tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khi các CEO 'tấn công' trường đại học

  • Cập nhật : 27/04/2017

Nhiều CEO phải thân chinh tới trường đại học để lôi kéo các sinh viên về làm cho mình sau khi tốt nghiệp.

nhieu ceo phai than chinh toi truong dai hoc de loi keo cac sinh vien ve lam cho minh sau khi tot nghiep.

Nhiều CEO phải thân chinh tới trường đại học để lôi kéo các sinh viên về làm cho mình sau khi tốt nghiệp.

Để chiêu dụ các sinh viên xuất sắc mới tốt nghiệp đại học cũng như sinh viên MBA, các CEO doanh nghiệp đang ngày càng bỏ ra nhiều thời gian hơn đến các trường đại học để nói chuyện trực tiếp, mời ứng viên về công ty làm việc.

Một thực tế là các sinh viên mới tốt nghiệp và các MBA đang có xu hướng về làm cho các công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Điều đó khiến cho các nhà tuyển dụng lao động trong các ngành khác gặp khó khăn trong việc tìm người giỏi. Kết quả là các CEO phải thân chinh tới trường để lôi kéo các sinh viên về làm cho mình sau khi tốt nghiệp. Một số nhà điều hành như CEO David MacLennan của tập đoàn thực phẩm Mỹ Cargill Inc. đã đích thân gọi điện cho những sinh viên xuất sắc có nhiều triển vọng, tin rằng việc nói chuyện trực tiếp với CEO sẽ giúp thể hiện thành ý.

“Công việc tuyển dụng giờ quá quan trọng không thể để cho một mình bộ phận nhân sự lo liệu được”, Chris Policinski, CEO Land O’Lakes Inc., cho biết. Land O’Lakes đang có kế hoạch tuyển dụng 80 ứng viên MBA và sinh viên đại học làm toàn thời gian trong năm nay. Vị CEO này cho rằng việc ứng viên thiếu hứng thú với các công ty thực phẩm và nông nghiệp là do “vấn đề marketing” và vì thế, ông phải đích thân sửa sai vấn đề này để họ thấy được triển vọng khi làm việc cho công ty ông.

Khi cac CEO “tan cong” truong dai hoc

Chris Policinski viếng thăm các trường đại học khoảng 1-2 mỗi tháng, dành thời gian tranh luận các trường hợp cụ thể với các lớp học chiến lược và nói chuyện với những nhóm nhỏ. Ông thường xuyên nói chuyện qua điện thoại với những sinh viên mà nhận được nhiều lời đề nghị làm việc.

“Thời tôi mới khởi nghiệp, đó là một thế giới rất tôn ti trật tự. Tôi được nhìn thấy CEO mỗi năm 1 lần khi ông ta phát biểu về vấn đề công đoàn”, Policinski nhớ lại. Giờ các tài năng trẻ muốn được tương tác trực tiếp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông nói.

Một nhà điều hành cấp cao của Cargill nói với MacLennan rằng Tập đoàn không nên tự tiếp thị mình với các ứng viên tiềm năng. “Người ta không muốn làm việc ở đây thì đó là vấn đề của họ”, MacLennan nhớ lại người đó đã nói như vậy.

MacLennan thì lại có suy nghĩ khác. Cargill là tập đoàn tư nhân lớn nhất ở Mỹ, theo xếp hạng của Forbes, nhưng vị CEO biết rõ Cargill không phải là một cái tên hộ gia đình mà ai cũng biết đến, đặc biệt trong bối cảnh các công ty công nghệ đang chiếm lĩnh thị trường tuyển dụng.

Ông tin rằng trách nhiệm của ông là “phải tạo bộ mặt cho công ty”. Ông đã phỏng vấn ứng viên từ các chương trình MBA và ăn trưa với những người mà ông cân nhắc mời về làm việc. Ông đã xuất hiện tại văn phòng trong suốt các sự kiện “bán hàng cuối tuần” ngày thứ Bảy dành cho các nhân viên trẻ mới được Cargill tuyển dụng, cho họ một cái nhìn khái quát về lịch làm việc và khối lượng công việc hằng ngày của ông.

Các sinh viên trong lĩnh vực kinh doanh muốn biết nhiều hơn về các giá trị và đạo đức của nhà sử dụng lao động nếu họ cân nhắc nhận lời về làm việc. Vì thế MacLennan nói nhiều vấn đề như về các cuộc gặp với những nông dân ở châu Phi… Trong khi đó, ông cho biết cách đây 1 thập niên, những người tìm việc chỉ muốn biết họ bắt đầu nhận việc khi nào và mức lương được trả là bao nhiêu mà thôi.

Liz Spence, 30 tuổi, một thành viên thuộc nhóm phát triển và chiến lược doanh nghiệp của Gargill, đã nhận được 5 lời đề nghị về làm việc trước khi lấy 2 bằng thạc sĩ về quản trị môi trường và kinh doanh ở Đại học Duke. Cô đã đọc về các chương trình bền vững của Cargill nhưng một buổi ngồi uống cà phê với riêng MacLennan đã thuyết phục cô rằng Tập đoàn chia sẻ cùng giá trị với cô. Đó là lý do cô đồng ý đầu quân cho Cargill.

Damian Zikakis, Giám đốc dịch vụ hướng nghiệp tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan, cho rằng sinh viên “bị choáng ngợp trước những ánh sáng chói lọi” của các công ty có thương hiệu, khiến cho một số doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của các ứng viên.

Theo Zikakis, các nhà sử dụng lao động thu hút lượng người tham gia lớn hơn khi CEO xuất hiện tại khuôn viên trường đại học. Ông cho biết thêm, đang ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo đến viếng thăm Trường Kinh doanh Ross trong đó có cả CEO Mark Fields của hãng xe Mỹ Ford Motor và Craig Menear của hãng trang trí nội thất Home Depot.

Một phát ngôn viên của Cargill ước tính đa phần các ứng viên MBA mà MacLennan tiếp xúc trong năm vừa qua đều đã chấp nhận lời mời về Công ty làm việc.

Tuy nhiên, thể hiện sự quan tâm cá nhân đôi khi cũng phản pháo. CEO Rajeev “Reggie” Aggarwal của Cvent Inc. từng gọi điện cho một sinh viên và khuyến khích anh ta đến dự buổi phỏng vấn tại công ty nhưng người này đã đặt câu hỏi ngược lại. “Anh ta nói nếu công ty ông tuyệt vời như vậy, thế thì tại sao CEO lại phải đích thân gọi điện cho tôi?”, Aggarwal nhớ lại.

Aggarwal từng ghé thăm 10 trường đại học mỗi năm để phỏng vấn các ứng viên và nói chuyện về con đường khởi nghiệp. Thế nhưng, trong những năm gần đây, do bận rộn công việc khi công ty bành trướng nhanh, ông đã giảm bớt thời gian đến các trường đại học.

Gần đây ông được biết số người tham dự các sự kiện do Cvent tổ chức ở trường đại học đã giảm rất mạnh khi không có ông ở đó. Vì thế, ông dự định sẽ quay trở lại trường sớm. Mục tiêu của ông là dành khoảng 50 giờ trong năm nay vào việc tuyển dụng các tài năng trẻ. “Chúng tôi đang trong một cuộc chiến tranh giành nhân tài. CEO là nhân viên bán hàng tốt nhất có thể mời gọi được họ”, ông nói.

Khánh Đoan
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục