tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 10-04-2017

  • Cập nhật : 10/04/2017

Tỉ phú số một Ấn Độ lăm le vượt mặt người Hoa từng giàu nhất thế giới

tai san cua ti phu hang dau an do tang manh trong nam nayanh: bloomberg

Tài sản của tỉ phú hàng đầu Ấn Độ tăng mạnh trong năm nayẢNH: BLOOMBERG

Theo Bloomberg, hiện tài sản của tỉ phú giàu nhất Ấn Độ kiêm người giàu thứ ba châu Á Mukesh Ambani chỉ còn cách ông Vương Kiện Lâm, tỉ phú giàu thứ nhì châu Á, 300 triệu USD.
 

ong mukesh ambani anh: reuters

Ông Mukesh Ambani ẢNH: REUTERS

Ông Ambani kiếm được 8,4 tỉ USD trong năm nay, đưa tổng tài sản của mình cán mốc 31,2 tỉ USD. Tất cả là nhờ cổ phiếu hãng Reliance Industries của ông tăng 33%.

Hiện Jack Ma, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba đang ngồi ghế tỉ phú giàu nhất châu Á. Theo chỉ số Bloomberg Billionaires, ông chủ Alibaba có 36,5 tỉ USD và đang đứng hạng 15 thế giới.(TN)
------------------------------------------

Samsung báo cáo lợi nhuận khủng giữa lúc 'thái tử' hầu tòa

Samsung vừa có một ngày với hai sắc thái đối lập: ‘Thái tử’ Lee Jae-yong lần đầu tiên hầu tòa và đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, trong khi công ty báo cáo lợi nhuận hằng quý cao nhất trong hơn ba năm qua.

 

Theo CNN, việc Phó chủ tịch Samsung Electronics kiêm người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong ra tòa không làm lu mờ báo cáo lợi nhuận hằng quý, vốn lên đến gần 9 tỉ USD của công ty hôm 7.4. Cùng ngày, hãng công nghệ Hàn Quốc cũng thông báo nhận đơn đặt hàng sớm mẫu điện thoại thông minh mới ra mắt tại nước nhà.

Trong phiên tòa được gọi là “phiên tòa thế kỷ”, giới công tố viên dành một giờ để đưa ra lời buộc tội ông Lee, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc. Công tố viên cáo buộc ông đóng vai trò chủ chốt trong vụ bê bối khiến dân Hàn bất bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất. Tuần trước, bà Park cũng bị bắt vì tội lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ.

Tại tòa, ông Lee nghe giới công tố viên cáo buộc tội hối lộ bà Park và bạn thân là bà Choi Soon-sil, nhằm đạt sự hỗ trợ từ chính phủ về vụ sáp nhập vốn sẽ củng cố vị trí lãnh đạo của ông trong đế chế Samsung. Công tố viên Park Young-soo cho biết: “Nếu không có sự giúp đỡ của Tổng thống, ông sẽ không thể tiếp quản doanh nghiệp như ông muốn”. Luật sư của ông Lee bác bỏ thẳng thừng những lời cáo buộc.

Cùng ngày tại trụ sở của Samsung, báo cáo hoạt động kinh doanh quý 1/2017 được đưa ra. Hãng này có lời 9.900 tỉ won, tương đương 8,7 tỉ USD. Đây là mức lợi nhuận tăng 50% so với cách đây một năm. Lợi nhuận khủng thể hiện sức phục hồi đáng kinh ngạc của Samsung sau đợt thất bại của mẫu smartphone Note 7 hồi năm ngoái. Note 7 cuối cùng bị thu hồi và Samsung mất 5 tỉ USD.

7.4 cũng là ngày đầu tiên mà dân Hàn Quốc có thể đặt hàng trước Galaxy S8, mẫu smartphone chính đầu tiên của Samsung sau thất bại của Note 7. Hiện doanh nghiệp xứ Hàn đang kỳ vọng S8 giúp họ lấy lại danh tiếng.

Doanh thu mạnh và phản ứng tích cực ban đầu từ người tiêu dùng đối với S8 cho thấy Samsung có thể tránh được thiệt hại dài hạn cho thương hiệu. Ngay cả khi lãnh đạo phải hầu tòa, cổ phiếu hãng vẫn đang ở mốc cao kỷ lục.(Thanhnien)
---------------------------------

Kiến nghị thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng nước ngoài

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa gửi bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết điểm nghẽn của thị trường BĐS 2017. Trong đó Hiệp hội kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng ở nước ngoài khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết theo pháp luật của Việt Nam.

anh minh hoa. nguon internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM tiền sử dụng đất là một điểm nghẽn của thị trường BĐS, là gánh nặng của doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà; là ẩn số không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư; là môi trường dễ phát sinh tiêu cực và tạo ra cơ chế "xin - cho", văn bản nhấn mạnh. Hiệp hội kiến nghị thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin-cho" trên thị trường BĐS.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án. Vì vậy cần sửa đổi khoản (1.b) điều 194 Luật Đất đai 2013 cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án; coi chuyển nhượng dự án, một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

Kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Cụ thể sửa đổi, bổ sung khoản (2.d) điều 174 Luật Đất đai 2013 cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta để bảo đảm chủ quyền quốc gia.

Kiến nghị bổ sung chủ thể "cá nhân nước ngoài" là người sử dụng đất (có thời hạn tối đa không quá 50 năm) sau khi đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do vậy cần bổ sung chủ thể người sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài" trong thời hạn được sở hữu nhà tại Việt Nam vào điều 5 Luật Đất đai 2013.  Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị bổ sung thêm 01 điều khoản vào Mục 4 Chương XI Luật Đất đai 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài" để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị cho miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại bán giá rẻ hoặc cho thuê giá rẻ; Cho doanh nghiệp được hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác; Giao cho Bộ Xây dựng, hoặc Sở Xây dựng thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng) để giảm thiểu "lợi ích nhóm"; Đề nghị miễn thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình trong dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng đã được duyệt.

Ngoài ra, Hiệp hội còn kiến nghị giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND cấp tỉnh thu hồi đất các dự án được bổ sung giữa hai kỳ họp HĐND, bằng cách sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 62 Luật Đất đai 2013, và khoản 8 điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng giao quyền cho Thường trực HĐND cấp tỉnh thông qua, và báo cáo lại Hội đồng nhân dân trong kỳ họp tiếp theo.(Viettimes)
-------------------------------------

Đề xuất vay vốn Nhật Bản xây tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình

UBND TP. Hà Nội đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (giai đoạn 2) đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình được sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.

tuyen duong sat do thi so 2 (giai doan 1) van dang trien khai thuc hien.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 (giai đoạn 1) vẫn đang triển khai thực hiện.

Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình có chiều dài 5,9 km, có 6 ga, đi ngầm toàn bộ qua các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Tuyến có điểm đầu trên phố Huế, trước ngã tư giao với đường Nguyễn Du – Lê Văn Hưu (là điểm cuối của Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo); điểm cuối tại Thượng Định (nút giao Nguyễn Trãi với đường vành đai 2,5).

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 177,6 tỷ Yên, tương đương 34.743 tỷ đồng, trong đó vốn vay nước ngoài là 146 tỷ Yên cho các hạng mục xây dựng, thiết bị và tư vấn. Tuyến được coi là tuyến metro xương sống cho Hà Nội. Thời gian thực hiện Dự án là từ 2020 – 2025.

Đây là tuyến đường sắt đô thị cần được ưu tiên đầu tư, trong đó ưu tiên đoạn đi qua trung tâm Hà Nội từ khu vực Nam Thăng Long đến Thượng Đình.

Mới đây UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét, lựa chọn đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình được sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Đề xuất dự án để thành phố có cơ sở thực hiện thủ tục trình phê duyệt lại chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công.

Hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện Dự án xây dựng tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Đối với tuyến đường này Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xin ý kiến về việc điều chỉnh thiết kế cơ sở tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến số 2).

Theo đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là hơn 35.678 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với số vốn đầu tư ban đầu 19.555 tỉ đồng. Chi phí điều chỉnh thực hiện đối với hệ thống cơ điện và đầu máy toa xe, hợp đồng hỗ trợ vận hành bảo dưỡng 5 năm; chi phí dự phòng khối lượng được xác định theo tỷ lệ 10%.

Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008. Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao; Khổ đường sắt đôi 1.435 mm.

Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Tuyến bắt đầu từ khu đô thị mới Ciputra đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.

Việc tiếp tục thực hiện đầu tư đoạn từ Trần Hưng Đạo tới Thượng Định theo quy hoạch sẽ kết nối các khu vực đô thị trung tâm, đồng thời sẽ kết nối 2 tuyến metro khác là Yên Viên – Ngọc Hồi (tuyến số 1) và Nhổn – ga Hà Nội (tuyến số 3), tạo thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, hoàn chỉnh.(Viettimes)

Trở về

Bài cùng chuyên mục