tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ô tô Thái Lan “đổ bộ”, giá xe có giảm sâu?

  • Cập nhật : 22/05/2016

(tin kinh te)

Thái Lan đã vượt lên các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ để giữ vị trí số 1 thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam trong 4 tháng qua. Với biểu thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam bằng 0% vào năm 2018, liệu rằng giá xe tại Việt Nam có giảm sâu khi xe Thái ồ ạt vào Việt Nam?

du thue nhap khau se giam manh trong thoi gian toi nhung gia xe kho giam sau. anh: ngoc thang.

Dù thuế nhập khẩu sẽ giảm mạnh trong thời gian tới nhưng giá xe khó giảm sâu. Ảnh: Ngọc Thắng.

Nhiều cơ sở để giảm giá…
 
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết đến nay Việt Nam tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế suất còn 0% theo lộ trình. Cụ thể, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU cam kết cắt giảm trong tối đa 10 năm, các hiệp định khác trong vòng 3 - 7 năm.
Riêng Hiệp định Thương mại tự do ASEAN cắt giảm ngay, đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Theo đó, từ 1/1/2016, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia ASEAN, trong đó chủ yếu từ Thái Lan về Việt Nam đã giảm từ mức 50% xuống còn 40%. Đầu năm 2017 sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30% và sang đầu năm 2018 sẽ giảm còn 0%.
Người mua ô tô cũng có thêm nhiều hy vọng giá xe giảm khi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô từ thị trường này thay đổi từ 1/7/2016 (theo hiệu lực của luật Thuế TTĐB sửa đổi đã được Quốc hội thông qua) với mức giảm từ 45% xuống còn 40% cho xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, sau đó giảm tiếp xuống còn 35% vào năm 2018; xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến dưới 2.0L cũng giảm từ 45% xuống còn 40%.
Đáng chú ý, Thái Lan đã vượt lên các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ để giữ vị trí số 1 thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2016, cả nước nhập khẩu hơn 29.000 ô tô các loại, giá trị gần 733 triệu USD, tăng mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe nhập từ Thái Lan là 10.155 xe.

Nhưng khó giảm sốc
Tuy nhiên, xe từ Thái Lan có thực sự thống lĩnh thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam hay không lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác, ngoài thuế.
 
Xe dưới 1 tỷ đồng bán chạy
Giới kinh doanh xe cũng chung nhận định thị trường không kỳ vọng quá nhiều vào việc giảm thuế. Minh chứng là doanh số bán xe vẫn tăng khá đều đặn, đặc biệt dòng xe dưới 1 tỷ đồng, dù đây là dòng xe được hưởng lợi nhiều nhất từ thuế nhưng vẫn là dòng xe có sức tiêu thụ mạnh nhất thời điểm này.

 

Thực tế thế mạnh lớn nhất của xe Thái Lan là các dòng xe pick-up (bán tải), do chỉ phải chịu thuế nhập khẩu là 5% so với mức 50% của các dòng xe khác. Nhưng chính sách giảm thêm 5 - 10% thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ không ảnh hưởng gì đến loại xe pick-up. Trong khi đó, các dòng xe phổ thông với các thương hiệu Toyota, Ford, Honda, Isuzu, Mazda, Kia... đang bán chạy tại thị trường Việt Nam đều được lắp ráp trong nước bởi thuế nhập khẩu bộ linh kiện những dòng xe này chỉ khoảng từ 15 - 25%, thấp hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Anh Nguyễn Văn Sơn (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), người đang sở hữu chiếc bán tải Mitsubishi Triton nhập từ Thái Lan, cho biết nhiều người cứ nghĩ thuế giảm nên xe Thái giảm theo, nhưng thực tế các dòng xe nhập chủ yếu là bán tải. “Không phải ai cũng muốn đi xe bán tải vì nó quá dài, đi trong đô thị rất bất tiện. Chúng tôi đang kỳ vọng giá xe hơi của nhiều thương hiệu khác giảm theo mức thuế suất cam kết”, anh Sơn chia sẻ.
Đại diện một nhà sản xuất lắp ráp lớn trong nước cũng cho rằng xe bán tải khá kén khách hàng, phân khúc thị trường không quá lớn. Theo ông này, ngay cả thời điểm năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% thì việc xe nhập từ các thị trường này (chủ yếu là Thái Lan và Indonesia) có vượt được hàng rào kỹ thuật (chứng minh đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trở lên) để hưởng mức thuế 0% hay không chưa thể khẳng định.
“Với các dòng xe pick-up thì tỷ lệ nội địa hóa của Thái Lan có thể đạt hơn 40%, nhưng các dòng xe du lịch cỡ nhỏ dưới 9 chỗ (phân khúc thị trường Việt Nam có nhu cầu lớn nhất) thì chưa hẳn. Không chỉ Việt Nam mà ngay cả các nước ASEAN cũng rất sợ sẽ là đầu cầu cho một nước thứ ba như Trung Quốc, Nhật Bản xuất khẩu vào để hưởng thuế 0%, nên quy định tỷ lệ nội địa hóa 40% này cũng nhằm tránh biến ASEAN thành vùng trũng chỉ nhập khẩu không sản xuất”, ông này cho hay. Hiện tại, quy định CKD (xe sản xuất, lắp ráp) có 2 cách hiểu: một là chỉ số CKD quy định giá trị hàm lượng nội địa hóa bằng chi tiết, hai là bằng giá trị vật chất, ví dụ một chiếc xe có thể đạt 40% tỷ lệ nội địa hóa chi tiết nhưng nếu quy về giá trị thì không đạt.
Đại diện một hãng xe nhập khẩu cũng cho hay, giá xe sẽ giảm khi các cam kết về thuế có hiệu lực, nhưng sẽ không giảm sốc hay biến động quá lớn. Nhà nước sẽ có nhiều công cụ bảo hộ thị trường trong nước bằng hàng rào kỹ thuật mà không vi phạm hiệp định. “Rất có thể Việt Nam sẽ học theo mô hình Singapore, dù giá xe ở nước này rất rẻ nhưng mua được một chiếc xe rất đắt từ tiền làm biển số, thuế sử dụng, phí đỗ... Với những hàng rào này thì giá xe sẽ khó giảm sâu được dù thuế giảm mạnh”, ông này nói.
Còn theo chuyên gia tài chính - TS Ngô Trí Long, giá ô tô tại Việt Nam từ trước đến nay cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực do chính sách bảo hộ ngành ô tô trong nước với mức thuế suất nhập khẩu rất cao. Thuế là yếu tố quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn lên giá thành nên việc giảm thuế suất theo các hiệp định chắc chắn sẽ làm giảm giá xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, đặc biệt từ năm 2018 khi thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý mức giá này chỉ dành cho các dòng xe nhập khẩu với dung tích dưới 2.0L vì thuế TTĐB được giảm theo. Còn dòng xe trên 2.0L, nhất là 3.0 trở lên sẽ tăng giá. “Đây là chính sách thuế nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn. Các nước trên thế giới đều đang áp dụng”, ông Long cho biết.


Theo Báo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục