tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 11-09-2018

  • Cập nhật : 11/09/2018

Nga - Nhật đột phá hợp tác về khí hóa lỏng

Nga và Nhật Bản tìm kiếm dự án hợp tác khai thác năng lượng ở Bắc Cực và vùng Viễn Đông.

Thông tấn TASS của Nga cho hay, các công ty Nhật Bản đang chủ động thảo luận về việc tham gia vào dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với Nga ở cả vùng Bắc Cực và Kamchatka.

tong thong putin den tham du an khi hoa long yamal.

Tổng thống Putin đến thăm dự án khí hóa lỏng Yamal.

Theo trả lời của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko với hãng thông tấn này ở Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông lần thứ 4 diễn ra tại Vladivostok, Chính quyền Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ các công ty của nước này tham gia dự án LNG với Nga.

"Như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hồi tháng 5, Nhật Bản rất quan tâm đến hợp tác trong khu vực Bắc Cực. Các công ty của Nhật Bản hiện đang thảo luận về 2 dự án LNG ở Bắc Cực và ở Kamchatka" - ông nói.

Sự hợp tác năng lượng Nga- Nhật được đề cập từ hồi năm 2013.

Vào thời điểm đó, Gazprom có ý định mở rộng hợp tác với Công ty Khí đốt Viễn Đông Nhật Bản với hy vọng sẽ giảm chi phí LNG bằng cách tham gia xây dựng cơ sở sản xuất với đối tác Nga.

Dự án mà cả hai tập trung hướng vào xây dựng cơ sở sản xuất LNG ở ngoại ô Vladivostok và cùng bán LNG ở Nhật Bản.

Công ty Khí đốt Viễn Đông Nhật Bản  được thành lập vào tháng 12/2012 dựa trên thỏa thuận của các doanh nghiệp lớn của Nhật như Tập đoàn Itochu, Tập đoàn khai thác dầu khí Nhật Bản, Tập đoàn Marubeni, Tập đoàn INPEX và Công ty khai thác dầu mỏ Itochu.

Hợp tác khác giữa hai nước là dự án năng lượng trên bán đảo Yamal (Cực Bắc Siberia). Nhật Bản rất quan tâm tham gia xây cơ sở sản xuất LNG tại đây cùng với công ty Novatek của Nga.

Đối tác phía Nhật Bản có thể là các công ty lớn như Mitsui và Mitsubishi. Khí hóa lỏng sẽ được vận chuyển theo tuyến hàng hải biển Bắc.

Chính phủ Nga sẵn sàng mở cửa cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong không gian rộng lớn từ Viễn Đông đến Kaliningrad. Mặc dù giới doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động với vẻ thận trọng trên thị trường Nga, nhưng họ đang thu được không ít những ví dụ hợp tác thành công.

nhat ban nhap khau phan lon nang luong.

Nhật Bản nhập khẩu phần lớn năng lượng.

Với dự án xây dựng nhà máy khí hóa lỏng tại Bắc Cực, Nga đã có sự hợp tác kỹ thuật của Nhật để có thể phát triển công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Giới phân tích cho rằng, Tokyo đang mong muốn được tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước Nga vì Nhật Bản vốn không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên và chỉ tự bảo đảm được một nguồn cung năng lượng tối thiểu.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng đã hợp tác với Nga trong nhiều dự án sản xuất khí đốt tự nhiên ở đảo Sakhalin.

Theo các nhà phân tích, bất chấp những tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập niên đã chia rẽ đôi bên, Tokyo và Moscow đang xích lại gần nhau hơn.(ĐVO)
----------------------

Giảm 30% thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục vào năm 2020

Việc loại bỏ các hoạt chất trên sẽ không gây các tác động tiêu cực nào trong việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do các sản phẩn này đều có các giải pháp thay thế an toàn hiệu quả hơn.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định loại bỏ các sản phẩm có chứa hoạt chất: acephate, diaziuon, malathion, zinc phosphide ra khỏi Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ 3 hoạt chất là fipronil, chlorpytifos và glyphosate.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc loại bỏ các hoạt chất trên sẽ không gây các tác động tiêu cực nào trong việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do các sản phẩn này đều có các giải pháp thay thế an toàn hiệu quả hơn.

Riêng hoạt chất glyphosate, liên quan đến Công ty hóa chất Mỹ Monsanto, trong bối cảnh một tòa án Mỹ mới đây ra phán quyết yêu cầu nhà sản xuất này bồi thường hàng trăm triệu USD vì không cảnh báo khách hàng về nguy cơ gây ung thư từ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất này, Cục tiếp tục thu thập thêm các bằng chứng và xây dựng báo cáo chi tiết để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện đã có 36 nước (trong đó có EU) có xu thế sẽ cấm hoạt chất này.

“Đây là vấn đề cần thận trọng nhưng quan điểm của Cục quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân nên sẽ tham mưu cấm sử dụng hoạt chất này”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Ông Hoàng Trung cho biết, không phải chỉ bây giờ chúng ta mới có động thái loại bỏ hoạt chất glyphosate. Năm 2015, khi các nước trong khối EU có đưa ra những nghiên cứu, bằng chứng về hoạt chất này gây ung thư, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không cho phép khảo nghiệm, đăng ký thêm.

Hoạt chất glyphosate hiện đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam, với 106 tên thương phẩm của 14 doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh. Glyphosate được sử dụng khá phổ biến bởi sự tiện lợi, hiệu quả và giá thành thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại. Trong những năm qua, lượng glyphosate sử dụng ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm khoảng 30.000 tấn.

Hiện cả nước đang có 77 hoạt chất thuốc trừ cỏ đang được phép sử dụng. Do đó, những giải pháp thay thế hoạt chất glyphosate là hoàn toàn có và không ảnh hưởng gì trên thị trường, ông Hoàng Trung cho hay.

Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp sạch. Định hướng của Chính phủ, ngành nông nghiệp là sản xuất sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trả lại môi trường trong sạch trong nông nghiệp. Ngành không khuyến khích người dân sử dụng hay quá lạm dụng các biện pháp hóa học mà khuyến khích sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu loại bỏ 30% số lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đang có trong danh mục. Đó là các thuốc độc nhóm 1, 2; ảnh hưởng sức khỏe con người; ảnh hưởng môi trường, tính hiệu quả sinh học thấp.

Cùng với đó là khuyến kích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đến 2020, 30% số lượng sản phẩm là thuốc sinh học. Do đó, ngành nông nghiệp đang rất khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân đầu tư và nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Hiện nay, Việt Nam đã có 21% số lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường là sản phẩm sinh học. Mục tiêu tăng 9% số lượng sản phẩm bảo vệ thực vật sinh học từ nay đến năm 2020 là hoàn toàn khả thi, bởi số lượng sản phẩm đang xin khảo nghiệm, đăng ký đã vượt con số này, ông Hoàng Trung cho biết.(TTXVN)
------------------------

Lào dừng nhập khẩu thịt lợn và lợn từ Trung Quốc

Đặc biệt các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc tạm dừng việc cho phép, cấp phép nhập khẩu thịt lợn, lợn giống, lợn con và tất cả các loại sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc về để tiêu thụ hoặc nuôi.

Một trang trại lợn ở Ích Dương, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Để bảo vệ và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào Lào, Chính phủ và Bộ Nông-Lâm Lào ban hành thông báo số 0945/BNL ngày 5/9/2018 về việc tạm thời ngừng nhập khẩu thịt lợn, lợn giống, lợn con và tất cả các loại sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc.

Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn tờ Kinh tế-xã hội của Lào số ra ngày 10/9 cho biết về công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông-Lâm đã giao cho Cục Chăn nuôi và đánh bắt phối hợp với ngành nông-lâm, chính quyền địa phương, các cửa khẩu biên giới để tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi cho doanh nghiệp, cán bộ, bộ đội, cảnh sát và người dân về lý do, sự cần thiết của việc tạm ngừng nhập khẩu và sự nguy hiểm của dịch bệnh này.

Đặc biệt các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc như Bokeo, Luangnamtha, Udomxay và Phongsaly tạm dừng việc cho phép, cấp phép nhập khẩu thịt lợn, lợn giống, lợn con và tất cả các loại sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc về để tiêu thụ hoặc nuôi.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và không cho phép nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn, bao gồm cả việc cấm các cá nhân, hành khách đưa về để sử dụng. Cán bộ thú y tại cửa khẩu nếu phát hiện trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo luật dân sự hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm và tịch thu sản phẩm đưa đi tiêu hủy ngay lập tức.

Bên cạnh đó, thông báo cũng giao cho các bên liên quan phối hợp với các nhà sản xuất, hiệp hội chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi lợn ở địa phương xây dựng kế hoạch nhằm cân bằng giữa cung và cầu ở trong nước đối với sản phẩm thịt lợn, nhằm hạn chế việc nhập khẩu từ nước ngoài.

Nếu tỉnh nào thấy nguồn cung thịt lợn của mình không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường phải phối hợp với Cục Trồng trọt và đánh bắt hoặc Sở Trồng trọt và đánh bắt thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có nguồn cung lợn dư thừa so với nhu cầu thị trường địa phương để tháo gỡ khó khăn(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục