Nếu lưu lượng xe chở trái cây lên Tân Thanh vẫn đạt trung bình 800 xe/ngày thì khả năng ùn tắc vẫn xảy ra.
Trung Quốc mở màn ‘cuộc chiến’ thương mại?
- Cập nhật : 10/01/2016
(Kinh te)
Những bài học rút ra từ sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc suy sụp rất có giá trị cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong những ngày qua thị trường chứng khoán Trung Quốc (TQ) liên tục chao đảo sau khi đã bốc hơi khoảng 5.000 tỉ USD vào tháng 7-2015. Điều này khiến chứng khoán thế giới chao đảo theo, trong đó Việt Nam (VN) cũng bị ảnh hưởng.
Nhìn nhận về việc thị trường chứng khoán TQ lâm trọng bệnh, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: Một trong những nguyên nhân dẫn đến “bi kịch” trên là do thị trường chứng khoán TQ phát triển bong bóng, không phản ánh đúng bản chất thực của kinh tế nước này.
Chứng khoán nguy kịch chỉ là bề nổi
. Phóng viên: Điều này có nghĩa chứng khoán TQ liên tục “tê liệt” xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là nền kinh tế nước này suy yếu?
+ TS Võ Trí Thành: Việc thị trường chứng khoán của nước này “tê liệt” chỉ là bề nổi. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ nền kinh tế của họ đang có vấn đề, trong khi họ lại “lấn cấn” giữa chuyển đổi mô hình và cách thức phát triển. Những dấu hiệu của nền kinh tế nước này đang xấu đi khi chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại, tăng trưởng đều giảm…, dẫn đến hiện tượng bán tháo cổ phiếu và tháo chạy của nhà đầu tư.
. Có nghĩa là mô hình và cách thức phát triển của TQ đang gặp khó khăn, thưa ông?
+ Đúng vậy. Họ đang gặp khó khăn trong cách thức phát triển, vì quá trình phát triển phát sinh nhiều vấn đề xã hội trong khi họ muốn xã hội ổn định. Mặt khác, khi muốn điều hành tỉ giá linh hoạt thì về bản chất TQ vẫn đang cạnh tranh bằng giá chứ không phải bằng chất lượng của nền kinh tế. Trong khi việc muốn nâng cao vị thế của nền kinh tế đòi hỏi họ phải có những cải cách bên trong và mở cửa tài khoản vốn đầy đủ hơn.
Tóm lại, những biểu hiện của việc “lừng khừng, lấn cấn, khó khăn” trong quá trình chuyển đổi của TQ, cộng với tính khó dự báo, tiên liệu đối với chính sách của nước này làm cho các nhà đầu tư không yên tâm và đi tìm những thị trường an toàn hơn. Đây cũng là một trong nguyên nhân khiến giới đầu tư hoảng loạn.
. Nếu chứng khoán TQ tiếp tục lâm nguy sẽ ảnh hưởng gì đến chứng khoán VN, thưa ông?
+ Mức độ hội nhập của chứng khoán TQ không quá lớn. Trong khi thị trường chứng khoán VN vẫn còn nhỏ, tuy vậy trong giai đoạn đầu bao giờ cũng có hiện tượng phản ứng hơi thái quá. Song điều quan trọng là chúng ta cần tận dụng cơ hội thu hút được một phần dòng vốn đang rút khỏi TQ sau sự hoảng loạn tại thị trường này thì đã rất tốt rồi.
Không được chủ quan
. Trong nỗ lực chặn đà lao dốc của thị trường chứng khoán, TQ đã đưa ra nhiều giải pháp như bơm khẩn cấp 20 tỉ USD thanh khoản vào hệ thống tài chính. Ông bình luận gì về giải pháp này và giả sử nếu thị trường chứng khoán Việt rơi vào trường hợp tương tự thì chúng ta có nên áp dụng giải pháp “kiểu TQ”?
+ Việc một thị trường chứng khoán hoảng loạn hay tụt giảm rất nhanh đã từng xảy ra ở nhiều nơi, kể cả ở VN. Không ai muốn tình trạng nguy kịch như vậy xảy ra. Vì đây là một kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả. Tuy nhiên, bài học từ thị trường chứng khoán TQ cần phải được rút ra.
Đó là một nền kinh tế như VN cần phải tạo ra một nền tảng căn cơ để thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phát triển. Bài học thứ hai là giám sát tài chính phải chặt chẽ, không được chủ quan. Bởi thị trường tài chính thường bị ảnh hưởng do hiệu ứng đám đông, hành vi quá đà và phản ứng thái quá thường diễn ra dồn dập trong một thời gian ngắn.
Do đó, một nền kinh tế dù có nguồn lực tốt cũng chưa chắc đã chặn được đà này chứ chưa nói đến những nền kinh tế nguồn lực có hạn. Và khi thị trường hồ hởi hay phản ứng tiêu cực cũng không được hoảng loạn.
. Theo ông, cần rút ra bài học gì để thị trường chứng khoán VN không bị nhiễm cơn bạo bệnh như thị trường chứng khoán TQ?
+ Chúng ta không dám chắc chắn rằng không có rủi ro quá mức xảy ra! Nhưng có một bài học rất khó học thuộc. Đó là thị trường tài chính rất hấp dẫn nhưng lại kèm theo rủi ro. Khi nó đã lao dốc thì phí tổn để phục hồi và điều chỉnh lại nền kinh tế là vô cùng lớn. Do đó, với thị trường tài chính, sẽ không thừa nếu chúng ta không quá vội vã và hoàn thiện hệ thống giám sát.
Trước sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán, TQ đã đưa ra nhiều giải pháp như cấm bán tháo cổ phiếu trong một thời gian. Đây là một công cụ hành chính, mà công cụ hành chính thì thường gây ra những méo mó của thị trường. Đó cũng chính là một bài học.
Lo ngại kích hoạt cuộc chiến thương mại
. Thời gian gần đây TQ tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ. Nhiều ý kiến lo ngại động thái trên của họ đang kích hoạt một cuộc chiến thương mại với các đối thủ của mình, trong đó có VN. Ông nghĩ sao về nhận định này?
+ TQ muốn chính sách tỉ giá của họ trở nên uyển chuyển hơn để tạo vị thế cao hơn cho đồng tiền của họ và làm cho nền kinh tế mang tính thị trường hơn. Nhưng việc điều hành tỉ giá lại diễn ra trong một bối cảnh không thuận lợi nên thị trường phản ứng tiêu cực. Niềm tin vào thị trường tài chính của nước này giảm. Những điều này làm cho dòng vốn chảy ra khỏi thị trường nước này là rất lớn.
TQ phá giá nhân dân tệ còn do tăng trưởng xuất khẩu của nước này đã giảm chậm lại hơn so với dự báo rất nhiều và đằng sau sự suy giảm này là công ăn việc làm của hàng chục triệu người ở đất nước này. Mặt khác, để cứu vãn sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán, TQ đã phải bơm tiền để cứu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc phá giá nhân dân tệ.
. Thưa ông, kinh tế TQ suy giảm kết hợp với đồng nhân dân tệ liên tục mất giá sẽ gây sức ép buộc các quốc gia khác hạ giá đồng nội tệ của mình để duy trì sức cạnh tranh. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của VN?
+ Rõ ràng tác động của việc phá giá nhân dân tệ đã ảnh hưởng trực tiếp tới VN cả về ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, VN cũng chịu tác động gián tiếp về thị trường tài chính do chúng ta có quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả TQ. Trong xuất nhập khẩu, tác động lớn nhất là vào nông sản, thủy hải sản, doanh nghiệp nhập nguyên liệu đầu vào từ TQ...
. Không chỉ kinh tế TQ mà có ý kiến cảnh báo nền kinh tế toàn cầu cũng có những dấu hiệu bất ổn. Theo ông, VN cần làm gì để hạn chế những rủi ro cũng như nắm bắt những cơ hội?
+ Tôi cho rằng sự phục hồi kinh tế vẫn không chắc chắn và bất định. Và khi tăng trưởng thế giới bị giảm sút thì VN cũng không thể đứng an toàn ngoài cuộc như chúng ta đã từng chứng kiến mấy năm trước.
Tuy vậy, nếu những diễn biến trên thị trường chứng khoán TQ chưa được ngăn chặn kịp thời thì trong ngắn hạn VN có thể có những cơ hội để thu hút đầu tư, dòng vốn. Nói cách khác, nếu chúng ta cải cách tốt về môi trường kinh doanh, tận dụng tốt lợi thế nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước lớn đã ký kết... thì đây chính là một cơ hội cho VN.
Điều quan trọng nhất là VN cần phải có một cuộc cải cách mới để bắt đầu cho một thời kỳ phát triển khác. Trong sự bất định của nền kinh tế thế giới, nếu môi trường kinh tế của chúng ta tiếp tục được cải thiện thì sẽ làm gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Xin cám ơn ông.
Bốc hơi trên 2.000 tỉ USD trong bốn ngày
Trên 2.000 tỉ USD vốn hóa đã bị cuốn phăng khỏi thị trường chứng khoán thế giới trong bốn phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016, Thời Báo Kinh Tế VNdẫn nguồn từ hãng tin CNBC cho biết.
Sự sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán TQ và đồng nhân dân tệ, giá dầu lao dốc và bất ổn địa chính trị là những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rúng động những ngày qua.
Tại VN, thị trường cổ phiếu cũng diễn biến ảm đạm nhưng với mức độ bớt bi quan hơn. Thống kê của NDH cho thấy chỉ số VN-Index giảm 2,4% và chỉ số HNX-Index giảm 3,5% trong bốn ngày đầu năm.
Năm ngoái, dự trữ ngoại tệ của TQ giảm hơn 400 tỉ USD, từ 4.000 tỉ USD xuống còn 3.600 tỉ USD. Vừa qua nước này lại tiếp tục dùng 20 tỉ USD để cứu thị trường chứng khoán.