tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ tịch MWG: Cuối năm nay sẽ có câu trả lời chính thức cho Bách hóa xanh

  • Cập nhật : 17/06/2016

Cuối tháng 5 vừa qua, quỹ Mekong Capital, quỹ đầu tư đang sở hữu gần 11% cổ phần MWG đánh giá công ty này có giá trị gần 1 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2009-2015 doanh số bán hàng tăng trung bình 53%/năm, lợi nhuận ròng tăng 65%/năm, mạng lưới cửa hàng của Thế giới Di động tăng trưởng bình quân 61%/năm. ROE năm 2015 đạt 44%.

Tuy nhiên mức tăng trưởng này của MWG cũng đặt ra câu hỏi cho các nhà đầu tư liệu công ty có duy trì được tốc độ tăng trưởng cao cho các năm tới khi một số dữ liệu cho thấy doanh thu trên mỗi cửa hàng của Thegioididong đang giảm dần.

Chủ tịch HĐQT MWG ông Nguyễn Đức Tài đã dành hơn 3 giờ đồng hồ trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư về tình hình hoạt động cũng như định hướng của công ty.

ong nguyen duc tai chu tich mwg

Ông Nguyễn Đức Tài Chủ tịch MWG

Một số ý kiến cho rằng thị trường điện thoại di động bắt đầu bão hòa trong khi Thegioididong vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới xuống vùng sâu vùng xa, điều này sẽ dẫn đến doanh thu trên mỗi cửa hàng giảm dần, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng thị trường tiêu thụ điện thoại di động vẫn sẽ tiếp tục tăng mặc dù không tăng mạnh như trước đây vì hiện tại ở Việt Nam vẫn còn khoảng 35%-40% người tiêu dùng sử dụng feature phone (điện thoại thông thường), trong xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của mạng xã hội và internet, tôi tin nhiều người có nhu cầu chuyển lên smartphone và doanh thu thị trường sẽ tiếp tục tăng do sự chuyển đổi vẫn diễn ra.

Còn đối với con số doanh thu trên mỗi cửa hàng, tôi chỉ quan tâm đến tổng doanh thu, các cửa hàng ở vùng sâu vùng xa khác so với cửa hàng ở quận trung tâm, chi phí thuê mặt bằng cũng thấp hơn, do đó nếu cửa hàng đó vẫn tạo ra lợi nhuận thì chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì. Tất nhiên không thể so sánh doanh thu một cửa hàng ở khu dân cư đông đúc với khu xa xôi, thông thường người ta ăn thịt trước, sau đó đến ăn mỡ và cuối cùng mới ăn xương, đây là năm thứ 3 MWG mở rộng mạng lưới cửa hàng, trước đây chúng tôi duy trì các cửa hàng có doanh thu đạt 3,4 tỷ đồng/shop/tháng nhưng hiện tại một số cửa hàng chỉ cần đạt mục tiêu 1,5 tỷ đồng/tháng.

Việc duy trì các cửa hàng ở vùng sâu vùng xa như vậy sẽ khiến công ty phải duy trì lượng hàng tồn kho lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến công ty như thế thưa ông, cả về mặt trích lập dự phòng?

MWG chủ đích dâng hàng tồn kho từ 30 ngày lên 40 ngày, với mỗi một sản phẩm mới ra mắt, chỉ cần mỗi cửa hàng có 2 sản phẩm thì lượng hàng tồn kho đã tăng đáng kể. Tuy nhiên MWG nhìn nhận càng ít tồn kho càng tốt, vì mỗi lần như vậy phát sinh chi phí nên MWG tìm phương án ngắn nhất để đưa sản phẩm cho khách hàng. Tất cả các nhà cung cấp nào có năng lực giao hàng từ kho thì sẽ giao hàng từ kho còn đối tác nào không có năng lực giao hàng toàn quốc sẽ giao đến điểm chung chuyển của mình và từ đó MWG giao hàng đến cửa hàng.

Còn vấn đề quản lý hàng tồn kho, MWG tin là đã xây dựng được hệ thống kiểm soát rất ngon lành để quản lý hàng hóa. Tất nhiên chúng tôi sẽ phải trích lập dự phòng khi giá điện thoại giảm nhưng chúng tôi quản lý hàng tồn kho theo hình thức first in first out (hàng nhập trước xuất kho trước), nên không lo ngại điều này, ngoài ra chúng tôi cũng được Samsung bảo vệ giá.

Có tình trạng trên một dãy phố có tới 2 cửa hàng Thegioididong, điều này có khiến các cửa hàng tự cạnh tranh lẫn nhau không thưa ông?

Cửa hàng bán gần nhau có 2 trường hợp một là một cái mới mở ra với vị trí tốt hơn và cửa hàng cũ sẽ bị đóng, nếu các bạn vào TPHCM, có cửa hàng chỉ cách nhau 3 căn nhà trong đó cái cũ chưa đóng vì vẫn còn lời, trường hợp thứ hai là mở để chia sẻ doanh thu khi đông khách quá, cả hai cửa hàng đều quá tải. Có thể có trường hợp chúng tôi đánh giá sai lầm còn không có trường hợp nhân viên mở cửa hàng để lấy thành tích.

Ở nước ngoài cũng có trường hợp như vậy. Ở Mỹ có phố có tới 5 cửa hàng Bestbuy, đó là một cách tối đa hóa diện tích bán hàng, đối thủ nào muốn nhảy vào con phố đó họ phải hết sức dè chừng. Trước đây một cửa hàng Thegioididong trên đường Phan Đăng Lưu (Tp.HCM) có doanh thu 12 tỷ, sau đó mở thêm một cửa hàng ở bên đối diện với doanh thu 2 cửa hàng là 20 tỷ, nếu không mở thêm cửa hàng mới thì Thegioididong cũng chỉ thu được 12 tỷ trong khi 8 tỷ còn lại sang đối thủ cạnh tranh. Đây là cuộc chơi của nhà bán lẻ - tính lời trên tổng, cuộc chơi tăng thị phần và tăng doanh thu, nếu lợi nhuận tăng theo thì nhà bán lẻ vẫn tiếp tục làm.

Tại sao thay vì mở cửa hàng mới, MWG không đẩy mạnh mảng bán hàng online thưa ông?

Thực tế doanh thu online vẫn đang tăng trưởng rất tốt, năm ngoái tăng trưởng 80%, năm nay dự kiến tăng gấp đôi, đạt khoảng 150 triệu USD. Tại các cửa hàng Thegioididong khách hàng sẽ thấy không quá 5 phút sau khi đặt hàng sẽ có người xác nhận đơn hàng và 30 phút sau khách hàng sẽ nhận được sản phẩm.

Lí do vì sao vẫn mở mới cửa hàng vì doanh thu phụ thuộc vào những người sống xung quanh đó, những chỗ càng xa họ sẽ không hiểu online là gì. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp bán hàng cả online và offline có doanh thu cao hơn 81% so với những cửa hàng không bán online. MWG cũng đã nhìn thấy xu hướng dịch chuyển này.

Ông kỳ vọng thị phần của Thegioididong và Dienmayxanh sẽ tăng lên bao nhiêu trong thời gian tới?

Quý 1 vừa rồi thị phần của Thegioididong đạt 35% cho điện thoại, trong 2 năm tới kỳ vọng lên trên 45%, với Dienmayxanh hiện thị phần khoảng 10% và tôi kỳ vọng tăng lên 20-30% thời gian tới.

Đối với Bách hóa xanh, trước sự phát triển của các siêu thị như Vinmart, ông có lo ngại Bách hóa xanh khó có thể cạnh tranh trên thị trường không?Làm sao ông bảo đảm được chất lượng đầu vào của các sản phẩm thực phẩm trong Bách hóa xanh?

Bách hóa xanh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm đánh giá mức độ chấp nhận của người tiêu dùng với siêu thị mini, chúng tôi mở dưới 20 cửa hàng tại khu vực quận Bình Tân, Tp.HCM.

Bách hóa xanh là chuỗi mini supermarket, sản phẩm bán rất giống với siêu thị nhưng chỉ bán những mặt hàng nhanh, mua rẻ như bánh kẹo, thực phẩm đồ hộp đồ dùng..Hiện tại Bách hóa xanh vẫn cạnh tranh tốt, bạn có mua không nếu biết chúng tôi đang bán rau bằng nửa giá chợ?

Mục tiêu của chúng tôi trong 3,5 năm tới là cộng tác với các nhà sản xuất chuyên nghiệp đầu tư rất lớn vào DN trồng cây rau và họ cần kênh phân phối tin tưởng để bán hàng. Điều đó sẽ diễn ra trong tương lai, còn hiện nay cách làm duy nhất của Bách hóa xanh là đi đến tận ruộng của nông dân, đến khu trồng rau và tìm đến hợp tác xã. Hợp tác xã quản lý vài chục hộ viên và họ cam kết quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý nhà nước. Nông dân được cấp chứng chỉ global gap là rau sạch, mình đang cộng tác với hợp tác xã chứ không mua trôi nổi ở chợ xỉ. Tôi hy vọng người nông dân sẽ trung thực thực hiện theo đúng quy trình Sở Nông nghiệp hướng dẫn.

Ông có kỳ vọng vào tương lai của Bách Hóa xanh không?

Dự kiến giai đoạn thử nghiệm sẽ kết thúc vào cuối năm 2016 và cuối năm nay chúng tôi sẽ có câu trả lời chính thức cho Bách Hóa xanh. Còn ở thời điểm hiện tại, nhìn vào doanh số của Bách Hóa xanh 5 tháng đầu năm vẫn cho thấy sự tăng trưởng tốt.

Tôi vẫn tin tưởng đây là một ngành cực lớn và vẫn còn rất sơ khai, chưa nhiều đối thủ chiếm lĩnh thị trường. Hiện BigC chiếm 25% tổng thị trường, 75% nằm ở cửa hàng rất nhỏ và chợ truyền thống, chúng tôi tin rằng trong số 75% thị phần kia nếu khách hàng thấy có sự lựa chọn tốt hơn thì khách hàng sẽ ủng hộ.

Hiện chúng tôi mới chỉ đo doanh thu chưa đo điểm hòa vốn, đến tháng 12 sẽ tính toán với doanh thu, chi phí như vậy thì cần bao nhiêu shop để đạt điểm hòa vốn, nếu 1 shop không đủ cover chi phí cố định, nhưng nếu 1.000 shop vẫn nuôi tốt thì sang năm tới sẽ cho phát triển ồ ạt.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai
Theo Người Đồng Hành

Trở về

Bài cùng chuyên mục