tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 13-07-2016

  • Cập nhật : 13/07/2016

Mỹ kêu gọi tránh khiêu khích sau phán quyết về 'đường lưỡi bò'

Mỹ kêu gọi các bên liên quan tránh hành động khiêu khích, đồng thời tôn trọng phán quyết từ tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

phat ngon vien lau nam goc john kirby. anh: dod.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby. Ảnh: DoD.

"Quyết định do tòa trọng tài đưa ra hôm nay đối với vụ kiện Philippines - Trung Quốc là sự đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung, tìm cách giải quyết các tranh chấp" ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết trong một thông báo.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan hôm nay ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, trong đó tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". PCA cũng cho rằng tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này.

Mỹ thông báo vẫn đang nghiên cứu phán quyết về Biển Đông và không bình luận về giá trị vụ kiện nhưng ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình.

Ông Kirby kêu các nước tham gia UNCLOS chấp nhận quá trình giải quyết và phán quyết từ tòa là cuối cùng, có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc.

"Mỹ hy vọng và kỳ vọng rằng cả hai bên đều tuân thủ nghĩa vụ của họ", ông nói. "Sau khi có phán quyết quan trọng này, chúng tôi kêu gọi các bên không có hành động hoặc thông báo khiêu khích".

Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng muốn đảm bảo tự do đi lại và việc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế trong khu vực. Washington từng nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các dự án xây đảo nhân tạo. Hải quân Mỹ đã thực hiện các hoạt động thể hiện tự do hàng hải, tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo xây phi pháp, thách thức trực diện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.


Trung Quốc vẫn cố chống chế, Nhật tuyên bố ủng hộ phán quyết PCA

Sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), Nhật khẳng định kết quả của phiên tòa là phán quyết cuối cùng, có tính ràng buộc về luật pháp và các bên trong vụ kiện phải tuân thủ phán quyết này.

nguoi dan philippines xuc dong khi nghe phan quyet cua toa an quoc te ngay 12-7 - anh: reuters

Người dân Philippines xúc động khi nghe phán quyết của tòa án quốc tế ngày 12-7 - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 12-7 tuyên bố Nhật Bản ủng hộ tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và việc sử sụng các cách hòa bình để giải quyết tranh chấp thay vì sử dũng vũ lực và bắt nạt.

Tokyo cũng cho biết quân đội nước này sẽ giám sát chặt chẽ hành động của Trung Quốc sau phán quyết.

“Chúng tôi yêu cầu các bên phản ứng theo cách không gây căng thẳng. Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình” - Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani nói.

Trước đó, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc... đều yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ phán quyết của PCA.

Ngay sau phán quyết, Philippines đã phát tuyên bố hoan nghênh quyết định “cột mốc” của PCA. Theo Manila Bulletin, tổng thống Rodrigo Duterte đã triệu một cuộc họp nội các đầy đủ sau khi nhận bản quyết định chính thức vào lúc 17g12.

Tuy nhiên Trung Quốc cùng ngày tuyên bố bác bỏ phán quyết, khẳng định các đảo nhân tạo mà nước này xây trên Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và tiếp tục luận điệu cũ rằng người Trung Quốc đã có mặt ở đây hơn 2000 năm trước.

Reuters dẫn lời bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh có chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, và tuyên bố này của Trung Quốc phù hợp với luật lệ  quốc tế.

Trước đó, người phát ngôn Lu Kang của Trung Quốc cũng mỉa mai “cái gọi là phiên tòa phân xử ngay từ đầu đã được thiết lập trên cơ sở hành động trái luật của Philippines. Sự tồn tại của nó đã bất hợp pháp thì bất cứ phán quyết nào của nó cũng vô giá trị”. (TT)


Đài Loan sắp điều thêm tàu ra đảo Ba Bình

Đài Loan hôm nay tuyên bố không chấp nhận phán quyết từ tòa trọng tài về "đường lưỡi bò" và sẽ điều thêm tàu tuần duyên ra đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

dao ba binh, thuoc quan dao truong sa cua viet nam nhin tu ve tinh. anh: google maps.

Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google Maps.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan hôm nay thông báo về phán quyết, trong đó tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". PCA cũng cho rằng tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho nước này.

Alex Huang, người phát ngôn văn phòng lãnh đạo Đài Loan, nói phán quyết từ PCA không ràng buộc pháp lý và sẽ không để những lợi ích của hòn đảo bị ảnh hưởng. Theo Huang, tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán đa phương.

Đài Loan sau đó thông báo sẽ điều động thêm tàu tuần duyên đến đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, để tuần tra vùng biển quanh nó, Straits Times đưa tin. Đài Loan hôm 10/7 đã điều một tàu tuần duyên 2.000 tấn đến đảo Ba Bình.

Đài Loan chiếm giữ trái phép Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ba Bình nằm cách đảo Đài Loan khoảng 1.600 km, có diện tích gần 0,5 km2.


Trung Quốc không muốn thảo luận vấn đề Biển Đông tại ASEM

ten lua duoc ban di tu tau chien cua trung quoc trong cuoc tap tran tai bien dong (nguon: thx) 

Tên lửa được bắn đi từ tàu chiến của Trung Quốc trong cuộc tập trận tại Biển Đông (Nguồn: THX) 

Reuters đưa tin Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu ngày 11/7 cho rằng vấn đề Biển Đông không nên được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) ở Mông Cổ vào cuối tuần này. 

Dự kiến, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tham gia sự kiện này. 

Ông Khổng đã đưa ra tín hiệu rằng cuộc thảo luận về Biển Đông sẽ không được nước này hoan nghênh tại ASEM, vốn 2 năm diễn ra một lần, vì nó được thiết kế để thảo luận các vấn đề giữa châu Á và châu Âu. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Khổng nói: "Hội nghị Thượng đỉnh ASEM không phải là nơi phù hợp để thảo luận về Biển Đông. Không có kế hoạch thảo luận về vấn đề này ở trong nghị trình của hội nghị. Và nó không nên được đặt trong nghị trình."

ASEM sẽ là hội nghị ngoại giao quan trọng đầu tiên sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ngày 12/7 tới ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.


Xe lửa đấu đầu thảm khốc ở Ý, ít nhất 10 người chết

CNN dẫn nguồn từ Hãng thông tấn ANSA cho biết một tai nạn thảm khốc vừa xảy ra ở miền Nam nước Ý.

hinh anh hien truong vu tai nan xe lua nhin tu tren cao - anh: cnn

Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn xe lửa nhìn từ trên cao - Ảnh: CNN

Theo đó, vụ tai nạn xảy ra giữa hai đoàn tàu đang đi cùng một đường ray nhưng ngược chiều nhau.  

Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy hiện trường tai nạn, hai đoàn tàu tan nát và văng khỏi đường ray. Ít nhất 10 người chết, theo CNN. Có hình ảnh có 1 trẻ em được mang ra  từ hiện trường và đưa đi cấp cứu.

Theo BBC, tai nạn xảy ra trên tuyến tàu từ thành phố Bari đến Barletta. Truyền thông địa phương cho biết một chiếc tàu đi từ thành phố Andria trong khi chiếc còn lại từ Corato. Cả hai tàu đều có bốn toa.

 Ảnh chụp từ trên không cho thấy các toa tàu bẹp dí và vỡ nát sau vụ đâm, các mảnh vụn văng khắp các cây ôliu hai bên đường ray.

Ngay sau vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ đã có mặt để giải cứu các hành khách. Người phát ngôn lực lượng cứu hỏa cho biết có ít nhất 10 người đã chết và hàng chục người bị thương.

Một trong số những người được giải cứu có một trẻ em đã được đưa đến bệnh viện bằng đường không.

Tuy nhiên việc cứu hộ có thể gặp khó khăn do vụ tai nạn xảy ra ở giữa miền quê nước Ý.

 “Tôi nghĩ có rất nhiều người chết” – chỉ huy lực lượng cứu hỏa Riccardo Zingaro nói, cho biết số người chết có thể còn tăng do nhiều toa tàu bị hư hại nặng sau vụ tai nạn.

Cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận nào về nguyên nhân tai nạn. “Chúng ta sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi có được lời giải thích rõ ràng về chuyện đã xảy ra” – Reuters dẫn lời thủ tướng Ý Matteo Razi.

Tuyến tàu xảy ra tai nạn do công ty Ferrotramviaria quản lý. Mỗi ngày có khoảng 200 đoàn tàu đi qua tuyến đường này đưa hàng ngàn người về phía bắc Bari. Cơ quan chức năng đang thi công để biến nó thành tuyến đường ray đôi.

TTO sẽ cập nhật vụ tai nạn thảm khốc này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục