tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khó khăn bủa vây xuất khẩu

  • Cập nhật : 07/11/2015

(Xuat khau)

DN xuất khẩu Việt Nam đối diện nhiều thách thức mới xuất hiện.

2016 sẽ là năm đầy khó khăn đối với Công ty TNHH MTV Thép miền Nam. Lý do là Campuchia - thị trường xuất khẩu truyền thống và trọng điểm của DN này - vừa nhận được rất nhiều vốn ODA. Theo đó nước đối tác phát triển nhiều khả năng sẽ tham gia quản lý, xây dựng, cung ứng vật tư… và vì thế sẽ tiêu thụ thép của DN nước họ. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó tổng giám đốc công ty thừa nhận, điều này gây khó khăn gấp bội cho xuất khẩu thép của DN vào Campuchia.

dam bao xuat khau ben vung la nhiem vu song con cua nen kinh te

Đảm bảo xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ sống còn của nền kinh tế

Nhận diện thách thức

Đó chỉ là một trong những thách thức mới ập đến với Công ty Thép miền Nam. Với các DN xuất khẩu hàng công nghiệp nói chung, nhiều khó khăn hơn thế đang bủa vây họ. Vấn đề này cũng đã được đưa ra “mổ xẻ” tại hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp”, do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/11.

Theo ông Quang, hiện nay Việt Nam đang đóng vai trò như một trung gian trung chuyển thép thành phẩm từ Trung Quốc dưới hình thức tạm nhập tái xuất sang Campuchia. Hình thức này giúp DN Trung Quốc tiết kiệm được chi phí vận chuyển so với xuất khẩu trực tiếp. Nhưng trong khi DN Việt Nam phải chật vật xúc tiến thương mại mở cửa thị trường thì thực tế lại có tình trạng chỉ xuất khẩu hộ. Điều này làm mất đi lợi thế về địa lý đối với thị trường Campuchia mà Việt Nam đang có.

Không chỉ ngành thép, các sản phẩm công nghiệp nói chung cũng đang phải đối diện với nhiều yếu tố gây khó khăn cho xuất khẩu bền vững.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, quá trình toàn cầu hoá, tham gia các FTA làm gia tăng cạnh tranh giữa DN trong nước với DN FDI. Đồng thời, hội nhập cũng làm cho hàng rào phi thuế quan trở nên phổ biến hơn, yêu cầu chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của những nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội, cũng như sản phẩm giá rẻ tràn ngập thị trường.

Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển khiến Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ cao, đổi mới quy trình sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm đều còn ít. Đội ngũ cán bộ lại chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý, tiếp cận thị trường. Công nhân trình độ cao còn thiếu trầm trọng...

Nhìn rộng ra thì đây không chỉ là thách thức đối với xuất khẩu của DN, mà còn là của cả nền kinh tế. Bởi hiện nay, nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo có vị trí đầu tàu trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Xét riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, nhóm hàng này chiếm đến 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, “xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì tính bền vững cho xuất khẩu của cả nước”, ông Hải nhận định.

Chính sách gặp khó

Khó khăn của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hiển hiện cả ở nguy cơ dài hạn và thách thức ngắn hạn. Theo đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 tăng 10% so với năm 2014, đạt 165 tỷ USD đang bị “đe dọa”. Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 134,62 tỷ USD, chỉ bằng 81,6% kế hoạch năm. Như vậy bình quân 2 tháng cuối năm phải đạt gần 15,2 tỷ USD/tháng, một nhiệm vụ hết sức khó khăn khi tháng 10 chỉ đạt khoảng 14,4 tỷ USD.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích, trong 10 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp, kinh tế dịch vụ có tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, do thị trường thế giới biến động, mất cân đối cung - cầu tại một số mặt hàng chủ lực như nông - lâm - thuỷ sản, khai thác… khiến giá cả giảm, tăng trưởng của một số ngành công nghiệp chưa bù đắp nổi.

Còn về dài hạn, ông cho rằng nền kinh tế vẫn tiếp tục tồn tại căn bệnh yếu kém nội tại, cùng với những bất hợp lý trong cơ cấu xuất khẩu sẽ khiến hoạt động ngoại thương càng trở nên kém bền vững hơn.

Trong khi đó, trước những thách thức ngắn hạn của DN, đại diện của cơ quan quản lý cho rằng trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam phải sòng phẳng trên sân chơi quốc tế, do đó trong nhiều trường hợp cơ quan quản lý cũng “lực bất tòng tâm”.

Đơn cử như vướng mắc của Công ty Thép miền Nam liên quan đến hình thức tạm nhập tái xuất sản phẩm thép, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây cũng là một lĩnh vực kinh doanh được pháp luật cho phép, nếu nói để bảo hộ sản xuất trong nước mà hạn chế loại hình này là vi phạm luật cạnh tranh quốc tế.

Từ góc độ vĩ mô, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, câu chuyện xuất khẩu thực sự là sống còn của nền kinh tế, đồng thời chúng ta đang đứng trước bài toán cực kỳ thách thức.

Theo ông Thiên, DN xuất khẩu phải là lực lượng tiên phong của sản xuất nội địa. Song nếu chúng ta duy trì những chính sách vĩ mô như hiện nay thì cơ cấu kinh tế của Việt Nam bị méo mó nghiêm trọng, không khuyến khích sản xuất trong nước, vì thế không khuyến khích xuất khẩu. Song, giải quyết vấn đề này cũng không hề đơn giản, bởi theo ông Thiên, “giữa thách thức ngắn hạn và dài hạn đang có vấn đề nghiêm trọng, nếu giải quyết ngắn hạn thì nguy cơ sẽ đẩy sang dài hạn và ngược lại”.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Việt Nam phải tự tạo chuỗi

Để xuất khẩu bền vững chúng ta phải định vị cho từng DN, có tầm nhìn chung về hội nhập. Việt Nam hiện nay bước vào thế giới như thế nào? Tôi cho rằng chúng ta bước vào theo kiểu “liều mình như chẳng có”. Thế giới dựa vào nguồn lực sản xuất cơ bản là công nghệ cao, cạnh tranh bằng công nghệ, cao hơn thì thắng, còn lại có thể có một ít nguồn lực rẻ tiền, hay tài nguyên, nhưng chỉ được một giai đoạn ngắn thôi. Còn Việt Nam có cái gì?

Đa số ý kiến hiện nay đề cập đến chuỗi, cho rằng muốn thúc đẩy xuất khẩu thì phải tham gia chuỗi. Vậy thử xem chúng ta hiện nay kéo FDI vào nhiều nhưng có tạo được chuỗi không? Trong khi DN của ta cơ bản là DN nhỏ và siêu nhỏ, chúng ta mất đi hầu hết lực lượng DN cỡ vừa. Nếu vào chuỗi với Samsung lại làm vài cái bao bì, không phải phần lõi, thì liệu có lớn lên được không?

Do đó, phải đặt vấn đề chúng ta có thể tự tạo ra chuỗi toàn cầu của riêng Việt Nam không? Trong chương trình thảo luận hiện đang đề xuất lên Chính phủ, chúng tôi cho rằng phải có chương trình quốc gia về phát triển DN, có phần khởi nghiệp, cộng với tạo ra chuỗi toàn cầu của Việt Nam. Nhiều ngành sản xuất của ta mới được một đoạn thôi, liệu có tiếp tục thành chuỗi kéo dài để cạnh tranh ngang ngửa với thế giới được không? Làm được như vậy mới thực sự có xuất khẩu bền vững.

Ông Bùi Việt Quang, Phó tổng giám đốc CTCP May Sông Hồng:

Lo chính sách bất nhất

Trong hội nhập, chúng tôi không hề lo lắng bị các DN nước ngoài thâu tóm hay thôn tính. Bởi vì, chúng tôi có đủ bản lĩnh và trí tuệ để điều hành DN của mình. Trong nhiều yếu tố, DN Việt Nam còn vượt trội, nhất là về văn hóa, lịch sử và con người.

Song, vấn đề lại nằm ở những bất cập về chính sách hiện nay. Chúng tôi rất lo ngại và hồ nghi về sự bất nhất trong một số cơ chế chính sách gần đây. Đơn cử như việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên tục yêu cầu tăng mức lương tối thiểu cho công nhân, trong khi lập luận mà họ đưa ra hoàn toàn không thuyết phục. 

Với chính sách kiểu này, các DN Việt Nam trong đó có chúng tôi bị gia tăng chi phí sản xuất một cách nhanh chóng, giá thành bị đội lên và mất đơn hàng. Hoặc là chúng tôi phải chịu giảm sút lợi nhuận, qua đó không có khả năng tập trung tái đầu tư để phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ những cơ hội lớn mà hội nhập sẽ mang lại.

Nếu cởi bỏ được nút thắt này, chúng tôi tin tưởng rằng các DN Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập với sân chơi quốc tế. Vì vậy, thay vì việc tạo khó khăn cho DN, chúng tôi thiết nghĩ Chính phủ nên nhất quán trong các chính sách và cơ chế nhằm đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất, tạo điều kiện cho các DN trong nước tự tin và đứng vững trên đôi chân của mình, sau đó có điều kiện vươn xa mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất:

Thị trường ngày càng khắt khe

Hiện nay, công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất hàng xuất khẩu. Với các sản phẩm phụ tùng ô tô mà chúng tôi tham gia cung cấp, cứ 6 tháng đến 1 năm chúng tôi đều phải có chính sách giảm giá, trong khi yêu cầu về mức độ chính xác ở các sản phẩm cao cấp cũng tăng lên. Điều này đòi hỏi DN phải liên tục đầu tư đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất.

Trong khi đó, những ngành công nghiệp cơ bản và mũi nhọn như hóa chất, kim loại, cơ khí chính xác trong nước hiện nay chưa cung cấp đủ nguyên liệu cơ bản đầu vào, nên một số nguyên liệu phải nhập khẩu và giá thành cao dẫn đến giảm tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của DN. Bên cạnh đó, mức thuế của các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu còn cao. Các chi phí trung gian, gián tiếp cũng còn cao, mặc dù Nhà nước đã có nhiều cải tiến thủ tục và chi phí.

Từ hoạt động thực tiễn, chúng tôi thấy rằng, để đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, củng cố và mở rộng thị phần, cần tiến hành một số giải pháp: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với các DN sản xuất nguyên liệu đầu vào để giảm bớt sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài; Cơ quan thuế cần xem xét miễn thuế cho linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Ngoài ra, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam vào các thị trường tiềm năng và trọng điểm, Nhà nước cần có nhiều hơn nữa các chính sách khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ DN trong việc quảng bá, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường, tìm kiếm và tận dụng tối đa cơ hội, tiềm năng ở những thị trường mới, đặc biệt là những thị trường đã ký FTA...

 

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục