tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 24-05-2018

  • Cập nhật : 24/05/2018

Việt Nam thành vùng trũng tội phạm thẻ

Các nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang đẩy nhanh tiến độ “chip hóa” thị trường thẻ khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo thẻ đang ngày càng gia tăng.

vn dang tro thanh vung trung cua toi pham the vi the ngan hang hau het la the tu trong khi nhieu nuoc da hoan tat chuyen doi sang the chip - anh: thuan thang.

VN đang trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ vì thẻ ngân hàng hầu hết là thẻ từ trong khi nhiều nước đã hoàn tất chuyển đổi sang thẻ chip - Ảnh: THUẬN THẮNG.

Thông tin này được Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (Napas) nêu ra trong thông cáo phát cuối ngày 23-5.

Napas cho biết tính đến cuối năm 2017, theo số liệu của EMV Co., châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ chuyển đổi thấp nhất so với các châu lục khác, đạt khoảng 45%.

Trong đó, một số quốc gia đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công tác chuyển đổi thẻ chip, điển hình gồm Trung Quốc với khoảng 1,2 tỉ người đã gần hoàn tất "chip hóa" thẻ từ.

Malaysia từng được xem là "thủ đô của tội phạm thẻ" đã hoàn thành việc chuyển đổi thẻ chip cho toàn bộ thị trường vào đầu năm 2018. Thái Lan bắt đầu thực hiện chuyển đổi thẻ chip từ năm 2016, và dự kiến "chip hóa" toàn bộ thị trường vào tháng 1-2019.

 

Indonesia đang thực hiện chuyển đổi, tỉ lệ đạt khoảng 10% và dự kiến đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi xong toàn thị trường vào năm 2020, sớm trước một năm so với lộ trình đặt ra. Ấn Độ đang thực hiện chuyển đổi, tỷ lệ đạt khoảng 30-40%.

Với số lượng hơn 700 triệu thẻ ghi nợ, các ngân hàng tại Ấn Độ đang tập trung ưu tiên chuyển đổi cho các thẻ phát sinh giao dịch trong vòng 60-90 ngày gần nhất để có thể đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành "chip hóa" thẻ từ vào cuối năm 2018

Về tiến độ chuyển đổi thẻ chip tại VN, Napas cho biết đã hoàn thành việc xây dựng và bàn giao Bộ tiêu chuẩn thẻ chip cho Ngân hàng Nhà nước để nơi này xem xét, đánh giá và chính thức ban hành cùng với kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho các ngân hàng.

Bộ tiêu chuẩn bao gồm cả tiếp xúc và không tiếp xúc, tương thích với tiêu chuẩn quốc tế EMV, kế thừa lại hạ tầng phát hành và chấp nhận thẻ quốc tế hiện đã tương thích với EMV của các ngân hàng.

Ngoài ra, cũng cho phép các ngân hàng triển khai chuyển đổi thẻ giao tiếp kép (hỗ trợ cả tiếp xúc và không tiếp xúc) ngay trong giai đoạn đầu tiên, giảm bớt một bước chuyển đổi theo lộ trình từ thẻ tiếp xúc sang không tiếp xúc như bài học kinh nghiệm từ các nước khác.

Napas cũng cho rằng, với quy mô khoảng gần 70 triệu thẻ nội địa, nhiều nhà cung cấp tham gia sẽ giúp chi phí chuyển đổi thẻ chip nội địa của các ngân hàng sẽ thấp hơn nhiều so với thẻ quốc tế.

Hiện việc chuyển đổi sang thẻ chip đang được đẩy nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn bảo mật, quản lý rủi ro gian lận và giả mạo thẻ.

Về phía Hội thẻ VN, ngoài kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip và chỉ đạo kế hoạch chuyển đổi chi tiết, còn kiến nghị chính sách về chuyển đổi trách nhiệm giữa các ngân hàng - tương tự như chính sách của các Tổ chức thẻ quốc tế.

Chính sách này quy định tại mốc thời gian áp dụng chính sách nếu ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng thanh toán chưa thực hiện được việc phát hành hoặc chấp nhận thanh toán thẻ chip thì ngân hàng đó sẽ chịu toàn bộ rủi ro xảy ra do thẻ giả mạo.

Hiện NAPAS đang thực hiện thí điểm Bộ tiêu chuẩn thẻ chip với 6 ngân hàng gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, ABBank và TPBank, 3 đơn vị cung cấp thẻ chip và 6 đơn vị cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ.(Tuoitre)
--------------------------

Ngân hàng 0 đồng đã thu hồi được bao nhiêu nợ xấu?

Kiểm toán Nhà nước đánh giá thực trạng tài chính của các ngân hàng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn trong khi việc thu hồi nợ xấu cũng gặp nhiều khó khăn.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Quốc hội kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và 9 tổ chức tài chính, trong đó có 2 ngân hàng 0 đồng là GPBank và Oceanbank.

Theo đánh giá của cơ quan này, việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được NHNN mua 0 đồng chậm và chưa triệt để; NHNN chưa kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát triển khai Phương án cơ cấu lại GPBank theo quy định tại Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chậm phê duyệt Đề án tái cơ cấu GPBank, Oceanbank dẫn đến không thể triển khai các biện pháp nhằm giảm suy giảm tài chính của các ngân hàng được mua 0 đồng; công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt của NHNN còn hạn chế.

Trong khi đó, thực trạng tài chính của các ngân hàng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn.

Cụ thể, tại GPBank, từ thời điểm mua bắt buộc (07/7/2015) đến 31/12/2016 lỗ thêm 451 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 13.448 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ đồng.

Tại Oceanbank, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2016 là 1.417 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015 (684 tỷ đồng), lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 15.894 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu tại các ngân hàng này cũng gặp nhiều khó khăn. Tại GPBank, năm 2016 ngân hàng thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu, báo cáo viết.

Tại Oceanbank, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nợ xấu khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chưa đầy đủ tính pháp lý hoặc khách hàng không hợp tác…; tốc độ thu hồi nợ có xu hướng giảm (từ 6/5/2015, thời điểm NHNN mua lại đến 31/12/2015 thu hồi 2.061 tỷ đồng, năm 2016 là 1.964 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 là 757 tỷ đồng).

Ngoài ra, ngân hàng cũng chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ tồn đọng từ nhiều năm như GPBank có 3.420 tỷ đồng phát sinh trước năm 2012, trong đó 2.982 tỷ đồng liên quan đến nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và Đoàn Văn An (Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam); tạm ứng 362 tỷ đồng mua bất động sản nhưng bị tranh chấp pháp lý, chưa hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng…;

Oceanbank có nhiều khoản phải thu, tạm ứng, trong đó 331 tỷ đồng tạm ứng liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm đang được các cơ quan tố tụng xét xử; 245 tỷ đồng tạm ứng thực hiện các dự án bất động sản đều đã quá hạn và rủi ro mất vốn.(Bizlive)
------------------------------------

Nguy cơ Mỹ thiệt hại 1 tỷ USD do các biện pháp đáp trả thương mại của Nga và Nhật Bản

-Nga và Nhật Bản có thể sẽ đáp trả kế hoạch tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép của Mỹ bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể khiến phía Mỹ thiệt hại tổng cộng 1 tỷ USD.

Ngày 22/5, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố các đơn kiến nghị từ Nga và Nhật Bản cho thấy chi phí mà Mỹ sẽ phải gánh chịu vì kế hoạch nâng thuế nhập khẩu nhôm thép. Những mức phí này được tính toán dựa trên các số liệu xuất khẩu của hai quốc gia trong năm 2017.

Cụ thể, theo phân tích của Moskva, việc Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp tăng thuế sẽ khiến mức thuế hàng năm với những mặt hàng xuất khẩu từ Nga tăng thêm 538 triệu USD và trong khi Tokyo cũng ước tính khoản thuế đội lên do ảnh hưởng từ biện pháp của Mỹ sẽ là 440 triệu USD.

Qua đó, cả hai quốc gia này khẳng định có quyền áp đặt những chi phí tương đương với những mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ song không nêu chi tiết những mặt hàng sẽ bị nhắm tới. Hồi tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đệ đơn với nội dung tương tự lên WTO.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, EU cho biết phía Mỹ vẫn chưa thỏa mãn với những đề xuất của Brussels về việc mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nhập từ Mỹ tại "Lục địa Già", trong đó có các sản phẩm ôtô nhập khẩu.

Phát biểu với báo giới trước cuộc họp của của các Ngoại trưởng EU bàn về thương mại, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom cho biết đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sau khi EU công bố những đề xuất trên nhưng phía Mỹ có vẻ thấy như vậy là chưa đủ.

Ngoại trưởng Luxemburg Jean Asselborn cũng tỏ ra bi quan và cho rằng hai bên nhiều khả năng sẽ không thể đạt được đồng thuận trước tháng 1/2019, hạn chót mà Mỹ đề ra để trì hoãn áp đặt các biện pháp tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép với EU. Ông này cũng cho biết phía EU sẽ tiếp tục thảo luận xem có thể đưa thêm những đề xuất gì với Mỹ nhưng công việc này cũng khá khó khăn.

Những lĩnh vực mà các nước thành viên EU sẽ tập trung thảo luận gồm tạo điều kiện thuận lợi hơn để các nhà sản xuất Mỹ tiếp cận thị trường châu Âu và cũng như một số ngành vốn được các chính phủ coi trọng như năng lượng.

Trong số các quốc gia châu Âu thì Đức ưu tiên tránh mâu thuẫn thương mại với Mỹ hơn cả vì đây là một quốc gia chú trọng xuất khẩu. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng những đề xuất mà EU vừa công bố mới chỉ là bước đầu, và sẽ được triển khai rộng hơn, đồng thời lạc quan về khả năng hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng.

Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng lần lượt 10% và 25% các mức thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu với lý do "lấy lại công bằng" cho các nhà sản xuất Mỹ trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập ngoại có giá thành thấp hơn, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh thương mại. Quyết định này đã dẫn tới việc EU đe dọa có động thái đáp trả tương tự nhằm vào một số sản phẩm xuất khẩu của Mỹ như bơ lạc và xe môtô Harley Davidson.

Mỹ sau đó đã quyết định tạm hoãn áp dụng mức thuế mới với EU cho tới tháng 1/2019 để hai bên tiến hành đàm phán. Cho tới nay, Mỹ đã đồng ý miễn áp đặt mức thuế mới với các mặt hàng nhôm thép nhập khẩu từ Australia, Brazil, Argentina và Hàn Quốc nhưng áp đặt hạn ngạch nhập khẩu cụ thể với từng trường hợp. Bà Malmstrom cho rằng EU sẽ khó mà chấp nhận kịch bản này.(TTXVN)
------------------------

Vốn hóa của Vinhomes vượt Vingroup 1 tỉ USD

Mã VIC của Tập đoàn Vingroup trong phiên giao dịch hôm nay, 23-5, giảm tiếp 3.400 đồng, còn 103.000 đồng/cổ phiếu, nhường ngôi vị vốn hóa lớn nhất cho Vinhomes.

Vốn hóa của Vinhomes vượt Vingroup 1 tỉ USD - Ảnh 1.

Hai nhà đầu tư quan sát thị trường tại sàn giao dịch chứng khoán ở quận 1 - ẢNH : TRẤN KIÊN

Việc khối ngoại giảm lực bán cổ phiếu VIC của Vingroup trong phiên hôm nay đã hãm được đà lao dốc của cổ phiếu này so với hai phiên giảm sàn liền trước.

Trong khi đó, mã VHM mới "chào sàn" của Vinhomes, công ty thuộc Vingroup, bắt đầu được khối ngoại giao dịch với tổng khối lượng trên 5,3 triệu cổ phiếu, đạt tổng giá trị gần 590 tỉ đồng.

Nhờ VN Index bật tăng vào cuối phiên, cổ phiếu VHM đã được khối ngoại giao dịch ồ ạt với mức giá 110.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với mức giá giao dịch trên 3 triệu cổ phiếu vào phiên buổi sáng.

Trước đà suy giảm của mã cổ phiếu VIC, mã cổ phiếu VHM chính thức trở thành mã có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn HoSE, nhiều hơn mã "mẹ" VIC khoảng 1 tỷ USD.

 

Thị trường chứng khoán hôm nay, 23-5, có một phiên giao dịch nhiều sắc thái khi buổi sáng VN Index mất đến 18 điểm nhưng lội ngược dòng thành công vào buổi chiều để kết thúc phiên với thêm 3 điểm

Vị cứu tinh được cho là đến vào lúc 13h35 phút, sàn HoSE xuất hiện một lực giao dịch rất mạnh, lên đến 10,5 triệu cổ phiếu, kéo VN Index bật tăng và kết thúc với 989 điểm.

Hai chỉ số khác là HNX Index và UPCoM Index cũng thoát đà suy giảm và tăng trưởng nhẹ.

Cú lội ngược dòng của VN Index vào cuối phiên nhờ vào lực kéo của các mã mạnh VN30, khi có tổng cộng 20 mã VN30 chuyển xanh, áp đảo 8 mã "đỏ lửa".

Mã VNM của Vinamilk tăng mạnh 5.300 đồng, lên 167.300 đồng/cổ phiếu bất chấp khối ngoại bán ròng.

Đây là mã VN30 có vốn hóa thị trường đứng thứ ba trên sàn HoSE, đã giữ được tốc độ tăng trưởng ấn tượng kéo thị trường từ đầu phiên.

Trái với phiên giao dịch hôm qua, phiên giao dịch hôm nay chứng kiến giá dầu thô và giá gas trên thị trường thế giới đồng loạt giảm.

Tuy nhiên, các cổ phiếu VN30 họ dầu khí như GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam có một phiên bức phá khi tăng trần 7.400 đồng, lên 113.300 đồng/cổ phiếu nhờ khối ngoại mua ròng 120 triệu cổ phiếu.

Mã GAS lấy lại nhịp độ tăng trưởng sau bốn phiên liên tiếp suy giảm mạnh.

Ở chiều ngược lại, các mã VN30 "đỏ lửa" đều thuộc lĩnh vực bất động sản, khiến cho chỉ số ngành này suy giảm tới 2,34%.

Cụ thể, mã NVL của Novaland cũng giảm nhẹ 200 đồng, còn 50.200 đồng/cổ phiếu. Mã CTD của Công ty CP Xây dựng Coteccons giảm mạnh 6.600 đồng, còn 138.000 đồng/cổ phiếu.

Hôm nay, thị trường cũng chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ về thanh khoản, khi tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt trên 7.000 tỉ đồng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5.

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng 500 tỉ trên sàn HoSE, song lại mua ròng hơn 20 tỉ trên sàn Hà Nội và UPCom.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục