tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 14-06-2017

  • Cập nhật : 14/06/2017

TP HCM sắp bùng nổ khách sạn hạng sang

Hiện TP HCM chỉ có 35% nguồn cung khách sạn cao cấp nhưng giai đoạn 2017-2020, thị trường sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc hạng sang.

Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo điểm đến đầu tư khách sạn tại 26 thành phố thu hút du khách trên toàn cầu, trong đó Việt Nam có TP HCM và Hà Nội lọt vào danh sách này. Riêng TP HCM gây ấn tượng mạnh vì sự tăng trưởng nguồn cung về lượng lẫn về chất.Năm 2016 Sài Gòn đã đón nhận 703 phòng khách sạn mới nhưng sang năm 2017 ước tính sắp có thêm khoảng 1.000 phòng được đưa vào thị trường. Lượng phòng cao cấp có thương hiệu quốc tế và cả nội địa chiếm 35,4%, trung cấp đạt 27,8%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2020, TP HCM sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc phòng hạng sang, chiếm 48,4% nguồn cung trên thị trường và cao cấp chiếm khoảng 42,4%.

thi truong khach san tp hcm se don nhan nguon cung moi thuoc phan khuc hang sang trong vong 4 nam toi. anh: vu le

Thị trường khách sạn TP HCM sẽ đón nhận nguồn cung mới thuộc phân khúc hạng sang trong vòng 4 năm tới. Ảnh: Vũ Lê

Sự dịch chuyển và thăng hạng của nguồn cung khách sạn tại TP HCM cho thấy thị trường đang có bước tiến lớn. Đơn vị này dự báo, đến năm 2020 thành phố sẽ có thêm 3.500 phòng nữa.

Lượng khách quốc tế đến TP HCM đạt 5,2 triệu người vào năm 2016, tăng 10,6% so với năm trước và vượt hơn mức tăng 8,5% chính phủ dự kiến. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, thành phố đã đăng ký mức tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 10,9%. Sự tăng trưởng này nhờ vào sự nỗ lực của thành phố trong việc tăng cường các chuyến bay và chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình lễ hội, tập trung chủ yếu về văn hoá và du lịch sinh thái cũng như tham dự các chuyến du lịch lữ hành và biểu diễn lưu động ở quốc tế.

Các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Mỹ. TP HCM vẫn tiếp tục nỗ lực quảng bá hình ảnh ở Nhật Bản, đồng thời thành phố cũng hướng đến mở rộng những thị trường mới như Nga và Ấn Độ. Đây là hai thị trường tăng trưởng đầy tiềm năng, lượt khách quốc tế đến thành phố dự kiến sẽ đạt gần sáu triệu vào năm 2017. Thị trường khách du lịch nội địa của trung tâm kinh tế và giải trí này đã đạt 21,8 triệu khách trong năm 2016 và mục tiêu cho năm 2017 khoảng 24 triệu lượt.

Theo Tạp chí Condé Nast Travele, TP HCM là một trong 50 thành phố đẹp nhất thế giới và đang nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch quốc tế, nhờ vào những nỗ lực quảng bá của chính phủ cũng như cải thiện các địa điểm du lịch và an toàn. Với việc liên tục nâng cấp các khu bảo tàng, di tích và phê duyệt phát triển công viên sinh thái (safari) và Làng văn hóa du lịch Sài Gòn, TP HCM vẫn đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và trong những năm tới nhằm hướng đến phát triển du lịch bền vững. (Vnexpress)
-----------------------------

Nhân sự mới cấp cao tại nhiều ngân hàng

Hàng loạt lãnh đạo cấp cao tại hai ngân hàng là Eximbank và Saigonbank vừa được bổ nhiệm.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa thông báo bà Trần Thị Việt Ánh sẽ thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ngân hàng này để nghỉ hưu từ ngày 12/6/2017.

Mặc dù không còn đảm nhiệm vị trí này nữa nhưng hiện bà Ánh vẫn còn là Thành viên Hội đồng quản trị Saigonbank. Tính đến cuối năm 2016, bà Việt Ánh đang nắm giữ 304.351 cổ phần ngân hàng này.

Người thay Tổng Giám đốc của Saigonbank là ông Vũ Quang Lãm. Ông Lãm là một trong ba nhân sự được Đại hội đồng cổ đông Saigonbank bầu bổ sung tham gia vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2013-2017 vào ngày 8/6 vừa qua.

Còn tại ngân hàng Eximbank cũng vừa đưa ra thông báo về việc bổ nhiệm nhân sự cao cấp trong Hội đồng quản trị. Theo đó, Ông Đặng Anh Mai và ông Yasuhiro Saitoh  được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank từ 12/6.

Ông Đặng Anh Mai sinh năm 1966, có trình độ thạc sĩ tại Đại học Duke – Hoa Kỳ. Ông từng giữ các chức vụ: Chuyên viên vụ hợp tác Quốc tế NHNN, Phó trưởng phòng Vụ hợp tác Quốc tế NHNN, Chuyên gia WordBank tại Hoa Kỳ, Trưởng phòng Vụ hợp tác Quốc tế NHNN, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế NHNN.

Ông Yasuhiro Saitoh sinh năm 1961, quốc tịch Nhật Bản. Ông là Cử nhân Khoa học tại Nhật Bản; Cử nhân chuyên ngành Nhân học văn hóa.

Mới đây, HĐQT Eximbank đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) của ông Naoki Nishizawa với lý do cá nhân. Thay thế vị trí của ông Naoki Nishizawa trong HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 hiện đang là ông Yutaka Moriwaki.(PLO)
-------------------------

Trung Quốc tiêu thụ rau quả Việt Nam nhiều nhất thế giới

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt 32,76 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số mặt hàng Trung Quốc ngày càng nhập khẩu nhiều từ Việt Nam như rau quả, thuỷ sản…

Cụ thể, ở mặt hàng rau quả, tính đến hết tháng 5/2017, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam, với 1,06 tỷ USD, tăng 51% và chiếm 75% trong tổng trị giá rau quả xuất khẩu.

Các thị trường khác như Hàn Quốc chỉ đạt 40 triệu USD, Mỹ đạt 44 triệu USD và Nhật Bản đạt 43 triệu USD kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Bên cạnh mặt hàng rau quả, Trung Quốc cũng nhập nhiều thuỷ sản Việt Nam, trị giá 338 triệu USD, tăng 38%…

Xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều, tuy nhiên giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp, lý do là gần 3/4 mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất sang thị trường này là theo đường tiểu ngạch.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp diễn ra đầu tháng 6 này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật làm hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này.

Trong thông cáo chung Việt - Trung nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã nhất trí ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với một số loại hoa quả của Việt Nam; triển khai công tác đánh giá tiêu chuẩn gia nhập thị trường Trung Quốc đối với sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam...

Nếu các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với một số loại hoa quả Việt Nam được hoàn tất, dự kiến, rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.(Vneconomy)
----------------------

TP HCM sẽ xây dựng trung tâm tài chính nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa

Tại cuộc họp về kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2017 - 2020 ngày 13/6, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết thành phố đang hợp tác với một tập đoàn tài chính để xây dựng trung tâm tài chính huy động nguồn vốn xã hội.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết ngân sách TP sẽ xem xét đầu tư tập trung cho những vấn đề trọng tâm mà không thể xã hội hóa được, tính toán lại để cân đối nguồn chi nhằm giảm chi thường xuyên, giảm chi những vấn đề mà xã hội làm được.

“Những gì xã hội làm được để xã hội làm trên cơ sở tự chủ, hợp tác công tư, cổ phần hóa liên doanh… TP tập trung xây dựng cơ chế xã hội hóa (XHH) ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và đầu tư hạ tầng, thể dục thể thao... Vấn đề công tư phải rành mạch, rõ ràng, không được lập lờ. TPHCM đang hợp tác với một tập đoàn tài chính nước ngoài để xây dựng trung tâm tài chính nhằm thu hút nguồn vốn các nhà đầu tư của các nước trên thế giới đầu tư vào những dự án của TP” - Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, cơ cấu đầu tư của TP HCM đã có chuyển biến tích cực. Vốn đầu tư từ khu vực kinh tế Nhà nước tuy có tăng về giá trị tuyệt đối (tăng từ 49.325 tỷ đồng năm 2011 lên 56.213 tỷ đồng năm 2015) nhưng lại giảm về tỷ trọng đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (giảm từ 24,3% năm 2011 xuống còn 19,7% năm 2015). Trong khi đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước từ 60% tăng lên 62% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Số lượng dự án theo hình thức PPP đã ký hợp đồng cho đến nay là 20 dự án với tổng vốn khoảng 67.200 tỷ đồng theo các hình thức như xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT), xây dựng – vận hành – sở hữu (BOO).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, trong thời gian tới, TP đẩy mạnh XHH đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực và của địa phương. Đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước để tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác, thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện XHH hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững của TP.

TP cũng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, nhà ở xã hội - tái định cư, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, giảm ngập, môi trường, cấp nước sạch, cấp điện), hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội), thương mại, khoa học và công nghệ…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Văn Danh đề nghị tăng cường huy động khai thác nguồn vốn XHH, nhất là hiện nay quỹ đất còn lại của TP rất hạn chế. Cụ thể, đối với chương trình chỉnh trang đô thị TP khu vực ven sông, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải để đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.(NDH)
-------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục