tới 60% hoặc cao hơn là thực tế”.

Ông Nghĩa cũng cho biết, các nhà máy nhiệt điện đốt than tiêu thụ một khối lượng rất lớn than nên cũng sản sinh ra một khối lượng lớn chất thải độc hại, trong đó có chất thải rắn là tro xỉ và bụi,các khí độc hại SO2, NOx, nước thải của quá trình sản xuất công nghiệp.

Tuy sản sinh ra nhiều chất thải độc hại nhưng về bản chất, các nhiệt điện than không gây nguy hại cho môi trường do đã được đầu tư đầy đủ và nghiêm túc để xử lý. “Tuy nhiên, nếu các hệ thống xử lý chất thải bị trục trặc thì sẽ rất nguy hại cho môi trường. Vì vậy các nhiệt điện than cần được quan trắc đầy đủ và nối mạng về môi trường”, ông Nghĩa lưu ý.

Vị chuyên gia cũng đưa ra dự báo, từ nay tới năm 2030 tốc độ tăng sản lượng điện năng ở nước ta rất lớn, chủ yếu là tốc độ xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than, trung bình mỗi năm cần 7-8 tỷ USD, dần tiến tới 10 tỷ và trên 10 tỷ USD.

“Tuy nhiên, cho đến hiện nay và chắc rằng 10 năm tới nước ta vẫn là nước nhập khẩu nhà máy nhiệt điện”, ông Nghĩa nói và cho biết, việc xây dựng một ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện không phải là việc nhỏ, không dễ làm nhưng không phải là không làm được.

“Nếu không xây dựng được ngành công nghiệp này thì sau năm 2030 hay 2035, nhu cầu điện năng của nước ta sẽ đi vào giai đoạn bão hoà như ở các nước phát triển (tốc độ tăng trưởng điện hàng năm <1%), khi đó nhu cầu xây dựng nhà máy nhiệt điện sẽ không còn nữa, mãi mãi Việt Nam sẽ không có ngành công nghiệp chế tạo nhà máy nhiệt điện, một ngành công nghiệp có giá trị kinh tế lớn mang lại nhiều công ăn việc làm đặc biệt là khả năng độc lập tự chủ trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh việc với số lượng nhà máy nhiệt điện sẽ được xây dựng trong thời gian tới, nếu nước ta không nhanh chóng hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật về nhà máy nhiệt điện than thì không những sẽ là một khó khăn mà còn là một khiếm khuyết lớn cho việc quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện.(Bizlive)
------------------------------

Ông Nguyễn Chí Dũng: Tăng khai thác dầu chỉ là giải pháp tình thế

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư khẳng định Chính phủ không xem khai thác tài nguyên là lời giải bền vững cho phát triển, song đẩy mạnh sản xuất dầu thô là cơ hội tốt nhất để đảm bảo tăng GDP 6,7% năm nay.

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 5 này, Chính phủ khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay, dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng vừa có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ mục tiêu cũng như một số giải pháp thực hiện kế hoạch này.

- Đặt mục tiêu dài hạn là ổn định vĩ mô và đổi mới mô hình tăng trưởng, tại sao Chính phủ giữ mục tiêu và tìm giải pháp đẩy tăng trưởng năm nay ở mức 6,7%, trong khi thực tế tốc độ tăng GDP quý I chỉ là 5,1%?

- 2017 là năm thứ hai trong kế hoạch phát triển 5 năm của đất nước. Đây là năm quan trọng và được đánh giá là bản lề đối với việc thực hiện kế hoạch. Trước đó, tăng trưởng trong năm đầu tiên 2016 chỉ đạt 6,21%, không đạt mục tiêu đề ra. Nếu năm nay tiếp tục không đạt, kết quả sẽ ảnh hưởng kế hoạch phát triển kinh tế chung.Xét về khía cạnh hội nhập quốc tế, nếu chúng ta không phát triển nhanh hơn, tất nhiên phải gắn với bền vững, thì Việt Nam sẽ tụt hậu. Trên một số phương diện, thực tế Việt Nam hiện đã ở vị thế thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.

bo truong ke hoach & dau tu cho rang, muc tieu tang truong 6,7% la kho nhung khong phai la khong the thuc hien neu co nhung giai phap dung dan, dong bo.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó nhưng không phải là không thể thực hiện nếu có những giải pháp đúng đắn, đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc giữ tốc độ tăng trưởng cũng là mục tiêu quan trọng, mang nhiều ý nghĩa. Kinh tế tăng trưởng tốt sẽ đem lại nguồn lực cho đầu tư phát triển, việc làm, chi tiêu cho ngân sách, cho tới ổn định xã hội. Bối cảnh trong nước và trên thế giới cũng có nhiều tín hiệu tốt ủng hộ quyết định này của Chính phủ.

Các dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây đánh giá triển vọng kinh tế thế giới trong ngắn hạn là rất tốt. Với một nước hội nhập như Việt Nam thì điều này sẽ mang lại tác động tích cực. Trong khi tình hình trong nước đối với một số lĩnh vực đã có sự khởi sắc, đặc biệt là khu vực nông - lâm - ngư nghiệp với thời tiết ổn định, dịch bệnh đã giảm mạnh.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó, thách thức nhưng nếu có giải pháp đúng đắn, đồng bộ và triển khai tích cực thì có thể làm được. Ở chiều ngược lại thì bản thân nền kinh tế cũng phải thực sự cố gắng. Nói khó nhưng không phải không có cơ sở thực hiện.

- Một trong những giải pháp được đưa ra trước mắt là tăng lượng dầu khai thác thêm 1 triệu tấn. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc này cần được xem xét thận trọng. Ông nghĩ sao?

- Theo tính toán hiện nay thì một triệu tấn dầu khai thác thêm sẽ đóng góp 0,25% vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2016, Việt Nam khai thác dầu thô đạt 16 triệu tấn, tuy nhiên kế hoạch khai thác năm 2017 được xây dựng chỉ đạt 12,28 triệu tấn. Trước khả năng còn có thể khai thác thêm và giá dầu đang phục hồi thì đây là cơ hội để ngành khai khoáng đóng góp vào tăng trưởng.

Gần đây, khai khoáng sụt giảm mạnh chủ yếu do dầu thô. Không phải do ngành không hoàn thành kế hoạch, mà là chủ động xin giảm khi thấy biến động giá trên thị trường thế giới đang theo xu hướng tiêu cực.Chính phủ cũng đã xác định việc khai thác tài nguyên sẽ không phải lời giải bền vững cho tăng trưởng. Việc gia tăng lượng khai thác dầu hiện tại chỉ là giải pháp tình thế mang tính ngắn hạn, khi những động lực tăng trưởng mới chưa hình thành rõ ràng.

Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi với ổn định, phát triển bền vững. Thay vào đó, điều cần làm là cơ cấu lại động lực phát triển và tìm những biện pháp bền vững hơn.

- Vậy ngoài việc khai thác thêm dầu, Chính phủ dự kiến có giải pháp nào khác?

- Mục tiêu của Chính phủ trong dài hạn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ đó nâng cao năng suất lao động và tính hiệu quả trong nền kinh tế. Về ngắn hạn, điểm quan trọng nhất là tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí và việc tiếp cận các nguồn lực.

Trên thực tế, số doanh nghiệp đăng ký mới và vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam thời gian trước là rất lớn. Lúc này là thời điểm để đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm chuyển hóa số vốn đăng ký này thành vốn thực hiện, đóng góp vào nền kinh tế.

Việc giảm chi phí đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến như một vấn đề quan trọng cần làm ngay trong Hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp mới đây. Nếu chi phí vẫn cao như hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập, khó có thể chen chân vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đang hình thành.

Năng suất lao động thấp, giá thành cao vốn là thực trạng lâu nay nhưng rất khó để đảo ngược. Thậm chí giá hàng hóa bán thành phẩm của doanh nghiệp nước ngoài còn rẻ hơn nguyên liệu đầu vào sơ cấp tại Việt Nam. Đây là những rào cản bắt buộc phải tháo gỡ.

- Để thúc đẩy kinh tế, Chính phủ dự kiến đề xuất với Quốc hội cơ chế xây dựng những đơn vị hành chính đặc biệt tại Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?

- Đây là một giải pháp thu hút đầu tư đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng thành luật và sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay.

Trước đây, Trung Quốc từng thành công với những hình thức đặc biệt như đặc khu kinh tế, khu kinh tế mới và khu thương mại tự do... Nhưng đến nay, khi đặc khu kinh tế đã làm hết vai trò thì khu thương mại tự do mới là hình thức thu hút được vốn đầu tư nhiều nhất. Vậy nên Bộ đang cần nghiên cứu để đưa ra một hình thức tối ưu nhất, liệu Việt Nam sẽ đi theo tiến trình từ đầu khi xây dựng đặc khu kinh tế hay sẽ theo mô hình đang phát triển mạnh như khu thương mại tự do.

Hiện tại công tác xây dựng đang gấp rút được thực hiện. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã mời các chuyên gia kinh tế, chuyên gia Luật trong và ngoài nước để xin ý kiến. Đồng thời, chúng tôi cũng cử nhiều đoàn làm việc sang các nước khác để tham khảo những hình thái đã có, từ đó tìm ra một mô hình tối ưu nhất. Về cơ bản, đây sẽ là một bước mới để thu hút đầu tư vào Việt Nam.

- Tháp tùng Thủ tướng thăm Mỹ cuối tháng 5 này, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế của Việt Nam với nền kinh tế lớn nhất thế giới ?

- Lãnh đạo Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nhận được lời mời của Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Điều này cho thấy đây sẽ là chuyến thăm có ý nghĩa và có khả năng để mở ra nhiều cơ hội đầu tư. Hiện đã có khoảng 80-90 doanh nghiệp sẽ cùng tháp tùng Thủ tướng sang Mỹ.

Đây cũng sẽ là cơ hội tốt để nước ta xây dựng mối quan hệ với cường quốc này khi chính sách thương mại ra bên ngoài của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump chưa được định hình rõ ràng, và mang thiên hướng bảo hộ nhiều hơn là hội nhập.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục