tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đầu tư bệnh viện tư nhân không “dễ xơi”

  • Cập nhật : 09/05/2016

(Tin kinh te)

Có không ít bệnh viện kinh doanh theo mô hình này sau một thời gian lại trở thành èo uột, thưa vắng khách, thu không đủ bù chi, thậm chí lâm vào tình trạng đóng cửa hoặc buộc phải sang tay cho chủ mới.

Quản trị kém dễ thất bại

Thời gian gần đây, mô hình đầu tư kinh doanh bệnh viện tư nhân (BVTN) tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... phát triển mạnh, cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ với các bệnh viện công lập lớn, góp phần đem lại cho người dân chất lượng dịch vụ, chăm sóc y tế ngày một tốt hơn.

Song bên cạnh những BVTN được đầu tư bài bản, thu hút được nhiều khách hàng và việc làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, thì cũng có không ít bệnh viện kinh doanh theo mô hình này sau một thời gian lại trở thành èo uột, thưa vắng khách, thu không đủ bù chi, thậm chí lâm vào tình trạng đóng cửa hoặc buộc phải sang tay cho chủ mới.

 y te la linh vuc dau tu kinh doanh dac thu, doi hoi nha nha dau tu khong nhung la nguoi co hieu biet ma con co kinh nghiem ve nghe nghiep

 Y tế là lĩnh vực đầu tư kinh doanh đặc thù, đòi hỏi nhà nhà đầu tư không những là người có hiểu biết mà còn có kinh nghiệm về nghề nghiệp

Theo báo cáo năm 2015 của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 39 BVTN đang hoạt động. Tuy nhiên, trong số đó có khoảng 10 – 15% bệnh viện đang rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm cự nên đang phải tìm cách mời gọi nhà đầu tư bỏ vốn tham gia liên kết hoặc chấp nhận nguy cơ phá sản treo lơ lửng trên đầu.

Cụ thể, trường hợp BVTN Phú Thọ (Q. Tân Phú, TP. HCM) bắt đầu đi vào hoạt động cách đây 15- 16 năm. Thời gian đầu, bệnh viện được đầu tư khá khang trang với 5 tầng lầu, 1 tầng trệt và tầng hầm, quy mô sức chứa lên đến 500 giường bệnh, cùng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.

Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia thị trường, do khó cạnh tranh được với những bệnh viện uy tín về lĩnh vực này, bệnh viện Phú Thọ đã buộc phải đóng cửa khoảng vài năm sau đó. Được biết, ngoài chất lượng đội ngũ y bác sỹ chưa tạo được niềm tin, còn phải kể đến lý do là quản trị điều hành kém, khiến bệnh viện này lâm vào tình trạng nợ nần, khiến càng hoạt động càng lún sâu vào khó khăn.

Dù chưa đến mức phải đóng cửa như BVTN Phú Thọ, nhưng một trong những bệnh viện khác cũng đang phải xoay xở cầm cự là bệnh viện đa khoa tư nhân Vũ Anh (Q. Gò Vấp), mở cửa năm 2007. Bệnh viện này từng được kỳ vọng nhiều với mô hình như khách sạn 5 sao, được đầu tư bài bản, thu hút nhiều bác sĩ tay nghề cao với chế độ lương thưởng hấp dẫn.

Song đến năm 2013, bệnh viện này gặp phải biến cố khi chủ đầu tư bệnh viện vấp phải những vấn đề khó tháo gỡ về tài chính có liên quan đến pháp lý, và Vũ Anh cũng từ đó “xuống dốc không phanh”, phải tìm cách vực lại hoạt động bằng nhiều cách, trong đó có mời gọi liên danh, liên kết.

Cơ hội cho nhà đầu tư ngoại

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội ngành nghề y tư nhân TP. HCM cho biết, y tế là lĩnh vực đầu tư kinh doanh đặc thù, đòi hỏi nhà đầu tư không những là người có hiểu biết, kinh nghiệm về nghề nghiệp, mà cần phải có tầm nhìn chiến lược về xu hướng phát triển trong tương lai. Thêm nữa, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe người dân luôn cao và ngày một phát triển, nên đây cũng là môi trường cạnh tranh gay gắt, với nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ tiếp xúc mời gọi đầu tư với các đối tác nước ngoài theo hình thức đối tác công tư (PPP) diễn ra tại TP. HCM, nhiều nhà đầu tư của Hoa Kỳ thể hiện sự quan tâm tới lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.

Bà Patricia Williams Chủ tịch và là người sáng lập Công ty Mạng lưới dịch vụ y tế toàn cầu (Global Health Services Network LLC) cho biết, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài  mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành y tế  như xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo mô hình PPP, cũng như đào tạo nguồn nhân lực và mô hình quản lý bệnh viện để các BVTN trong nước vận hành hiệu quả hơn.

Năm 2016 đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Bumrungrad Hospital (Thái Lan), Lippo Group (Indonesia)  có ý định phát triển chuỗi bệnh viện tại Việt Nam. Trước đó, Tập đoàn Shangrila của Malaysia đầu tư xây dựng Bệnh viện Thành Đô (sau đổi tên thành BV Quốc tế City - CIH) tại Q. Bình Tân, với 320 giường và 21 chuyên khoa lâm sàng, cận lâm sàng.

Ông Ravindran Govindan, Chủ tịch Tập đoàn Mercatus Singapore (chuyên về tư vấn, đầu tư) cho rằng, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào lĩnh vực y tế do Chính phủ Việt Nam đang có chủ trương xã hội hóa y tế, bệnh viện. Đồng thời, tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất ASEAN. Vì vậy, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia khai thác khi hội đủ yếu tố nguồn lực và khả năng quản trị tốt.


Tuyết Thanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục