tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 25-11-2017

  • Cập nhật : 25/11/2017

TP.HCM “cầu cứu” Thủ tướng về vốn dự án metro Bến Thành - Suối Tiên

Sau khi gửi hàng loạt văn bản đến các bộ, ngành liên quan đến tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, UBND TP.HCM tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị nhằm đảm bảo nguồn vốn cho dự án đặc biệt quan trọng này.

tuyen metro so 1. anh: doc lap

Tuyến metro số 1. Ảnh: ĐỘC LẬP

Ngày 24.11, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính sớm tham mưu việc ứng trước kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 288/TB-VPCP ngày 5.7.2017 với số vốn là 4.788 tỷ đồng.

Kiến nghị này của UBND TP.HCM nhằm đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 trong thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến tổng mức đầu tư theo quy định, không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

Liên quan đến tình hình giải ngân vốn của dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, UBND TP.HCM cho biết trước năm 2016, phần vốn nước ngoài hằng năm trong kế hoạch đầu tư công được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài. Việc giải ngân của dự án thực hiện không phụ thuộc vào kế hoạch giao vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, từ sau năm 2016, theo quy định của luật Đầu tư công năm 2014, việc giải ngân của dự án phải theo kế hoạch được giao.

Do vậy, công tác giải ngân vốn ODA cho dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đã bị ngưng từ tháng 9.2016 do việc kiểm soát, xác nhận vốn ODA phải đảm bảo không được vượt kế hoạch vốn ODA được giao.

Để giải quyết khó khăn tạm thời trong việc bố trí vốn ODA từ ngân sách Trung ương, UBND TP.HCM đã phải tạm ứng từ ngân sách thành phố để chi trả cho các nhà thầu với số tiền là 600 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn 2017, UBND TP.HCM cho biết đến tháng 4.2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao bố trí kế hoạch vốn ODA năm 2017 cho dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên là 2.119 tỷ đồng. Tuy nhiên số vốn được giao không đáp ứng nhu cầu dự kiến lên đến 5.422 tỷ đồng (thiếu 3.303 tỷ đồng).

Ngày 25/8/2017, UBND TP.HCM đã tiếp tục tạm ứng từ ngân sách thành phố số tiền 500 tỷ đồng để chi trả cho khối lượng công việc của các gói thầu thuộc dự án.

Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, ngày 20/4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT về giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, bố trí kế hoạch vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cho dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên là 7.500 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã giao cho dự án còn lại là 4.788 tỷ đồng.

TP.HCM đã 4 lần tạm ứng vốn để dự án không bị đình trệ

Trước đó, ngày 6/11, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục hỗ trợ giải ngân để hoàn trả tạm ứng cho ngân sách thành phố, nhằm giải quyết tình hình khó khăn về nguồn vốn ODA tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM cho biết với nỗ lực đảm bảo tiến độ dự án đặc biệt quan trọng này, TP.HCM đã 3 lần phải tạm ứng vốn ngân sách với tổng số tiền 2.300 tỷ đồng để trả nợ nhà thầu metro số 1 trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ Trung ương. Lý do, nếu tiến độ dự án không đảm bảo sẽ gây ra nhiều hệ lụy dây chuyền.

Ngày 23/11, cũng vì bị thúc ép bởi tiến độ dự án đặc biệt quan trọng này, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của Sở Tài chính về việc tạm ứng từ ngân sách thành phố số tiền 1.173 tỷ đồng cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị để thanh toán cho các nhà thầu do đã thực hiện hoàn thành khối lượng công việc của các gói thầu thuộc dự án.(Thanhnien)
---------------------------------

VinaCapital lên tiếng về ông Don Lam lọt vào Hồ sơ Paradise

Việc lãnh đạo Tập đoàn VinaCapital có tên trong hồ sơ Paradise không nói lên điều gì cụ thể", theo thông báo của quỹ đầu tư này hôm nay, 23-11.

 

mot phu nu cam bang ghi: "apple hay dong thue di". nhieu dai gia cong nghe nhu apple co ten trong ho so paradise - anh: the star

Một phụ nữ cầm bảng ghi: "Apple hãy đóng thuế đi". Nhiều đại gia công nghệ như Apple có tên trong Hồ sơ Paradise - Ảnh: The Star

 

Trước đó, sau hơn 10 ngày sau khi công bố thông tin chấn động về hồ sơ Paradise phanh phui các chiêu trò trốn thuế của những người giàu nhất thế giới, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công khai các dữ liệu này. 

Trong hồ sơ Paradise có tên 13 pháp nhân, 25 cá nhân liên quan đến Việt Nam, trong đó có ông Don Lam, tổng giám đốc điều hành VinaCapital.

Phản hồi về thông tin này, VinaCapital khẳng định như hầu hết các nhà quản lý đầu tư quốc tế, Tập đoàn VinaCapital sử dụng dịch vụ của nhiều hãng luật khác nhau trong quá trình thành lập các pháp nhân.

"Trong tất cả các hoạt động đầu tư, Tập đoàn VinaCapital luôn cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các quốc gia và vùng lãnh thổ nơi thành lập các pháp nhân do chúng tôi tham gia, quản lý" - VinaCapital cho hay.

Theo tập đoàn này, việc lãnh đạo Tập đoàn VinaCapital có tên trong hồ sơ Paradise không nói lên điều gì cụ thể. 

VinaCapital dẫn đến thông cáo miễn trừ trách nhiệm của ICIJ, tổ chức đã đơn phương công bố hồ sơ này.

Cụ thể, trên website, ICIJ viết: "Chúng tôi không cho rằng hoặc ám chỉ rằng có cá nhân, doanh nghiệp hay pháp nhân nào trong cơ sở dữ liệu này đã vi phạm luật pháp hoặc hành động sai trái".

Vào chiều qua, phản hồi liên quan đến việc Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, lọt vào danh sách này, đại diện Dragon Capital nói với Tuổi Trẻ Online ngắn gọn rằng việc quỹ đầu tư này lọt vào danh sách trên không khẳng định điều gì. 

Theo vị đại diện này, các quỹ của Dragon Capital được thành lập ở đâu thì sẽ tuân thủ theo pháp luật thuế được áp dụng tại nước đó.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, những cá nhân có tên trong hồ sơ Paradise đều làm việc tại các quỹ đầu tư tại Việt Nam. 

Cụ thể, liên quan Dragon Capital ngoài ông Dominic Scriven còn có ông Shrimpton - John và Lockwood - Mark. 

Trong khi đó, Quỹ VinaCapital ngoài ông Don Lam còn có một nhân vật khác là Taylor - Brook Colin.

Quỹ Indochina Capital “đóng góp” hai cá nhân gồm Pham - Brian Quan và Ryder - Peter Raymond. 

Một tên tuổi khác được nêu tên trong danh sách là ông Nguyen - Louis T, hiện là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management…

Việc cá nhân làm việc ở các quỹ đầu tư lọt vào hồ sơ Paradise, theo lý giải của lãnh đạo một quỹ đầu tư, là vì hiện nay hầu hết các quỹ đều được thành lập tại các “thiên đường” thuế, cụ thể như Cayman Islands, British Virgin Islands... 

Không chỉ các quỹ hoạt động tại Việt Nam, mà nhiều quỹ khác trên thế giới cũng vậy nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế, theo vị này.(Tuoitre)
---------------------------

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng vào top 500 người giàu nhất thế giới

Với tổng tài sản tăng 200 triệu USD chỉ trong 3 ngày, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức trở thành người Việt đầu tiên góp mặt trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới.

Theo số liệu mới nhất được cập nhật của Forbes, tính đến ngày 24.11, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) đã đạt con số kỷ lục 4,2 tỉ USD. Như vậy chỉ trong 3 ngày, khối tài sản của tỉ phú này tăng thêm 200 triệu USD, từ mức 4 tỉ USD ngày 21.11.

Giá trị tài sản tăng mạnh “chóng mặt” đã giúp ông Vượng tăng 52 bậc trong danh sách những người giàu nhất thế giới, lần đầu tiên góp mặt trong top 500 người dẫn đầu.

Hiện tại, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup xếp ở vị trí thứ 490. Với khối tài sản này, tỉ phú Phạm Nhật Vượng bỏ xa tỉ phú gốc Việt Hoàng Kiều đang nắm giữ khối tài sản trị giá 2,9 tỉ USD.

Theo đánh giá của Forbes, giá trị tài sản của ông Vượng tăng nhanh nhờ đà tăng của cổ phiếu VIC trên sàn chứng khoán. Theo đó, cổ phiếu VIC hiện được giao dịch với giá 75.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 80% so với đầu năm, đẩy giá trị vốn hóa của "ông lớn" bất động sản này đạt hơn 200.000 tỉ đồng, xấp xỉ 8,8 tỉ USD.(Thanhnien)
-------------------------

Uber, Grab vào tầm ngắm thanh tra thuế

Tổng cục Thuế vừa có văn chỉ đạo các Cục thuế trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra thuế năm 2018, trong đó lưu ý tập trung một số doanh nghiệp trong ngành dầu khí, xăng dầu, Uber, Grab…

Theo đó, các Cục thuế địa phương phải thanh kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế phải đạt tối thiểu 18,5% trên tổng số người nộp thuế đang hoạt động thuộc diện quản lý. Tuy nhiên, phải lưu ý vào các doanh nghiệp nhiều năm chưa thanh kiểm tra, tránh tình trạng có doanh nghiệp năm nào cũng bị thanh kiểm tra thuế.

Trong đó, cơ quan thuế cần tập trung một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có dư địa thu lớn, như: Lĩnh vực dầu khí, xăng dầu, bệnh viện, hàng không, các tổ chức tín dụng, dược phẩm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, casino, xổ số, cảng biển; kinh doanh ô tô; xây dựng, bất động sản; khai thác khoáng sản…

Đặc biệt, các cơ quan thuế cũng phải lưu ý các doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù, như: Kinh doanh dịch vụ vận tải Uber, Grab, kinh doanh qua mạng.

Ngoài ra, ngành thuế cũng cần tập trung thanh kiểm tra thuế với các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, kết quả kinh doanh lỗ nhiều năm hoặc thấp hơn nhiều các doanh nghiệp cùng ngành nghề lĩnh vực.

Mới đây, Tổng cục Thuế cho biết, Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỷ đồng, nhưng tới nay lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng. Khoản lỗ này, Grab lý giải, do khuyến mại nhiều.

Tổng doanh thu Grab các 3 năm (2014-2016) là 1.755 tỉ đồng, đã nộp thuế hơn 9,5 tỷ đồng. Qua hoạt động thanh tra Grab, Cục Thuế TPHCM đã xử lý tăng thuế hơn 2,9 tỷ đồng.

Đối với Uber, Cục Thuế TPHCM báo cáo tổng doanh thu 3 năm (2014, 2015, 2016) và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng, số thuế đã nộp hơn 76,8 tỷ đồng. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thuế hơn 66,6 tỷ đồng. Sau nhiều tháng có ý kiến về khoản truy thu thuế này, Uber đã chấp nhận thực hiện.(Tienphong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục