tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá sữa được quản ra sao sau khi bỏ giá trần?

  • Cập nhật : 14/04/2017

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Thông tư về quản lý giá sữathực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Dự kiến Bộ sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và ban hành ngay trong tháng 4-2017.
 

Xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư này.

. Tại sao Bộ Công Thương lại quyết định bỏ trần giá sữa?

+ Ông Nguyễn Lộc An: Qua tìm hiểu, trong thời gian nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá vừa qua, các doanh nghiệp đã chấp hành đúng các quy định về xác định và bán sữa theo khung giá tối đa và thực hiện đăng ký giá cho các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp.

Tuy nhiên, việc áp mức giá tối đa trong thời gian dài (2 năm 9 tháng) như vừa qua đã khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là trong việc phát triển thị trường tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phản ánh một số vấn đề liên quan đến quy định tại Nghị định số 100/2014 quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ; trong đó quy định nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Quy định này cùng với các chương trình phổ biến, giáo dục về tác dụng của sữa mẹ một mặt đã có tác động hỗ trợ cho việc đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng mặt khác đã tác động đến khả năng tiếp cận nguồn thông tin chính thống về giá cả và chất lượng các sản phẩm sữa tốt dùng cho trẻ từ trên 6 tháng tuổi (sau 6 tháng các bà mẹ thường cho con uống thêm sữa bổ sung, đặc biệt khi đã đi làm).

ong nguyen loc an, vu pho vu thi truong trong nuoc.

Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước.

Một số doanh nghiệp là các nhà phân phối chính thức sữa tại Việt Nam có ý kiến, hiện có khá nhiều các doanh nghiệp khác cũng tham gia nhập khẩu, phân phối trực tiếp các sản phẩm sữa mua từ nguồn sữa tiêu thụ nội địa của nước xuất khẩu (cùng hãng sữa, cùng dòng nhưng bao bì, thành phần có thể khác nhau một vài thông số).

Tâm lý người Việt Nam thường ưa chuộng sản phẩm nội địa của nước xuất khẩu hơn nên đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối chính thức. Các doanh nghiệp này hầu như ít chịu sự điều chỉnh của các quy định về giá và tiêu chuẩn, quy chuẩn sữa của Việt Nam. Khi có khiếu kiện về chất lượng, giá bán sản phẩm, các công ty đại diện và nhà phân phối chính thức sẽ không có trách nhiệm xử lý.

. Dự thảo Thông tư quản lý giá sữa lần này có điểm gì khác so với trước đây, thưa ông?

+ Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 1-4-2017 sẽ kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Cũng từ ngày 1-4, chỉ khi doanh nghiệp có điều chỉnh giá hiện hành đang bán thì doanh nghiệp mới phải thực hiện việc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này, định kì 1-7 hàng năm hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm rà soát danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký giá tại Bộ Công Thương.

Trường hợp thương nhân kinh doanh sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng thực hiện kê khai giảm giá thì được thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giảm giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

doanh nghiep phai cong khai thong tin ve gia da ke khai, niem yet trong toan he thong phan phoi.

Doanh nghiệp phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối.

Theo quy định hiện hành thì có 8 doanh nghiệp sẽ thực hiện kê khai giá sữa tại Bộ Công Thương. Ngoài 8 doanh nghiệp kê khai giá tại Bộ Công Thương, các doanh nghiệp còn lại sẽ thực hiện kê khai giá, thông báo giá tại Sở Công Thương các tỉnh, TP nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

Cho đến thời điểm hiện nay, mới có hai doanh nghiệp gửi kê khai giá mới về Bộ Công Thương là Công ty Sóng thần và Cô gái Hà Lan; nhìn chung so với giá bán trước đây, giá các mặt hàng được kê khai mới có xu hướng giảm và mức giảm từ 3-10% tùy từng sản phẩm.

.Sắp tới, giá sữa sẽ được tính toán ra sao, thưa ông?

+ Sau khi kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá, giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ được quản lý theo hướng các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về kê khai giá; Doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỉ giá, giá nhập khẩu... biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.

Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ cộng dồn vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định;

Doanh nghiệp phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối (nếu có); thực hiện bán không cao hơn giá niêm yết.

Bộ Công Thương sẽ quản lý giá bán lẻ sản phẩm hàng hóa cuối cùng đến người tiêu dùng trong toàn hệ thống phân phối sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của các doanh nghiệp đầu mối sản xuất, nhập khẩu đã kê khai.

Sau khi doanh nghiệp đầu mối thực hiện hoàn tất việc kê khai giá sản phẩm hàng hóa của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương công khai giá bán lẻ này trên phạm vi cả nước (thông qua website của Bộ, của Sở và các doanh nghiệp...).

Trên cơ sở mức giá này các cơ quan chức năng trên các địa bàn sẽ cùng với doanh nghiệp đầu mối giám sát mức giá bán lẻ này trên toàn hệ thống phân phối của doanh nghiệp.


TRÀ PHƯƠNG (thực hiện)
Theo Plo.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục