tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 18-07-2016

  • Cập nhật : 18/07/2016

Mục tiêu kinh tế khó đạt, nhà đầu tư nên làm gì?

Hai sàn đã có một sự phân cực phản ánh khá rõ xu thế thị trường trong tuần qua khi VN-Index tăng được 0,9% còn HNX-Index lại đánh mất 1,1%.

Nguyên nhân chính là nhiều trụ cột sàn HOSE như VCB, VIC, CTG, BID, BVH tăng mạnh giúp cho VN-Index đi ngược dòng trong khi số đông đặc biệt là nhóm các cổ phiếu đầu cơ như SCR, VCG, HSG, HAG,… lại mất điểm trong tuần qua.

Thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua tiếp tục ghi nhận mức tăng 9% tại sàn HOSE khi trung bình mỗi phiên VN-Index đạt mức trên 140 triệu cổ phiếu/phiên. KSA có diễn biến đáng chú ý nhất trong tuần khi mã này bất ngờ được bắt đáy mạnh với khối lượng khớp lệnh đạt 30 triệu cổ phiếu, tương ứng 32% vốn điều lệ vào ngày 12/07 sau 12 phiên liên tiếp giảm sàn trước đó. Tuy nhiên, mã này sau đó lại quay đầu giảm sàn liên tiếp vào 2 ngày cuối tuần.

Các thông tin đáng chú ý trong tuần:

+ Các nhóm quân sự đã tiến hành đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15/7, dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở nước này. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình chung của Châu Âu khi họ vẫn đang gặp nhiều áp lực sau khi Anh thông qua việc rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

+ Tòa trọng tài tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". PCA cho rằng tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này.

Mặc dù tăng điểm tuần qua nhưng VN-Index đã có 2 phiên cuối tuần điều chỉnh mạnh, đặc biệt tại nhóm các cổ phiếu đầu cơ. Xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index vẫn tiếp tục là tăng điểm trừ phi chỉ số này đánh mất ngưỡng hỗ trợ quanh 650 điểm.

Nhà đầu tư chỉ nên ở trạng thái NẮM GIỮ và tập trung vào nhóm các cổ phiếu có câu chuyện cơ bản tích cực hơn là nhóm đầu cơ để đảm bảo an toàn cho danh mục trong thời điểm hiện tại khi câu chuyện kinh tế 2016 đang có nhiều khó khăn:

+ GDP 6 tháng chỉ đạt 5,52%, thấp hơn nhiều so với con số 6,32% của cùng kỳ và sẽ rất khó để đạt được mục tiêu 6,7% của Chính phủ đề ra.

+ Xuất khẩu nửa đầu năm chỉ đạt 5,9% và cũng khó để đạt được mục tiêu 10% của Chính phủ đề ra.

+ Các ẩn số từ nền kinh tế thế giới đang ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt tại khu vực Châu Âu.(NCĐT)


Ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất quyền điều hành cà phê hòa tan Trung Nguyên

Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên không còn là người đại diện pháp luật của đơn vị sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu cà phê G7.

Ngày 13/7, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên. 

Cụ thể, quyết định này thu hồi và hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 ngày 21/4 và thông báo thay đổi về mẫu con dấu của Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên thể hiện việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện pháp luật. 

Với quyết định này của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 28/11/2013 của công ty này, trong đó người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ. 

Theo Điều 13, Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại diện pháp luật là cá nhân đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Cá nhân này đại diện cho doanh nghiệp giao tiếp với bên ngoài và quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của doanh nghiệp... Chức danh người đại diện pháp luật có thể là Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp.

 Trước đó, bà Thảo đã gửi đơn kiến nghị đến UBND, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (ban hành ngày 21/4) với lý do chờ kết quả giải quyết của tòa án về việc ly hôn giữa bà và ông Vũ.

Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát doanh nghiệp này kéo dài từ cuối năm ngoái khi Trung Nguyên thông báo việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Tuy nhiên, sau đó bà Thảo có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính là đang có sự tranh chấp giữa 2 vợ chồng bà. Theo bà, trong thời gian chờ tòa án giải quyết việc ly hôn, ông Vũ đã tự ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên đối với bà Thảo.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, việc làm của ông Vũ là “không đảm bảo tính pháp lý" bởi HĐQT công ty có 3 thành viên. Tuy nhiên, các lần họp để miễn nhiệm chức danh trên thì chỉ có một mình ông Vũ họp và tự ra quyết định.

Tập đoàn Trung Nguyên là một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. 

Hiện Tập đoàn Trung Nguyên có 4 nhà máy tại Đắk Lắk, TP HCM, Bình Dương và Bắc Giang. Trong đó, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên là đơn vị vận hành nhà máy tại Bình Dương, có trụ sở tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An. Đây là đơn vị sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu G7 gồm cà phê sữa hòa tan, cà phê đen hòa tan và cà phê đặc chế hòa tan. Ngoài Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên, hiện bà Thảo cũng điều hành Công ty TNHH TNI có trụ sở chính tại Singapore - đơn vị có mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên. 


CII đã ký thỏa thuận với quỹ đầu tư Hàn, sẽ nâng giá mua cổ phiếu quỹ

CII cũng sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường sau khi hoàn tất việc mua cổ phiếu quỹ nhằm thông qua phương án phát hành trái phiếu hoán đổi cho quỹ Hàn Quốc.

Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã CII) vừa thông báo đã thống nhất điều chỉnh tăng giá mua cổ phiếu quỹ. Lý do được HĐQT CII đưa ra là do thị trường chứng khoán đã tăng hơn 16% trong khi giá cổ phiếu CII từ thời điểm xác định giá mua cổ phiếu quỹ đến nay cũng tăng khoảng 15% lên 26.800 đồng/cp. Cùng với đó, tình hình đàm phán đầu tư với một quỹ đầu tư Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận.

Thông báo của CII cho biết, theo thỏa thuận đã ký, quỹ Hàn Quốc sẽ đầu tư vào trái phiếu hoán đổi của CII và CII phải đảm bảo đủ số lượng cổ phiếu để hoán đổi cho nhà đầu tư và một số điều khoản trái phiếu khác.

Hiện CII không công bố giá mua cổ phiếu quỹ cụ thể do quy định của Thông tư 203, tuy nhiên HĐQT cho biết giá mua điều chỉnh sẽ không tăng nhiều so với mức giá đã phê duyệt trước đó là 25.300 đồng. Công ty sẽ công bố giá mua chính thức khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo kế hoạch, CII dự kiến mua 24 triệu cổ phiếu quỹ, nâng số lượng nắm giữ lên 34 triệu cổ phiếu. Trong một thông báo, CII cho biết cổ phiếu quỹ có thể được bán lại cho các nhà đầu tư mới với mức giá không thấp hơn 130% giá mua. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ ngày 28/7 đến 27/8.

CII cũng sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường sau khi hoàn tất việc mua cổ phiếu quỹ. Dự kiến, Công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc gia hạn thêm thời gian mua cổ phiếu quỹ để CII mua đủ số lượng tương đương với số lượng cổ phiếu thực hiện hoán đổi cho quỹ đầu tư Hàn Quốc. Đồng thời, trình cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu hoán đổi với quỹ đầu tư Hàn Quốc.


Startup xe ôm Indonesia có thể nhận 400 triệu USD từ KKR, Warburg Pincus

Go-Jek có gì mà thu hút được cả KKR (từng đầu tư vào Masan Group tại Việt Nam) và Warburg Pincus (đang đầu tư vào Vingroup)?

Theo báo Wall Street Journal, Go-Jek có thể gọi vốn tới 400 triệu USD từ hai quỹ đầu tư nổi tiếng này của Mỹ. Theo đó, KKR và Warburg Pincus định giá Go-Jek là khoảng 1,2 tỷ USD.

Nguồn tin này cũng cho biết thương vụ vẫn chưa hoàn tất, các điều khoản và nhà đầu tư tham gia vẫn có thể thay đổi.

Go-Jek (lấy tên từ xe ôm ojek của Indonesia) là dịch vụ xe ôm mà người dùng có thể đặt xe thông qua ứng dụng trên điện thoại. Dịch vụ này đang nỗ lực gọi vốn để gia tăng hoạt động từ các nhà đầu tư cũ lẫn mới. Với giá cước rẻ và cố định, người dùng Go-Jek không cần phải trả giá như đi xe ôm truyền thống.

Go-Jek ra mắt ứng dụng điện thoại từ tháng 1/2015 tại 10 thành phố ở Indonesia. Sau đó, cả Uber lẫn Grab cũng đã "nốt gót" hãng xe này ra mắt dịch vụ xe ôm tại Indonesia (UberMotor và GrabBike). Theo công ty phân tích dữ liệu App Annie, ứng dụng Go-Jek đạt số lượng tải cao hơn cả Uber lẫn Grab.

Ngoài xe ôm, công ty cũng mở rộng sang các dịch vụ giao nhận, mua sắm hàng tạp hóa, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, đồng thời cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ dùng xe hơi và xe tải nhỏ.

Nếu gọi vốn thành công, Go-Jek sẽ là một trong số ít ỏi những startup Đông Nam Á được định giá tỷ USD. Ngoài đối thủ Grab được định giá 1,6 tỷ USD, dịch vụ nhắn tin và game online Garena cũng có giá tới 3,75 tỷ USD. Trong khi đó, Lazada đã được Alibaba chi 1 tỷ USD để sở hữu cổ phần chi phối.

Dịch vụ gọi xe ôm này được xem là một giải pháp nhằm cắt giảm lượng xe cá nhân tại Indonesia, quốc gia vốn thường phải đối mặt với vấn nạn kẹt xe. Tại đất nước này, tỷ lệ người sở hữu xe máy so với xe ô tô là 10:1.

Go-Jek đã tiêu tốn khá nhiều tiền để thu hút thêm người dùng. Trong vòng chưa đầy 6 tháng, hãng này đã chi tới 73 triệu USD để mở rộng hoạt động. Nhờ vậy, lượng người dùng dịch vụ của hãng đã tăng 12% trong giai đoạn đó, mặc dù hãng cũng đã cắt giảm bớt số tài xế và giá cước dịch vụ. Từ tháng 1/2015 cho tới tháng 12/2015, số tài xế tham gia Go-Jek đã tăng từ 1.000 lên ... 200.000 người.

Go-Jek thực hiện bình quân 340 nghìn chuyến vận chuyển mỗi ngày trong tháng 1/2016, với giá cước trung bình ở mức 3 USD/chuyến. Nếu quy các con số này ra cả năm 2016 thì tổng giá trị các chuyến đi của Go-Jek là hơn 372 triệu USD.  Go-Jek sẽ được hưởng 20% từ con số này, nghĩa là doanh thu của hãng là khoảng 74 triệu USD. Đây là một con số rất đáng chú ý, nếu so với mức doanh thu 10-14 triệu USD của Grab trong năm 2015 (theo ước tính của Tech In Asia).

Trong số các nhà đầu tư hiện tại của Go-Jek có DST Global. Đây là doanh nghiệp của tỷ phú người Nga Yuri Milner, người đã nổi danh nhờ đầu tư vào Facebook và Twitter trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital và NSI Ventures (thuộc Northstar Group) cũng đã đầu tư vào Go-Jek.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục