tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế: Tin tiêu dùng ngày 08-04-2016

  • Cập nhật : 08/04/2016

Mập mờ tem chống giả

Mập mờ tem chống giả
Các doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng đã sử dụng những loại tem giả để “lòe” người tiêu dùng, gây thiệt hại cho người mua hàng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Khi mua hàng, tôi rất lưu tâm đến tem chống giả. Nhân viên bán hàng cũng đưa ra tem chống giả để thuyết phục tôi. Tuy nhiên, thị trường nhiều loại tem quá, thậm chí trên hàng giả cũng có tem này?

BÙI MINH THANH (đường Phan Huy Ích, P.14, Q.Gò Vấp)

* Ông Nguyễn Phi Hải 
(giám đốc kỹ thuật Công ty 
Vina CHG) trả lời:

Không chỉ hàng giả, người tiêu dùng cũng hoa mắt với các loại tem chống giả, trong đó có nhiều loại tem giả của tem chống giả, được nhiều đơn vị sử dụng để biến các sản phẩm giả mạo, nhái, không rõ xuất xứ, kém chất lượng... thành hàng “chính hãng” nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Thật ra, các loại tem chống giả này không có tác dụng như một loại tem chống hàng giả đúng nghĩa, do được in đơn giản tại bất cứ cơ sở in nào.

Nhiều công ty, đơn vị hiện cung cấp dịch vụ in tem chống giả chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép in ấn thông thường, không có chức năng in tem chống giả theo quy định nhưng cũng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, Internet để kinh doanh dịch vụ in tem chống giả.

Các doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng đã sử dụng những loại tem này để “lòe” người tiêu dùng, gây thiệt hại cho người mua hàng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo các chuyên gia về sở hữu trí tuệ, việc dán tem chống giả có tính pháp lý cũng được xem là một trong những căn cứ để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp khi xảy ra những sự cố. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, người dùng đang nhầm lẫn giữa tem nhãn và tem chống hàng giả hiện nay cũng gây tác hại lớn cho chính doanh nghiệp và người dùng...

Do đó, các doanh nghiệp khi đặt in tem chống giả lưu ý yêu cầu đơn vị cung cấp tem đưa ra giấy đủ điều kiện do cơ quan quản lý cấp.

Trên thực tế, tem chống giả phải đáp ứng ba yêu cầu: được in bởi đơn vị được cơ quan quản lý cấp phép in tem chống giả, trên tem có công nghệ chống giả tiên tiến (không dễ dàng bị làm giả!) và người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra.

Có nhiều loại tem chống giả phải sử dụng thiết bị soi chiếu đặc thù mới phát huy tác dụng, nhưng chủ chủ yếu để “làm kiểng” do người tiêu dùng không có dụng cụ này. Để có thể in tem chống hàng giả và dán lên bất kỳ một dòng sản phẩm nào, bản thân đơn vị có chức năng in tem chống hàng giả cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, không thể cứ in theo yêu cầu của khách hàng như in nhãn mác.


Tịch thu hơn 4,2 tấn bột sữa, bột càphê không rõ nguồn gốc

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Ngày 7/4, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an thành phố Hạ Long kiểm tra, phát hiện một kho hàng ở khu 2, phường Bạch Đằng, có chứa hơn 4,2 tấn bột pha sữa, bột càphê, sirô hoa quả... không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Số nguyên liệu thực phẩm trên được chứa trong các vỏ bao bì có in chữ tiếng Anh và Trung Quốc.

Chủ kho hàng là Tạ Thị Yến, sinh năm 1975, không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy tờ kiểm dịch số hàng hóa trên.

Đối tượng Tạ Thị Yến khai số hàng hóa trên mua của những tiểu thương ở các chợ tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, với giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg để bán cho các cơ sở, nhà hàng giải khát, ăn uống, làm sữa chân châu, nước hoa quả, tẩm bột rán trên địa bàn thành phố Hạ Long và một số tỉnh lân cận.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ số hàng hóa trên để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật./


Giò bò, xúc xích bò ở Hà Nội… toàn bằng thịt lợn

voi cong nghe lam gia thit bo nhu hien nay, ba noi tro se kho phat hien dau la thit bo that. anh minh hoa

Với công nghệ làm giả thịt bò như hiện nay, bà nội trợ sẽ khó phát hiện đâu là thịt bò thật. Ảnh minh hoạ

Thịt lợn giả thịt bò, phở bò thực chất là phở lợn, xúc xích bò, giò bò không có thịt bò hoặc làm lượng rất thấp là kết quả mà cơ quan chức năng vừa… công bố.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia vừa công bố kết quả giám sát, kiểm tra thịt bò tươi và các sản phẩm làm từ thịt bò tại nhiều quận trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả khá sốc khi cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều thịt lợn giả thịt bò hoặc các sản phẩm làm từ thịt bò thì không có thịt bò hoặc hàm lượng thịt bò vô cùng thấp.

Cụ thể với 44 mẫu thịt bò tươi thì chỉ có 35 mẫu là thịt bò “xịn”, còn lại 1 mẫu thịt trâu, 8 mẫu thịt lợn. Với 12 mẫu thịt nạm bò thì 10 mẫu là thịt bò, 2 mẫu là thịt lợn.

Với 10 mẫu thịt bò tại cửa hàng phở bò thì phòng phân tích tìm thấy 8 mẫu thịt bò, 2 mẫu là thịt lợn. Như vậy, có nhiều thực khách được ăn phở lợn với giá phở bò.

Đặc biệt, với mẫu xúc xích bò và giò bò thì hàm lượng thịt bò vô cùng thấp. Trong số 20 mẫu giò bò được lấy xét nghiệm từ các cửa hàng hộ gia đình bán lẻ và siêu thị trong siêu thị, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm cũng tìm thấy 9 mẫu giò bò không có tí thịt bò nào, chỉ thấy thịt lợn; 8 mẫu giò chỉ “đảo qua hàng thịt bò” với hàm lượng thịt bò rất thấp (chỉ 13%, còn lại là thịt lợn); 2 mẫu giò bò được sản xuất từ thịt bò hỏng với hàm lượng thịt bò ôi thiu từ 30-33%. Trong số 20 mẫu giò bò chỉ tìm được 1 mẫu có hàm lượng thịt bò cao đáng kể, với hàm lượng thịt bò chiếm 60%.

Với 23 mẫu xúc xích bò thì 8 mẫu tuyệt đối không có tí thịt bò nào, còn 15 mẫu có hàm lượng thịt bò rất thấp. Đáng nói, các mẫu xúc xích được kiểm nghiệm bao gồm cả các mẫu có nhãn mác đầy đủ, được sản xuất bởi các công ty được cấp phép, công bố chất lượng với cơ quan quản lý.

Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, việc phân tích xác định loài theo phương pháp tách chiết ADN được thực hiện với các mẫu sản phẩm, do đó cho phép xác định chính xác thành phần thịt bò - lợn trong các mẫu.


Hà Nội: Tràn lan nấm chất lượng không đảm bảo

loai nam dong goi co tieng trung quoc duoc bay ban tai cac cho dan sinh

Loại nấm đóng gói có tiếng Trung Quốc được bày bán tại các chợ dân sinh

 
Trên thị trường hiện nay, số lượng nấm do Việt Nam sản xuất rất hạn chế, chủ yếu vẫn là nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc với chất lượng không đảm bảo.

Nấm được dùng phổ biến trong chế biến thức ăn chay và các loại lẩu. Tuy nhiên, sau hàng loạt thông tin thực phẩm Trung Quốc có chứa chất độc hại, người tiêu dùng Việt gần như tẩy chay mặt hàng nấm.

Để bán được hàng, người bán luôn giới thiệu nguồn gốc sản phẩm của họ là Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ 8/3, Vĩnh Tuy, Hàng Bè, chợ Mơ, nấm là sản phẩm bán kèm của nhiều quầy hàng rau xanh.

Tuy nhiên, loại nấm nuôi trồng tại Việt Nam được bày bán với số lượng rất ít, đa phần là các loại nấm có xuất xứ từ Trung Quốc, đựng trong túi ni lông không có tên đơn vị nhập khẩu, nhưng nhìn kỹ có thể thấy tiếng Trung Quốc trên bao bì.

Các loại nấm như: Nấm tuyết, kim châm, đùi gà... được bày bán với khối lượng lớn, đa phần không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì in chữ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không được bảo quản lạnh, không có hạn sử dụng.

Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những loại nấm này, nhiều chủ hàng lắc đầu và cho biết nhập hàng từ chợ đầu mối rồi mang về bán lẻ cho người tiêu dùng.

Các loại nấm kim châm, nấm sò, hải sản, nấm đùi gà không rõ nguồn gốc này được bán với giá từ 11.000 đồng – 18.000 đồng/túi.

Một người bán hàng tại chợ 8/3 cho biết: “Tất cả nấm ở đây đều làhàng Trung Quốc hết, kể cả nấm khô, chẳng có chợ nào bán hàng Việt cả. Của Việt Nam chỉ có nấm sò và nấm rơm thôi. Người ta bán buôn xuất thành từng thùng một, mỗi thùng từ 25 -35 gói. Chợ ở đây lấy hàng nghìn gói”.

Trong tình thế này, khi an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, thì người tiêu dùng đang thực sự hoang mang trong việc chọn mua các sản phẩm nấm. Phần lớn người tiêu dùng đều tin tưởng lựa chọn các loại nấm có nhãn mác, nguồn gốc trong nước.

Chị Phạm Thúy Hằng, ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Mua ở các chợ lẻ thì khó phân biệt được nấm Việt Nam hay Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi hay nhìn vào bao bì sản phẩm. Nấm của Việt Nam có mã vạch là 89, của Trung Quốc là 69. Mã 69 thì đợt Tết Âm lịch vừa rồi mình có mua 2 gói nấm về và vô tình để quên thì khoảng 1 tháng sau mở ra thấy sản phẩm vẫn rất mới, trắng nõn nà và vẫn có thể ăn được nhưng tôi sợ quá và đã vứt đi. Vào siêu thị thì cũng không thấy có nấm Việt Nam mấy nên tôi rất lo lắng”.

Có một nghịch lý là trong khi nấm Trung Quốc lấn át, người tiêu dùng tìm mua nấm Việt, thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước lại đang phải từng ngày cố gắng đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Hiện giá bán lẻ các loại nấm trên thị trường khoảng 40.000 đồng – 90.000 đồng/kg, trong khi đó, giá bán buôn nấm Trung Quốc rất thấp.

Chẳng hạn 1kg nấm đùi gà Việt Nam có giá 110.000 đồng, trong khi đó 1kg nấm đùi gà Trung Quốc mua tại chợ đầu mối chỉ có giá 30.000 đồng.

Mặt khác, để sản xuất nấm sạch không sử dụng hóa chất đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, khoảng 30 - 40 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, thiết bị công nghệ, giống…

Trong khi sản phẩm bán ra thị trường không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc do nấm Trung Quốc không chỉ giá rẻ, mẫu mã và màu sắc bắt mắt, mà còn ít hư hỏng, có thể để từ 3 - 6 tháng vẫn không bị dập, úng hay ngả màu, nên nhà sản xuất trong nước gặp không ít khó khăn.

Trên địa bàn Hà Nội hiện chỉ có vài chục cơ sở sản xuất nấm, chủ yếu là các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm hương; còn các loại nấm cao cấp như nấm kim châm, nấm tuyết rất khó trồng do điều kiện khí hậu và giá thành tương đối cao.

Theo các chuyên gia về nghiên cứu sinh học, nấm thông thường chỉ có thể bảo quản từ 5-7 ngày sau khi thu hoạch trong điều kiện bảo quản lạnh.

Các loại nấm trong siêu thị có thời gian bảo quản từ 8-20 ngày tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, nấm Trung Quốc có thể để ở nhiệt độ thường tới 10 ngày, có trường hợp nấm Trung Quốc để trong tủ lạnh tới 30 ngày mà vẫn còn tươi.

Nấm tươi nếu để quá hạn sẽ tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các kí sinh trùng, đặc biệt có những loại độc tố nguy hiểm, có thể gây nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư.

Với những loại nấm phổ biến như: Nấm trắng, đông cô, kim châm thì nấm Trung Quốc có kích cỡ lớn hơn, nhìn tươi ngon hơn nấm Việt Nam.

Nấm sản xuất trong nước không bị xử lý qua hóa chất bảo quản nên mỗi loại nấm có mùi đặc trưng riêng.

Nấm Trung Quốc có chất bảo quản nên chỉ có một mùi và mùi này cũng không giống mùi nấm. Khi nấm chuyển sang màu vàng, trong túi có tiết chất nhờn, bốc mùi khó chịu, rễ nấm bở bóp vỡ vụn, chân không còn chặt là dấu hiệu nấm đang bị hư hỏng, tuyệt đối không nên sử dụng.

Ông Lê Hồng Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm, thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: “Trên thị trường hiện nay, Việt Nam sản xuất các loại nấm ăn đều không hề có chất bảo quản, hoàn toàn đảm bảo về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn các loại nấm nhập bên ngoài vào như nấm Trung Quốc, Hàn Quốc... thì việc kiểm soát hàng nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm thì phải có sự kiểm soát của các nhà quản lý. Phải quản lý chặt chẽ các mẫu được nhập khẩu vào Việt Nam”.

Để mua được nấm sạch, đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm trên bao bì có đầy đủ thông tin chi tiết về nơi sản xuất trong nước hoặc doanh nghiệp nhập khẩu nếu là sản phẩm nước ngoài.

Cơ quan quản lý thị trường và ngành liên quan cần phải vào cuộc để tìm hiểu nấm Trung Quốc có sử dụng hóa chất bảo quản gì, chất này có ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe người tiêu dùng để có những khuyến cáo phù hợp. Đồng thời, thông qua đó sẽ xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với nấm nhập khẩu để đảm bảo các loại nấm độc hại không thể thâm nhập thị trường nội địa./.


Tôm đắt kỷ lục, chợ Hà Nội lên cơn sốt

tom bien duoc nhieu nguoi dan ha noi dat mac du gia cung dat (anh minh hoa)

Tôm biển được nhiều người dân Hà Nội đặt mặc dù giá cũng đắt (ảnh minh họa)

Gần hai tuần nay, giá tất cả các mặt hàng tôm tại chợ đều tăng đồng loạt thêm 50.000-80.000 đồng/kg, đưa mức giá tôm lên mức cao kỷ lục.

Gần đây, sáng nào bà Bích (Long Biên, Hà Nội) cũng dạo một vòng chợ để tìm tôm tươi mua nấu cháo cho cháu mà hôm có thì cũng chỉ vài ký, không tươi, hôm thì cả chợ chẳng hàng nào có. Hỏi ra, bà mới biết dạo này tiểu thương ít hàng và giá tôm quá đắt. Bà đành bảo con dâu tìm mua tôm biển qua mạng, được chuyển từ phía Nam ra Hà Nội, với giá cũng chẳng rẻ hơn.

Theo ghi nhận của PV tại các chợ trên địa bàn Hà Nội vào sáng ngày 6/4, mặc dù giá các mặt hàng thuỷ hải sản khác như: cá, cua, ghẹ, ngao, sò,... đều đang giữ ở mức khá ổn định thì mặt hàng tôm tại chợ lại tăng giá mạnh.

tat ca cac loai tom tai cho o ha noi deu tang gia manh

Tất cả các loại tôm tại chợ ở Hà Nội đều tăng giá mạnh

Cụ thể, tại chợ Đại từ (Hoàng Mai, Hà Nội), giá tôm rảo dao động ở mức 180.000-250.000 đồng/kg, tuỳ loại to nhỏ, tăng khoảng 70.000 đồng/kg; giá tôm thẻ tăng từ 200.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg; tôm đồng loại to, tôm đồng loại trứng cũng tăng thêm khoảng 50.000-80.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá tôm sú cũng tăng thêm 70.000 đồng/kg lên 450.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Vân, tiểu thương bán tôm tại chợ Đại Từ cho biết, giá tôm tăng khoảng 50.000-80.000 đồng/kg mà các chị còn khó lấy hàng về bán.

"Vùng tôm ở miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa, vụ cũ thì thu hoạch gần hết, vụ mới thì chưa xuống con giống nên hàng cực kỳ khan hiếm". Chị Vân cho hay, trước chị nhập được cả tôm bán sáng và bán chiều, nhưng mấy ngày nay số lượng tôm nhập về chỉ đủ bán buổi sáng, thậm chí có hôm chưa đến giờ tan chợ buổi sáng mà tôm đã cháy hàng.

Kể cả với những loại tôm yếu, tôm đã chết được ướp đá, trước phải bán giá rẻ bằng một nửa tôm sống thì nay khách cũng phải mua hết với giá gần ngang bằng giá tôm sống, chị Vân chia sẻ.

Tương tự, chị Lê Thị Dung bán tôm ở chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội) cũng thừa nhận, khoảng hai tuần nay giá tôm tại chợ tăng mạnh.

Vào thời điểm này hàng năm, nguồn cung tôm ở các tỉnh phía Bắc thường khan hiếm do dân nuôi chuẩn bị vào vụ thả mới. Song, giá tôm cũng chỉ tăng thêm thêm 20.000-30.000 đồng/kg bởi đã có nguồn cung từ các tỉnh phía Nam chuyển ra.

Tuy nhiên, năm nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang gặp hạn mặn, dân không xuống giống tôm để nuôi thả nuôi nên nguồn cung tôm thương phẩm ra thị trường trong đó cũng khan hiếm, kéo theo giá tôm tại các chợ ở Hà Nội tăng kỷ lục như vậy.

Đợt trước, một ký tôm rảo loại to bán buổi sáng chỉ 160.000-180.000 đồng, loại nhỏ hơn giá 120.000-130.000 đồng, buổi chiều cao hơn khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với buổi sáng.

Nhưng khoảng 2 tuần nay, giá tôm bật tăng. Theo đó, tôm rảo loại nhỏ giờ tăng lên mức 180.000 đồng/kg, tôm rảo loại to tăng lên mức 250.000 đồng/kg, thậm chí vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật tuần vừa rồi, giá tôm còn tăng lên 270.000 đồng/kg, chị Dung cho hay.

Giám đốc Sở NN-PTNT một số tỉnh ở ĐBSCL thừa nhận, giá tôm nguyên liệu đang tăng mạnh với lý do chính là do khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng khiến người nuôi e ngại không dám xuống giống vì ở độ mặn cao tôm không thể lớn được. Vì thế, sản lượng tôm nguyên liệu cũng giảm tương ứng với diện tích nuôi thả.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng thông tin, nhiều diện tích nuôi đã cải tạo, chuẩn bị ao hồ xong nhưng tình hình thời tiết thay đổi bất thường, không khí lạnh đột ngột ở miền Bắc, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao ở miền Nam đã làm chậm tiến độ thả nuôi so với năm 2015. Môi trường ao nuôi biến động làm ảnh hưởng, gây bệnh cho tôm.

Do vậy, ngay tại ĐBSCL, giá tôm đã tăng mạnh từ tháng 3. Tại Sóc Trăng, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg từ 80.000 đồng/kg tăng lên 92.000 đồng/kg; tăng mạnh nhất là tôm thẻ cỡ 40 con/kg từ 145.000 đ/kg tăng lên 161.000 đồng/kg, còn tôm thẻ các loại khác tăng bình quân 10.000 đồng/kg.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục