tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cá bán giá bèo, ngư dân vẫn ngóng chính sách

  • Cập nhật : 11/05/2016

(Thi truong)

 Dù chính quyền cam kết nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vùng cá chết nhưng nhiều ngư dân tại Hà Tĩnh cho biết đang gặp nhiều khó khăn do cá, mực đánh bắt về rất khó tiêu thụ.

cho ca bai go o xa thach kim nhon nhip tro lai canh ban ca, nhung nhieu ngu dan cho biet ca ban khong duoc gia - anh: van dinh

Chợ cá bãi Gò ở xã Thạch Kim nhộn nhịp trở lại cảnh bán cá, nhưng nhiều ngư dân cho biết cá bán không được giá - Ảnh: Văn Định

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ tại các cửa biển lớn ở Hà Tĩnh, nơi có đông tàu cá trở về từ biển, ngư dân bán được hải sản với giá chỉ bằng 50-60% so với trước.

“Tuyệt đối không để xảy ra sai phạm tiêu cực trong hỗ trợ nhân dân. Cán bộ nào để xảy ra sai phạm, nhũng nhiễu, xà xẻo hỗ trợ của Nhà nước trong việc này phải xử phạt theo tình tiết tăng nặng

Phó thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Bán giá bèo bọt

Sau nhiều ngày “đóng cửa” vì bị ảnh hưởng bởi chuyện cá chết, ngay từ sớm 9-5 cửa biển Bãi Gò ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã sôi động trở lại. Từ 3g sáng, các tàu lần lượt cập vào bãi. Ngoài một số tàu cá của Hà Tĩnh còn có tàu cá của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Nghệ An mang cá, mực và các loại hải sản khác vào bán.

Khoảng 6g sáng, sau khi chiếc tàu QT 90081 cập bãi, số mực đánh bắt được các ngư dân chuyền lên thuyền thúng vào bờ đã được tiểu thương chia nhau lấy hết trong vòng 5-10 phút. Tuy nhiên, ngư dân cũng chẳng vui nhiều do giá bán chỉ bằng một nửa so với trước kia.

Bà Phạm Thị Hường, người thu mua cá ở đây, cho biết dù biển Thạch Kim không hề có hiện tượng cá chết nhưng hơn nửa tháng qua không ai đến mua cá biển nên các tàu không cập cảng. Theo bà Hường, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ thu mua cá, các thương lái và chủ kho lạnh mới an tâm lấy hàng, các tàu mới tới bán hải sản.

“Biển ở đây không có hiện tượng cá chết, bà con vẫn ra đây lấy cá về nhà ăn thường xuyên vậy mà vẫn bị ảnh hưởng kinh khủng. Mấy bữa nay có thương lái xuống mua, tình hình buôn bán mới bình thường trở lại nhưng giá hải sản giảm mạnh so với trước” - bà Hường nói.

Trong khi đó, ông Lâm (ngư dân xã Thạch Kim) cho biết do giá cá vẫn còn thấp, nhiều ngư dân chần chừ chưa muốn ra khơi, đặc biệt là ngư dân tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Lâm, dù các tàu đều đánh bắt xa bờ ngoài vùng nhiễm độc nhưng tâm lý chung của người dân và thương lái vẫn ngại mua cá tàu mang biển số Hà Tĩnh, Quảng Bình. Do đó, ông Lâm cho rằng ngư dân muốn chính quyền mau chóng thực hiện các biện pháp minh bạch nguồn gốc hải sản để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Tại Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), nhiều tàu cá vẫn đang nằm bờ do giá hải sản bán quá thấp không đủ chi phí. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng cho biết trước khi xảy ra sự cố cá chết, giá mực là 200.000 đồng/kg, nay chỉ còn 110.000 đồng/kg.

Chính sách hỗ trợ: 
mới nghe, chưa thấy

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó chính quyền Hà Tĩnh đã giao Sở NN&PTNT và Sở Công thương cùng tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đối với hải sản đánh bắt xa bờ do ngư dân đánh bắt mang về. Tuy nhiên, việc này không được tiến hành thường xuyên. Chẳng hạn, vào sáng 9-5, chúng tôi chẳng thấy bóng dáng cán bộ xuống lấy mẫu cá và chứng nhận nguồn gốc cho ngư dân.

Ông Hà Minh Tân, chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho biết tại địa bàn có 14 cơ sở thu mua hải sản với hơn 40 kho đông lạnh nhưng chỉ có ba cơ sở thường thu mua hải sản (chủ yếu cá và mực) cho ngư dân.

Theo ông Tân, hiện nay rất cần một số điểm bán thủy hải sản an toàn (sạch) nhưng tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện. “Để ngư dân ra khơi đánh bắt và các chủ thu mua bán được hải sản, cần phải tuyên truyền, khuyến khích, tổ chức một số điểm bán hải sản được chứng nhận an toàn.

Đặc biệt, lãnh đạo các sở, ban ngành phải là người đi đầu mua hải sản sạch mới tạo được lòng tin cho người tiêu dùng...”, ông Tân đề nghị.

Ông Trần Văn Toàn, phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim, cho biết trong kho đông lạnh có hơn 40 tấn thủy hải sản nhưng thi thoảng mới có người đến mua cá về ăn hoặc làm quà. Do đó ngoài việc hỗ trợ các chủ thu mua hải sản, địa phương phải có một số biện pháp như mở một điểm bán hải sản sạch, người bán phải chịu trách nhiệm để người dân an tâm tiêu thụ.

“Nhà nước vận động, chúng tôi thu mua cá cho ngư dân nhưng các cơ quan chức năng chưa mở một số điểm bán cá sạch thì người tiêu dùng không biết đâu mà lần, nếu kéo dài thì kho đông lạnh nào cũng quá tải...” - ông Toàn nói.

Lãnh đạo bảo phải... chờ

Cũng trong buổi sáng 9-5, Tuổi Trẻ đã đến Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh để hỏi thông tin về chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân nhưng không nhận được kết quả, do giám đốc sở bận đi học trong khi hai phó giám đốc sở là ông Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Đình Lộc từ chối trả lời.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Trần Nhật Tân - giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh - nói: “Hiện nay đang chờ chính sách chung của Thủ tướng về cái đã, sau đó tỉnh sẽ có chính sách riêng của tỉnh. Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh như thế”.

Khi được thông tin về việc ngư dân chỉ bán được hải sản đánh bắt về với giá rất rẻ, ông Tân nói: “Nhà nước giới thiệu các đầu mối thu mua để giúp dân bán hải sản đánh bắt về theo giá thị trường!”.

Trong vai một ngư dân, PV Tuổi Trẻ gọi vào số điện thoại 0393.950888 (đường dây nóng hỗ trợ ngư dân) của Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu. Khi nghe thắc mắc tỉnh có chính sách gì hỗ trợ không vì hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được, chúng tôi chỉ nhận được trả lời một cách máy móc rằng: “Theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ khi các tàu đánh bắt xa bờ cập bờ, Nhà nước sẽ đứng ra giúp ngư dân tiêu thụ hết số hải sản đó”.

Chúng tôi tiếp tục cho biết hải sản đánh bắt về chỉ bán được nửa giá so với trước kia, người trực đường dây nóng nói: “Cái đó gần bờ thì hiện nay không có chính sách đâu”, rồi tắt điện thoại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Duy Vĩnh, phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cũng cho biết địa phương chỉ có thể... động viên các cơ sở thu mua cho ngư dân và đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất cho hộ thu mua và ngư dân, còn chính sách chung phải chờ chỉ đạo của tỉnh.

Cũng theo ông Vĩnh, với khoảng 1.100 hộ đánh bắt gần bờ, địa phương chưa khuyến khích ra khơi. Các phương án hỗ trợ đã đề xuất và đang chờ kết luận, khi nào có kết luận thì triển khai.

Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay mua tạm trữ hải sản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Theo đó, các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước VN chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 5-5 đến 5-6-2016.

Cũng theo quyết định này, hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian một tháng rưỡi đối với hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp.

Hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản. UBND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại tàu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ thuộc các địa phương nêu trên nếu bị cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn và buộc phải tiêu hủy, được hỗ trợ không quá 70% giá trị.

Hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường (chi phí tiêu hủy hải sản chết bất thường như: chi phí vận chuyển, thu gom, vật tư, hóa chất khử trùng, tiêu độc; hỗ trợ tiền công tiêu hủy, bảo hộ lao động, trang thiết bị...).

V.V.THÀNH
Không để xảy ra tiêu cực trong hỗ trợ ngư dân

Ngày 9-5, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh liên quan (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) nhanh chóng công bố thông tin tới nhân dân và các doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết, đồng thời triển khai quyết định hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

“Tuyệt đối không để xảy ra sai phạm tiêu cực trong hỗ trợ nhân dân. Cán bộ nào để xảy ra sai phạm, nhũng nhiễu, xà xẻo hỗ trợ của Nhà nước trong việc này phải xử phạt theo tình tiết tăng nặng”, Phó thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết đến nay trên địa bàn có đến 82 tấn các loại thủy sản nuôi trồng bị chết, thiệt hại 4,71 tỉ đồng. Ngoài ra, từ ngày 24-4, vùng biển thị xã Kỳ Anh cũng xuất hiện cá tự nhiên chết rải rác trôi dạt vào bờ và đã được thu gom, chôn lấp khoảng 10 tấn. Đến nay không còn phát hiện hải sản chết bất thường nữa.

Theo ông Khánh, bước đầu Hà Tĩnh đã hỗ trợ 750 triệu đồng cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản, cấp phát hơn 600 tấn gạo cho các hộ dân bị ảnh hưởng của đợt cá chết vừa qua. Tính đến ngày 7-5, Hà Tĩnh đã thu mua được 243 tấn hải sản cho ngư dân.

VĂN ĐỊNH - HỮU KHÁ

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục