tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 13-02-2016

  • Cập nhật : 13/02/2016

Tổng thống Putin cách chức 10 tướng Nga

tong thong nga vua cach chuc 10 tuong linh nga - anh: reuters

Tổng thống Nga vừa cách chức 10 tướng lĩnh Nga - Ảnh: Reuters


Tổng thống Nga Vladimir Putin cách chức 10 viên tướng thuộc các lĩnh vực khác nhau, hãng tin RIA ngày 11.2 dẫn sắc lệnh tổng thống được công bố trên trang web chính thức của các cơ quan pháp luật Nga.

Đáng chú ý nhất là việc Tổng thống Putin sa thải người đứng đầu Ủy ban Điều tra của Cộng hòa Chechnya, ông Sergei Devyatov.

Tổng thống cũng bổ nhiệm thiếu tướng Oleg Kozlov làm Phó Tư lệnh Bắc Kavkaz của các lực lượng vũ trang thuộc Bộ Nội vụ.

Giám đốc Cục giám sát - phòng ngừa Bộ Tình trạng khẩn cấp Viktor Klimkin cũng bị cách chức.

Ông Putin cũng sa thải các quan chức cấp cao của Ủy ban điều tra Moscow: hai phó chủ nhiệm Eugene Minaev và Alexey Zyazeva. Tổng thống đã bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan điều tra hình sự vùng Kemerovo và Chelyabinsk: thiếu tướng Sergey Kalinkin và thiếu tướng Denis Chernyatiev.

Trong Bộ Nội vụ, Phó Cục trưởng Cục Cán bộ Yuriy Kostenko, Cục trưởng Cục Giao thông vận tải vùng Tây bắc Vadim Kashirina và Phó giám đốc Học viện Nội vụ Yuri Toropin đã bị cách chức. Tổng thống Putin đã bổ nhiệm tướng Vladislav Gorkavtsev làm Phó giám đốc cơ quan chống tham nhũng trong Bộ Nội vụ.

Trong hệ thống ngành dọc trực thuộc Ủy ban Liên bang Kiểm soát và phòng chống ma túy, thủ trưởng cơ quan ở khu vực Kirov, Komi, Moscow các tướng Vadim Konovalov, Alexander Protopopov và Ural Latypov đã bị cách chức. Đại tá cảnh sát Ivan Telenkov được bổ nhiệm làm giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng chống ma túy Moscow.

Động thái này của Tổng thống Putin được đánh giá là “cứng rắn, quyết liệt”, nhằm thực hiện chủ trương bài trừ tham nhũng và củng cố kỷ cương một cách mạnh tay.


Mỹ: 46 quản giáo nhà tù bị bắt vì nhận hối lộ

46 quan giao nha tu bi bat vi nhan hoi lo o bang georgia (my) - anh: afp

46 quản giáo nhà tù bị bắt vì nhận hối lộ ở bang Georgia (Mỹ) - Ảnh: AFP


46 quản giáo các nhà tù ở bang Georgia (Mỹ) bị bắt vào ngày 11.2 và bị truy tố nhiều tội danh khác nhau bao gồm tội nhận hối lộ.
Các quản giáo bị truy tố nhiều tội khác nhau, từ nhận hối lộ cho đến mua bán ma túy trái phép, ông John Horn, luật sư đại diện cho quận Northern của bang Georgia cho hay, theo AFP. Tổng cộng 46 quản giáo bị bắt, hai người dân cùng một tù nhân cũng bị truy tố sau chiến dịch chống tham nhũng và buôn ma túy tại 9 nhà tù khắp bang Georgia, ông Horn nói.
“Chiến dịch này vẫn chưa thể kết thúc vì có quá nhiều vấn đề phát sinh”, ông Horn cho biết thêm.
Cuộc điều tra ban đầu tập trung vào những vụ tuồn điện thoại di động trái phép vào các nhà tù; sau đó chính quyền bang Georgia phát hiện thêm hàng loạt sai phạm và mở rộng điều tra, theo ông Horn.
“Nhiều quản giáo ở khắp bang Georgia sẵn sàng bán rẻ những lời tuyên thệ, bán rẻ huy hiệu để trục lợi và để bảo vệ những đường dây mua bán ma túy trong nhà tù”, ông Horn nói thêm.
Gần 200 đặc nhiệm đã lục soát các nhà tù và bắt giữ những cán bộ quản giáo trên trong ngày 11.2.
Kể từ tháng 9.2015, chính quyền bang Georgia đã truy tố 100 người trong chiến dịch chống tham nhũng, buôn ma túy, buôn lậu (nhất là điện thoại di động) trong các nhà tù.

Tổng thống Myanmar không dự cuộc họp ASEAN - Mỹ

tong thong myanmar thein sein huy chuyen di my du hoi nghi thuong dinh asean-my - anh minh hoa:: reuters

Tổng thống Myanmar Thein Sein hủy chuyến đi Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ - Ảnh minh họa:: Reuters


Tổng thống sắp mãn nhiệm của Myanmar hủy kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ và sẽ không gặp Tổng thống Barack Obama để bàn những vấn đề của khu vực và Biển Đông.
Văn phòng Tổng thống Myanmar cho biết, ông Thein Sein quyết định hủy chuyến đi gặp Tổng thống Obama trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới ở bang California, Mỹ, nhưng không đưa ra lý do của việc hủy bỏ này, hãng tin Reuters cho hay ngày 11.2.
“Phó Tổng thống Nyan Htun sẽ thăm nước Mỹ thay cho Tổng thống Thein Sein, người bận chuyện khác. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn thông báo”, Zaw Htay, quan chức cao cấp của Văn phòng tổng thống phát biểu với Reuters.
Theo lời mời của Tổng thống Obama đưa ra hồi năm 2015 nhân tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ gặp người đứng đầu Nhà Trắng trong 2 ngày 15 và 16.2 ở Sunnylands, nơi ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Obama và lãnh đạo ASEAN trên đất Mỹ được cho là sẽ bàn về chương trình hợp tác và phát triển kinh tế giũa 2 bên, đặc biệt tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề liên quan đến nhiều nước thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Myanmar không có tranh chấp ở Biển Đông và cũng không thể hiện lập trường của mình về vấn đề này. Chính phủ nước này chưa từng công bố sẽ cử đoàn tham gia thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, cuộc gặp được giới chuyên gia bình luận là cơ hội cuối cùng của Tổng thống sắp mãn nhiệm thể hiện chính sách đổi mới của Myanmar với người đứng đầu chính phủ Mỹ và các nhà lãnh đạo thành viên ASEAN.
Đảng của ông Thein Sein đã thất thế trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2015 trước sự thành công ngoài dự đoán của đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Chính phủ của Tổng thống Thein Sein sẽ nhường lại vị trí lãnh đạo cho đảng đối lập vào đầu tháng 4.2016. Trước đó, vào giữa tháng 3.2016, Quốc hội Myanmar sẽ lựa chọn Tổng thống thay thế ông Thein Sein.

Vì sao lệnh cấm vận Triều Tiên không 'ép phê'?

Thượng viện Mỹ hôm 10.2 đã thông qua lệnh cấm vận mới chống lại Triều Tiên. Hạ viện Mỹ trước đó cũng đã làm điều tương tự. Nhưng có một lý do mà lệnh cấm vận sẽ không 'ép phê' với Triều Tiên: Trung Quốc.
Báo USA Today ngày 10.2 dẫn lời ông Richard Fisher, Phó chủ tịch Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế - một tổ chức tư vấn chính sách ở Mỹ - nhận định rằng Trung Quốc chính là ngân hàng trung ương của Triều Tiên. Mọi ngân hàng mà Triều Tiên dùng để giao dịch thương mại, nhập khẩu và các chương trình vũ khí đều "chạy" qua Trung Quốc.
Chính vì thế, ông Fisher kết luận: "Nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, mọi sự cấm vận tài chính đều không đạt được hiệu quả tới nơi tới chốn".
Các công ty Trung Quốc cũng là xương sống của nền kinh tế Triều Tiên. Nhưng khác với lệnh cấm vận mà trước đây Mỹ áp đặt lên Iran, trong đó trừng phạt cả những công ty nước ngoài làm ăn với Iran; lệnh trừng phạt mà quốc hội Mỹ vừa thông qua không trừng phạt đối tượng này.
Một phần lý do là vì rất khó phát hiện được những công ty này. Giáo sư George Lopez tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế (thuộc Đại học Notre Dame, Mỹ) giải thích rất nhiều công ty nước ngoài nghĩ là họ làm ăn với các công ty hợp pháp của Trung Quốc nhưng thật ra đó chỉ là trung gian cho Triều Tiên.
Còn trừng phạt các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên là điều Mỹ không dám. Thị trường Trung Quốc khổng lồ quá quan trọng với nền kinh tế Mỹ.
Ông Fisher kết luận rằng Trung Quốc có liên quan rất nhiều tới các hành động của Triều Tiên. Chẳng hạn hồi năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép một công ty Trung Quốc cung cấp loại xe tải 16 bánh cho Triều Tiên. Đó là loại xe mà hiện Triều Tiên dùng để chuyên chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà chính Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá là có thể mang đầu đạn hạt nhân bắn tới tận Seattle (Mỹ).
dan dong, thanh pho cua trung quoc nam sat trieu tien - anh: afp

Đan Đông, thành phố của Trung Quốc nằm sát Triều Tiên - Ảnh: AFP

Ông Thomas Countryman, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, thì phát biểu rằng một khi Triều Tiên và Iran muốn mua công nghệ, thiết bị, vật liệu cao cấp phục vụ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, "đại cửa hàng" mà họ tìm đến không nơi nào khác hơn là Trung Quốc, theo USA Today.
Ngoài các lợi ích lớn lao về kinh tế, Trung Quốc cũng có những lý do rất quan trọng về mặt chính trị để muốn duy trì chính quyền hiện nay ở nước láng giềng Triều Tiên. Triều Tiên là "vùng đệm" rất quan trọng ngăn cách đất Trung Quốc với Hàn Quốc, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự. Chắc chắn Trung Quốc không muốn nhìn thấy cảnh lính Mỹ lượn lờ ở ngay sát sườn của mình.
Chính quyền Triều Tiên sụp đổ, dân tình hỗn loạn tràn qua biên giới Trung Quốc là một viễn cảnh khác mà Trung Quốc tìm mọi cách để ngăn chặn.
Ông Fisher cũng nhận định Trung Quốc luôn muốn dùng Triều Tiên để gây áp lực với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc chống lưng cho chính quyền Triều Tiên, Mỹ thì không thể làm gì nhiều Trung Quốc. Một lệnh cấm vận của Mỹ lên Triều Tiên trong bối cảnh như thế sẽ không thể phát huy hiệu quả như Mỹ mong đợi.

Triều Tiên đưa quân vào khu công nghiệp Hàn Quốc

han quoc tuyen bo dong cua, yeu cau doanh nghiep rut khoi kcn kaesong - anh minh hoa: afp

Hàn Quốc tuyên bố đóng cửa, yêu cầu doanh nghiệp rút khỏi KCN Kaesong - Ảnh minh họa: AFP


Triều Tiên hôm 11.2 tuyên bố sẽ đưa quân lính đến phong tỏa khu công nghiệp Kaesong gần biên giới với Hàn Quốc, sau khi Seoul quyết định đóng cửa nơi này, theo The Guardian.

Hôm 11.2, Hàn Quốc đã tuyên bố đóng cửa Kaesong như hành động đáp trả các hành động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên gần đây. Vào chiều cùng ngày, phía Triều Tiên tuyên bố yêu cầu quân đội đến để phong tỏa mọi tài sản tại nơi này, vì cho rằng biểu hiện của Hàn Quốc là “lời tuyên bố nguy hiểm về một cuộc chiến tranh”.

Khu phức hợp công nghiệp Kaesong, nằm trên đất Triều Tiên, được xem là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, những người láng giềng vốn không hài lòng về nhau trong suốt chiều dài lịch sử.

Mở cửa vào năm 2004, Kaesong chỉ bị đóng cửa một lần và hiện tại có 124 công ty Hàn Quốc đang hoạt động nơi này, với khoảng 50.000 lao động Triều Tiên làm việc.

Theo ghi nhận của AP, một số người Hàn Quốc tại Kaesong đã rời nơi này trước khi Triều Tiên đưa ra tuyên bố nêu trên, trong khi một nhóm ở lại để đợi thông tin tiếp theo.

Hàng trăm chiếc xe tải Hàn Quốc đã di chuyển qua biên giới hai nước, mang theo các tài sản, hàng hóa đã hoàn thiện và các thiết bị sau khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng tiền thu được từ Kaesong làm ngân quỹ phục vụ mục đích hạt nhân.

Hành động đóng cửa KCN Kaesong, một nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên, được xem như một trong những hoạt động phi chính trị mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Các diễn biến này cũng phản ánh tình trạng căng thẳng leo thang giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như các nước phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên như Mỹ và Nhật Bản.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục