tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 13-05-2018

  • Cập nhật : 13/05/2018

Doanh nghiệp châu Á sẽ mất nhiều tỷ USD nếu Mỹ trừng phạt Iran?

Phía Mỹ có thể trả đũa những doanh nghiệp vẫn duy trì mối quan hệ với Iran. 

anh: the investor

Ảnh: The Investor

Các công ty xây dựng châu Á có thể mất đi các hợp đồng xây dựng hạ tầng tại Iran trị giá hàng tỷ USD khi Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và gây sức ép buộc các công ty cắt quan hệ với Tehran.

Tập đoàn xây dựng Hàn Quốc SK Engineering & Construction hiện đang rất lo lắng về khả năng khi Mỹ nối lại các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran sẽ hủy hoại dự án trị giá 1,6 tỷ USD để nâng cấp nhà máy lọc dầu tại thành phố Tabriz nằm cách thủ đô Tehran 600km về phía Tây Nam.

Vào năm ngoái, tập đoàn SK Holdings đã ký kết thỏa thuận với công ty Tabriz Oil Refining, một chi nhánh của tập đoàn dầu và khí đốt Parsian Oil and Gas Development Group để hiện đại hóa cơ sở này.

“Chúng tôi lo sợ rằng chúng tôi có thể để mất hợp đồng đó trong trường hợp xấu nhất. Chúng tôi đã cố gắng huy động tài chính cho dự án, thế nhưng nay chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình”, quản lý tại bộ phận kỹ thuật của tập đoàn, ông Kwon Hyuk-chul, cho biết.

Các doanh nghiệp không bị buộc phải tuân thủ với bất kỳ quy định trừng phạt nào mới mà Mỹ áp dụng với Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, phía Mỹ có thể trả đũa những doanh nghiệp vẫn duy trì mối quan hệ với Iran.

Công ty Hyundai Engineering, công ty liên kết của tập đoàn Hyundai Motor, còn đang đối diện với khả năng chịu thiệt hại nhiều hơn. Trong năm ngoái, công ty ký kết hợp đồng trị giá 3,1 tỷ euro, tương đương 3,68 tỷ USD ở tỷ giá hiện tại với một công ty liên kết của tập đoàn dầu lửa nhà nước Iran để xây dựng nhà máy ở miền Nam Iran.

Đây là hợp đồng có giá trị lớn nhất mà một công ty xây dựng Hàn Quốc từng có được. Các tổ chức tài chính thuộc chính phủ Hàn Quốc cũng đã đảm bảo sẽ hỗ trợ tín dụng cho dự án nhằm giúp Hyundai giành được hợp đồng.

Hyundai Engineering đã hy vọng sẽ có thể khởi động dự án mà không gặp phải vướng mắc gì, công ty đã huy động mọi nguồn lực để giành được hợp đồng, công ty cũng cử đi nhiều nhân viên nhằm quảng bá về công nghệ và kinh nghiệm của công ty trong lĩnh vực này.

Sau diễn biến mới nhất, phát ngôn viên của công ty tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng thỏa thuận sẽ sụp đổ ở hiện tại. Còn quá sớm để dự báo về số phận của nó ở hiện tại. Chúng tôi vẫn đang xem xét diễn biến vụ việc”.

Các công ty năng lượng và đầu tư của Nhật cũng có chung mối lo. Inpex, Mitsui & Co và Mitsubishi Corp đều đã đấu thầu các dự án năng lượng và khí đốt tại Iran, thế nhưng họ đang tính đến khả năng bỏ cuộc.

Giám đốc điều hành tại Inpex, công ty dầu và khí đốt lớn nhất tại Nhật, ông Masahiro Murayama nói: “Trở ngại của dự án đang ngày một lớn dần. Tình hình rất đáng lo ngại”.

Ông cho biết Inpex sẽ rút đấu thầu tại giếng dầu Azadegan ở miền Tây Iran nếu Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt nặng chống Iran: “Chúng tôi có thể nhận thấy rủi ro tại Iran cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông đang tăng cao. Chúng tôi sẽ luôn chú ý chặt chẽ đến tình hình”.(Bizlive)
---------------------

Mercedes thu hồi gần 43.000 ô tô do động cơ có thể bị bắt lửa

Trước sức ép của Chính phủ Mỹ, hãng sản xuất ô tô Mercedes-Benz của Đức đã ra thông báo thu hồi gần 43.000 chiếc xe hiệu Smart do động cơ có thể bị bắt lửa.

 

bieu tuong cua hang mercedes-benz. anh: afp/ttxvn

Biểu tượng của hãng Mercedes-Benz. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định thu hồi này được đưa ra sau khi Cơ quan quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ mở một cuộc điều tra vào năm 2016.

Chính phủ Mỹ cũng đã thống kê được 27 báo cáo về động cơ xe bắt lửa. Việc thu hồi xe dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7/2018.

Trước đó, Toyota Motor, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản, cùng với liên doanh của Toyota với các đối tác Trung Quốc, hồi tháng Tư vừa qua đã thông báo kế hoạch triệu hồi 313.712 chiếc xe ô tô bị lỗi túi khí tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Việc thu hồi xe lần này được các liên doanh Tianjin FAW Toyota Motor, SFTM Changchun Fengyue và GAC Toyota Motor trình lên Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ).

Theo AQSIQ, một lỗi được tìm thấy trong bộ phận bơm hơi túi khí có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách hay người ngồi trên xe.(TTXVN)
-------------------------

Đại gia Thái mang cua Cà Mau, bưởi da xanh Việt xuất ngoại

Đơn vị mua lại Metro cho biết tháng sau sẽ bán cua Cà Mau, bưởi da xanh và một số nông thủy sản khác của Việt Nam tại Thái Lan.

Chia sẻ với VnExpress, ông Phidsanu Pongwatana, Tổng giám đốc Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết, sau hai năm khảo sát, kiểm tra và tìm đầu mối nông sản Việt Nam, công ty đã xuất thành công 12.000 tấn thanh long và hơn 100 tấn khoai sang thị trường Thái Lan. Hai tháng tới, công ty tiếp tục mang Cua Cà Mau, bưởi da xanh, cá tra phi lê, tôm sang thị trường này và tương lai là xuất đi Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Lào…

Ông Phidsanu Pongwatana đánh giá, nông thủy sản Việt Nam là sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh nên được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng. Điển hình như khoai lang, chất lượng gần như ngang bằng với hàng Nhật nhưng có giá tốt hơn. Trong khi đó, Thái Lan không trồng được khoai lang nên khi xuất mặt hàng này qua đây được nhiều khách đón nhận.

Để đảm bảo hàng đạt chất lượng, công ty trực tiếp thu mua từ nông dân, song song đó, xây dựng trung tâm trung chuyển để tránh hàng bị nhiễm hóa chất, giảm chi phí. Hiện siêu thị đã có trung tâm trung chuyển rau quả tại Đà Lạt và đang vận hành hệ thống về trái cây tại Bến Tre.

Riêng với hàng hóa tại hệ thống siêu thị Việt Nam, ông cho biết, 90% là hàng Việt, còn hàng Thái số lượng không nhiều. Theo ông Phidsanu Pongwatana, hàng hóa của Việt Nam tốt nên không cần nhập hàng Thái, chỉ những sản phẩm nào Việt Nam không có, công ty mới nhập về để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

MM Mega Market trước đây là Metro Cash & Carry Việt Nam. Hệ thống này được bán lại cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD) hồi tháng 1/2016. Công ty này thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ ba tại Thái Lan, ông Charoen Sirivadhanabhakdi.(Vnexpress)
--------------------------

Đề xuất đầu tư 3 dự án phát triển hạ tầng giao thông đường thủy theo hình thức PPP

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, công bố đầu tư 3 dự án phát triển hạ tầng theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).

Theo đó, dự án đầu tiên là nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông có chiều dài tuyến 86km cho tàu trọng tải 5.000 DWT, cấp đặc biệt. Đến năm 2020, dự án có bao gồm việc xây dựng một cảng trung chuyển, 2.000 m2 nhà kho, 4.000 m2 bãi và công trình phụ trợ. Đến năm 2030, dự án này xây dựng thêm một cảng, 4.000 m2 nhà kho và 6.000 m2 bãi; vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng. 

Dự án thứ 2 là cảng Mỹ Thuận xây dựng cảng trên khu đất bến phà Mỹ Thuận cũ, trên tuyến sông Tiền, thuộc tỉnh Tiền Giang, vốn đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. 

Dự án thứ 3 mà Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đề xuất là dự án cảng Tân Châu xây dựng cảng trên kênh Tân Châu, thuộc tỉnh An Giang, vốn đầu tư dự kiến 25 tỷ đồng. 

Hiện nay, dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) là dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT (một loại đầu tư theo hình thức PPP) sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2018. 

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc có tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m. 

Dự án gồm 2 hợp phần gồm xây mới cầu sắt Bình Lợi và nạo vét luồng sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 70km từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc. Khi công trình hoàn thành, sà lan trên 300 tấn sẽ lưu thông từ Bình Dương về các cảng tại Tp. Hồ Chí Minh, giảm áp lực cho giao thông đường bộ (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục