tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 10-09-2017

  • Cập nhật : 10/09/2017

Thủ tướng giao vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 đợt 2

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1300/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 (đợt 2) cho các bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo ngành, lĩnh vực.

giao ke hoach dau tu von trai phieu chinh phu nam 2017 (dot 2). nguon: internet

Giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ năm 2017 (đợt 2). Nguồn: internet

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định giao các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh mục và chi tiết mức vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 (đợt 2) cho các dự án theo quy định.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 theo định kỳ hàng tháng, hàng quý.

Quyết định nêu rõ, căn cứ kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 (đợt 2) được giao, các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao hoặc thông báo kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 (đợt 2) gồm danh mục và mức vốn cụ thể của từng dự án theo quy định cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện.

Bên cạnh đó, định kỳ hằng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về các dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do bộ và địa phương quản lý.

Thủ tướng yêu cầu, trong trường hợp phát hiện các thông tin không chính xác, các đơn vị phải kịp thời gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.(TCTC)
--------------------

Hồng Kông: Giá thuê nhà cao nhất thế giới, nhân viên ngân hàng cũng đành sống tập thể

Những nhân viên tài chính trẻ tuổi ở Hồng Kông đang kéo nhau vào sống trong những khu nhà phong cách "ký túc xá" vì không đủ tiền mua nhà riêng ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới này.

Giám đốc marketing của một công ty Nicole Ho (33 tuổi) sẽ có tới 9 bạn cùng phòng khi khu nhà trọ cô đang sống được cải tạo. Rất nhiều nhân viên làm trong lĩnh vực ngân hàng hay tài chính cũng lựa chọn những khu nhà như thế này.

Chi phí nhà ở cao chóng mặt khiến Hồng Kông đang học theo xu hướng của các thành phố lớn trên thế giới như New York, London hay Thượng Hải: xây các dự án nhà tập thể cho đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Thành phố có ít nhất 6 dự án bất động sản "sống chung" hiện tại và đang chờ xử lý bắt đầu từ năm 2015.

Phong cách sống này có thể phù hợp với sinh viên đã tốt nghiệp và những người trẻ muốn sống trong một cộng đồng, theo Keith Wong, đồng sáng lập của Synergy Biz Group Ltd, một công ty phát triển các dự án làm việc chung (co-working) và sống chung (co-living).

Trạm Công viên Mini Ocean trong quận Shouson Hill là một dự án chuyển đổi từ 18 căn hộ sang trọng thành khu phức hợp 270 căn hộ mini. Một phòng riêng với diện tích từ 7 đến 9 m2 có thể tốn 8.500 đô la Hồng Kông (gần 25 triệu đồng) một tháng. Tầng trệt có khu vực chung với các máy bán hàng tự động, máy giặt và ghế sofa.

Nicole Ho sẽ sống trong tòa nhà Bibliotheque 50 năm tuổi ở Yau Ma Tei (Kowloon) do Synergy Biz chuyển đổi, nơi một căn phòng khoảng 37 m2 có thể là chỗ ở của 10 người. Tòa nhà có những khu vực chung để nấu ăn và giao lưu, các cư dân cũng dùng chung phòng tắm. Giá dao động từ 3.500 đến 5500 đô la Hồng Kông (10 triệu đến 16 triệu đồng) mỗi tháng.

Dù dự án chỉ có 120 giường nhưng hiện có khoảng 400 người đăng ký, Wong cho biết. Ho muốn gặp gỡ những người bạn mới và không quá bận tâm về việc phải chia phòng vì cô từng sống chung khi du học tại Nhật Bản và hiện cũng đang ở chung phòng với chị gái. "Miễn là tôi có một không gian riêng tư cho bản thân, thế là đủ rồi", Ho chia sẻ.(NDH)
---------------------------

Lần đầu tiên thịt gà Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản

Ngày 9/9, tại Cảng Quốc tế Long An (tỉnh Long An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Ngày 9/9, tại Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà (khoảng 300 - 400 tấn) đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Tham dự buổi lễ có ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Long An, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Tổng lãnh sự Nhật Bản, Vương Quốc Hà Lan và các doanh nghiệp.

Lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên của Việt Nam (khoảng 300 - 400 tấn) sang thị trường Nhật Bản đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam và chuỗi liên kết De Heus, gồm: Bel gà -đơn vị cung cấp giống; tập đoàn De Heus cung cấp thức ăn; Tập đoàn Hùng Nhơn, đại diện các trang trại gà đạt chuẩn; Koyu & Unitek - đơn vị thu mua, giết mổ và xuất khẩu.

Chuỗi liên kết này tạo nên một dây chuyền khép kín sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thi trường quốc tế.

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng Nhật Bản là thị trường rất khắt khe. Sau thịt gà, Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt lợn, sữa... đây là quyết tâm của các bộ ngành và địa phương.

Dịp này, Cảng Quốc tế Long An đã ký kết hợp tác chiến lược với chuỗi liên kết De Heus - một mắt xích trong chuỗi giá trị.

Vai trò Cảng Quốc tế Long An là đơn vị thực hiện các dịch vụ logistics cho xuất khẩu, đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về thời gian, bảo quản thịt gà trong quá trình di chuyển, từ công đoạn vận chuyển, thủ tục hải quan, cước vận chuyển quốc tế tại nhà máy chế biến ở Việt Nam đến thực hiện thủ tục, vận chuyển, phân phối đến nhà máy, các điểm phân phối tại Nhật Bản và các nước.

Ngoài ra, nhân dịp này, Cảng Quốc tế Long An cũng khởi công xây dựng cầu cảng số 2. Cầu có chiều dài 210 m và dự kiến cuối quí 3 năm 2018, sẽ tiếp nhận tàu có tải trọng trên 50.000 DWT. Qua đây phục vụ nhu cầu đóng hàng và xuất nhập khẩu hàng container của các doanh nghiệp nông sản trong khu vực như gạo, phân bón, thức ăn gia súc....(TTXVN)
------------------------

Việt Nam sẽ có thị trường cho thuê tài chính màu mỡ

Tại Việt Nam, cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé, cả nước chỉ có 11 doanh nghiệp cho thuê tài chính với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra ngạc nhiên với vị thế cho thuê tài chính tại Việt Nam.

Tại tọa đàm Thuê tài chính – Kênh huy động vốn trung dài hạn, kinh nghiệm Nhật Bản và triển vọng phát triển tại Việt Nam vừa được BIDV phối hợp cùng Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) tổ chức, ông Nguyễn Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam kể, ông biết một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất xe đạp tại Hải Dương có lượng đơn đặt hàng khá lớn. Nhưng vì không có vốn nên doanh nghiệp này không dám mở rộng sản xuất, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp còn không dám nhận đơn đặt hàng.

Chính vì thế, ông Thân cho rằng, thuê tài chính sẽ là một giải pháp rất hữu ích cho các DNNVV của Việt Nam giống như doanh nghiệp tại Hải Dương này.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, cho thuê tài chính là việc cấp tín dụng trung và dài hạn cho khách hàng thông qua cho thuê tài sản.

Hiểu một cách cụ thể, cho thuê tài chính được hiểu là hình thức cấp tín dụng bằng tài sản, khách hàng trả phí định kì, hợp đồng không huỷ ngang, tài sản cho thuê đứng tên Công ty cho thuê tài chính, tỷ lệ tài trợ cao về lý thuyết có thể lên tới 100% và không yêu cầu tài sản đảm bảo.

Tài sản cho thuê chủ yếu là thiết bị thông tin truyền thông, ôtô, máy móc công nghiệp, văn phòng, công trình xây dựng…

Ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính tại Việt Nam tương đối phát triển. Tuy nhiên, cho thuê tài chính vẫn là thị trường nhỏ bé với dư nợ 383 triệu USD, tương đương 8.700 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ các tổ chức tín dụng) so với tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm.

"Việt Nam có một thời phát triển tốt lĩnh vực này, nhưng 3 năm qua chững lại, do thị trường tài chính trong quá trình tái cơ cấu, chưa được quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý cũng như một số hạn chế trong thiết kế sản phẩm tại các công ty cho thuê tài chính", TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình.

Ông Shumizu - Giám đốc bộ phần phát triển kinh doanh Công ty cho thuê tài chính SuMi TRUST Panasonic finance (thành viên Tập đoàn SuMi TRUST) cho biết, quốc gia này có khoảng 243 công ty. Có tới hơn 90% doanh nghiệp Nhật sử dụng hình thức cho thuê tài chính.

"Tại Nhật, cho thuê tài chính phát triển và giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế. Tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định", ông nói.

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia ngân hàng - chỉ ra 4 điểm khiến Việt Nam hiện là một thị trường “màu mỡ” là kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng GDP trên 6,5% trong giai đoạn 2017-2020, tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải phục vụ đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ định hướng đạt 1 triệu DN đến hết năm 2020 cùng với định hướng của Nhà nước phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, khung pháp lý cho thị trường Cty tài chính cũng ngày càng hoàn thiện. (Baogiaothong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục