tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đánh đổi mọi thứ để thành công?

  • Cập nhật : 24/12/2015

(Kinh doanh)

Ăn mì gói, đọc sách, bỗng dưng thấy mình thành triệu phú, phải làm sao?”, “Có nên đánh đổi mọi thứ để thành công?”... là câu hỏi của rất nhiều bạn trẻ xung quanh câu chuyện làm giàu. Cái giá của sự thành công ở đâu?

ong trinh minh thao - tac gia cuon sach ve ky nang ban hang dung co gang ban, hay giup khach hang mua

Ông Trịnh Minh Thảo - tác giả cuốn sách về kỹ năng bán hàng Đừng cố gắng bán, hãy giúp khách hàng mua

Th.S kinh tế TRỊNH MINH THẢO: 

Giá của thành công phải trả trước, không ai tạm ứng cho

Đó là chia sẻ của ông Trịnh Minh Thảo, tác giả cuốn sách về kỹ năng bán hàng Đừng cố gắng bán, hãy giúp khách hàng mua rất quen thuộc trong giới tài chính. 

Những quyển sách hay khóa học về làm giàu ở góc độ nào đó cũng có những tác động tích cực - đó là sự khơi gợi, chia sẻ ý tưởng, tạo ra khát vọng và truyền cảm hứng cho bạn trẻ khởi nghiệp, làm giàu.

Khi quyết tâm, có người nung nấu ý nghĩ trong đầu, có người viết ra giấy, nói với người thân hoặc bạn bè để mọi người “làm chứng” cho cam kết của mình.

Sự quyết đoán, mạnh mẽ và với một mục tiêu rõ ràng như vậy thì đó là một khởi đầu tốt.

Vấn đề còn lại chính là hành động cụ thể để đạt được mục tiêu. Có thể hiểu đó là “kế hoạch hành động” - từng bước làm sao để gặt hái 100.000 USD, 1 triệu USD như các bạn mong muốn.

Đừng vì cảm hứng cao độ mà đặt ra mục tiêu xa rời thực tiễn

Nhìn ở góc độ tích cực, chúng ta nên khuyến khích và động viên các bạn trẻ trong việc theo đuổi ước mơ. Khi đặt ra mục tiêu và nỗ lực đạt được, chính những người trẻ ấy - thông qua công việc của mình - sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người trẻ khác.

Tuy nhiên, những khóa học hay những quyển sách dạy làm giàu chỉ nên được xem là nguồn tham khảo, nơi bạn có thể tìm kiếm cảm hứng kinh doanh, khởi nghiệp.

Đa số trong sách đó, bạn sẽ bắt gặp những ví dụ sinh động từ thực tiễn, những điển hình thành công ngoạn mục và vô số câu chuyện “tay trắng lập nghiệp” hết sức lôi cuốn…

Tương tự đối với các khóa học làm giàu, có mặt tốt là chúng giúp củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh nhưng nếu không “tỉnh táo” cũng dễ phát sinh cảm hứng bộc phát để rồi nghĩ đến những mục tiêu xa rời thực tiễn, thiếu khả thi.

Khá nhiều bạn trẻ khi nói đến tương lai thường cho biết là sau này mình sẽ là thế này, sẽ là thế kia… nhưng lại thiếu quyết tâm thực hiện và dường như chưa bao giờ sẵn sàng để đạt được mục tiêu. Tức là bạn biết rõ mình muốn cái gì, nhưng ít chịu làm để có được thứ mình muốn.

Thành công là phải trả giá

Bất kỳ kế hoạch nào khi thực hiện cũng có thể có những thuận lợi và nhiều khó khăn, thậm chí là thử thách. Các bạn nên hình dung trước điều đó để sẵn sàng có phương án vượt qua. Phải luôn chuẩn bị cho những tình huống ít lạc quan nhất để tránh quá thất vọng.

Tất cả những câu chuyện khởi nghiệp làm giàu thành công kinh điển mà các bạn nghe nói hay đọc được thường là chưa đầy đủ.

Rất nhiều khó khăn, mất mát hay phải đánh đổi của các doanh nhân thành đạt thường chưa được kể hết, nên dễ khiến các bạn ngộ nhận rằng làm giàu không khó, vinh quang quá dễ dàng...

Mọi thành công đều phải được trả giá!

Giá ở đây có thể là thời gian, công sức, tiền bạc, sở thích cá nhân...

Điều quan trọng là cái giá của thành công là cái giá trả trước, không tạm ứng được.

Chẳng thể nói trước được mục tiêu kiếm 100.000 USD trong 1 năm của bạn trẻ là lớn hay nhỏ. Có bạn sẽ kiếm được nhiều lần hơn thế mà cũng có bạn chẳng kiếm được đồng nào.

Nếu đã quyết tâm, có mục tiêu rồi thì xây dựng kế hoạch hành động thật cụ thể và mạnh dạn làm đi. Chia nhỏ mục tiêu thành tháng/tuần/ngày và quyết liệt đến cùng. Đừng bỏ cuộc!

Bỏ học để làm giàu à? Nên suy nghĩ chín chắn. Trừ khi bạn đã có ý tưởng thật chín muồi và phải tạm gác lại việc học để đầu tư thực hiện ngay. Nếu không, nó chỉ là suy nghĩ bao biện cho sự chểnh mảng, lười học của mình.

Có rất nhiều thứ cần học để chuẩn bị cho sự thành công mà lúc này là thời gian bạn rèn luyện, tích lũy tốt nhất.

Bạn có thể rất cần tinh thần kinh doanh sáng tạo như của Tony Hsieh (Zappos), dũng cảm dấn thân như Richard Branson (Virgin), đam mê mãnh liệt của Howard Schultz (Starbucks), nghị lực phi thường của Chung Yu-Yung (Hyundai)...

Hãy giữ chữ tín

Có hai thứ bạn cũng nên học, một là kỹ năng bán hàng. Nếu bạn có ý tưởng tốt, dịch vụ hay, sản phẩm chất lượng nhưng nếu không biết cách bán thì cũng khó lòng đưa ra được thị trường và đến tay khách hàng.

Kinh nghiệm bán hàng có thể học qua nhiều kênh như sách vở, các khóa đào tạo và thậm chí là học từ đối thủ của mình. Huyền thoại Steve Jobs và Bill Gates chẳng hạn, thời trẻ là những “tay” bán hàng siêu đẳng!

Thứ hai, là học cách giữ “chữ tín”. Đây là yếu tố tối quan trọng để chinh phục khách hàng.

Sản phẩm có tốt thế nào, dịch vụ hay ra sao nhưng nếu không giữ uy tín cá nhân thì bạn chỉ có được một giao dịch chứ không bao giờ có được một khách hàng.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục