tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phải bịt kẽ hở, diệt bảo kê hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

  • Cập nhật : 02/11/2017

Hàng giả, hàng nhái đội lốt hàng Việt phổ biến, tràn lan không chỉ do quy định lỏng lẻo mà còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng. Vì thế cần phải bịt kẽ hở và diệt bảo kê.

luc luong quan ly thi truong kiem tra tai cua hang khaisilk (101 dong khoi, q.1, tp.hcm) chieu 31-10 - anh: ng.tri

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại cửa hàng Khaisilk (101 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) chiều 31-10 - Ảnh: NG.TRÍ

 

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt.

Ông Thế Bảo nói câu chuyện khăn lụa Khaisilk được nhập từ Trung Quốc về dán nhãn VN là điều đáng tiếc và là cú sốc đối với niềm tin vào thương hiệu Việt. Tuy nhiên, đây là một phần của "bức tranh" hàng nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đang diễn ra ngày càng phổ biến, tràn lan.

* Ông có thể phác họa cụ thể hơn "bức tranh" như ông đề cập?

- Có thể nói tình trạng hàng giả, nhái thương hiệu, đặc biệt là hàng Trung Quốc giả mạo thương hiệu Việt, phổ biến rộng khắp ở nhiều lĩnh vực, từ quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm cho đến vật liệu xây dựng như thép, tôn, thậm chí là cả những sản phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và cả nền sản xuất như tân dược, phân bón, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản...

Tôi từng biết có trường hợp đối tượng chỉ cần chuyển mẫu mã và thiết kế các sản phẩm sang Trung Quốc đặt hàng, sau hai tuần là có hàng. Những sản phẩm này có thể được dập nhãn mác Việt Nam từ nước ngoài hoặc đưa về dập nhãn.

Hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt thường được tuồn vào các chợ để từ đó đưa đi tiêu thụ. Đây là tệ nạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng xây dựng thương hiệu lớn, có uy tín để vươn ra thị trường thế giới.

ong le the bao - anh: ng.an

Ông Lê Thế Bảo - Ảnh: NG.AN

 

* Chúng ta không thiếu các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cũng như đầy đủ các quy định pháp luật, vì sao có hiện tượng đội lốt hàng Việt tràn lan và Khaisilk là một ví dụ?

- Đúng là lực lượng thực thi không phải là ít, rất đông và nhiều cơ quan có chức năng kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ... nhưng vẫn để lọt chuyện các doanh nghiệp gian lận trong thời gian dài, như Khaisilk kéo dài trong 30 năm.

Rồi những vấn đề khác như nguồn thu bất chính của họ đi đâu, có thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước không? Ngoài trách nhiệm của người thực thi, của lực lượng kiểm tra kiểm soát thị trường, liệu có bảo kê, làm ngơ, ăn tiền của đối tượng để làm ngơ?

Thị trường rộng, đối tượng làm giả trong chính nội bộ của mình, việc kiểm soát, phát hiện không đơn giản. Chưa kể, chủ trương hiện nay là tạo thuận lợi, sự thông thoáng để doanh nghiệp tự chủ, chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, dễ dẫn tới những kẽ hở, những lỗ hổng khiến doanh nghiệp lợi dụng để làm lợi bất chính.

* Nhiều ý kiến cho rằng các quy định vẫn còn bất cập và nhiều kẽ hở khiến việc xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng ngoại đội lốt thương hiệu Việt ngày càng phổ biến?

- Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp ước song phương và đa phương nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng đồng thời cũng tạo ra những kẽ hở phát sinh. Chẳng hạn, thuế suất giảm bằng 0%, buôn lậu giảm đi nhưng buôn lậu kết hợp với làm hàng giả, hàng nhái thương hiệu sẽ tăng lên nhiều. Trong khi bất cập hiện nay là quy định pháp luật không đầy đủ, còn chồng chéo, nhiều cách hiểu cùng một hành vi và chế tài chưa nghiêm.

Chẳng hạn, hàng giả nhãn mác thương hiệu nước ngoài thường được làm từ nước ngoài và tuồn vào VN. Nhưng một trong những lực lượng kiểm soát qua biên giới rất quan trọng là hải quan lại không có chức năng kiểm tra nhãn hàng hóa. 

Đến khi đưa vào nội địa, những quy định về chứng từ liên quan đến hàng hóa khi lưu thông trên đường cũng đang khá mở, gây khó cho lực lượng chức năng trong quản lý việc kiểm tra, kiểm soát.

* Vậy theo ông, những giải pháp nào để bảo vệ thương hiệu Việt một cách hiệu quả trong thời gian tới?

Muốn xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp phải có nguồn lực về tài chính. Phần lớn doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa, chưa có kinh phí và kinh nghiệm xây dựng bảo vệ thương hiệu, nên nhiều khi việc xây dựng thương hiệu chỉ được xem như hoạt động quảng cáo, tuyên truyền. Do đó, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu tốt hơn.

Doanh nghiệp cũng cần phải chủ động cung cấp thông tin khi bị xâm phạm sở hữu trí tuệ, phân biệt hàng giả, hàng nhái cho cơ quan chức năng. Cùng với đó, kêu gọi người tiêu dùng chung tay bảo vệ và xây dựng thương hiệu Việt, mạnh dạn tố cáo các hành vi vi phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Các bất cập trong quy định pháp luật hiện nay cần phải được rà soát đồng bộ, bịt những kẽ hở cũng như khắc phục cho được tình trạng bảo kê, làm ngơ, ăn tiền của lực lượng chức năng đối với những người làm hàng gian, hàng giả. Chính phủ quan tâm phát triển sản xuất trong nước, mở rộng và tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng phải tính đến những mặt trái mà doanh nghiệp có thể lợi dụng.


NGỌC AN thực hiện
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục