tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kềm cương giá cả

  • Cập nhật : 20/04/2017

Ngoài mức thu viện phí mới với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế sẽ tăng từ ngày 1-6, học phí và giá điện, xăng dầu... cũng rục rịch tăng, gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng.

bang niem yet nhung dich vu y te tang gia tai benh vien bach mai (ha noi) - anh: nguyen khanh

Bảng niêm yết những dịch vụ y tế tăng giá tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Để giữ mức lạm phát không quá 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra, trong cuộc họp điều hành giá được tổ chức ngày 17-4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh và mức giá điều chỉnh đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, trong đó phương án tốt nhất là tạm hoãn việc tăng giá điện.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng cảnh báo cần tính toán phương án tăng giá các loại hàng hóa và dịch vụ, lượng cung tiền...

Áp lực từ giá điện, xăng dầu và viện phí...

Trong hai tháng đầu năm nay, theo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), tỉ lệ chạy nhiệt điện than chiếm tới 39,69%, vượt trên cả nguồn thủy điện (chiếm 35,84%), tuôcbin khí (23,37%).

Đặc biệt, quý 2 hằng năm rơi vào cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về mặt cung cấp điện toàn hệ thống, các nguồn nhiệt điện than và tuôcbin khí phải được khai thác nhiều, cùng với các hồ chứa thủy điện.

Do đó, phương án điều chỉnh tăng giá điện phụ thuộc rất lớn vào việc đàm phán giá than bán cho điện giữa EVN và Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV), bởi TKV đang đề xuất tăng giá than bán cho điện.

Trong khi đó, việc “ghìm cương” giá điện hai năm qua, kể từ tháng 3-2015, đã tạo áp lực lớn lên tình hình tài chính của tập đoàn này, do một số chi phí đầu vào ngành điện liên tục tăng nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là giá than, khí, tỉ giá cùng các khoản thuế tài nguyên nước, môi trường rừng...

Trong khi đó, theo công bố của Bộ Công thương, giá xăng thành phẩm trung bình trên thị trường Singapore những ngày qua đã ở mức 66 USD/thùng, vượt xa so với mức trung bình 61,8 USD/thùng của kỳ điều hành trước.

Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng với mức giá xăng thế giới tăng mạnh so với kỳ điều chỉnh trước, nếu không sử dụng quỹ bình ổn giá, giá xăng bán lẻ có thể tăng thêm 700 đồng/lít và giá dầu tăng thêm 400 đồng/lít trong kỳ điều 
chỉnh ngày 20-4.

Tại cuộc họp về phương hướng điều hành giá vào ngày 17-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị Chính phủ sớm cho phép điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 14 tỉnh còn lại, với lý do dự báo CPI tháng 4 sẽ rất thấp.

Dù không đồng ý với đề xuất này và yêu cầu ngành y tế cân nhắc thời điểm thích hợp, nhưng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận sẽ phải ưu tiên điều chỉnh giá của nhóm này, vì đã có lộ trình rồi và việc tăng cũng giúp các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - thừa nhận việc tính toán kịch bản điều hành giá trong năm nay sẽ phức tạp hơn, bởi chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI cả năm đã tăng 3,62%, cận kề với mục tiêu đề ra 4%.

Do đó, theo ông Tuấn, dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường không còn nhiều, như giá bán lẻ điện bình quân, giá nước sạch sinh hoạt; giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 14 địa phương...

viec bo y te tang vien phi doi voi nguoi khong co bhyt tu 1-6 se anh huong den gan 20 trieu nguoi khong co bhyt. trong anh: thanh toan vien phi tai mot benh vien o tp.hcm - anh: huu khoa

Việc Bộ Y tế tăng viện phí đối với người không có BHYT từ 1-6 sẽ ảnh hưởng đến gần 20 triệu người không có BHYT. Trong ảnh: thanh toán viện phí tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Kềm chỉ số giá 
theo hướng nào?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - thừa nhận trong những tháng còn lại của năm, có nhiều yếu tố tác động đến CPI.

Ngoài một số mặt hàng mà Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện, nước... có thể tăng giá, các nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, gas, sắt thép trên thế giới cũng đang có xu hướng tăng trở lại, cộng với nhu cầu tiêu dùng vào đợt cuối năm tăng.

Thiên tai và thời tiết bất thường cũng có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ ở một số địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu mà Quốc hội đặt ra hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi Chính phủ đã yêu cầu tính toán thời điểm tăng giá đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Đơn cử như giá dịch vụ công, theo ông Lâm, nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng này, thay vì dồn vào cuối năm, nhằm hạn chế lạm phát do "té nước theo mưa".

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp, chủ động chuẩn bị các nguồn hàng để hạn chế tăng giá.

Đối với giá điện, ông Lâm cho rằng không nên điều chỉnh ngay vì sẽ tác động đến tăng trưởng GDP, gây thêm sức ép cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thay vào đó, có thể xem xét tình hình cụ thể từ tháng 8-2017 để có giải pháp kịp thời điều hành giá điện.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng có thể kiểm soát được lạm phát bình quân năm nay ở mức 4% với điều kiện phải kiểm soát tốt giá cả chứ không thể chủ quan.

Theo ông Lực, áp lực tăng lạm phát không chỉ yếu tố bên trong (giá dịch vụ công, giá điện, tiền lương...), mà các yếu tố bên ngoài như giá dầu cũng như các loại hàng hóa cơ bản khác (sắt thép, lương thực thực phẩm...) cũng tăng. Do đó, cần cân nhắc lựa chọn dịch vụ công phải tăng giá năm nay là học phí, y tế và giá điện.

Ngoài ra, cần kiểm soát tăng cung tiền có hiệu quả, ưu tiên nguồn vốn vào sản xuất, không phải tăng bằng mọi giá.

Từ 1-6: tăng viện phí với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đã có hướng dẫn về mức thu viện phí mới đối với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, áp dụng từ 1-6 tới.

Theo ông Lê Văn Phúc - phó trưởng ban phụ trách ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), mức thu mới sẽ tăng từ vài chục phần trăm đến 200% tùy loại dịch vụ y tế.

Chẳng hạn, dịch vụ khám bệnh sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay; các ca phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca để chi trả phụ 
cấp cho nhân viên y tế...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về tài chính y tế cho biết từ ngày 1-3-2016, các bệnh viện tự chủ tài chính đã áp dụng mức viện phí này với nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế. Do đó, đã đến lúc đồng loạt áp dụng mức phí này với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, bởi dù giá khác nhau nhưng các bệnh viện vẫn cung cấp dịch vụ như nhau và tình trạng hai giá không nên kéo dài.

Tuy nhiên, theo vị này, trong số gần 20 triệu người chưa có bảo hiểm y tế, có hơn 1 triệu người cận nghèo, chưa kể một tỉ lệ đáng kể là người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người buôn bán nhỏ hoặc làm việc ở khu vực hay được gọi là “khu vực phi chính thức”.

Do đó, khi viện phí tăng, những người không phải nghèo nhưng thực ra mới vượt nghèo tí sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn, dịch vụ nội soi tai mũi họng hiện có viện phí là 203.000 đồng, đi bệnh viện khám và mua thuốc là tốn tiền triệu.

LAN ANH

Nơm nớp lo tăng học phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Hồng Quang, nguyên phó vụ trưởng Vụ kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết theo quy định, mức học phí được điều chỉnh theo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân hằng năm.

Chủ trương chung là với cấp học mầm non và phổ thông, “Nhà nước vẫn lo là chính”, còn ĐH và giáo dục nghề nghiệp phải chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và Nhà nước. Nhưng về lâu dài, với giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, người học phải tự chi trả.

Theo quy định, mức học phí ĐH chương trình đại trà tại các trường chưa tự chủ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, tốc độ tăng hằng năm có thể là 10%. Còn mức trần học phí ĐH đối với các trường thực hiện tự chủ được xây dựng dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí và theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.

Đến nay có 19 trường ĐH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm tự chủ, trong đó quy định rõ lộ trình tăng học phí cụ thể. Tuy nhiên, phần đông các trường ĐH đều không dám đặt ra mức học phí cao nhất dù được phép, do lo ngại thí sinh sẽ không đăng ký xét tuyển vào trường.

Theo GS Đinh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, việc xây dựng chính sách học phí phù hợp với điều kiện tự chủ là một trong những nội dung khó khăn nhất, bởi trường không còn nguồn thu từ nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước cấp nữa mà phải tự cân đối thu chi.

Trong khi đó, việc xây dựng mức học phí phải phù hợp với khả năng thanh toán của số đông, mặt bằng thu nhập của VN... Riêng lộ trình tăng học phí phải tránh gây “sốc”.

NGỌC HÀ

 

NGỌC AN
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục