tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 29-09-2018

  • Cập nhật : 29/09/2018

Mỹ trừng phạt dầu mỏ Iran có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng

Tổng thống Donald Trump muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

CNBC dẫn lời Tamas Varga, nhà phân tích cao cấp tại PVM Oil Associates, cho biết, triển vọng giá dầu có thể lên tới 100 USD trong bối cảnh Tổng thống Mỹ muốn trừng phạt dầu mỏ Iran. Hồi đầu tuần, ông Trump kêu gọi OPEC tăng cường sản xuất để ngăn chặn dầu tăng giá nhưng các nước OPEC và ngoài OPEC khó có khả năng đáp ứng lời kêu gọi này.

Trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại sau thời gian dài lình xình, Ả rập Xê út và các đồng mình đã bác bỏ việc tăng sản lượng trong một cuộc họp ở Algeria hồi tuần trước. Khác với Mỹ, các nước dựa nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ luôn muốn giá dầu được duy trì ở mức cao, nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu về trên mỗi thùng dầu.

"Sự không sẵn sàng của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhằm bù vào lượng dầu thiếu hụt từ Iran sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng thiếu trong quý IV năm nay. Kết quả của việc này có thể dẫn đến giá dầu tăng lên tới 100 USD/thùng trong năm 2018", ông Tamas Varga nhấn mạnh trong một báo cáo gửi khách hàng hôm 27/9.

Cùng ngày, dầu Brent chuẩn quốc tế được giao dịch quanh mức 81,87 USD/thùng, tăng khoảng 0,65% trong khi dầu WTI được giao dịch ở mức 72,32 USD/thùng, cao hơn khoảng 1%.

Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 của OPEC trong vòng 5 tuần tới. Bất cứ biện pháp trừng phạt rộng rãi nào cũng ngay lập tức gây ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu mỏ của Iran dù chưa thể xác định chính xác số lượng dầu thô sẽ mất đi từ ngày 4/11 tới. Vào đầu năm 2018 đến mùa hè vừa qua, Iran xuất khẩu 2,7 triệu thùng dầu thô, tương đương gần 3% mức tiêu thụ toàn cầu mỗi ngày.

Trong khi đó, Ả rập Xê út, một tên tuổi lớn khác của OPEC, được cho là sẵn sàng bổ sung thêm lượng dầu thiếu hụt từ Iran với khoảng 550.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này được đánh giá là có ít năng lực dự trữ để bù đắp cho sự sụt giảm dầu thô của Iran. Và phần nước này có thể bù đắp cũng chưa đầy ¼ số dầu Iran xuất khẩu mỗi ngày.

Trong khi đó, OPEC cũng tuyên bố sẽ tăng sản lượng khi nhu cầu tăng. Tuy nhiên, đây là tuyên bố rất chung chung. Thiếu năng lực dự phòng chính là yếu tố mấu chốt và OPEC có thể phải mất nhiều tháng để có thể khắc phục được những thiệt hại do thiếu nguồn cung từ phía Iran.

Kể từ khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã xấu đi trông thấy. Bất chấp những nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này. (bizlive)
-------------------------

Hà Nội giành "quán quân" về thu hút vốn FDI với 5,8 tỉ đô

Trong 9 tháng năm 2018, Hà Nội là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký là 5,8 tỉ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư.

Ngày 27-9, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến ngày 20-9, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 13,25 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng tính đến khoảng thời gian trên, cả nước có 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 14,1 tỉ USD. Ngoài ra, có 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỉ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Hà Nội giành quán quân về thu hút vốn FDI với 5,8 tỉ đô - Ảnh 1.

Khu vực thuộc xã Hải Bối, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) sẽ được nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư xây dựng thành phố thông minh.

Cũng trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỉ USD, tăng 36,8%.

Tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỉ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với tổng số vốn đạt 11,3 tỉ USD, chiếm 44,6 tổng vốn đầu tư đăng ký.

"Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỉ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,1 tỉ USD, chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký"- Cục Đầu tư nước ngoài cho hay.

Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 5,8 tỉ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Kế tiếp là TP HCM với tổng vốn đăng ký là 4,2 tỉ USD, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,1 tỉ USD.

Trong 9 tháng năm 2018, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 7 tỉ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỉ USD, Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,6 tỉ USD.

Một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 9 tháng năm 2018

- Dự án TP thông minh tại xã Hải Bối, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

- Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, cấp phép ngày 30-5-2018 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỉ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

- Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 7-3-2007 do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên - Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỉ USD vào ngày 25-5-2018.

- Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 1-9-2016 với mục tiêu sản xuất mô-đun Camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào ngày 23-2-2018.(NLĐ)
---------------------------

5G của Trung Quốc còn đáng lo hơn chiến tranh thương mại

Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua với nhau để giành quyền bá chủ thế giới công nghệ.

 

hoat dong thuong mai hoa 5g du kien se duoc thuc hien vao nam 2019. anh: reuters

Hoạt động thương mại hóa 5G dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2019. Ảnh: Reuters

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng trở nên sâu sắc, nhưng khả năng Trung Quốc vươn lên thống trị không gian mạng cũng là vấn đề đáng lo ngại không kém, đặc biệt là mạng di động 5G và các công nghệ liên quan, theo ông Richard Fisher, cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas.

“Tôi không tin vấn đề cuối cùng liên quan đến thương mại và hàng hóa vật chất. Mối quan tâm thực sự của Mỹ là không gian mạng, là ai sẽ dẫn đầu và ai sẽ chiến thắng cuộc đua mạng di động thế hệ thứ năm”, ông Fisher nói trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review.

Công nghệ 5G mới có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 100 lần so với mạng 4G hiện tại và dự kiến sẽ được dùng trong xe tự hành, internet vạn vật, cũng như các công nghệ mới nổi khác đòi hỏi truyền thông tốc độ cực cao. Theo kế hoạch, hoạt động thương mại hóa 5G sẽ được thực hiện vào năm 2019.

“Nếu Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đua này, họ sẽ thiết lập các giao thức cho internet, cũng giống như việc tiếng Anh đã thay thế tiếng Đức như một ngôn ngữ khoa học và trở thành ngôn ngữ của tất cả các hoạt động quan trọng trên quy mô toàn cầu”, ông Fisher nói thêm.

Mỹ không ít lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng cách yêu cầu các công ty Mỹ kinh doanh ở đại lục phải chuyển giao công nghệ. Washington cũng đã từng đề nghị Bắc Kinh nên bỏ sáng kiến sản xuất công nghệ cao “Made in China 2025”. Hiện không chỉ Mỹ mà cả Úc cũng bắt đầu nhận thấy mối đe dọa từ tham vọng muốn bá chủ lĩnh vực công nghệ của quốc gia Đông Á. Gần đây Úc cấm các hãng công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies và ZTE, cung cấp thiết bị xây dựng mạng 5G trong nước vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, khi nói về thương mại, ông Fisher tỏ ra rất lạc quan về khả năng của Mỹ trong cuộc chiến này. “Chúng tôi mua 500 tỉ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc và chúng tôi có quyền phân phối lại chuỗi cung ứng”, cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas thuộc hệ thống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ năm 2005 đến 2015 khẳng định.

Ông Fisher, hiện là cố vấn cấp cao của hãng dịch vụ tài chính Barclays, nhiều lần nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn dưới sự quản lý của Tổng thống Donald Trump. Chính sách cắt giảm thuế “đã mang lại sự tự tin cho các công ty vừa và nhỏ trong tương lai, thúc đẩy đầu tư của họ”. Ông Fisher tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, vì “chúng tôi không còn bị mắc kẹt ở mức tăng trưởng 2%, bây giờ chúng tôi đã gần với mức 3% hoặc có thể cao hơn”.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục