tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 16-02-2016

  • Cập nhật : 16/02/2016

Giá vàng giảm mạnh khi chứng khoán hồi phục

Giá vàng phiên 15/2 giảm gần 3% khi thị trường chứng khoán hồi phục, khiến giới đầu tư đổ tiền vào tài sản rủi ro.

Như vậy, giá vàng quay đầu giảm sau khi có tuần tăng tốt nhất trong hơn 4 năm qua, đạt đỉnh 1.260,6 USD/ounce hôm thứ Năm 11/2, cao nhất kể từ 6/2/2014 do thị trường chứng khoán biến động làm tăng nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn.

Lúc 16h32 giờ GMT, giá vàng giao ngay giảm 2,7% xuống 1.204,80 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 4/2016 trên sàn Comex cũng giảm 2,7% xuống 1.205,6 USD/ounce.

Cổ phiếu châu Âu tăng 3% trong phiên 15/2 sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) nâng tỷ giá nhân dân tệ trong khi USD tăng so với yên và euro.

Đà sụt giảm của thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây đã khiến giới đầu tư đồn đoán  Fed sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất trong năm nay, giúp giá vàng được hưởng lợi.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết, ECB sẵn sàng nới lỏng chính sách vào tháng tới trong trường hợp thị trường tài chính hỗn loạn hoặc giá dầu ở mức thấp kéo giảm kỳ vọng lạm phát.

Phiên 15/2, giá vàng cũng chịu áp lực khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán với giá kim loại quý này cao hơn 60 USD/ounce so với mức chốt hôm 5/2, khiến nhiều nhà đầu tư chốt lời.

Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR hôm thứ Sáu 12/2 giảm hơn 5 tấn xuống 710,95 tấn. Tuy nhiên, đầu tuần trước, lượng vàng mua vào của SPDR đạt trên 17 tấn.

Trong số các kim loai quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,7% xuống 15,28 USD/ounce, giá bạch kim giảm 2,1% xuống 931,65 USD/ounce và giá palladium giảm 1,7% xuống 511,66 USD/ounce.


Giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp

Giá dầu ngày 15/2 tăng phiên thứ 2 liên tiếp với giá dầu Mỹ lên trên mốc 30 USD/thùng lần đầu tiên trong một tuần qua.

Lúc 13h00 giờ New York, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 71 cent lên 30,15 USD/thùng.

Thứ Hai 15/2, thị trường New York đóng cửa ngày sớm lúc 13h chiều để nghỉ lễ Ngày Tổng thống và giới đầu tư sẽ quay lại vào thứ Ba. Phiên thứ Sáu 12/2, giá dầu WTI tăng hơn 12% lên 29,44 USD/thùng sau khi giảm 19% trong 6 phiên trước đó, nhưng cả tuần trước giá vẫn mất 4,7% và giảm gần 21% kể từ đầu năm đến nay.

Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 3 cent lên 33,39 USD/thùng, trước đó, trong phiên giá có lúc lên 33,97 USD/thùng.  

Giá dầu tăng trong bối cảnh thị trường tiếp tục bàn về khả năng diễn ra phiên họp giữa các nước thành viên OPEC. Cuộc gặp này khiến thị trường lạc quan với hy vọng OPEC sẽ nhất trí cắt giảm sản lượng. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 1/2016 giảm 20% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua khi các nhà máy lọc dầu giảm công suất do lượng lưu kho nhiên liệu tăng mạnh.

Giá dầu giảm trong đầu phiên 15/2 khi số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu và nhập khẩu của nước này trong tháng 1/2016 thấp hơn dự kiến, gây lo sợ về đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Bên cạnh đó, USD tăng lên và việc Iran bắt đầu xuất khẩu dầu thô sang châu Âu lần đầu tiên trong 3 năm qua sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ cũng gây áp lực lên giá dầu.


Lệnh cấm nhập khẩu đậu nành, ngô từ Mỹ vào Nga có hiệu lực

anh minh hoa. (nguon: presscountdown.com) 

Ảnh minh họa. (Nguồn: presscountdown.com) 

Bắt đầu từ ngày 15/2, lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đậu nành và ngô từ Mỹ vào Nga có hiệu lực.

Quyết định trên được Cơ quan Kiểm soát hàng nông sản Nga (Rosselkhoznadzor) thông qua ngày 10/2 vừa qua.

Theo Rosselkhoznadzor, nguyên nhân khiến Nga cấm nhập khẩu ngô và đậu nành từ Mỹ là do những sản phẩm này "không an toàn và nhiễm bệnh." Thời hạn lệnh cấm được áp dụng hiện vẫn chưa được công bố.

Thông báo của Rosselkhoznadzor nêu rõ đầu tháng Một vừa qua, Nga đã báo trước cho phía Mỹ về khả năng cấm nhập khẩu ngô và đậu nành do bị nhiễm khuẩn và nguy cơ sản phẩm biến đổi gene có thể thâm nhập vào Nga. Ngày 9/2 vừa qua, hai bên đã có cuộc thảo luận và phía Nga để ngỏ khả năng ban hành lệnh cấm này.

Theo Rosselkhoznadzor, ngô nhập từ Mỹ vào Nga thường bị nhiễm khuẩn gây thối rữa, ngoài ra cơ quan này cũng lo ngại ngô còn có thể bị sử dụng để trồng cây biến đổi gene tại Nga.

Trong khi đó, đậu nành nhập khẩu từ Mỹ cũng bị nhiễm các vi khuẩn bị cấm tại Nga. Tổng cộng năm ngoái, qua xét nghiệm đậu nành, Rosselkhoznadzor phát hiện 64 trường hợp lẫn 7 loại hạt dại và chất lạ bị cấm, trong đó có những loại không tồn tại tại Nga.

Rosselkhoznadzor cho rằng việc nhập khẩu sản phẩm bị nhiễm khuẩn từ Mỹ vào Nga gây tác hại đến an toàn thực vật và thực phẩm không chỉ của Liên bang Nga, mà của toàn Liên minh Kinh tế Á-Âu./.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục