tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 03-01-2018

  • Cập nhật : 03/01/2018

Nhiều nước Đông Nam Á trong cuộc đua xây dựng cảng biển

Những ngày hoàng kim của cảng Singapore sẽ có thể kéo dài bao nhiêu lâu nữa? Không ai dám khẳng định nó sẽ lâu dài.

anh: joc

Ảnh: JOC

Suốt nhiều thập kỷ qua, nhắc đến ngành hàng hải và những khu cảng biển châu Á, chắc chắn cái tên đầu tiên được nhắc đến luôn là cảng Singapore, tuy nhiên điều này có thể đang thay đổi khi mà tăng trưởng của khối lượng hàng hóa qua cảng Singapore ngày một thấp đi. Thay vào đó, tăng trưởng về khối lượng hàng hóa tại Indonesia và Malaysia ngày một tăng lên.

Một yếu tố khiến tầm quan trọng của cảng Singapore giảm chính là bởi các công ty trong khu vực điều chỉnh sản xuất ra rải rác khắp khu vực, theo khẳng định của báo Nikkei. Những gì xảy ra với cảng Singapore không khỏi khiến người ta nhớ đến những gì từng xảy ra vào những năm 2000 giữa các cảng Trung Quốc và Hồng Kông.

Cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm của cảng Singapore. Trong tháng 11/2017, công ty điều hành cảng Tanjung Pelepas cho biết họ đã lắp đặt thêm 4 cần trục mới với chiều cao mỗi cái 55,5 mét. Đây là hệ thống cần trục cảng cao nhất trong khu vực, nhờ vậy, năng lực bốc dỡ hàng của cảng sẽ tăng lên đáng kể.

Trong tuyên bố mới nhất khi công bố đưa vào lưu hành hệ thống cần trục, giám đốc cảng, ông Dato' Sri Che Khalib bin Mohamad Noh khẳng định hệ thống cần trục của cảng mới lắp đặt hiện đại nhất trong khu vực. 

Dù mới chỉ được đưa vào vận hành từ năm 2000, mới hơn 17 năm trôi qua nhưng cảng Tanjung Pelepas đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 19 trên thế giới nếu tính theo lượng container được vận chuyển qua cảng. Chi phí xử lý hàng hóa tại cảng cũng thấp hơn nhiều nếu so với cảng Singapore. 

Theo nhiều chuyên gia về hàng hải quốc tế, ngày một nhiều doanh nghiệp lựa chọn bốc dỡ hàng tại cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia chứ không phải cảng Singapore. Cảng Tanjung Pelepas nằm cách cảng Singapore chỉ khoảng một giờ đi tàu. 

Dù vậy, cảng Singapore vẫn có nhiều lợi thế. Cảng nằm ở tuyến đường vận chuyển hàng hóa vô cùng quan trọng giữa châu Á và châu Âu, hệ thống xử lý giấy tờ hoạt động hiệu quả cũng như hệ thống trung chuyển hàng hóa tại cảng có công suất cao.

Những cảng khu vực xung quanh cảng Singapore thường thiếu khả năng xử lý các loại tàu lớn, và hệ thống xử lý kho bãi của họ cũng chưa thể hiệu quả như cảng Singapore. Chính vì vậy trong khu vực Đông Nam Á, dù có nhiều cảng nhưng vị thế hàng đầu của cảng Singapore cho đến hiện tại vẫn khó có thể lung lay. 

Tuy nhiên những ngày hoàng kim của cảng Singapore sẽ có thể kéo dài bao nhiêu lâu nữa? Không ai dám khẳng định nó sẽ lâu dài. Trong năm ngoái, cảng Singapore xử lý khoảng 31,68 triệu container 20 feet, đứng thứ hai trên thế giới sau cảng Thượng Hải. 

Theo thông tin từ Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, tăng trưởng về khối lượng hàng hóa bốc xếp từ năm 2010 đến nay của cảng Singapore chỉ đạt 8,6% trong khi tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên toàn cầu đạt 27,6%. 

Trong cùng khoảng thời gian trên, giá trị hàng hóa vận chuyển tại khu vực Đông Nam Á tăng hơn 11% bởi nhiều nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để ứng phó với tình trạng chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tại Indonesia tăng 53,7% trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển tại Philippines và Việt Nam tăng hơn 40%.

Các cảng đối thủ của Singapore đã đón được làn sóng tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên. Họ không ngừng nâng cấp thiết bị để giúp cho hoạt động vận chuyển ở các càng được thông suốt, giảm bớt nhu cầu đến cảng Singapore cho các công ty sản xuất.

Trong khu vực Đông Nam Á, chính phủ Việt Nam, Thái Lan đều đang lên những kế hoạch tỷ USD để đầu tư mở rộng cũng như hiện đại hóa cảng biển. 

Việc ngày một nhiều khu cảng tại châu Á phát triển mạnh hơn cả về hoạt động lẫn quy mô có thể bắt đầu đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên vàng tăng trưởng của cảng Singapore. 

Chính quyền Singapore đang cố gắng đảo ngược quá trình này bằng cách tăng cường đầu tư, công suất vận chuyển của cảng được dự báo có thể tăng đến 50% khi quá trình đầu tư hiện tại kết thúc. Phần thắng cuối cùng thuộc về bên nào, sẽ cần đến thời gian trả lời. (Bizlive)
------------------------------

Quảng Châu trở thành thành phố tốt nhất cho giới đầu tư nước ngoài

Nhật báo Quảng Châu ngày 30/12 đưa tin thành phố Quảng Châu đã được vinh danh là thành phố tốt nhất của Trung Quốc dành cho giới đầu tư quốc tế trong năm 2017.

Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Nguồn ảnh theo khoahocphattrien.vn

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, danh hiệu này dựa trên những dữ liệu của chỉ số công nghiệp Dow Jones - nhóm dữ liệu của bên thứ ba quyền lực nhất thế giới, sau khi tiến hành thăm dò nghiên cứu đối với hơn 10.000 nhà đầu tư nước ngoài đến từ 17 quốc gia. 

Theo đó, môi trường đầu tư thuận lợi của Quảng Châu đã thu hút được hơn 20.000 nhà đầu tư, trong đó có 297 nhà đầu tư thuộc top 500 doanh nghiệp toàn cầu, đến từ hơn 120 quốc gia và khu vực. 

Ngoài ra, thành phố này cũng là một thị trường khổng lồ với nhiều cơ hội và tiềm năng. Với tổng diện tích 7.434,4 km2 và dân số 14 triệu người, thành phố Quảng Châu đã tạo ra Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương với Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Bên cạnh đó, các thành phố khác của Trung Quốc như Quý Dương, Thanh Đảo, Ôn Châu và Tây An cũng đã vinh dự nhận được danh hiệu trên.(TTXVN)
--------------------------

Thế Giới Di Động đã mua 95% cổ phần của Trần Anh

theo gioi phan tich du doan, the gioi di dong se khong chi 100% tien mat de mua luong co phan noi tren.nguon anh: tiep thi the gioi

Theo giới phân tích dự đoán, Thế Giới Di Động sẽ không chi 100% tiền mặt để mua lượng cổ phần nói trên.Nguồn ảnh: Tiếp Thị Thế Giới

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động  (HoSE: MWG) vừa thông qua các giao dịch mua 23,6 triệu cổ phần CTCP Thế Giới Số Trần Anh (HoSE: TAG), tương đương 95% vốn của TAG.

Danh sách bên chuyển nhượng cổ phần của TAG bao gồm cổ đông Nhật Bản là tập đoàn Nojima và ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; bà Đỗ Thị Thu Hường, Phó Tổng giám đốc TAG và là vợ của ông Kiên.

Ông Phạm Ngọc Thạch, nhà đầu tư cá nhân đã chi khoảng 33,5 tỷ đồng mua hơn 1,17 triệu cổ phiếu TAG trong ngày 11.12.2017 cũng có tên trong danh sách, khi chuyển nhượng toàn bộ 1,66 triệu cổ phiếu TAG (6,69%) cho MWG.

Trước đó, các vị lãnh đạo của Trần Anh đã đồng loạt đăng kí bán ra cổ phiếu TAG trong cùng khoảng thời gian từ ngày 2.1.2018 tới ngày 31.1.2018.

Ngày 26.12.2017, Hội đồng Quản trị TAG cũng đã ra quyết nghị về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc miễn nhiệm 7 thành viên HĐQT hiện tại và bầu bổ sung 5 thành viên vào HĐQT là ông Nguyễn Đức Tài, ông Trần Kinh Doanh, ông Trần Huy Thanh Tùng, ông Đặng Minh Lượm và ông Võ Hà Trung Tín. Ngoài ra, HĐQT TAG sẽ xin ý kiến cổ đông về việc bầu ông Trần Kinh Doanh làm Chủ tịch HĐQT, ông Võ Hà Trung Tín làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ngày 7.12.2017, HĐQT của MWG thông qua nghị quyết về việc phát hành riêng lẻ cổ phần cho 6,7 triệu cổ phần với giá trong khoảng từ 90.000-110.000 đ/cổ phiếu nhằm tăng vốn cho hoạt động thâu tóm và sáp nhập.

Theo nhận định trước đây của công ty chứng khoán HSC, dự kiến quá trình mua cổ phần của Thế Giới Di Động sẽ diễn ra theo 2 bước: Bước 1, Thế Giới Di Động sẽ mua cổ phần chi phối từ các cổ đông của Trần Anh bằng tiền mặt. Bước 2, nhóm cổ đông của Trần Anh sẽ dùng số tiền trên để mua 6,7 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của Thế Giới Di Động. Đây là một hình thức hoán đổi cổ phiếu TAG thành cổ phiếu MWG (NCĐT)
--------------------------

TP.HCM: Mạnh tay xử lý giao dịch dùng tiền Bitcoin

UBND TP.HCM đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp với Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Thành phố quản lý việc sử dụng các đồng tiền ảo trong thanh toán trên địa bàn thành phố.

thanh pho xu ly nghiem giao dich tien ao.

Thành phố xử lý nghiêm giao dịch tiền ảo.

Theo đó xử lý nghiêm các vi phạm về thanh toán không dùng tiền mặt, không hợp pháp, bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng; tham mưu UBND thành phố kịp thời triển khai các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc văn bản ban hành mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Các Sở chức năng chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến việc sử dụng tiền ảo trong thanh toán.

Nhằm hạn chế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về những rủi ro liên quan đến các đồng tiền ảo này.

Theo số liệu của Cục Hải quan TP.HCM, tính đến cuối tháng 10/2017, số máy được nhập về TP.HCM chỉ khoảng 1.400 máy, bao gồm 1.310 máy Bitcoin và 620 máy Litecoin.

Nhưng tính đến trung tuần tháng 12/2017, đã có 7.005 máy đào tiền ảo được làm thủ tục nhập khẩu hải quan. Tức chỉ trong gần 2 tháng, đã có hơn 5.000 máy đào tiền điện tử được nhập về.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục