Trong bối cảnh thị trường bán lẻ hiện nay, các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) có thể nâng cao sức mạnh thị trường nhưng cũng có thể đào thải các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động không hiệu quả bất cứ lúc nào.
Gia tộc Rothschild đã khống chế nền tài chính nước Anh như thế nào?
- Cập nhật : 16/05/2016
(Tin kinh te)
Chỉ sau 17 năm được cha điều chuyển đến Anh để khai phá lĩnh vực ngân hàng cho dòng họ Rothschild, người con trai thứ ba đã thực hiện một điều không tưởng: Thâu tóm toàn bộ trái phiếu của thị trường Anh, từ đó khống chế được nền tài chính nước này.
Với tài năng thiên bẩm cộng thêm những thủ đoạn tinh vi, nên đến năm 1815, ông đã trở thành một trong những ông trùm ngân hàng nổi tiếng tại London. Cũng trong năm này, nhờ khéo léo tận dụng cuộc chiến tranh châu Âu, Nathan đã “siết” được “mạch máu kinh tế nước Anh”.
Từ những ngày đầu chiến tranh, dòng họ Rothschild đã xây dựng một hệ thống thu thập và truyền tin tình báo chiến lược cho riêng mình mà quy mô và hiệu quả của nó được nhận xét như sau: “Những tay gián điệp của ngân hàng tràn ngập trên các đường phố châu Âu, gia tộc này nắm giữ một lượng lớn hiện kim, công trái, thư tín và thông tin”.
Nhờ vào đó, Rothschild đã nhanh chóng nắm bắt được những thông tin quan trọng bậc nhất của cuộc chiến, đặc biệt là kết quả trận Waterloo .
18/6/1815 trận Waterloo diễn ra ở ngoại ô Brussels, Bỉ. Không chỉ là cuộc chiến sinh tử giữa Hoàng đế Napoleon nước Pháp và Công tước Wellington nước Anh mà còn là canh bạc sống chết của hàng vạn nhà đầu tư.
Bởi thế, không khí trên thị trường giao dịch cổ phiếu London căng thẳng đến cực điểm, vì nếu thắng thì trái phiếu Anh trở thành “vàng” còn nếu bại, chúng sẽ chẳng khác gì “một mớ giấy lộn”.
Khi giao tranh giữa Anh – Pháp đang xảy ra thì các gián điệp của Rothschild cũng làm việc hết công suất. Đến chạng vạng tối cùng ngày, kết quả trên đất Bỉ cũng có: Napoleon thảm bại!
Rothworth, nhân viên của chuyển thư nhanh của Rothschild đã chứng kiến tất cả. Ông ta nhanh chóng lao lên xe ngựa hướng về Bruxelles, sau đó chuyển hướng về cảng Oostende. Khi ông lên được thuyền với giấy thông hành đặc biệt thì trời đã rất khuya, eo biển Anh lúc này đang sóng to, gió lớn.
Phải mất đến 2000 franc Rothworth mới tìm được thủy thủ giúp mình vượt biển đêm. Đến sáng sớm ngày hôm sau, 19/6, tại Anh, Nathan Rothschild đã nhận được tin, rất nhanh chóng, ông đi thẳng về Sở giao dịch chứng khoán London.
Khi Nathan bước chân vào Sở, mọi con mắt đều đổ dồn vào gương mặt không chút biểu cảm của ông. Sau một vài phút về vị trí của mình, ông lẳng lặng ra hiệu cho những nhà đầu tư cổ phiếu của gia tộc đang chờ, mọi người ngay lập tức ùa về phía quầy giao dịch, bán tống bán tháo công trái Anh.
Khi toàn bộ mọi người vẫn đang sững sờ thì một lượng lớn trái phiếu Anh trị giá hàng trăm nghìn đô la Mỹ đã bị đẩy tháo ra thị trường. Giá công trái bắt đầu lao dốc, mỗi lúc một thảm hại hơn, báo hiệu nguy cơ sụp đổ!
“Rothschild biết rồi” “Wellington thất bại” – một người trong Sở giao dịch hét lên. Ngay lập tức nó trở thành một hồi chuông báo hiệu cho cuộc hoảng loạn. Trong cơn hỗn loạn mất hết lý trí, người này bắt chước người kia, nhanh chóng tống thoái những trái phiếu Anh đang được xem là vô giá trị hòng mong vớt vát được tí chút.
Chỉ sau mấy giờ ngắn ngủi, trái phiếu Anh đã chất đầy thành đống như đống rác với giá trị công trái mất đến 95%.
Nathan vẫn thản nhiên trước những diễn biến ấy. Ông liếc nhẹ về phía những nhà đầu tư cổ phiếu của mình. Ngay lập tức, họ ập đến các quầy giao dịch, bắt đầu mua sạch những công trái Anh bị bán tháo trước đó.
11h đêm này 21/6, Harry Percy, người đưa tin của Công tước Wellington mới về đến London với thông báo nước Anh thắng trận, chậm hơn gần 2 ngày so với tin của Rothschild.
Nhờ vào khoảng thời gian chậm trễ đó, Nathan đã kiếm được một lượng tiền gấp 20 lần so với tổng số của cải mà Napoleon và Wellington có được từ mấy chục năm chiến tranh.
Sau trận Waterloo, Nathan đã trở thành chủ nợ lớn nhất của chính phủ Anh, từ đó chi phối quyền phát hành công trái nước này. Công trái Anh chính là chứng từ thu thuế của chính phủ trong tương lai. Tức là người dân Anh từ việc nộp thuế cho chính phủ đã bị biến tướng thành nộp thuế cho ngân hàng Rothschild.
Chính phủ Anh vốn chủ yếu dựa vào việc phát hành công trái để có tiền chi tiêu, nghĩa là chính phủ cần phải đi vay tiền của các ngân hàng tư nhân vì không có quyền phát hành tiền tệ trong khi còn phải chi trả lãi suất khoảng 8% và toàn bộ đều được kết toán bằng tiền kim loại.
Do đó, với việc nắm giữ một lượng lớn công trái Anh, Nathan đã trở thành người quyết định giá trị công trái, chi phối toàn lực lượng cung ứng tiền tệ nước Anh.
Như thế, hệ thống tài chính kinh tế nước Anh đã nằm gọn trong tay gia tộc Rothschild mà như cách nói đầy kiêu ngạo của Nathan: “Tôi chẳng cần quan tâm con rối Anh nào đang thống trị đế quốc mặt trời không bao giờ lặn này. Ai khống chế được việc cung ứng tiền tệ của đế quốc Anh thì người đó khống chế được đế quốc Anh, mà người này chẳng ai khác ngoài tôi!”.
Theo Trí Thức Trẻ/Bizlive