tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 07-09-2017

  • Cập nhật : 07/09/2017

Trung Quốc cấm hoạt động ICO, hàng loạt đồng tiền ảo mất giá

Theo TechCrunch, mới đây Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo lần đầu (ICO) tại nước này. Ngay lập tức lệnh cấm đã có những tác động tới thị trường tiền ảo, đặc biệt là những dự án ICO “ma”.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Trang tin tài chính Caixin đã đăng tải thông tin cơ quan chức năng Trung Quốc cảnh báo các hoạt động ICO theo mô hình kim tự tháp có thể là một thủ đoạn lừa đảo, gây ra các vấn đề về kinh tế, trật tự xã hội. Hiện đã có 60 nền tảng sắp ICO bị cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đưa vào danh sách cần kiểm tra và giám sát. Tại nước này mới đây đã có 2 loại tiền ảo chính thức ngừng giao dịch và một hội thảo về công nghệ blockchain bị hủy bỏ. 

ICO là hoạt động phát hành một loại tiền ảo mới ra thị trường, để có được đồng tiền mới này, nhà đầu tư phải trả bằng tiền mặt hoặc các loại tiền ảo đã có giá trị giao dịch sẵn lúc này như Bitcoin hay Ethereum. Hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa ban hành quy định pháp lý nào để kiếm soát hoạt động ICO. 

Theo CNBC: “Sự bùng nổ của hoạt động ICO gần đây đã kéo theo việc gia tăng hàng loạt các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ. Điều này làm gia tăng mối quan ngại về bong bóng tiền ảo sẽ xảy ra”.

Mặc dù Ủy bán Chứng khoán Mỹ đã xác định ICO phải được tổ chức phù hợp theo luật chứng khoán Liên bang nhưng vẫn chưa có cảnh báo nào cho các nhà đầu tư.

Riêng tại Trung Quốc, nhiều người dùng am hiểu công nghệ đã sử dụng tiền ảo hằng ngày như một phương tiện thanh toán giúp họ không bị tính thuế. 

Đầu năm nay, tiền ảo tại Trung Quốc mới được bỏ lệnh cấm. Ban đầu việc cấm sử dụng tiền ảo được nhà chức trách coi là một biện pháp ngăn chặn sử dụng công nghệ để rửa tiền. Theo số liệu của Tân Hoa Xã, thị trường tiền ảo của nước này đã tăng từ 105.000 USD hồi đầu năm lên 383 triệu USD.

Lúc này mọi dự án ICO đã huy động vốn tại Trung Quốc đều bị yêu cầu phải hoàn trả cho các nhà đầu tư, tuy nhiên chi tiết việc hoàn trả sẽ được thực hiện thế nào vẫn chưa được công bố. (Bizlive)
--------------------

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc 7 tháng tăng 40%, nhu cầu tôm tại Châu Á sẽ tăng mạnh các năm tới

Theo báo cáo thương mại thủy sản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết nhu cầu tôm ở thị trường châu Á sẽ tăng trong thời gian tới.

Tại hội thảo “Nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam” do VASEP tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, dẫn chứng từ một báo cáo của Liên hợp quốc về triển vọng đô thị hóa thế giới đến năm 2025, ông Carson Blake Roper, chuyên gia thị trường EU, cho biết hầu hết các thành phố lớn có dân số đông đều tập trung ở khu vực châu Á.

Số lượng người dân thuộc tầng lớp trung lưu được dự đoán sẽ tăng mạnh ở khu vực này trong thời gian tới dẫn đến nhu cầu tiêu thụ về các sản phẩm có hàm lượng protein, nhất là tôm, cá... sẽ nhiều hơn. Trong đó, tốc độ tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đạt lần lượt 383,8 triệu USD, 295,7 triệu USD và 187,8 triệu USD, chiếm 19,92%, 15,35% và 9,75% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng khá mạnh, tăng lần lượt 40%, 35% và 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

10 thị trường nhập khẩu tôm chân trắng hàng đầu trong 7 tháng đầu năm 2017 (Số liêu: Tổng Cục Hải quan)

10 thị trường nhập khẩu tôm sú hàng đầu trong 7 tháng đầu năm 2017 (Số liêu: Tổng Cục Hải quan)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, diện tích nuôi và sản lượng tôm nước lợ 7 tháng đầu năm 2017 tiếp tục giữ xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú ước đạt 594,4 nghìn ha (tăng 2,4%), sản lượng đạt 135,3 nghìn tấn (tăng 13,2%). Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước đạt 66,9 nghìn ha, tăng 17,8% với sản lượng khoảng 145,5 nghìn tấn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Nguyên phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thủy Sản cho biết mục tiêu tăng trưởng sản lượng tôm nuôi giai đoạn 2017-2020 tăng 4,2%/năm đạt 4,6 triệu tấn vào năm 2020, phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa, giá trị xuất khẩu tôm cần phải đạt mức tăng trưởng 14%/năm (so với mức 7,2% giai đoạn 2010-2016).

Bên cạnh đó, năng suất và diện tích nuôi trồng cũng cần được mở rộng. Tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi tôm cần phải đạt 11-12%/năm (so với 5,3% giai đoạn 2010-2016). Cụ thể, đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tông đạt 690.000 ha, sản lượng đạt 933.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm sú ước đạt 600.000 ha với sản lượng 420 tấn. Diện tích tôm chân trắng đạt 90.000 ha, sản lượng đạt 513.000 tấn.

Mặc dù vậy, giá thành nuôi tôm được dự báo sẽ tăng do giá thức ăn lên cao và chi phí đáp ứng yêu cầu về môi trường, xã hội, truy xuất, an sinh vật nuôi của thị trường tăng. Ngoài ra tôm Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh thị trường tiêu thụ ngành càng khắc nghiệt hơn.

Ngành tôm sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức như chất lượng tôm giống phụ thuộc vào nhập khẩu và tự nhiên, khó kiểm soát, không ổn định trong khi giá thành dễ bị biến động, rủi ro dịch bệnh, giá thành nuôi tôm cao, sản xuất nhỏ lẻ...

Các chuyên gia ngành tôm cho rằng để đáp ứng nhu cầu thị trường ngành công nghiệp chế biến tôm Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược cụ thể cho từng thị trường trong đó, đặc biệt quan tâm đến thị hiếu, thói quen ăn uống của người tiêu dùng để đưa ra chiến lược tiếp cận hiệu quả.

Ông Carson Blake Roper nhận định các doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi cung ứng, hệ thống bảo quan lạnh khu vực châu Á nếu không tôm Việt khó lòng cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường thế giới. Ông Tuấn đưa ra một số kiến nghị như thay đổi quản lý nhập khẩu giống tôm, đánh giá nhà cung cấp, chất lượng di truyền, phát triển sản xuất tôm giống tại chỗ, nâng cao hạ tầng trại giống, vùng nuôi...(NDH)
----------------------------------

Không “khởi nghiệp” ông lớn cũng tụt hậu

Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ, khởi nghiệp là việc của những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả những doanh nghiệp lớn, thậm chí rất lớn, nếu không năng động “khởi nghiệp” cũng có thể rơi vào nguy cơ suy thoái, đổ vỡ.

 

the gioi di dong du kien danh khoang 500 ty dong cho hoat dong m&a cung o mang ban le ngoai thiet bi di dong, bach hoa

Thế Giới Di Động dự kiến dành khoảng 500 tỷ đồng cho hoạt động M&A cũng ở mảng bán lẻ ngoài thiết bị di động, bách hóa

 

Đổi mới để “không tự chôn mình”

Ở thời kỳ đầu những năm 2000, trên thế giới lúc ấy khoảng 40% số máy điện thoại là do Nokia sản xuất. Người người dùng Nokia, nhà nhà sắm Nokia. Nokia từng được xem là “thế lực không thể bị đánh bại” trên thị trường điện thoại di động với doanh số cao chót vót trong nhiều năm liền, cho đến khi bị Samsung “vượt mặt”. Sự sụp đổ của “đế chế” Nokia từng được cho là do “gã khổng lồ” đã ngủ quên trên chiến thắng trong một thời gian dài.

Ở Việt Nam, thị trường cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp (DN) một thời hùng hậu nhưng giờ cũng chỉ còn “vang bóng một thời” như Giày Thượng Đình, Xe đạp Thống Nhất, Mỳ Miliket…

Mỗi DN có một lý do đi đến suy thoái nhưng chung quy lại việc “ngủ quên” trên chiến thắng sẽ là con đường rất nhanh để một thương hiệu lớn chỉ còn là quá khứ.

Đa số các DN hiện nay rất năng động. Họ luôn tìm những hướng đi mới, đồng thời tự tạo ra cho mình những cửa sáng trong kinh doanh. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thử thách bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, lấn sân sang những mảng miếng, lĩnh vực hoàn toàn mới. Việc liên tục “khởi nghiệp” bằng cách mở ra những lĩnh vực kinh doanh mới như vậy có thể giúp DN tận dụng lợi thế đã có và nới rộng dư địa tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Đầu năm 2015, thị trường chứng kiến cuộc đổ bộ của “ông lớn” ngành thép - Hòa Phát Group vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.  Không chọn con đường M&A hay mua lại những DN trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát thành lập DN mới để kinh doanh, đầu tư.

Quyết định này của đại gia thép từng gây ngỡ ngàng khi DN này nhảy vào lĩnh vực khá “xương xẩu” là bán cám để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp. Bởi thời điểm đó, trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đầy rẫy “những ông lớn” tầm cỡ thế giới như CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ)… đang thống trị.

Tổng giám đốc Hòa Phát Trần Tuấn Dương cho biết, trong hơn 20 năm phát triển, Hòa Phát đã 5 - 7 lần dấn thân vào lĩnh vực mới, từ thiết bị xây dựng, thép, nội thất, điện lạnh đến bất động sản… Nói như vậy để thấy rằng, Hoà Phát tham gia lĩnh vực mới không có gì lạ và không phải chuyển hướng kinh doanh.

Sau 2 năm gia nhập thị trường, đến thời điểm này, Hòa Phát đã có những kết quả nhất định trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý II/2017, mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò đã đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn. Tính chung, cả Tập đoàn đạt doanh thu 10.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.530 tỷ đồng trong quý II/2017.

Nhưng có lẽ cái tên khiến cả thị trường thường xuyên phải “chóng mặt” vì tốc độ mở rộng kinh doanh không phải Hòa Phát, mà chính là Thế Giới Di Động (MWG).

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG chia sẻ, để có được sự sáng tạo liên tục, chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận trả giá bằng rất nhiều sự thất bại. Ở DN ông, tỷ lệ này tới 30%. Năm 2017, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đặt kế hoạch doanh thu 63.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu tham vọng này, ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh việc liên tục đổi mới là rất cần thiết. “Muốn tăng doanh thu, sắp tới Thế Giới Di Động sẽ không dừng lại ở bán hàng công nghệ, mà phải đa dạng hóa ngành hàng. Công ty sẽ không thể duy trì mãi tốc độ mở mới các siêu thị vì đến một lúc nào đó thị trường sẽ bão hòa”, ông Nguyễn Đức Tài cho biết.

Thực tế cho thấy, Thế Giới Di Động duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong những năm vừa qua và tiếp tục các định hướng mở rộng thị phần các lĩnh vực khác rất nhanh. Ngoài mảng hệ thống bán lẻ ở chuỗi cửa hàng của Thế Giới Di Động là cốt lõi, công ty này trong nhiều năm qua đã tấn công sang hàng loạt các lĩnh vực như bán lẻ hàng tiêu dùng ở hệ thống siêu thị xanh, nông nghiệp sạch… Thậm chí, MWG đã từng gây ngạc nhiên khi quyết định bán vé số.

Định hướng phát triển của Công ty trong hai năm 2017 và 2018 là dành một số vốn khoảng 500 tỷ đồng cho hoạt động M&A cũng ở mảng bán lẻ ngoài thiết bị di động, bách hóa. Và một trong những lĩnh vực Thế Giới Di Động đang hướng đến là mảng dược phẩm với mục tiêu mua lại một hệ thống từ 10 - 15 cửa hàng dược.

Ngoài ra, Thế Giới Di Động cũng định thành lập một công ty con chuyên về công nghệ thông tin Techpark với số vốn 135 tỷ đồng hay lập trang Vuivui để cạnh tranh với các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada… Có thể nói, tham vọng của MWG là không nhỏ và chính yếu tố “ăn tạp”, đa dạng đã làm nên thương hiệu năng động của DN này. 

Cẩn trọng trong đầu tư, tránh dàn trải

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương thuộc Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, trong quá trình làm ăn, chủ DN có thể bắt gặp những cơ hội mới với những lĩnh vực kinh doanh mới. Việc bắt đầu những ngành kinh doanh mới đối với những DN này ít nhiều cũng đã có sẵn lợi thế, tuy nhiên sự khó khăn cũng không hề nhỏ. Thậm chí, nếu không cẩn trọng hoặc không gặp thời thì việc mở rộng này có thể đưa DN vào thế bí.

Trước hết, nếu các DN đầu tư chồng chéo, dàn trải vào các mảng không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, chủ yếu chạy theo các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn có thể dễ dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền. Việc “lấn sân” sang những lĩnh vực hoàn toàn mới cũng có thể đem lại những bất cập về nguồn nhân lực cho DN bởi họ sẽ không tận dụng được nguồn nhân lực đang có sẵn.

Cũng theo chuyên gia Lê Thẩm Dương, việc đổi mới không nhất thiết phải là “nhảy” sang lĩnh vực khác, thay vào đó các DN có thể mở rộng chính lĩnh vực thế mạnh của mình. Ví như một DN sản xuất cà phê, thay vì chỉ loanh quanh khâu sản xuất, tiêu thụ đến cấp đại lý, có thể mở rộng bằng các hệ thống bán lẻ như Starbuck, Highland…

Trong khi đó, đề cập đến vấn đề này, một chuyên gia khác cho rằng, thực tế cho thấy chuyển đổi chỉ thành công khi có động lực và khi không còn đường lùi. Nếu thấy không có gì cần đổi mới mà cứ tiến hành thì chắc chắn là thất bại.

Việc quyết định mở rộng lĩnh vực kinh doanh hay không là ở sự lựa chọn, cân nhắc ở mỗi DN. Nhưng thực tế yêu cầu đổi mới của mỗi DN là cần thiết. Như CEO của Samsung - thương hiệu đã “soán” ngôi vị dẫn đầu của Nokia - luôn yêu cầu nhân viên của Samsung phải hoạt động, làm việc như thể họ đang gặp khủng hoảng, và phải cố gắng hết sức. (Đấu Thầu)
--------------------------------

“Vua nghỉ dưỡng“ Macau đầu tư casino tại Việt Nam và Nhật Bản

Suncity, đơn vị nổi danh với cơ sở vật chất phục vụ nghỉ dưỡng xa hoa tại Macau (Trung Quốc), đã lên kế hoạch đầu tư lớn ra casino nước ngoài để trở thành tập đoàn toàn cầu.

 

phoi canh du an resort phuc hop cua suncity va chow tai fook tai hoi an. anh:suncity.

Phối cảnh dự án resort phức hợp của Suncity và Chow Tai Fook tại Hội An. Ảnh:Suncity.

 

Tập đoàn nghỉ dưỡng lớn nhất Macau đang muốn nhiều hơn vị trí trung gian cho những khách đánh bạc lớn từ đại lục vay tiền. Suncity đang muốn đầu tư thêm hàng tỷ USD để trở thành tập đoàn quản lý casino sánh ngang với những tên tuổi lớn trong ngành như Las Vegas Sands hay Wynn Resorts.

Tập đoàn này hiện vận hành các phòng VIP phục vụ khách đánh bạc với tổng số tiền cược hàng tháng lên tới 17 tỷ USD, đang tìm thêm đối tác tại Nhật Bản sau khi dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã lên kế hoạch sẽ mở cửa vào năm 2019.

Kế hoạch mở rộng toàn cầu của công ty này bao gồm việc mua vào cổ phần sở hữu hoặc tham gia dự thầu các hợp đồng quản lý sòng bạc.

"Là đơn vị vận hành các dịch vụ nghỉ dưỡng xa hoa, chúng tôi không có đủ đất để vùng vẫy, kể cả ở Macau này", ông Andrew Lo, giám đốc điều hành nhánh đã lên sàn của tập đoàn Suncity cho hay.

"Trong tương lai, chúng tôi sẽ sở hữu thêm những hệ thống nghỉ dưỡng khép kín gồm resorts, có sân golf, bể bơi và các nhà hàng, khách hàng sẽ gắn bó với chúng tôi hơn", ông cho biết. 

Tham vọng mở rộng ra nước ngoài của Suncity được lên kế hoạch ngay cả khi triển vọng ngành kinh doanh trò chơi có thưởng dạng casino tại Macau đang trên đà phục hồi trở lại. Tổng doanh thu từ các hoạt động casino tại Macau đã tăng 20,4% trong tháng 8, vượt mức dự đoán của giới phân tích, ngay cả khi thời tiết không ủng hộ khi hai cơn bão lớn vừa quét qua Macau.

Đây là tháng thứ 13 liên tiếp doanh thu từ các hoạt động đánh bạc tại Macau tăng trưởng dương, do đây cũng là giai đoạn mà kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, người chơi từ đại lục đã bỏ nhiều tiền hơn vào các casino của Macau.

Suncity hiện nắm trong tay một nửa thị phần nghỉ dưỡng kèm casino tại Macau, theo ông Lo nhận định. Đơn vị của ông thường cho người chơi vay tiền, thu nợ và tổ chức các hoạt động quảng bá casino tới giới nhà giàu Trung Quốc.

Tại Việt Nam, đơn vị này đã hợp tác với tập đoàn nổi tiếng của Hong Kong -Chow Tai Fook - và công ty VinaCapital để xây dựng khu resort phức hợp trị giá 4 tỷ USD ở Hội An.

Suncity sở hữu 34% dự án. Tập đoàn từ Hong Kong và nắm hợp đồng quản lý vận hành casino nằm trong khu nghỉ dưỡng. Cổ phiếu của nhánh Suncity trên sàn chứng khoán Hong Long đã tăng trưởng 118% trong năm nay, vượt trội so với mức 27% của chỉ số Hang Seng.

Thị trường casino Việt Nam có thể tạo ra 1,2 tỷ USD doanh thu, theo số liệu từ một báo cáo trong tháng 8 của Grant Govertsen, đơn vị phân tích có trụ sở tại Macau. Cũng theo đơn vị này, Việt Nam hiện có khoảng 30 cơ sở casino với khoảng 1.900 máy đánh bạc và khoảng 400 bàn chơi.

Việc Suncity tham gia vào dự án tại Hội An sẽ "là một bước chuyển quan trọng của công ty này, giúp nó không chỉ trở thành một nền tảng kinh doanh xoay quanh casino mà còn là nền tảng duy nhất dạng này có thể tiếp cận ở thị trường Việt Nam", Govertsen nhận định.

"Với những mối quan hệ với giới thượng lưu của Suncity, chúng tôi tin tằng dự án sẽ đạt được mức thu hồi trên đầu tư (ROI) đáng kể dù hiện ở Việt Nam chỉ có người nước ngoài được tham gia vui chơi tại casino", đơn vị này thông tin.

ong andrew lo, giam doc dieu hanh cua tap doan suncity. anh:bloomberg. 

Ông Andrew Lo, giám đốc điều hành của tập đoàn Suncity. Ảnh:Bloomberg. 

Tại Nhật Bản, dù việc mở cửa casino mới sẽ khó xảy ra trước Olympic 2020, Suncity vẫn đang hoạt động tích cực để có được giấy phép xây dựng dự án resort phức hợp trị giá 10 tỷ USD.

Chính phủ nước này cũng đang lên kế hoạch sẽ hợp pháp hóa việc vận hành casino vào cuối năm nay. Dự kiến, tổng doanh thu hàng năm của các khu resort phức hợp có bao gồm casino sẽ đạt mức 25 tỷ USD.

Giám đốc của Suncity nhấn mạnh kế hoạch mở rộng của tập đoàn sang Việt Nam và Nhật Bản không nên bị hiểu là doanh nghiệp này đang bỏ thị trường Macau. Doanh nghiệp này muốn tiếp cận nhiều hơn tới người chơi ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

"Chúng tôi không bỏ Macau", ông Lo khẳng định. "Chúng tôi chỉ đang tự nâng cấp mình khi mà nhu cầu của khách hàng ngày một lên cao".(Zing News)

Trở về

Bài cùng chuyên mục