tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 05-11-2015

  • Cập nhật : 05/11/2015

Hàn Quốc tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông

Hàn Quốc vừa lên tiếng ủng hộ chuyến tuần tra của tàu quân sự Mỹ ở Biển Đông và kêu gọi tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này.
bo truong quoc phong han quoc han min-koo (trai) va bo truong quoc phong my ashton carter - anh: afp

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter - Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo lên tiếng ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, một tuần sau khi quân đội Mỹ huy động tàu khu trục USS Lassen tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông.
“Quan điểm của chúng tôi là tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng ở khu vực này, và bất kỳ xung đột nào cũng cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế”, tờ Wall Street Journal trích phát biểu của ông Han hôm 2.11.
Phát biểu của ông Han được đưa ra sau khi ông có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, Ashton Carter. Tuyên bố này cũng được cho là lần hiếm hoi Hàn Quốc thể hiện quan điểm của nước này đối với tranh chấp ở Biển Đông, điều mà lâu nay Seoul né tránh vì sợ làm ảnh hưởng đến quan hệ với Bắc Kinh.
Trong cuộc họp thượng đỉnh tay ba Trung-Nhật-Hàn tuần qua ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tránh đề cập vấn đề  Biển Đông ngay cả khi được sự gợi ý hợp tác của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
"Ông Carter nhường như chỉ muốn lợi dụng người Hàn để nói điều gì đó trong khi người Trung Quốc đang ở đây", ông John Delury, phó giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định, với hàm ý nói rằng Mỹ muốn Hàn Quốc lên tiếng về vấn đề Biển Đông khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có mặt ở Seoul tham dự cuộc họp tay ba.
Washington chắc hẳn đã không hài lòng khi phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc chỉ được đưa ra sau khi Thủ tướng Trung Quốc đã bay về Bắc Kinh.
"Người Mỹ đang cố gắng ép người Hàn phải lên tiếng về Biển Đông trong khi họ không muốn", ông Delury nói tiếp.
Mỹ nhiều lần thúc giục Hàn Quốc, với tư cách nước đồng minh của Mỹ, thể hiện quan điểm về Biển Đông. Tuy nhiên, đáp lại trông đợi của Washington chỉ là sự im lặng hoặc thái độ trung lập của Seoul.

Nga, Mỹ diễn tập an toàn trên không tại Syria

 Không lực Nga và Mỹ đã có cuộc diễn tập các biện pháp an toàn trên không tại Syria vào ngày 3.11 nhằm giảm nguy cơ máy bay 2 bên đụng độ khi tiến hành các chiến dịch tại đây.
may bay nga va my da co cuoc dien tap dam bao an toan tren khong tai syria ngay 3.11 - anh: reuters

Máy bay Nga và Mỹ đã có cuộc diễn tập đảm bao an toàn trên không tại Syria ngày 3.11 - Ảnh: Reuters

Trong cuộc diễn tập, không quân 2 nước đã thực hiện các quy trình nhằm tránh các vấn đề xảy ra khi máy bay 2 bên bay gần nhau trên bầu trời Syria, đài RT dẫn lời người phát ngôn Andrey Kartapolov của Tham mưu trưởng quân đội Nga nói ngày 3.11.
Cuộc diễn tập này diễn ra chỉ trong khoảng 3 phút tại vùng trời miền trung Syria, và các đội bay dùng cả tiếng Anh và tiếng Nga để liên lạc, theo tờ Express.
Cuộc tập trận diễn ra vào 15 giờ ngày 3.11 (giờ Việt Nam). Hồi tuần trước, Moscow và Washington đã ký một bản ghi nhớ về an toàn trên không tại Syria. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phủ nhận coi đây là cuộc diễn tập, mà cho rằng chỉ là một bài kiểm tra liên lạc.
Người phát ngôn Jeff Davis của Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga vẫn được bảo đảm.
Nga tiến hành không kích chống IS tại Syria từ ngày 30.9 với sự tham gia của hơn 50 máy bay chiến đấu. Ngoài ra còn có các tàu chiến hải quân Nga tham gia chiến dịch này.
RT cho hay trong ngày 3.11, không quân Nga đã xuất kích 12 lần và đánh trúng 24 căn cứ của khủng bố nhờ sự hỗ trợ chỉ điểm của lực lượng đối lập Syria, theo ông Kartapolov.
Người phát ngôn Tham mưu trưởng quân đội Nga cũng xác nhận rằng Mocow đang liên lạc với lãnh đạo của một số nhóm nổi dậy ôn hòa Syria và nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng hợp tác với mọi lực lượng yêu nước Syria chống lại khủng bố IS, Mặt trận al-Nusra và các nhóm cực đoan khác.

Lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan sắp gặp nhau

Chủ tịch Trung Quốc và lãnh đạo Đài Loan sẽ có cuộc đối thoại lần đầu tiên của lãnh đạo 2 phía từ năm 1949, tại Singapore ngày 7.11.
lanh dao dai loan ma anh cuu (trai) se gap mat chu tich trung quoc tap can binh tai singapore vao ngay 7.11 - anh: reuters

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) sẽ gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore vào ngày 7.11 - Ảnh: Reuters

Văn phòng lãnh đạo Đài Loan cho biết ông Mã Anh Cửu sẽ bay sang Singapore để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 7.11 tới, theo Reuters ngày 3.11.
Hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề eo biển nhằm đảm bảo hòa bình tại vùng biển phân tách Trung Quốc đại lục và Đài Loan, theo người phát ngôn Charles Chen của ông Mã. Tuy nhiên, sẽ không có thỏa thuận nào được ký kết tại cuộc gặp này.
Các quan chức chính quyền và lãnh đạo các đảng phái chính trị Đài Loan sẽ có cuộc họp vào ngày 4.11 để bàn bạc về chuyến đi này. Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan (MAC) sẽ có cuộc họp báo vào ngày 4.11 trong khi ông Mã Anh Cửu sẽ họp báo vào ngày 5.11 để thông tin nhiều hơn về cuộc gặp.
Cuộc gặp bất ngờ lần này diễn ra sau những động thái làm ấm dần mối quan hệ giữa 2 bên từ khi ông Mã thuộc Quốc dân đảng (KMT) lên cầm quyền năm 2008. Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là phần lãnh thổ của mình dù cho 2 phía có chính quyền riêng từ khi Tưởng Giới Thạch và lực lượng Quốc dân đảng chạy sang Đài Loan sau thất bại trước đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông.
Cuộc gặp gỡ lịch sử này đến vào một thời điểm nhạy cảm khi Đài Loan sắp tiến hành bầu cử lãnh đạo và cơ quan lập pháp mới vào tháng 1.2016. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ Đài Loan phản đối việc xích gần lại Trung Quốc và không cho rằng Đài Loan hưởng lợi lộc gì từ mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Trung Quốc từng cố gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử tại Đài Loan vì không công nhận hòn đảo này độc lập và từng có ý dùng vũ lực để chiếm lại. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng KMT thân Trung Quốc hiện bị đảng đối lập Dân Tiến (DPP) có xu hướng độc lập bỏ lại phía sau, theo Reuters. Ông Chu Lập Luân, ứng viên đảng KMT cho cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan, là người ủng hộ tiếp tục chính sách về Trung Quốc của ông Mã Vĩnh Cửu. Trong khi đảng DPP nói rằng chỉ có người Đài Loan mới tự quyết định được tương lai.

Ukraine cho phép lính đánh thuê nước ngoài tham gia quân đội

Ukraine chính thức cho phép người nước ngoài hoặc không có quốc tịch tham gia vào quân đội nước này dưới hình thức lính đánh thuê.
linh my o ukraine - anh minh hoa: reuters

Lính Mỹ ở Ukraine - Ảnh minh họa: Reuters

Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko ngày 3.11 đã ký ban hành luật cho phép lính đánh thuê nước ngoài tham gia vào các lực lượng vũ trang của quân đội nước này, theo hãng tin Nga Sputnik. Việc tham gia quân đội đối với người nước ngoài hoặc những người không có quốc tịch dựa trên cơ sở hợp đồng đánh thuê với quân đội Ukraine.
Đạo luật mới của Ukraine cũng cho phép người nước ngoài hoặc những người không có quốc tịch trở thành sĩ quan của quân đội Ukraine nếu được chính quyền công nhận là công dân của Ukraine. Đạo luật liên quan đến lính đánh thuê nước ngoài được quốc hội Ukraine thông qua hồi đầu tháng 10.2015.
Lính nước ngoài được nói là tham gia quân đội Ukraine với số lượng khá đông dù luật chưa cho phép. Đài RT của Nga dẫn một nguồn tin cho biết việc ban hành đạo luật chỉ là hơp thức hóa sự hiện diện của khoảng 20.000 lính nước ngoài chủ yếu đến từ Ba Lan và Hungary.
Kiev tập trung quân cho chiến trường ở miền Đông nước này nhằm đối phó với lực lượng ly khai thân Nga. Ukraine cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho những nhóm vũ trang này, điều mà Moscow luôn phủ nhận.

Hàn Quốc sẽ tập trận trên đảo Nhật tuyên bố chủ quyền

 Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức hải quân cho biết Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch tiến hành tập trận phòng vệ thường lệ vào tuần tới trên đảo Dokdo, ở vùng cực Đông.

Đây cũng là quần đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. 

“Thời điểm chính xác diễn ra tập trận chưa được ấn định vì còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết” - quan chức này cho biết.


 Tàu tuần tra thuộc lớp PKG của Hải quân Hàn Quốc. 

Theo  Yonhap, tham gia đợt tập trận này có tổng cộng 10 tàu chiến, trong đó có một tàu tuần tra lớp PKG và nhiều máy bay. Cảnh sát tuần duyên Hàn Quốc cũng sẽ tham gia tập trận.

Cuộc tập trận sẽ được tiến hành dựa trên kịch bản lực lượng Hàn Quốc đánh chặn binh sĩ nước ngoài đang chiếm đóng bất hợp pháp những hòn đảo trên.

 

Vị quan chức này cũng cho biết cuộc tập trận chỉ thuần túy vì mục đích quân sự chứ không liên quan đến bối cảnh chính trị.
Hiện kế hoạch triển khai một máy bay chiến thuật của Không quân Hàn Quốc cũng đang được xem xét.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục