tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 05-08-2018

  • Cập nhật : 05/08/2018

Ô tô Toyota bán chạy kỷ lục khi Mỹ - Trung đối đầu về thương mại

Trong ngày thứ Năm, hãng xe Nhật công bố doanh số bán hàng tại Trung Quốc tháng 7/2018 tăng tăng 17% lên 127.400 chiếc – đây là mức doanh số bán xe cao chưa từng có.

anh: china daily

Ảnh: China Daily

Toyota tạm thời hưởng lợi tại Trung Quốc trong tháng vừa rồi khi mà đối thủ BMW và Daimler chịu tác động khiến doanh số bán hàng sụt giảm do căng thẳng thương mại tăng cao giữa Washington và Bắc Kinh, theo tin từ Nikkei.

Trong ngày thứ Năm, hãng xe Nhật công bố doanh số bán hàng tại Trung Quốc tháng 7/2018 tăng tăng 17% lên 127.400 chiếc – đây là mức doanh số bán xe cao kỷ lục, doanh số bán xe của Toyota tại Trung Quốc đã tăng 5 tháng liên tiếp.

Doanh số bán xe dòng sang Lexus tăng 37,5% lên khoảng 15 nghìn chiếc. Tất cả xe sang Lexus mà Toyota bán tại Trung Quốc đều được sản xuất tại Nhật.

Trong tháng 5/2018, chính phủ Trung Quốc đã quyết định giảm thuế đối với xe ô tô chở người nhập khẩu xuống 15% từ mức 25% trong nỗ lực làm hài lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông này không hài lòng khi Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại quá cao với Trung Quốc.

Quy định về mức thuế mới này chính thức có hiệu lực từ 1/7/2018, trong cùng ngày đó, Toyota giảm giá xe Lexus trung bình khoảng 3.945USD/xe.

Doanh số bán các dòng xe của Toyota tại Trung Quốc (chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc) cũng tăng tốt. Doanh số bán Corolla tăng 10% lên 34.100 chiếc, xe Levin tăng 22% lên 16.900 chiếc. Doanh số bán xe đa dụng thể thao RAV4 tăng 29% lên 12.300 chiếc.

Trong cùng thời gian này, doanh số bán xe của BMW tại Trung Quốc giảm sâu khi mà xe ô tô sản xuất tại Mỹ bị đánh thuế đến 40% từ mức 15%. Quyết định mới có hiệu lực từ ngày 6/7/2018 để trả đũa Mỹ. BMW cho biết việc Trung Quốc tăng thuế sẽ khiến hãng thiệt hại khoảng 300 triệu euro tương đương 348 triệu USD trong năm 2018. 

So với các hãng ô tô ngoại khác tại thị trường Trung Quốc, BMW nhập xe từ Mỹ nhiều nhất. Trong năm 2017, hãng đã nhập từ Mỹ về Trung Quốc gần 100 nghìn xe. 

Gần đây, BMW đã tăng giá bán xe đa dụng thể thao nhập từ Mỹ để bán tại Trung Quốc thêm khoảng từ 4% đến 7%. BMW cho đến nay vẫn nhập một dòng xe sản xuất tại Thái Lan để bán vào Trung Quốc.

Hãng xe Daimler gặp khó khăn khi mà chiến tranh thương mại tác động đến thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã trì hoãn mua xe mới trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay bởi chờ thuế giảm bắt đầu từ tháng 7. 

Khi doanh số bán hàng quá chậm, Daimler đã buộc phải giảm giá xe. Tuy nhiên Daimler vẫn gặp khó khăn bởi từ 6/7/2018, xe sản xuất tại Mỹ phải chịu thuế cao hơn rất nhiều so với trước. (Bizlive)
---------------------

Nợ nước ngoài đang tăng vì tỷ giá

Tại thời điểm 31-12-2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.45 triệu tỉ đồng - đây là con số chính thức được công bố trong Báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017, kế hoạch năm 2018 đề ngày 17-5-2018 của Chính phủ gửi Quốc hội kỳ họp thứ 5 khóa 14.

Tính theo tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào ngày cuối cùng của năm ngoái là 22.425 đồng/đô la Mỹ, tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam được quy đổi thành 109,34 tỉ đô la Mỹ.

Tốc độ tăng tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia, như vậy, rất nhanh. Theo Bản tin nợ công số 5 ngày 23-8-2017 của Bộ Tài chính, tổng dư nợ nước ngoài của đất nước đến hết năm 2015 là 80,84 tỉ đô la Mỹ; năm 2014 là 71 tỉ đô la Mỹ. Cứ mỗi năm nợ nước ngoài tăng thêm khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, riêng hai năm 2016-2017 tăng bình quân gần 15 tỉ đô la Mỹ/năm.

Những năm trước tỷ giá hầu như không biến động. Năm nay, đặc biệt từ giữa tháng 6-2018 đến nay, tỷ giá chuyển dịch nhanh theo hướng tiền đồng giảm giá so với đô la Mỹ. Nợ nước ngoài, nếu tính bằng tiền đồng, đã tăng thêm khá nhiều và không thể không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Số tiền tuyệt đối mà ngân sách phải chi ra thêm để trả nợ gốc đến hạn cộng với lãi trong năm nay do thay đổi tỷ giá lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Giả sử ngân sách cũng hạch toán như doanh nghiệp, tức phải trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá, thì hẳn số trích lập dự phòng sẽ khiến bảng cân đối tài chính khác nhiều so với dự toán.

Trong tổng dư nợ nước ngoài đáng quan tâm là nợ vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tổ chức khác. Hiện số liệu của Bộ Tài chính không công bố số tuyệt đối nợ nước ngoài mà doanh nghiệp tự vay tự trả bao nhiêu. Theo kế hoạch năm 2018, hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức khác tối đa 5 tỉ đô la Mỹ và dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp vào cuối năm nay không vượt quá dư nợ vào ngày 31-12-2017.

Theo một quan chức NHNN, thường các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả nhiều nhất. Họ có thể vay của công ty mẹ ở nước ngoài hoặc của ngân hàng ngoại. Trước khi vay, các doanh nghiệp đăng ký với Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN. Nếu số lượng đăng ký vay cao hơn hạn mức của năm, NHNN sẽ thảo luận, thống nhất với Bộ Tài chính để có thể chỉnh sửa hạn mức căn cứ trên nhu cầu cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Một số năm, doanh nghiệp FDI đăng ký vay số lượng lớn, nhưng số vay thực tế lại thấp do tiến độ sử dụng vốn vay chậm, giải ngân cũng chậm. Trong trường hợp đó, số đăng ký vay có thể được chuyển sang cho năm sau.

Các doanh nghiệp FDI chuộng hình thức tự vay tự trả nước ngoài là do lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn, các điều khoản vay linh hoạt hơn. Tuy nhiên việc vay vốn của doanh nghiệp FDI cũng không phải chỉ toàn màu hồng. Có ý kiến cho rằng họ (doanh nghiệp FDI) là nước ngoài, vay nước ngoài, trả nước ngoài họ tự lo, không liên quan đến ngân hàng cũng như doanh nghiệp trong nước. Thực tế không đơn giản vậy.

Năm ngoái, Công ty Vietnam Beverage đã vay 5 tỉ đô la Mỹ để mua cổ phần của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và đẩy dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp tăng mạnh và làm tăng tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia. Theo Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả. Nếu không có 5 tỉ đô la Mỹ này, thì tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm ngoái chỉ là 104,34 tỉ đô la Mỹ.

Khi giải ngân nguồn vốn vay ngoại tệ cho các dự án ở Việt Nam, các khoản vay của doanh nghiệp FDI góp phần làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường, giúp cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam. Song, ở thời điểm trả nợ, họ cũng có nhu cầu mua ngoại tệ để chuyển ra (trừ trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài gánh vác khoản nợ cho công ty con ở Việt Nam). Điều này gây ra áp lực nhất định cho tỷ giá.

Trong đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua của Sabeco, đại diện Sabeco đã trả lời câu hỏi của một cổ đông rằng việc vay vốn nước ngoài của Vietnam Beverage không ảnh hưởng đến Sabeco và Vietnam Beverage cũng không chuyển nợ sang Sabeco. Còn tại sao lại là Vietnam Beverage vay, mà không phải tập đoàn mẹ của Vietnam Beverage vay, có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam từ nhiều năm qua đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế. Trong cơ cấu của nó, ngoài vốn tự có của chính chủ đầu tư, còn có vốn vay. Việc vay vốn để kinh doanh, đầu tư là bình thường đối với cả doanh nghiệp nội địa lẫn FDI. Việc tách bạch đâu là vốn vay, đâu là vốn tự có trong cơ cấu FDI không phải lúc nào cũng thực hiện dễ dàng, nhưng việc tính toán thời điểm trả nợ cho cấu phần vay của dòng vốn này có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo việc ngân hàng Việt Nam cung ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp, đồng thời không gây ảnh hưởng đến cung cầu thị trường và tỷ giá.(TBKTSG)
--------------------------

Nhiều doanh nghiệp báo lỗ trăm tỷ

Bức tranh tài chính của những doanh nghiệp niêm yết đã phần nào lộ diện sau mùa công bố báo cáo tài chính bán niên. Bên cạnh những doanh nghiệp đi đầu với khoản lãi cao, không ít tiếp tục chìm trong thua lỗ với con số hàng trăm tỷ đồng.

Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) là doanh nghiệp giữ "quán quân" về thua lỗ trong 6 tháng đầu năm. Công ty này ghi nhận khoản lỗ 561 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp đều báo lãi.

Báo cáo tài chính của công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 124 tỷ đồng.Tuy nhiên, nguyên nhân chính tác động trực tiếp vào lợi nhuận lại đến từ việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11 lần do trích lập dự phòng phải thu khó đòi, lên gần 400 tỷ đồng.

Đến cuối quý II, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của Gỗ Trường Thành còn gần 430 tỷ, giảm 1.100 tỷ đồng so với đầu năm nhưng dự phòng phải thu khó đòi tăng gần 3 lần. Dù vậy, phần lớn tài sản của công ty vẫn nằm ở khoản mục này và hàng tồn kho, chiếm hơn 70%.

Nửa đầu năm nay cũng không phải lần đầu Gỗ Trường Thành báo lỗ lớn. Công ty này đang vật lộn trong khó khăn để xử lý dư âm từ cuộc khủng hoảng cách đây gần hai năm. Bán niên năm 2016, Gỗ Trường Thành lần đầu báo lỗ gần nghìn tỷ đồng do đơn vị kiểm toán phát hiện hàng tồn kho bị thiếu. Trong phiên họp thường niên mới đây, ban lãnh đạo công ty này cũng cho biết sẽ tập trung xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng tại hàng tồn kho và phải thu trong năm nay.

Khác với Gỗ Trường Thành, Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã CK: PVD) lại gặp khó khăn do yếu tố khách quan bên ngoài, thay vì khó khăn từ nội tại công ty.

Trong nửa đầu năm 2018, doanh thu của PVD vẫn tăng mạnh gần 90% cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp giảm hơn 91%, chỉ còn gần 6 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty,nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí thuế nhà thầu tạm nộp phát sinh khi giàn khoan hoạt động tại Malaysia và tăng chi phí bảo trì bảo dưỡng giàn khoan.

Riêng trong quý II, hoạt động cung cấp dịch vụ khoan của PVD báo lỗ gộp hơn 95 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2017.

Với Hùng Vương, câu chuyện của "Vua cá tra" là tổng hòa của cả hai trường hợp trên khi thua lỗ xuất phát từ vấn đề nội tại công ty và từ cả thị trường chung.

Hoạt động sơ chế cá tra của công nhân Công ty cổ phần Hùng Vương.

Dù có lãi trở lại trong quý III theo niên độ tài chính riêng, nhưng trong nửa đầu năm 2018, công ty này vẫn báo lỗ gần 260 tỷ đồng. Trong khi hoạt động kinh doanh chính sụt giảm, thì khoản lãi vay quá lớn là nguyên nhân trực tiếp bào mòn phần lợi nhuận ít ỏi còn lại.

Trong hai quý gần nhất, biên lợi nhuận gộp của Hùng Vương chỉ loanh quanh ngưỡng 4%. Nếu tính cả 9 tháng đầu năm theo niên độ tài chính riêng, tỷ lệ này với Hùng Vương chỉ khoảng 2,8%. Với gần 6.700 tỷ doanh thu nhưng lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này chỉ đạt chưa tới 200 tỷ đồng. Gánh thêm khoản lãi vay hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận của Hùng Vương nếu không âm, cũng chỉ loanh quanh vài chục tỷ đồng.

Tuy hoạt động kinh doanh của Hùng Vương chưa có dấu hiệu cải thiện, nhưng điểm tích cực là nợ vay đang có xu hướng giảm.

Tính đến 30/6, nợ ngắn hạn của công ty này đã hơn một nửa so với đầu năm, còn 3.350 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn cũng giảm mạnh từ 671 tỷ về 335 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, ban lãnh đạo Hùng Vương đã quyết định thoái vốn tại nhiều công ty con để cơ cấu lại tình hình tài chính.

Trong những doanh nghiệp lỗ trên trăm tỷ trong nửa đầu năm còn góp mặt hai doanh nghiệp vận tải biển là Công ty cổ phẩn Vận tải biển và Thương mại Phương Đông, cùng Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tài biển Việt Nam. Sau giai đoạn hoàng kim cách đây hơn chục năm, đều đặn những năm gần đây hai công ty này đều lỗ lớn.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu của hai doanh nghiệp này chỉ còn 400 đồng và 600 đồng, đứng đầu trong danh sách những cổ phiếu thị giá thấp nhất thị trường chứng khoán.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục