tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhiều nông sản xuất khẩu 'bốc hơi' nghìn tỷ

  • Cập nhật : 06/10/2015

(Nong san)

Nhu cầu sụt giảm, cạnh tranh về giá... khiến nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm từ vài nghìn đến vài chục nghìn tỷ đồng so với 9 tháng cùng kỳ 2014.

1. Cà phê

 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 961.000 tấn, tương đương giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và 32,2% về giá trị so với cùng kỳ 2014 (2,7 tỷ USD). Như vậy, chỉ trong 9 tháng cà phê Việt Nam đã “bốc hơi” 0,74 tỷ USD (hơn 16.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến lượng hàng xuất khẩu này giảm mạnh là do các nước nhập khẩu giảm tiêu thụ, trong đó, hai thị trường chủ lực là Mỹ và Đức đều đi xuống so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi, mưa đến sớm khi thu hoạch và thời kỳ cà phê phát triển gặp hạn hán nên nhiều vùng không đủ nước tưới đã bị mất trắng. Cùng với đó, ngày công lao động và giá phân bón lên cao, khiến người trồng cà phê giảm lượng phân chăm sóc, sản lượng không được như kỳ vọng. Số lượng cà phê già ngày một tăng, năng suất thấp dẫn đến cả niên vụ 2014 - 2015 đã thu hoạch xong giảm tới 20%.

2. Cao su

 

Là mặt hàng điêu đứng suốt mấy năm qua, nên 9 tháng đầu năm nay lượng cao su xuất khẩu tiếp tục xuống thấp, chỉ đạt 740.000 tấn, tương đương giá trị 1,06 tỷ USD, giảm 13,7% về giá trị so với 2014 (1,25 tỷ USD), mất tương đương trên 4.000 tỷ đồng. 

3 thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ với thị phần chiếm 71,85%. 9 tháng đầu năm nay chỉ có Trung Quốc là tăng nhập khẩu, còn 9 thị trường còn lại, trong đó, có 2 thị trường chính trên đều thụt lùi. Do giá cao su liên tục giảm khiến nhiều hộ trồng thua lỗ và phải chặt bỏ, thay thế bằng cây trồng khác.

Hiện giá cao su xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ còn 26.000 NDT một tấn, so với mức 36.000 NDT thời điểm 18/2. Giá cao su SVR 20 xuất khẩu ra các thị trường khác giảm xuống từ mức 100.000 đồng một kg, FOB, xuống còn 77.000 đồng.

3. Gạo

 

Thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, 9 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,47 triệu tấn, tương đương giá trị 1,92 tỷ USD, lần lượt giảm 10,1 và 16% so với 2014 (2,29 tỷ USD). Như vậy, chỉ trong 9 tháng 2015, ngành gạo “bốc hơi” trên 8.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu giảm là do những tháng đầu năm thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tạm ngưng thu mua. Cùng với đó, xu hướng nhập gạo của quốc gia này những tháng giữa năm chậm lại, nhiều hợp đồng bị trì hoãn do biến động tỷ giá. 

Hiện giá gạo bình quân 8 tháng đầu năm của Việt Nam cũng chỉ 430,87 USD một tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ 2014. Gạo 5% tấm vào khoảng 340 USD một tấn, tăng 10 USD so với tháng trước nhưng giảm tới 105 USD so với năm ngoái, đồng thời, rẻ hơn gạo Thái Lan 20 USD một tấn, Camphuchia 80 USD.

4. Tôm

 

9 tháng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ 2014 (5,7 tỷ USD). Điều này cho thấy, 9 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu của thủy sản "bốc hơi" trên 22.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. Trong đó, tôm là mặt hàng biến động mạnh nhất. 

Theo thống kê của Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu tôm 8 tháng đạt 1,8 tỷ USD, giảm 30% so với năm ngoái là 2,6 tỷ USD (giảm khoảng 17.600 tỷ đồng)

Là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành thủy sản Việt Nam, báo cáo tài chính soát xét 6 tháng của “vua tôm” Minh Phú cho thấy đơn vị lỗ 17 tỷ đồng, giảm mạnh so với 463 tỷ cùng kỳ năm ngoái. 

Theo Vasep, nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm lao dốc là do giá tôm của Việt Nam giảm mạnh, đáng chú ý nhất là thị trường Mỹ rẻ hơn 1,5 -2 USD một kg so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Indonesia... đua nhau phá giá đồng tiền, khiến giá sản phẩm Việt khó cạnh tranh về giá so với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador.

Tại một số thị trường nhập khẩu chủ lực như Nhật Bản, châu Âu cũng bị tác động mạnh vì đồng yen và euro giảm giá mạnh so với USD, khiến các nhà nhập khẩu phải hạ giá mua và hạn chế mua vào.

Vasep dự báo, xuất khẩu tôm năm 2015 chỉ vào khoảng 3,2 - 3,5 tỷ USD, giảm mạnh so với 2014.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục