tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Truyền thông quốc tế viết gì về phán quyết 'đường lưỡi bò'

  • Cập nhật : 13/07/2016

Nhiều hãng tin, tờ báo lớn đồng loạt đưa tin về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế liên quan tới vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông.

hoi dong trong tai cua pca. anh: pca

Hội đồng trọng tài của PCA. Ảnh: PCA

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, hôm nay tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Trong bản phán quyết dài 497 trang, Tòa Trọng tài thuộc PCA cũng kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Trước bối cảnh đó, hàng loạt hãng tin, tờ báo lớn đồng loạt đưa tin về phát quyết đang rất được mong chờ này.

Kênh CNN của Mỹ ngoài điểm những ý chính của phán quyết còn dẫn lại phản ứng từ chính quyền Philippines, khẳng định Manila "sẽ tôn trọng phán quyết mang tính cột mốc này của tòa".

Trong bài viết với tiêu đề "Philippines chiến thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông", Guardian nhấn mạnh "Bắc Kinh đã thua trong một vụ kiện quốc tế quan trọng đối với các rạn san hô và bãi cạn chiến lược có khả năng mang đến cho họ quyền kiểm soát những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông".

Theo tờ báo này, phán quyết của tòa hoàn toàn có lợi cho Philippines và sẽ gia tăng các áp lực ngoại giao toàn cầu lên Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải thu hẹp quy mô hoạt động quân sự ở Biển Đông. Phán quyết đồng thời vô hiệu hóa "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra.

Reuters khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về các quyền kinh tế trên một khu vực rộng lớn của Biển Đông. Hãng thông tấn Anh đồng thời đánh giá "phán quyết chắc chắn sẽ khiến  Bắc Kinh nổi giận".

"Phán quyết này là một đòn giáng về pháp lý vào tuyên bố quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông", Reuters dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore, bình luận.

BBC đăng bài viết với tựa đề "Tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông bị tòa trọng tài bác bỏ" trên mục nổi bật. Kênh này cũng đưa chi tiết các điểm mấu chốt trong phán quyết vừa được tòa đưa ra, đồng thời dẫn lại bình luận của Philippe Sands, luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện, khẳng định đây là một "phán quyết rõ ràng và thống nhất".

Trong khi hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua cho biết Trung Quốc "không chấp nhận và không công nhận phán quyết yếu kém" từ Tòa Trọng tài về "đường lưỡi bò", trang Rappler của Philippines dành hẳn một bài viết dẫn lại ý kiến, bình luận của các nhà lập pháp nước này trước phán quyết của tòa.

"Đây là chiến thắng không chỉ của Philippines mà còn là của cả nền hòa bình và pháp quyền. Nó sẽ làm phong phú thêm án lệ của luật pháp quốc tế và đóng vai trò như một thước đo chuẩn mực về cách mà các nước hành xử với tranh chấp Biển Đông", ông Rodel Batocabe, nghị sĩ đảng AKO Bicol của Philippines, đánh giá.

"Phán quyết là một thắng lợi về ngoại giao", đại diện đảng Hành động của Công dân Akbayan, chia sẻ.

Phán quyết từ Tòa Trọng tài ở The Hague "sẽ tăng cường và củng cố vị thế của Philippines ở các cuộc đối thoại song phương trong tương lai với Trung Quốc, đặc biệt khi mà giờ đây yêu sách đường 9 đoạn đã bị tuyên bố là không có cơ sở pháp lý, lịch sử và đạo đức", Rappler dẫn lời ông Carlos Isagani Zarate, nghị sĩ đảng Bayan Muna, nói.

Tờ Strait Times của Singapore dẫn phân tích của Li Mingjiang, chuyên gia về châu Á - Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, dự đoán hành động của Bắc Kinh sau phán quyết.

Theo ông Li, dù phán quyết của Tòa Trọng tài bất lợi cho Trung Quốc, nước này cũng sẽ không rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bởi Bắc Kinh vẫn còn nhiều lợi ích tại các vùng biển khác cần được công ước bảo vệ, ví dụ như ở Ấn Độ Dương.

Li thêm rằng tất cả các bên liên quan cần kiềm chế để không kích động những phản ứng gay gắt hơn từ phía Trung Quốc.

Hãng tin AP dẫn lời một giáo sư về kinh tế chính trị châu Á miêu tả phán quyết của tòa đã tạo ra một "thời khắc chuyển mình" của khu vực.

Đài Tiếng nói Pháp dẫn lời giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia dự đoán Trung Quốc có thể sẽ tiến hành một chiến dịch tuyên truyền "gây sốc và gieo hoang mang" sau phán quyết.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ nắm bắt mong muốn của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để mở các cuộc đàm phán trong thời gian tới. Bắc Kinh dường như sẽ tìm mọi cách để đạt được một thỏa thuận với Philippines và phớt lờ các phán quyết.

Tờ Le Monde đưa tin Tòa Trọng tài đã quyết định Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với hầu hết các vùng biển chiến lược tại Biển Đông, đồng thời khẳng định Trung Quốc "vi phạm quyền chủ quyền của Philippines".

Trung Quốc ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Năm 2013, Philippines khởi kiện "đường lưỡi bò", cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ. Philippines khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm bị Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải. Tháng 10/2015, PCA tuyên bố có thẩm quyền xử vụ kiện.

Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm rằng tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và kiên quyết không tham gia vụ kiện, cảnh báo sẽ phớt lờ phán quyết từ PCA.


Vũ Hoàng - Nguyễn Hoàng
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục