tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sản phẩm công nghệ vẫn là “mỏ vàng” cho các nhà bán lẻ

  • Cập nhật : 14/05/2016

(Tin kinh te)

Dư địa mở rộng thị phần, nhu cầu tiêu dùng tăng, công nghệ thay đổi tạo nhu cầu mới … cho thấy ngành bán lẻ công nghệ Việt Nam vẫn là “mỏ vàng” cho các nhà bán lẻ như FPT Shop, Thế giới di động, … tiếp tục đầu tư và tăng trưởng.

Dư địa mở rộng thị phần vẫn còn rất lớn

Số liệu của GfK về thị phần bán lẻ ĐTDĐ Việt Nam quý 1/2016 cho thấy, hiện các hệ thống bán lẻ điện thoại di động lớn như FPT Shop, Thế giới Di động… và các chuỗi nhỏ hơn như Viễn Thông A, Trần Anh,…. mới chỉ chiếm gần 70% thị phần, hơn 10% thuộc về các cửa hàng điện máy và các kênh bán hàng online, trong khi các cửa hàng nhỏ lẻ, không thương hiệu nắm giữ thị phần khá đáng kể là hơn 20.2%. Điều đó cho thấy, dư địa mở rộng thị phần cho các hãng bán lẻ “chiếu trên” vẫn còn rất lớn, nhờ việc chiếm lĩnh dần hơn 20% miếng bánh thị trường từ tay các đối thủ nhỏ lẻ còn lại.

nguon: so lieu gfk quy 1/2016

Nguồn: Số liệu GfK quý 1/2016

Nhận thấy cơ hội lớn từ thị trường, trong những năm gần đây, các hãng bán lẻ đều tiến hành mở rộng hệ thống của mình với tốc độ “chóng mặt”. Cụ thể, chỉ trong 4 năm từ 2012 đến 2015, tốc độ mở shop trung bình của FPT Shop tăng 71%/năm, doanh thu tăng trưởng trung bình đạt mức 97%/năm. Thế giới di động cũng ghi nhận tăng trưởng số cửa hàng và doanh thu trong vòng 4 năm qua lần lượt là 40% và 50%.

Ngay cả Vinpro+, chuỗi bán lẻ điện máy mới thành lập của Vingroup, dù không công bố nhiều thông tin nhưng cũng đã nhanh chóng thành lập được hơn 100 cửa hàng chỉ sau hơn 1 năm hoạt động.

Chi tiêu cho điện thoại di động ngang với chi cho uống bia hay mua xổ số

Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, năm 2015, giống như các năm gần đây, động lực tăng trưởng chính của thị trường bán lẻ điện tử vẫn đến từ mặt hàng điện thoại di động, khi chiếm tỷ trọng trên 40% trong tổng số các mặt hàng bán lẻ của thị trường này và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất so với các mặt hàng còn lại.

Cụ thể, mặt hàng điện thoại di động đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 32% trong năm 2015, tương ứng tăng 15.900 tỷ lên gần 65.700 tỷ đồng (~3 tỷ USD). Theo ông Huỳnh Phước Cường, Giám đốc khối Bán lẻ, Công ty GfK Việt Nam, mức chi tiêu cho điện thoại di động của người Việt hiện đã vươn lên ngang với chi cho uống bia hay mua xổ số.

Nhóm sản phẩm này sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, dự kiến đến năm 2017 doanh thu có thể đạt con số 82.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần sau 5 năm.

Ngoài ra, theo GfK, nhóm sản phẩm máy tính bảng cũng sẽ ghi nhận sự tăng trưởng nhưng sẽ tăng trưởng chậm. Cụ thể dự kiến đến năm 2017, doanh thu ước đạt 9.800 tỉ đồng.

Kinh tế hồi phục thúc đẩy tiêu dùng

Nhiều chuyên gia thị trường nhận định rằng điểm thuận lợi cho ngành bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới là kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi, bên cạnh thu nhập và bình quân tăng, chất lượng cuộc sống mong đợi cao hơn. Những thiết bị gia đình điện tử – điện lạnh trở thành nhu cầu cần thiết để hỗ trợ cuộc sống hộ gia đình, trong khi đó, nhu cầu trang thiết bị công nghệ cá nhân như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của nền kinh tế năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 5 năm qua, Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát 0.63% là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự năm 2015. Đây được coi là một trong những động lực thúc đẩy tiêu dùng cho thiết bị điện tử trong thời gian tới.

Trong khi đó, báo cáo Ericsson Mobility Report về khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, tỷ lệ thuê bao di động sử dụng smartphone tại Việt Nam đạt 40% trong năm 2015. Dự báo, tới năm 2018, con số này sẽ tăng mạnh lên khoảng 70%.

Tuy nhiên, gần đây, có quan điểm thận trọng cho rằng thị trường bán lẻ sản phẩm công nghệ đang ở giai đoạn bão hòa, và “ngày tàn” của chuỗi mô hình bán lẻ di động tại Việt Nam không còn xa. Ở chiều ngược lại, các nhà bán lẻ cho rằng công nghệ luôn thay đổi và tạo ra nhu cầu mới, đây chính là cơ hội cho sự phát triển của các chuỗi bán lẻ công nghệ.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc FPT Retail, cho biết: Quan sát thị trường 15 năm qua, rất dễ thấy nhu cầu sử dụng điện thoại và sản phẩm công nghệ đã không ngừng tăng lên, bởi sự ra đời của các phát minh, sáng chế luôn kích cầu người tiêu dùng đầu tư cho sản phẩm công nghệ mới.

“Áp lực cạnh tranh giữa các hãng công nghệ buộc họ phải liên tục đưa ra các sản phẩm với công nghệ ngày càng tinh vi hơn, tự động hơn và "sướng hơn", đòi hỏi khách hàng muốn dùng công nghệ mới buộc phải nâng cấp sản phẩm của mình thì mới đáp ứng được tốc độ, độ mượt… của tính năng mới. Vì vậy, cho dù số lượng cửa hàng có phủ đầy khắp đất nước Việt nam thì nhu cầu thay đổi điện thoại và các sản phẩm công nghệ sẽ vẫn tiếp tục và đơn giá trên mỗi sản phẩm có tính năng mới lại cao hơn đơn giá các sản phẩm đời cũ…” bà Điệp nhận định.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Thế giới di động cũng cho rằng: “Trong quá trình phát triển nhanh chóng của công nghệ, dần dần xuất hiện những mặt hàng mới có nhiều cải tiến hơn. Các hãng sản xuất không ngừng sáng tạo hơn để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Nếu nói bây giờ thị trường đã bão hòa thì còn quá sớm.”


Bình An
(Theo Người Đồng Hành)

Trở về

Bài cùng chuyên mục