tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Truyền thông Đức ngạc nhiên về 'cuộc cách mạng cà phê' ở Việt Nam

  • Cập nhật : 17/05/2018

"Nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới hẳn phải có nhiều hơn là cà phê hòa tan", đài Deutsche Welle (DW) của Đức viết về Việt Nam. Sau đây là câu chuyện của DW từ Lâm Đồng.

mot vuon trong ca phe o tinh dak lak - anh: phuc long

Một vườn trồng cà phê ở tỉnh Dak Lak - Ảnh: PHÚC LONG

Rolan Co Lieng di chuyển chậm rãi trong ngôi nhà kính, vừa đi cô vừa kiểm tra những hạt cà phê màu vàng nâu đã được phơi trên giàn lưới trong nhiều tháng. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, số cà phê này sẽ được rang và bán ở Việt Nam, Nhật Bản và Đức.

Cộng đồng dân tộc thiểu số K'Ho đã sống dưới chân núi Lang Biang ở Đà Lạt trong nhiều thế kỷ. Những người K'Ho đầu tiên, trong đó có ông bà của Lieng, nhận được hạt giống cây cà phê Arabica từ người Pháp hồi đầu thập niên 1920 - tức đã ngót nghét 100 năm.

Lieng yêu cà phê từ khi còn nhỏ.

"Hồi tôi còn nhỏ, cứ mỗi buổi sáng trước khi đi nhà thờ lúc 4h, cha mẹ tôi có thói quen uống Nescafé. Mùi hương của nó cuốn hút tôi, ngọt ngào và nồng nàn. Khi họ ra khỏi nhà, tôi hay chạy lại ngửi cái tách và nếm vị cà phê bằng ngón tay" - Lieng hồi tưởng lại.

Ngày nay, cô đã biến niềm đam mê thành công việc kinh doanh. Cùng với các thành viên khác trong cộng đồng K'Ho, Lieng thành lập một hợp tác xã với mơ ước lột xác cho tên tuổi cà phê Việt Nam và giữ gìn những truyền thống của cộng đồng.

co rolan co lieng muon nang tam ca phe viet nam tren thi truong the gioi - anh: dw

Cô Rolan Co Lieng muốn nâng tầm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới - Ảnh: DW

Chuyện về hạt cà phê

Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil, nhưng các tín đồ cà phê thường không muốn thử sản phẩm Việt Nam, hoặc thậm chí không biết tới.

Lý do là hạt cà phê Robusta chiếm đến 95% sản lượng cà phê Việt Nam. Giống này tuy dễ trồng hơn Arabica nhưng bị đánh giá thấp do có hàm lượng caffeine cao và vị đắng hơn.

Ông Denis Seudieu, nhà kinh tế trưởng thuộc Tổ chức Cà phê quốc tế - cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đại diện cho các nhà xuất - nhập khẩu cà phê, giải thích thêm: "Thị trường và người tiêu dùng thích hương vị của cà phê Arabica hơn. Do đó, Robusta thường được dùng chế biến thành cà phê hòa tan. Trên phương diện quảng cáo, sẽ không hay nếu nói cà phê của anh là Robusta, đây là lý do tại sao cà phê Việt Nam ít được quảng bá".

Cho đến thập niên 1990, người nông dân Việt Nam ít có động lực tài chính để từ bỏ cây cà phê Robusta dễ trồng vì chính phủ thu mua toàn bộ thu hoạch với giá cố định. Nhưng khi thị trường tư nhân phát triển, mọi thứ đã thay đổi.

Người K'Ho trước đây trồng xen kẽ Robusta và Arabica, nhưng để tăng lợi nhuận và giúp thế giới biết nhiều hơn đến cà phê Việt Nam, họ đã chuyển sang trồng chỉ một giống Arabica. 

Truyền thông Đức ngạc nhiên về cuộc cách mạng cà phê ở Việt Nam - Ảnh 3.

Đất trên Cao nguyên Lang Biang thích hợp với giống cà phê Arabica - Ảnh: PHÚC LONG

Trồng với tất cả tình yêu

Đất trên Cao nguyên Lang Biang rất màu mỡ và thích hợp cho cây cà phê Arabica, giống này vốn ưa những vùng đất có độ cao lớn so với mặt nước biển. Tại đây, các nông dân K'Ho chăm sóc 30 ha cây cà phê theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên - hay còn gọi là "organic".

"Chúng tôi dùng cách tự nhiên để chăm sóc cây. Chúng tôi không đụng đến hóa chất mà chỉ dùng phân bón hữu cơ làm từ thực phẩm dư thừa. Chúng tôi trồng nhiều loại cây khác xen kẽ với cây cà phê để tạo bóng mát và cung cấp thêm oxy" - cô Lieng giải thích.

Khi đến vụ thu hoạch, cả làng đổ ra vườn để hái thủ công từng trái cà phê chín đỏ mọng. Quả sau đó được nghiền nát và lên men để loại bỏ lớp thịt trước khi được phơi khô dưới ánh mặt trời trong vài tuần.

Quá trình thu hoạch và sơ chế rất cực, do đó từng hạt cà phê hết sức quý giá với người nông dân. Những người phụ nữ K'Ho tỉ mỉ nhặt bất cứ hạt nào rơi vãi ra ngoài trong công đoạn sàng tách vỏ cà phê.

Hạt cà phê đã tách vỏ thường được bán trực tiếp cho người mua ở Việt Nam, Nhật Bản và Đức. Nhưng người K'Ho cũng dành ra một phần để tự rang chế biến, điều này khác với đa số nông dân Việt Nam, vốn chỉ bán hạt cà phê chưa rang cho các công ty lớn để sản xuất cà phê uống liền.

Được thành lập năm 2012, hợp tác xã của người K'Ho ngày nay nuôi sống hơn 60 gia đình nhờ bán cà phê, hàng thủ công và kinh doanh du lịch. Tất cả lợi nhuận được đầu tư lại cho làng.

Nếu như trước đây đàn ông và phụ nữ K'Ho phải đi tìm việc ở thành phố lớn, giờ họ đã có thể ở lại với cộng đồng.

Truyền thông Đức ngạc nhiên về cuộc cách mạng cà phê ở Việt Nam - Ảnh 4.

Một phụ nữ K'Ho sàng hạt cà phê - Ảnh: DW

Từ Đà Lạt đến Berlin

Cách Lang Biang hơn 9.000 km, một nhà máy chế biến cà phê ở thủ đô Berlin của Đức đang quảng bá cho cà phê của người K'Ho.

Gần 3 năm trước, anh Nguyen Ngoc Duc mở công ty chế biến cà phê HAN Coffee Roasters ở Berlin. Là người Việt, anh nói cảm giác đi bán cà phê Ý "có gì sai sai" trong khi quê hương mình là một nhà sản xuất cà phê lớn.

Vậy là anh quyết định bán cà phê Việt Nam, nhưng ban đầu mọi thứ không dễ dàng chút nào.

"Tôi không thể tìm ra hạt cà phê Arabica chất lượng ở Việt Nam, suýt nữa tôi đã bỏ cuộc. Nhưng rồi trong một quán cà phê ở thành phố Hồ Chí Minh, một người kể cho tôi về cà phê của người K'Ho ở Đà Lạt" - anh nhớ lại.

Nếm thử cà phê ở Lang Biang, Nguyen hết sức ấn tượng với chất lượng của nó. Anh cũng thích thú với mô hình làm ăn của người dân tộc ở đây.

"Một lý do khác khiến tôi thích cà phê này: Người K'Ho là một dân tộc thiểu số và là một phần di sản văn hóa của chúng tôi. Cô Rolan Co Lieng đã cho thế giới thấy một cái nhìn về cuộc sống người dân tộc ở Việt Nam" - anh Nguyen bày tỏ.

Anh tin rằng càng ngày sẽ có nhiều nông dân Việt Nam chuyển sang trồng cà phê giống Arabica khi họ nhận ra nguồn lợi lớn hơn.

Cộng đồng người K'Ho ở Đà Lạt đã đi tiên phong trước tất cả.


Phúc Long
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục