tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường Ấn Độ: Trái ngọt không dễ hái

  • Cập nhật : 14/09/2017

GDP Ấn Độ lớn thứ 7 trên toàn cầu và thị trường chứng khoán nước này cũng đứng hàng thứ 9.

gdp an do lon thu 7 tren toan cau va thi truong chung khoan nuoc nay cung dung hang thu 9.nguon anh: mouthshut.com

GDP Ấn Độ lớn thứ 7 trên toàn cầu và thị trường chứng khoán nước này cũng đứng hàng thứ 9.Nguồn ảnh: mouthshut.com

Thị trường rộng lớn Ấn Độ là miếng bánh hấp dẫn. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. GDP Ấn Độ lớn thứ 7 trên toàn cầu và thị trường chứng khoán nước này cũng đứng hàng thứ 9, nhưng Ấn Độ lại không giống bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới. Khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tới khoảng 50% sản lượng của Ấn Độ, 80-90% việc làm và ít nhất 90% doanh nghiệp. Nạn quan liêu và đường sá kém đã khiến nước này xếp thứ 130 trong bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của World Bank. Hàng triệu khách hàng chỉ có thể được tiếp cận qua các con đường nhỏ đầy bụi bẩn. Các nhà cung cấp và nhà phân phối lại thường hoạt động ngầm...

Tuy nhiên, doanh nghiệp nào vượt qua được những thách thức này lại kiếm được mức lãi khủng. Kể từ năm 2001, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp Ấn Độ niêm yết đạt trung bình 19%, cao hơn 8 điểm phần trăm so với ROE của các doanh nghiệp tại những thị trường phát triển và hơn 5 điểm phần trăm so với các thị trường mới nổi.

Tổ chức cho vay tư nhân hàng đầu nước này là HDFC Bank đạt ROE 18%, xếp thứ 10 trong top 100 tổ chức cho vay toàn cầu. Công ty hàng tiêu dùng Hindustan Unilever có ROE lên tới 77%, gấp hơn 2 lần công ty mẹ Unilever. Thậm chí các ngành công nghiệp cơ bản, như xi măng cũng có mức sinh lời tương đối cao.

Thành tích này cho thấy các doanh nghiệp được quản trị tốt: hầu hết đều biết cách phân bổ hiệu quả nguồn vốn. Dù vậy, cơ sở hạ tầng kém và khu vực kinh tế phi chính thức của Ấn Độ cũng tạo ra trở ngại lớn cho những người chơi mới. Những yếu tố đầu vào như vốn, đất đai và năng lượng rất khó lòng được đảm bảo, trong khi phải mất 10-20 năm mới xây dựng được mạng lưới phân phối và các chuỗi cung ứng rộng khắp cả nước. Maruti-Suzuki, hãng ô tô lớn nhất (có ROE 22%), có số đại lý gấp hơn 3 lần đối thủ bám sát nút.

Thi truong An Do: Trai ngot khong de hai

Hàng thập niên sau khi Ấn Độ giành độc lập, nền kinh tế chính thức cũng bắt đầu phát triển. Một sự kiện mang tính đột phá đã diễn ra vào năm 2012 khi các tòa án bắt đầu thẳng tay đối với các nhóm tư bản lợi ích, đặc biệt là các doanh nghiệp hối lộ để được trao đặc quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai. Hiện giờ, một giai đoạn mới đã hoàn toàn mở ra, theo Sanjeev Prasad, thuộc ngân hàng Kotak.

Mới đây, Ấn Độ đã triển khai một loại thuế mới là thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Thuế này yêu cầu các doanh nghiệp phải nhất quán báo cáo thuế của mình với báo cáo thuế của các nhà cung cấp và khách hàng, buộc hàng triệu doanh nghiệp phải gia nhập mạng lưới thuế. Thuế GST thay thế hàng chục loại thuế của chính quyền trung ương và chính quyền các bang tại Ấn Độ, giúp thống nhất nền kinh tế 2.000 tỉ USD thành một thị trường quốc gia duy nhất.

Trước đó, vào cuối năm 2016, Ấn Độ đã quyết định hủy tiền giấy mệnh giá lớn nhằm ngăn chặn nạn tham nhũng và tăng cường kiểm soát chặt chẽ “nền kinh tế đen”. Ngoài ra, thương mại điện tử chiếm chỉ 3% doanh số bán lẻ nhưng lại mang đến một kênh phân phối hàng hóa mới.

Những nỗ lực nói trên bước đầu đã mang lại dấu hiệu khá lạc quan. Trong năm vừa qua, tiết kiệm chính thức đã tăng 13% như tiền gửi ngân hàng, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và quỹ tương hỗ. Tiền mặt trong lưu thông đã giảm từ 12% GDP xuống còn 10%. Giá trị các khoản thanh toán kỹ thuật số đã tăng hơn 40% và số người nộp thuế tăng gần gấp đôi.

Dù một số nơi của Ấn Độ như khu vực phía Bắc và phía Đông vẫn bị bỏ lại đằng sau, nhưng sự lan rộng của nền kinh tế chính thức là một thực tế đang diễn ra. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước đang dần thích nghi với thuế GST: một nhà quản lý quỹ nhớ lại lần gặp gỡ một doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm rất lớn ở vùng heo hút Chhattisgarh và doanh nghiệp này cho biết đang có ý định tham gia vào mạng lưới thuế.

Đối với hàng chục triệu doanh nghiệp ở khu vực phi chính thức như các nhà máy giày, nhà sản xuất gỗ dán, nhà bán sỉ thức uống cung ứng cho các quầy bán hàng ven đường, thời khắc khó khăn đang ở phía trước. Nếu vẫn hoạt động trong nền kinh tế ngầm, họ sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức. Còn nếu họ bước vào khu vực kinh tế chính thức thì chi phí thuế sẽ lại tăng lên. Một số sẽ phá sản khiến cho tỉ lệ thất nghiệp tăng. Những công ty khác sẽ phải sáp nhập, liên doanh liên kết. Chẳng hạn, ngành vận tải phân mảnh ở Ấn Độ có thể sẽ sáp nhập lại thành một vài doanh nghiệp lớn để tận dụng lợi thế của một thị trường chung thống nhất. Họ cũng có thể vay vốn ở các kênh chính thức để cho thuê xe tải.

Thi truong An Do: Trai ngot khong de hai

Đối với các doanh nghiệp lớn, nền kinh tế chính thức có thể giúp đẩy tăng lợi nhuận trong ngắn hạn. Họ có thể giành mối làm ăn từ các doanh nghiệp nhỏ hơn: ít nhất 40% trà của Ấn Độ, 85% trang sức và 70% các sản phẩm sữa của Ấn Độ được bán trong khu vực phi chính thức. Tata Steel cho biết Công ty dự kiến sẽ giành thị phần từ các đối thủ sản xuất kim loại ở khu vực phi chính thức.

Tuy nhiên, để đạt mức sinh lời cao cũng không phải dễ trong bối cảnh hiện tại. Một thực tế là cuộc bài trừ các nhóm tư bản lợi ích, cùng với giá cả hàng hóa thấp hơn đã làm giảm ROE của các doanh nghiệp Ấn Độ niêm yết từ mức 26% trong năm 2006 xuống còn 13% (con số này vẫn cao hơn mức trung bình 11% của thế giới). Điều an ủi là ít nhất phân nửa sự sụt giảm này đến từ sự sa sút của các doanh nghiệp “có tiếng” hay hối lộ (thường hoạt động ở những ngành vật liệu cơ bản, cơ sở hạ tầng, bất động sản và năng lượng) và các ngân hàng quốc doanh tài trợ vốn cho những doanh nghiệp này.

Ở hầu hết những ngành làm việc trực tiếp với người tiêu dùng, mức lợi nhuận vẫn cao. Nhưng trong dài hạn, các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ có thể chịu ảnh hưởng khi các thị trường vốn, đất đai và tài nguyên thiên nhiên vận hành tốt hơn cũng như các chuỗi cung ứng và phân phối hoạt động hiệu quả hơn. Những lợi thế mà họ có được trong những năm qua có thể không còn phát huy nhiều tác dụng. Để duy trì mức sinh lời cao, doanh nghiệp có thể phải chi nhiều hơn vào cải tiến.

Các nhà đầu tư dường như không suy nghĩ quá nhiều về điều này. Thị trường chứng khoán Ấn Độ được định giá gấp 3 lần giá trị sổ sách. Điều đó khiến cho Ấn Độ trở thành thị trường lớn được ưa chuộng nhất thế giới và cũng hàm nghĩa rằng ROE dài hạn sẽ trong khoảng 17-20%.

Đàm Hoa 
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục