tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp ngoại “nhòm” vào tương lai ví điện tử

  • Cập nhật : 16/09/2018

Trong khi các ngân hàng Việt nhìn vào lợi nhuận trước mắt thì các doanh nghiệp ngoại lại chú ý đến tương lai của ví điện tử. Sự khác biệt này đang tạo nên lợi thế cho các doanh nghiệp ngoại trong việc chiếm lĩnh thị phần thị trường thanh toán điện tử.

tren thi truong da co hon 27 vi dien tu. nguon: internet

Trên thị trường đã có hơn 27 ví điện tử. Nguồn: Internet

Tính đến 30/8, có gần 30 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó hầu hết các công ty trung gian thanh toán đã được cấp phép chính thức tại Việt Nam đều có dòng vốn ngoại.

Theo kế hoạch của Chính phủ đến năm 2020, thanh toán bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 10% trong tổng lượng thanh toán. Sự “phổ cập” này là lý do nở rộ các hình thức thanh toán điện tử.

“Tấn công” ồ ạt

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã tham gia cung cấp nhiều dịch vụ tài chính liên quan như ví điện tử, cho vay ngang hàng, cổng thanh toán trung gian…

Chỉ tính riêng ví điện tử, tính đến hết tháng 8/2018, trên thị trường đã có hơn 27 ví điện tử, với gần 10 triệu người sử dụng.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, thị trường thanh toán điện tử chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt “tân binh” ngoại thông qua việc góp vốn, mua lại đơn vị trong nước hoặc hợp tác với nhau…

Ví dụ, ngày 11/9 vừa qua, công ty TNHH Grab (Grab) chính thức hợp tác với CTCP công nghệ và dịch vụ Moca (Moca) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tại Việt Nam, bao gồm thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ…

Trước đó, nhiều công ty trong nước đã “kết hôn” với nhà đầu tư ngoạinhư: Công ty Truyền thông VMG bán toàn bộ 62,25% cổ phần đang sở hữu tại VNPT Epay cho Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc; Ngân Lượng bán 50% cổ phần cho MOL Access Portal Sdn. Bhd (MOL) – công ty thanh toán trực tuyến lớn có trụ sở ở Malaysia.

Hay Tập đoàn NTT Data của Nhật đã mua 64% vốn của Payoo. Tương tự, 90% vốn của CTCP 1Pay đã thuộc về Tập đoàn TrueMoney đến từ Thái Lan.

Ngoài ra, nhiều DN sở hữu ví điện tử như: Bảo Kim, ZaloPay, Momo… cũng đều có dòng vốn đầu tư ngoại tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty mẹ.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể tải ứng dụng về máy và thanh toán nhanh chóng hàng hóa, dịch vụ trong vòng vài giây.

Hơn nữa, hầu hết các DN cung cấp ví điện tử hiện nay “tung chiêu” không thu phí hoặc thu ở mức thấp để tạo một hệ sinh thái lớn thu hút người dùng. Điều này lý giải vì sao giá trị giao dịch qua ví điện tử tăng rất mạnh gần đây.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho thấy hiện có 132 triệu thẻ ATM được các ngân hàng phát hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này không nói lên việc ngân hàng đã chiếm lĩnh thị trường thanh toán với 90 triệu dân.

“Trên thực tế, rất nhiều khách hàng sử dụng thẻ ATM để thanh toán trực tuyến. Thậm chí, con số này còn thấp so với hơn 10 triệu người đang sử dụng ví điện tử”, một chuyên gia nói.

Chấp nhận lỗ

Tại một cuộc hội thảo về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được tổ chức gần đây, câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là tại sao các ngân hàng vẫn chưa tận dụng được lợi thế của mình?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng, phân tích tương tự như thẻ ngân hàng, các loại phí của ví điện tử gồm có phí duy trì thường niên, phí chuyển tiền, rút nạp tiền, phí thanh toán trực tuyến, phí quản lý ví, xác nhận giao dịch, số dư… và mức phí cũng tương đương với ngân hàng.

Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng tận thu hầu hết các loại phí này thì các cổng thanh toán trung gian, dù nguồn thu chính là dịch vụ nhưng thời gian đầu hầu hết các DN đều sẵn sàng chấp nhận lỗ, bỏ chi phí rất lớn để quảng cáo, khuyến mãi, miễn phí nhiều loại dịch vụ nhằm thu hút lượng người dùng. Khi đã có một số lượng khách hàng nhất định, họ mới tính đến chuyện thu phí.

Lãnh đạo một DN sở hữu ví điện tử cho biết gần đây, số lượng DN tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử ngày càng nhiều khiến sự cạnh tranh trên thị trường thêm gay gắt, trong khi công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này giống nhau. Vì vậy, các DN phải cạnh tranh bằng cách tăng khuyến mãi, giảm chi phí cho người dùng.

Để đứng vững trên thị trường, hầu hết các DN phải có tiềm lực mạnh, hoặc phải liên kết với các nhà đầu tư ngoại để gia tăng vốn. Có như vậy mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn đang dừng ở mức tiềm năng vì thói quen dùng tiền mặt của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn vẫn cao.

Do đó, công nghệ tài chính phải được xem là “cuộc chơi dài hơi của dân nhà giàu” và một chiến lược kinh doanh vì lợi ích của khách hàng sẽ được đặt lên hàng đầu hơn là tính toán bài toán lợi ích trước mắt như cách mà các ngân hàng đang áp dụng.

“Việc chỉ chăm chăm tìm cách tăng phí dịch vụ sẽ khiến các ngân hàng mất thị phần ngay chính sân nhà”, ông Hiếu khuyến cáo.

 

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục