tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường ô tô 2018: Người Việt đang giàu lên, sức mua ô tô sẽ tăng?

  • Cập nhật : 01/01/2018

Thu nhập bình quân trên đầu người năm 2017 của Việt Nam tương đương 2.385 USD được xem là động lực làm gia tăng sức mua ô tô trên thị trường hiện tại và tương lai gần.

Thị trường ô tô 2018: Người Việt đang giàu lên, sức mua ô tô sẽ tăng?

Với dân số hơn 93 triệu người và thu nhập bình quân đầu người đang tiếp tục gia tăng, Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới.

Cơ hội từ xe tải, bus

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2017 ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD.

Đáng chú ý là các chuyên gia từng nhận xét, khi thu nhập bình quân đầu người bước vào ngưỡng 2.000 USD, cũng là thời điểm để bắt đầu giai đoạn ô tô hóa (monorization).

Năm 2016, mức tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam lần đầu vượt qua con số 300.000 USD sau 20 năm có ngành công nghiệp ô tô. Tuy năm 2017 có sự chững lại bởi tâm lý  chờ thuế nhập khẩu khu vực ASEAN giảm về 0%, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, đây chỉ là tạm thời, nhất là khi thu nhập bình quân trên đầu người vẫn tiếp tục tăng thêm 170 USD so với năm 2016.

Số liệu từ JATO - trang thống kê và phân tích dữ liệu từ 52 thị trường thế giới có trụ sở tại Anh cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam năm 2016 đã có mức tăng trưởng cao thứ 2 thế giới với 27,1%. Mức tăng này chỉ xếp sau Singapore. Trước đó năm 2015, thị trường Việt Nam cũng có mức tăng trưởng tới 55%.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, năm 2018 sẽ hứa hẹn những sự đột phá ấn tượng trên thị trường ô tô về doanh số bán.

Dẫu vậy, theo ông Ngô Văn Trụ, nguyên Vụ phó Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công thương), qua xem xét mối quan hệ giữa tỷ lệ xe bus/tải trong thị trường và GDP/đầu người đối với một số thị trường như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc thì có một phát hiện thú vị là khi GDP/đầu người (theo ngang giá sức mua) vượt quá 5.000 USD, thì tỷ lệ xe buýt/tải sẽ giảm ở tất cả các nước trên. 

Tại Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc, khi GDP/đầu người vượt quá 5.000 USD, doanh số bán xe tải/bus sẽ giảm.

Với quy luật này, mức tiêu thụ xe tải, bus và các xe thương mại tại thị trường Việt Nam ở giai đoạn hiện nay cũng được các ông lớn không lơ là.

Câu chuyện Daimler (Đức) - nơi đang sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz và Fuso (trước đó của Nhật Bản) quyết định chọn Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) là đối tác để xác lập vị thế của mình tại Việt Nam và xa hơn là khu vực ASEAN là một ví dụ.

Trước đó Fuso đã hiện diện ở Việt Nam gần 20 năm nay, thông qua các công ty liên doanh ô tô do hãng mẹ thành lập tại Việt Nam  như Mitsubishi Việt Nam và Mercedes-Benz Việt Nam nhưng kết quả chưa thành công. Bởi vậy, lựa chọn Thaco không phải là quyết định ngẫu hứng chỉ sau 6 tháng tìm hiểu.

Với hơn 250.000 xe tải cùng 14.000 xe bus đã bán ra,Thaco đang chiếm 41% thị phần và có tỷ lệ nội địa hóa trên xe tải, xe bus đạt từ 25-60%. Đặc biệt Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đầu tiên trong các doanh nghiệp làm ô tô tại Việt Nam hiện nay đã hiện diện tại Thaco với đối tượng đang được nghiên cứu là xe bus.

“Năm 2018, thị trường ô tô khu vực mở tung cửa, muốn tồn tại, không chỉ chinh phục thị trường nội địa Thaco phải tiến ra khu vực. Nhưng để mang xe tải, xe bus Made in Việt Nam đi xa, Thaco phải có đối tác xứng tầm. Làm tốt và thành công xe tải, xe bus thương hiệu Fuso thì cơ hội làm tiếp sản phẩm xe tải, xe bus cao cấp khác của Tập đoàn Daimler tại Việt Nam là không xa”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTV Thaco nói.

Xe con cạnh tranh quyết liệt

Thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ ASEAN đã về 0% từ ngày 1/1/2018, nhưng không vì thế mà thị trường Việt Nam toàn xe nhập khẩu. 

“Công suất các dự án sản xuất ô tô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất. Trong khi đó, trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các tập đoàn ô tô lớn đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có quy mô lớn trong khu vực tại Thái Lan, Indonesia… vì vậy các tập đoàn này hạn chế mở rộng quy mô tại Việt Nam”, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận xét.

Đóng cửa dây chuyền sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam có sản lượng thấp đã được một số hãng xe thực hiện với không ít mẫu xe. Đơn cử có thể nhắc tới là dòng xe Honda Civic khi 10 năm bán được 20.000 xe.

Tại Ford Việt Nam, mẫu xe Ford Everest có sản lượng thấp cũng đã được thay thế bằng xe nhập khẩu từ năm 2015. Tuy nhiên, ngay cả những mẫu xe bán chạy như Ford Ranger cũng được nhập nguyên chiếc từ Thái Lan - nơi vốn được xem như Detroit của châu Á.

Không chịu được nhiệt còn có Toyota Fortuner cũng chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc.

Công bằng mà nói, với sản lượng tiêu thụ của thị trường Việt Nam chưa lớn, lại phải  cạnh tranh khốc liệt bởi quá nhiều thương hiệu nên doanh số của từng mẫu xe không lớn. Với thực tế các dòng xe trong cùng thương hiệu có phụ tùng được cá thể hoá cao, khó lắp lẫn, việc chạy theo sự đa dạng về mẫu mã khiến các hãng khó  đầu tư mạnh cho nội địa hoá.

Dẫu vậy, trong mảng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, một lần nữa Thaco lại ghi điểm khi vẫn đầu tư nhà máy lắp ráp ô tô Mazda công suất ban đầu 50.000 xe/năm. Ở thời điểm hiện nay, Nhà máy đã bắt đầu lắp đặt các máy móc, thiết bị để chính thức khánh thành vào cuối tháng 3/2018.

Với thực tế này, nỗi lo phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ô tô nhập khẩu từ nước ngoài khi năm 2018 và gia tăng nhập siêu trong ngành ô tô đã có những hy vọng mới, nhất là khi trong vài năm qua, sự có mặt của Thaco với các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot và sắp tới là BMW đã khiến giá xe trên thị trường ô tô không là sân chơi riêng của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Báo Đầu tư

Trở về

Bài cùng chuyên mục