tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 16-06-2018

  • Cập nhật : 16/06/2018

Comcast ra giá 65 tỷ USD mua 21st Century Fox

Đề nghị này đã châm ngòi cho cuộc chiến giành Fox giữa hai đế chế truyền thông – viễn thông hàng đầu tại Mỹ - Comcast và Disney.

Đại gia truyền hình cáp Mỹ - Comcast vừa chính thức đề nghị mua phần lớn 21st Century Fox với 65 tỷ USD tiền mặt. Đây là đòn giáng mạnh vào Disney – công ty đã đạt thỏa thuận mua số tài sản tương tự từ Fox tháng 12 năm ngoái với 52,4 tỷ USD.

Fox là đế chế của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch. “Chúng tôi từ lâu ngưỡng mộ những gì gia đình Murdoch đã gây dựng tại 21st Century Fox”, CEO Comcast - Brian Roberts cho biết trong thư gửi Fox hôm qua. Fox cũng cho biết đã nhận được lời đề nghị này và sẽ xem xét kỹ lưỡng.

Quyết định của Comcast được đưa ra chỉ một ngày sau khi một thẩm phán liên bang Mỹ chấp thuận cho AT&T mua Time Warner với giá 85 tỷ USD. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã cố ngăn vụ mua bán này.

Cuộc chiến giành Fox giữa Comcast và Disney đã bắt đầu. Ảnh: CNN

Đề nghị từ Comcast cũng châm ngòi cho cuộc chiến giữa hai đế chế truyền thông – viễn thông hàng đầu tại Mỹ. Cả Comcast và Disney đều muốn mua Fox để củng cố vị trí trong ngành công nghiệp đang thay đổi rất nhanh này.

Người thắng sẽ có xưởng phim của Fox – công ty chịu trách nhiệm nhượng quyền các bom tấn như Avatar hay X-Men, cùng hệ thống kênh thể thao địa phương, truyền hình cáp (FX và National Geographic). Họ cũng sẽ tiếp quản cổ phần của Fox trong Hulu – dịch vụ truyền hình trực tuyến với 20 triệu người xem. Hiện cả Comcast và Disney đều đã có cổ phần trong Hulu. Nhưng có Fox sẽ giúp họ nắm cổ phần lớn.

Fox cũng sẽ nhường lại cổ phần trong hãng truyền hình vệ tinh Sky ở châu Âu. Sky sẽ giúp cả Comcast và Disney tăng hiện diện quốc tế.

Từ cuối năm ngoái, Comcast đã đàm phán mua lại Fox. Tuy nhiên, họ để mất về tay Disney, một phần vì các cổ đông lớn của Fox lo ngại vụ mua bán sẽ khó được giới chức chấp thuận. Khi ấy, Bộ Tư pháp Mỹ đang cố chặn AT&T mua Time Warner. Hai vụ mua bán này có nhiều điểm chung.

Tháng trước, Comcast mới thông báo tái gia nhập cuộc chiến giành Fox.Hãng truyền hình cáp này cho biết sẽ nhượng bộ nếu cần thiết. Comcast sẵn sàng tách riêng các kênh thể thao địa phương của Fox nếu giới chức yêu cầu. Họ cũng sẽ trả 1,5 tỷ USD phí bồi thường phá vỡ hợp đồng nếu Fox hủy thỏa thuận với Disney.

Quyết định hiện nằm trong tay Fox. Nếu HĐQT công ty này cho rằng đề nghị của Comcast tốt hơn Disney, họ sẽ bắt đầu đàm phán với Comcast. Khi đó, Disney sẽ có 5 ngày để ra đề nghị mới.(Vnexpress)
---------------------

Trung Quốc bàn kế hoạch thách thức OPEC

Trung Quốc và Ấn Độ đang đàm phán để hình thành một khối các nước với mục tiêu thách thức khả năng kiểm soát giá dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trung Quốc bàn kế hoạch thách thức OPEC - Ảnh 1.

Trung Quốc và Ấn Độ là những nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới hiện nay - Ảnh: REUTERS

Hai nước đã khởi động các cuộc đàm phán chính thức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ hôm 11-6, theo Times of India.

Những cuộc thảo luận này nhằm hình thành một nhóm các nước thu mua dầu mỏ. Động thái trên gần như sẽ tạo áp lực lên các bộ trưởng phụ trách vấn đề năng lượng của OPEC.

Như đã biết, người đứng đầu ngành năng lượng của các thành viên OPEC đang tiến hành thảo luận nhằm chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản xuất trong tháng này. Trước đó để điều chỉnh giá dầu, các nước OPEC cam kết cùng giảm sản lượng.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm gần 17% lượng tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu, theo báo cáo của năm 2017.

Hai nước này vì vậy muốn hình thành liên minh để cùng chung tiếng nói, tìm kiếm lợi thế đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ, đặc biệt là những thành viên ở Tây Á.

Các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh và New Delhi diễn ra không đầy 2 tháng sau khi bộ trưởng dầu mỏ Ấn Độ Dharmendrea Pradhan đề xuất một liên minh gồm các công ty quốc doanh kinh doanh dầu mỏ của Trung Quốc và Ấn Độ, với mục tiêu nâng cao tiếng nói trên thị trường.

Times of India dẫn lời các nguồn tin cho rằng hai nước đang tìm cách cùng nhau tiến lên thay vì cạnh tranh. Một quan chức nói: "Đúng thời điểm. Sự trỗi dậy của việc sản xuất dầu và khí đốt ở Mỹ tạo ra cho chúng tôi đòn bẩy chống lại OPEC".

Trong khi đó ông Pradhan sau cuộc gặp với chủ tịch Công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) Wang Yilin, thì khẳng định vì đều là người tiêu thụ nên Ấn Độ và Trung Quốc có chung lợi ích, và theo đó cả hai nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, và giành lại quyền quyết định giá dầu về tay người dùng.(Tuoitre)
-------------------------

Về nhỏ giọt, ôtô nhập Thái vẫn “chấp” cả phần còn lại

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng ôtô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu về nước trong tháng 5/2018 đạt 2.104 chiếc, tương ứng là tổng mức giá trị kim ngạch 59,6 triệu USD.

So với các tháng trước đó, mặt hàng ôtô CBU nhập khẩu đã bắt đầu tăng lên đáng kể. Các hãng xe cho biết, việc kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU tháng 5 tăng là do một số lô xe đã ký hợp đồng từ giai đoạn cuối quý 1/2018 đã bắt đầu kịp về nước.

Đáng chú ý là trong đó, các loại xe có xuất xứ từ Thái Lan vẫn chiếm đến quá nửa cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, lượng xe nhập khẩu Thái Lan đạt 1.510 chiếc, chiếm 71,7%; giá trị kim ngạch đạt 32,4 triệu USD, chiếm 54,3%.

Cộng dồn cả giai đoạn 5 tháng đầu năm, các loại ôtô xuất xứ Thái Lan thậm chí còn áp đảo hơn.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU của cả nước cộng dồn đến hết tháng 5 đạt 8.534 chiếc về lượng và hơn 223 triệu USD. Trong đó, riêng lượng xe nhập khẩu Thái Lan chiếm đến 84,5%, đạt 7.212 chiếc; mức giá trị kim ngạch cũng "chấp" toàn bộ phần còn lại khi chiếm tỷ lệ đến xấp xỉ 67%.

Các con số thống kê nêu trên cho thấy xu hướng nhập khẩu ôtô từ Thái Lan là rất rõ ràng. Đây cũng gần như là điều hiển nhiên bởi kể từ ngày 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng ôtô CBU từ các nước nội khối ASEAN đã giảm về 0%, từ đó giúp kéo mặt bằng giá bán lẻ xuống thấp hơn đáng kể so với trước đây.

Cùng với Thái Lan, các loại xe xuất xứ Indonesia cũng được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, do hầu hết các hãng xe phổ thông lớn đều tập trung nhà máy tại Thái Lan nên lượng xe nhập khẩu Indonesia không nhiều.

Tại thị trường ôtô Việt Nam, xe nhập khẩu từ xứ sở vạn đảo chủ yếu thuộc về Toyota. Nhưng do vướng phải các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ, đến thời điểm này, Toyota Việt Nam vẫn chậm chân hơn các hãng xe khác trong hoạt động nhập khẩu.

Bởi vậy, tính từ đầu năm đến nay, tổng số xe nhập khẩu từ Indonesia vẫn chưa thể vượt qua 2 con số. Mẫu xe có xuất xứ Indonesia bán chạy nhất là Toyota Fortuner cho đến lúc này vẫn chưa thể tái xuất trên thị trường.

Theo dự tính của các hãng xe, vào giai đoạn nửa cuối năm nay, các lô xe nhập khẩu Thái Lan và Indonesia sẽ dồn dập tràn về. Khi đó, sự áp đảo của ôtô xuất xứ ASEAN, trong đó chủ yếu là Thái Lan, sẽ còn lớn hơn rất nhiều.


VNeconomy
------------------------------

Sản lượng thép Trung Quốc cao kỷ lục bất chấp nỗ lực 'siết' công suất của chính phủ

Sản lượng thép của Trung Quốc tăng cao kỷ lục trong tháng 5 khi các nhà máy đẩy mạnh sản xuất để tận dụng biên lợi nhuận cao. Trong khi đó, triển vọng nhu cầu khả quan có thể sẽ khiến các nhà máy chạy gần hết công suất trong thời gian tới.

Sản lượng thép tăng bất chấp chính phủ Trung Quốc nỗ lực “siết” sản lượng tại các khu vực quan trọng nhằm hạn chế ô nhiễm không khí. Tình trạng này cũng cho thấy Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong xử lý việc dư thừa công suất tại quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Ống thép tại một nhà máy ở Cangzhou, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Nguồn: Muyu Xu/Reuters.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nước này sản xuất 81,13 triệu tấn thép thô trong tháng 5, tăng 5,8% so với tháng trước đó và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thép từ đầu năm đến nay tăng 5,4% lên 369,86 triệu tấn.

Sản lượng trung bình hàng ngày trong tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước lên 2,62 triệu tấn, theo tính toán của Reuters trên số liệu chính thức.

“Các nhà máy thép đã chạy hết công suất và thêm thép phế liệu để tăng sản lượng nhằm tận dụng biên lợi nhuận cao”, ông Zhuo Guiqiu – chuyên gia phân tích cao cấp tại hãng Jinrui Futures, cho biết.

Với nhu cầu ổn định và quy định hạn chế sản lượng để chống ô nhiễm không khí tại một số trung tâm sản xuất lớn như tỉnh Hà Bắc và Giang Tô, các chuyên gia cho biết các nhà máy có thể thu về đến 900 nhân dân tệ (141 USD) từ mỗi tấn thép sản xuất ra.

Triển vọng khả quan

Tỷ lệ công suất sử dụng tại các nhà máy thép tại Trung Quốc đều trên 71% từ cuối tháng 5. Mức này được ghi nhận trước khi có quy định hạn chế sản lượng mùa đông từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay.

Đợt thanh tra môi trường gần đây tại 10 khu vực đã buộc một số nhà máy giảm sản lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng quy định này sẽ kéo dài nếu các chính sách môi trường mới không được ban hành để tạo sức ép lên nguồn cung.

“Thị trường nhìn chung tin rằng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ nhộn nhịp hơn trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm và có thể làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm thép”, ông Zhuo cho biết.

Số liệu của hãng tư vấn Mysteel cho thấy, tồn kho thép tại nhà máy và công ty giao dịch đều giảm trong tháng 5 dù sản lượng tăng.

Sản lượng thép của Trung Quốc liên tục tăng bất chấp chính phủ nước này đã cắt giảm 255 triệu tấn công suất thép trong hai năm qua, trong đó có các nhà máy hoạt động chui.

Đây là một phần trong cam kết của Bắc Kinh nhằm xử lý tình trạng dư thừa công suất vốn khiến ngành thép nước này trì trệ trong nhiều năm qua.(Vietnambiz)

Trở về

Bài cùng chuyên mục