tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì sao nên lo khi dầu thô rớt giá?

  • Cập nhật : 13/02/2016

(Tin kinh te)

Trái với việc đem lại nụ cười trên gương mặt hàng triệu người tiêu dùng năng lượng, giá dầu thô rẻ gây ra không ít vấn đề đau đầu cho người dân, các định chế tài chính và doanh nghiệp thế giới.

vi sao nen lo khi dau tho rot gia?

Vì sao nên lo khi dầu thô rớt giá?


Theo CNN, đợt lao dốc giá dầu xuống dưới 27 USD mỗi thùng có vẻ như là tin vui đối với người tiêu dùng khi nó đẩy giá cả tại các trạm xăng về gần 1 USD/gallon ở một số nơi. Nhiều người cho rằng tình hình giá dầu sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.
Tuy vậy, dầu giá rẻ cũng đang gây ra tình trạng hoảng loạn trong chứng khoán thế giới bên cạnh nhiều vấn đề khác. Dưới đây là những lý do vì sao cũng nên lo lắng khi giá dầu thấp.

Tài khoản hưu trí của người Mỹ bị ảnh hưởng
Chỉ số Dow Jones đã giảm mạnh 1.800 điểm trong năm nay và chỉ số Fear & Greed của CNN đang ở mức “cực kỳ lo sợ”. Ở Mỹ, nhiều người sẽ không vui khi kiểm tra tài khoản hưu trí. Diễn tiến tiêu cực ở Phố Wall phần lớn bị thúc đẩy bởi giá dầu lao dốc. Cổ phiếu và lợi nhuận các hãng năng lượng như Chevron và ConocoPhillips giảm đi.

Doanh nghiệp dầu khí đang chết dần
Đợt bùng nổ năng lượng Mỹ được thúc đẩy bởi công nghệ khoan dầu đá phiến đắt tiền, sản xuất ra loại dầu bán với giá cao hơn để thanh toán các khoản nợ. Hiện nay, các công ty năng lượng gặp khó trong việc hoàn trả tiền đã vay. Số doanh nghiệp dầu khí phá sản tăng 379% trong năm ngoái và nhiều hãng khác được dự báo đối mặt với khó khăn tài chính trong những tháng tới.

Các ngân hàng lớn có thể lỗ
Các nhà băng lớn như JPMorgan Chase và Wells Fargo, những ngân hàng đã tài trợ cho sự bùng nổ năng lượng Mỹ đã dành ra hàng tỉ USD để bù lỗ cho vay tiềm năng trong ngành năng lượng. Giới đầu tư đang lo lắng về khoản vay năng lượng tại các nhà băng châu Âu như Deutsche Bank. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's cảnh báo rằng một nửa trái phiếu năng lượng hiện có nguy cơ vỡ nợ.

Nhiều người mất việc làm
Số liệu thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy 130.000 người làm việc trong ngành năng lượng đã bị sa thải khi các hãng dầu khí nỗ lực cắt giảm chi phí. Con số thất nghiệp thực tế gồm các doanh nghiệp liên quan đến năng lượng có thể còn cao hơn nữa.

Dấu hiệu khó khăn với kinh tế thế giới
Khi kinh tế bùng nổ, rất nhiều dầu thô được tiêu thụ và ngược lại. Đó là lý do vì sao Phố Wall lo ngại rằng tình hình lao dốc giá cả năng lượng cho thấy kinh tế thế giới tăng trưởng thậm chí còn chậm hơn so với ước tính. Kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ là tin rất xấu cho các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia của Mỹ như Coca-Cola, McDonald's hay Caterpillar.

Thị trường mới nổi chật vật
Giá dầu thấp gia tăng nguy cơ khủng hoảng toàn diện tại các thị trường mới nổi. Nhiều nền kinh tế như Brazil, Venezuela, Colombia và Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Brazil đang trong giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ thập niên 1930 còn nội tệ Nga và Mexico đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Trung Đông thêm bất ổn
Giá dầu giảm xuống kéo theo nhiều bất ổn ở Trung Đông. Căng thẳng tại khu vực này leo thang từ đầu năm nay với mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran diễn tiến xấu đi.

Sự độc lập năng lượng của Mỹ giảm
Sản lượng dầu thô nội địa Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây, giúp nước này bớt phụ thuộc năng lượng vào các nước Trung Đông. Tuy nhiên, với việc một số hãng dầu khí Mỹ đóng cửa, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm trong những tháng qua. Đây chính là điều mà Ả Rập Xê Út mong đợi khi đã và đang kiên quyết với chiến lược không giảm sản lượng, bảo vệ thị phần.


Thu Thảo
Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục