tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu ở Lạng Sơn

  • Cập nhật : 01/05/2016
kiem tra dot xuat hanh ly cu dan bien gioi di lao dong thoi vu ben trung quoc ve. anh: quang tan.

Kiểm tra đột xuất hành lý cư dân biên giới đi lao động thời vụ bên Trung Quốc về. Ảnh: Quang Tấn.

Rọ Bon chỉ là một trong hàng chục lối mở như vậy trên tuyến biên giới Lạng Sơn. Với một địa bàn như vậy, công cuộc chống buôn lậu ở Lạng Sơn sẽ còn là câu chuyện dài đầy gian nan. Bởi lực lượng chức năng đang phải đấu tranh với những người mang vác hàng qua biên giới là người dân bản địa, giới cửu vạn có thâm niên sinh sống tại địa bàn, thông thuộc đường xá với nhiều tai mắt, trong khi các chủ đầu nậu thường ít khi có mặt.


Với địa hình biên giới hiểm trở, nhiều đường mòn lối tắt, cư dân sinh sống ngay sát biên, vì thế, dù lực lượng chức năng ở địa phương như Hải quan, Biên phòng… đã căng sức bố trí tối đa lực lượng, dùng đến cả hàng rào thép gai để rào chắn, nhưng cuộc chiến chống buôn lậu ở đây vẫn rất gian nan.

 

Một lần đi tuần tra biên giới

Trong chuyến công tác tại Lạng Sơn cuối tháng 4 này, chúng tôi được Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn và Cục Hải quan Lạng Sơn tạo điều kiện cho đi thực tế ở một lối mở để mục sở thị tình hình phòng, chống buôn lậu trên địa bàn.

Đêm xuống, sau bữa cơm tối vội, chúng tôi theo chân lực lượng Kiểm soát của Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) đi cắm chốt tại trạm chốt của lối mở Rọ Bon (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng). Ô tô đưa đến gần đường vào lối mở, chúng tôi xuống đi bộ. Trái với sự vắng vẻ ở ngoài, tiến vào ngay đầu đường lên lối mở là những dãy nhà trọ tạm bợ nằm san sát với rất nhiều dân cư sinh sống. Len lỏi qua những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi bước đi trong ánh mắt dò xét của những người dân nơi đây. "Lực lượng Hải quan lên lối mở, luôn có sự cảnh giới theo dõi sát"- một cán bộ Hải quan cho chúng tôi biết như vậy. Và quả thực là như thế. Những người chúng tôi gặp khi đi qua đều hướng ánh mắt dò xét. Những trao đổi thì thầm, những ám hiệu đèn pin chợt tắt liên tục khiến chúng tôi hiểu “hành tung” của mình đã lộ!

Tại sao không chọn đường khác? Chúng tôi đặt câu hỏi. Anh Quy- cán bộ Chi cục Hải quan Tân Thanh trả lời: "Đường nào cũng phải len lỏi qua những khu dân cư và có “chim lợn” theo dõi như vậy". Thoát được ra khỏi khu xóm trọ, chúng tôi tiếp tục tiến theo đường mòn lên trên đồi. Đêm tối. Không gian tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng mõ từ ngôi chùa gần đó vọng lại đều đều. Bao quanh lối mở Rọ Bon là những cánh rừng rậm rạp.

Đang lên lưng chừng đồi, một vài bóng người xuất hiện. Khi đến gần hơn chúng tôi tỏ mặt là 3 phụ nữ. Khi lực lượng Hải quan đề nghị dừng lại kiểm tra, một phụ nữ cho biết, họ là cư dân biên giới sang Trung Quốc để bốc vác hàng thuê. Sau khoảng 30 phút đi bộ, trạm chốt của lực lượng Hải quan hiện ra trước mắt. Trạm được dựng bằng vách tôn, lợp tôn rộng khoảng hơn 10 m2 có 2 công chức Hải quan đang trực. Xa hơn một chút tiến gần về biên giới với Trung Quốc là cặp cửa sắt được khóa chặt để ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu qua lối mở. Nhưng người dân vẫn có nhiều đường mòn, lối tắt 2 bên để di chuyển. Chúng tôi có mặt tại trạm được ít phút, thình lình từ một trong những đường mòn  xuất hiện thêm một tốp cư dân biên giới đi làm thuê từ Trung Quốc về. Có phải họ kết thúc công việc muộn hay có lí do khác mà về khuya? Mỗi lần đi đêm về hôm như vậy có mang theo hàng lậu? Là những câu hỏi lóe lên trong đầu tôi. Thời điểm chúng tôi có mặt, lực lượng Hải quan kiểm tra không phát hiện hàng lậu trong hành lý của cư dân. Điều này cũng là dễ hiểu bởi sự xuất hiện của chúng tôi đã được theo dõi chặt ngay từ dưới chân đồi.

Đêm càng về khuya, khu vực lối mở càng trở nên yên tĩnh. Sương đêm bắt đầu xuống dày. Chúng tôi rời trạm. Trên đường về, vẫn thấp thoáng, ẩn hiện đâu đó trong những cánh rừng hai bên lối mở những ánh đèn pin chợt tắt, chợt sáng theo hành trình chúng tôi di chuyển.

duong len loi mo ro bon. anh: q.tan.

Đường lên lối mở Rọ Bon. Ảnh: Q.Tấn.

 

Cần giải quyết từ "gốc"

Những gì mắt thấy tai nghe ở Rọ Bon làm chúng tôi nhớ đến câu chuyện được nhiều cán bộ công chức Hải quan Lạng Sơn chia sẻ: Trong công tác hải quan, phòng, chống buôn lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Nhưng thực tế biên giới có rất nhiều gian nan không có trong lý thuyết. Ví như câu chuyện đường mòn lối mở, lực lượng có hạn, biên giới lại dài. Chưa kể cơ quan Hải quan còn phải bố trí lực lượng làm thủ tục cho hàng hóa XNK.

Một điều đáng buồn và gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu tại địa bàn Lạng Sơn là đầu nậu luôn lựa chọn đối tượng mang vác là bà con biên giới có cuộc sống khó khăn. Giao hàng lậu cho người mang vác như tài sản của cá nhân họ, mang trót lọt được trả công nhưng để mất hàng phải bồi thường, bà con đã nghèo thì lấy đâu ra tiền nên họ phải giữ hàng lậu như giữ mạng sống của họ. Nhiều lần lực lượng Hải quan bắt hàng lậu, giới cửu vạn chống trả quyết liệt, thậm chí kéo cả họ hàng, làng bản ra gây áp lực. “Lời lẽ hăm dọa, chửi tục là điều mà anh em làm kiểm soát phải đối mặt, đón nhận hàng ngày. Đau đớn hơn, có những cụ già hơn 70 tuổi, mang vác theo chỉ mấy bộ quần áo, khi bị bắt thì ôm chặt vào người làm chúng tôi hết sức khó xử. Câu chuyện như vậy diễn ra từ hàng chục năm nay”- một cán bộ Hải quan Lạng Sơn chia sẻ.

"Khó nhưng không có nghĩa là bỏ trống trận địa" ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn khẳng định như vậy. Từng phục vụ trong lực lượng Biên phòng, rồi nhiều năm làm lãnh đạo Cục Hải quan, Sở Tài chính Lạng Sơn, ông Trưởng thấu hiểu những khó khăn, thách thức trong công tác chống buôn lậu mà các lực lượng chức năng của tỉnh đang gặp phải. Chính vì vậy các kế hoạch triển khai chống buôn lậu thời gian qua của Lạng Sơn luôn chú trọng đến ngăn chặn, phòng chống chứ không phải theo kiểu "dàn quân" bắt giữ các vụ nhỏ lẻ như trước đây.

Xác định những đường mòn lối mở là các địa điểm có khả năng hoạt động buôn lậu bùng phát trở lại, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường lập nhiều chốt, trạm canh gác 24/24 giờ nhằm đảm bảo công tác quản lý, nhất là việc mua bán hàng hóa của cư dân biên giới đảm bảo đúng quy định. Trong đó, lực lượng Biên phòng có 13 trạm và Hải quan có 6 trạm. Ngoài việc tăng cường quản lý ở khu vực biên giới, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo Cục Thuế chú trọng việc quản lý hóa đơn để ngăn chặn việc hợp thức hóa hàng lậu từ nguồn thu gom của cư dân biên giới.

Song song với đó, Tỉnh ủy, UBND cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát, luân chuyển cán bộ để phòng ngừa nguy cơ móc nối, bảo kê cho buôn lậu. “Chúng tôi kiên quyết xử lý các cán bộ có hành vi bao che cho buôn lậu”- ông Nguyễn Công Trưởng nhấn mạnh.

Rời xứ Lạng về Hà Nội theo Quốc lộ 1A giữa 2 bên núi đồi trùng điệp, chúng tôi cứ ám ảnh với hình ảnh những căn nhà trọ án ngữ ở đầu lối mở Rọ Bon và trăn trở với suy nghĩ, nếu đời sống của cư dân ở nhiều khu vực biên giới vẫn còn khó khăn, thì có lẽ không chỉ ở đường mòn lối mở mà mà dọc theo những sườn núi hút sâu trong nội địa kia vẫn có những bóng người ẩn hiện mang vác theo hàng lậu để trốn tránh các chốt chặn của lực lượng chức năng. Và như vậy, công tác chống buôn lậu ở Lạng Sơn vẫn sẽ còn rất gian nan, lâu dài!



Thái Bình
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục